Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra :

Phê duyệt đề tài năm 2022: “Các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra”

Thứ hai, 15/11/2021 09:04
(ThanhtraVietnam) - Mới đây, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (CLKHTT) tổ chức phê duyệt Đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2022: “Các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra” (Đề tài).

Đề tài do bà Đậu Thị Hiền, Viện CLKHTT đăng ký làm Chủ nhiệm. TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng CLKHTT, Chủ tịch Hội đồng phê duyệt, chủ trì cuộc họp.

Theo Chủ nhiệm Đề tài, đối tượng thanh tra được hiểu là chủ thể có quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định mà hoạt động thanh tra tác động đến nhằm xem xét, đánh giá và kết luận việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn hoặc một công việc cụ thể có liên quan trực tiếp tới nội dung thanh tra. Luật Thanh tra năm 2010 không đưa ra khái niệm về đối tượng thanh tra, nhưng dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) đưa ra khái niệm: Đối tượng thanh tra là cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quyết định thanh tra.

Trong thời gian qua, các quyền của đối tượng thanh tra đã được thực hiện tương đối đầy đủ, đảm bảo đúng pháp luật. Chính việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động thanh tra, nó là cơ sở để các cơ quan thanh tra hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, có ý nghĩa thúc đẩy hoạt động thanh tra đạt hiệu lực, hiệu quả, liêm chính.

Xuất phát từ những yêu cầu mới, những hạn chế đặt ra, việc triển khai nghiên cứu Đề tài “Các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra” là rất cần thiết với mục tiêu là hoàn thiện cơ sở khoa học cho việc đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền của đối tượng thanh tra; đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về quyền của đối tượng thanh tra, Chủ nhiệm đề tài khẳng định.

Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu, Đề tài dự kiến triển khai 03 nội dung: Một số vấn đề chung về bảo đảm quyền của đối tượng thanh tra; thực trạng quy định pháp luật và thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền của đối tượng thanh tra; giải pháp hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm quyền của đối tượng thanh tra.

Tại cuộc họp, TS. Nguyễn Văn Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đánh giá cao sự chuẩn bị của Chủ nhiệm Đề tài, đây là một Đề tài tương đối khó. Đối tượng thanh tra không chỉ là cá nhân mà còn là tổ chức. Các quyền của cá nhân dễ xác định còn quyền của các tổ chức thì khó xác định. Đề tài nên xem xét khoanh lại phạm vi trong hoạt động thanh tra hành chính hoặc thanh tra chuyên ngành.

ThS. Lê Thị Thúy, Viện CLKHTT nêu ý kiến, thuyết minh Đề tài được chuẩn bị nghiêm túc; cần sửa mục tiêu chung để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp; mục tiêu cụ thể nên sửa mục tiêu thứ nhất: Làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản về bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra trong hoạt động thanh tra.

“Tại Nội dung 1, Đề tài cần tập trung giải quyết vấn đề trọng tâm là các yếu tố cần thiết bảo đảm thực hiện các quyền của đối tượng thanh tra: Ghi nhận quyền, tổ chức thực hiện quyền và bảo vệ quyền của đối tượng thanh tra”, Ths. Lê Thị Thuý nhấn mạnh.

Kết luận tại cuộc họp, TS. Nguyễn Tuấn Khanh đề nghị Ban Chủ nhiệm Đề tài chỉnh sửa một số nội dung mà các đại biểu đã góp ý. Bên cạnh đó, nội dung bảo đảm cần ghi nhận quyền, quy định quyền của đối tượng thanh tra; tổ chức thực hiện trên thực tế các quyền này như thế nào? bảo vệ các quyền khi bị xâm hại, thiết chế nào đứng ra bảo vệ?

Phần lý luận cần tập trung giải quyết các vấn đề: Quan niệm, phân loại, đặc điểm; nội dung, các yếu tố bảo đảm; trách nhiệm của các chủ thể trong bảo đảm; yếu tố tác động… Hội đồng phê duyệt nhất trí đổi tên Đề tài thành “Bảo đảm thực hiện quyền của đối tượng thanh tra”.

Kết thúc buổi họp, trên cơ sở dự kiến các nội dung nghiên cứu và sự thống nhất với Chủ nhiệm Đề tài, Hội đồng phê duyệt nhất trí phê duyệt thuyết minh Đề tài để triển khai nghiên cứu. 

Lan Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra