Vụ trưởng phải có năng lực triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật

Thứ năm, 02/05/2024 07:13
(ThanhtraVietNam) - Ngoài tiêu chuẩn chung, Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ phải có năng lực triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Dấu hiệu vi phạm, căn cứ để Thanh tra tỉnh kiểm tra doanh nghiệp ngoài nhà nước

Quốc hội sẽ tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ 7

Thiết thực chăm lo công nhân, người lao động

Yêu cầu thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND thị trấn Ngãi Giao

Điểm mới và thẩm quyền xử phạt của thanh tra trong lĩnh vực thủy sản

Đề nghị thanh tra việc xây dựng công trình qua giám sát

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. ITN

Nghị định 29/2024/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2024.

Quy định chung lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng

Theo đó, Nghị định phạm vi điều chỉnh của Nghị định mới bao gồm: (1) Bộ, cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ); (2) Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước; (3) Cơ quan thuộc Chính phủ; (4) Bộ máy hành chính giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; (5) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Sở và tương đương); (6) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là phòng và tương đương); (7) Các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước khác được thành lập theo quy định của pháp luật.

Nghị định mới có các quy định bao trùm lên các tiêu chuẩn, điều kiện về chức danh công chức lãnh đạo, quản lý (gọi chung là lãnh đạo, quản lý). Lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng tiêu chuẩn chung về các mặt: tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác.

Trong đó, về chính trị tư tưởng, lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng: (1) Trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng về độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội và đường lối đổi mới của Đảng. (2) Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật. (3) Có tinh thần yêu nước, đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể lên trên lợi ích cá nhân. (4) Chấp hành sự phân công của cơ quan, tổ chức; tuân thủ kỷ luật phát ngôn theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng và pháp luật.

Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, lãnh đạo, quản lý phải đáp ứng:

(1) Có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực; lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; có tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; không tham nhũng, vụ lợi; không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

(2) Có trách nhiệm cao với công việc.

(3) Có tinh thần đoàn kết, gương mẫu; có khả năng sử dụng, trọng dụng người có tài năng, hướng dẫn, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động.

(4) Tích cực đấu tranh ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lối sống cơ hội, bè phái, lợi ích nhóm.

(5) Tuân thủ và thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức, kỷ luật, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện các quy định, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác; báo cáo đầy đủ, trung thực với cấp trên; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, khách quan khi có yêu cầu; thực hiện việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập theo quy định.

Cùng với các điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ và về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác, thì lãnh đạo, quản lý phải có năng lực, uy tín chung như sau:

(1) Có tư duy đổi mới, phương pháp làm việc khoa học; có năng lực tổng hợp, phân tích và dự báo.

(2) Nắm vững các nội dung về quản lý nhà nước, quy định của pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực; có khả năng phát hiện hạn chế, bất cập trong thực tiễn và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

(3) Có năng lực triển khai thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và tổ chức thực hiện quy định của pháp luật.

(4) Có khả năng quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của tập thể, cá nhân; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; có thành tích nổi trội, có sản phẩm cụ thể trong quá trình công tác phù hợp với tiêu chuẩn chức vụ, chức danh dự kiến bổ nhiệm.

(5) Có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện công tác chuyên môn.

Vụ trưởng phải có năng lực triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra

Đáng chú ý, Nghị định mới quy định tiêu chuẩn đối với chức năng công chức lãnh đạo, quản lý thuộc bộ như sau:

Thứ trưởng là cấp phó của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, giúp Bộ trưởng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý một hoặc một số ngành, lĩnh vực, chuyên ngành công tác theo phân công của Bộ trưởng; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung tương ứng quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này và các quy định:

(a) Có quan điểm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử; am hiểu sâu sắc về pháp luật, quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực quản lý và thông lệ quốc tế;

(b) Có năng lực: Tham mưu hoạch định những vấn đề chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án, chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ và hằng năm của ngành, lĩnh vực; chỉ đạo hoặc trực tiếp giải quyết những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực; chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, chế độ công vụ, công chức; chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền; triển khai phối hợp giữa các bộ, ngành và giữa trung ương với địa phương để thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật;

(c) Đang giữ chức vụ: Tổng cục trưởng và tương đương; Phó Tổng cục trưởng và tương đương (đã kinh qua chức vụ Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ); Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc chức vụ, chức danh tương đương trở lên theo quy định của cấp có thẩm quyền.

Cùng với quy định cụ thể về các điều kiện, tiêu chuẩn đối với các chức danh: Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ; Trưởng phòng và tương đương thuộc Bộ; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Bộ; Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ; Phó Trưởng phòng và tương đương thuộc Chi cục thuộc Cục thuộc Bộ (từ Điều 12 đến Điều 16) Nghị định mới cũng quy định rõ đối với chức danh Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ.

Theo Điều 11, Nghị định 29/2024/NĐ-CP, Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ là người đứng đầu Vụ, đơn vị tương đương thuộc Bộ, có nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, tham mưu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, chuyên ngành trong phạm vi cả nước hoặc tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý, quản trị nội bộ của Bộ; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và trước pháp luật về chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đáng chú ý, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung tương ứng quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này và Vụ trưởng phải có quan điểm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử; am hiểu sâu sắc về pháp luật, quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực quản lý và thông lệ quốc tế; nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực quản lý.

Để làm Vụ trưởng, thì cá nhân phải đang giữ chức vụ Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ hoặc Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục, đồng thời phải có năng lực: Đề xuất, tham mưu những vấn đề chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; tham mưu xây dựng và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện có hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án, chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ và hằng năm của ngành, lĩnh vực; tham mưu giải quyết những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực; triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; tham mưu giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền; tham mưu công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và giữa trung ương với địa phương để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật./.

Tràng An

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra