|
|
Công ty cổ phần dệt may Tiên Hưng (Hưng Yên) phối hợp Bệnh viện Dệt may Việt Nam tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ công nhân viên Tháng Công nhân 2024. (Ảnh: MAY TIÊN HƯNG) |
Không chỉ là những phần quà, mái ấm được trao đi mà còn là những tình cảm ấm áp, yêu thương, sẻ chia của tổ chức công đoàn nói riêng dành cho những người lao động có hoàn cảnh khó khăn mà còn là sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội nhằm chung tay xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh.
Mỗi dịp Tháng 5 về, đội ngũ công nhân, lao động lại nhận thêm nhiều sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền, người sử dụng lao động. Có thể thấy, đợt cao điểm chăm lo cho người lao động ngày càng phát triển rộng hơn, thấm sâu vào cơ sở, gắn với nhu cầu, nguyện vọng của công nhân lao động, trở thành trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức công đoàn, ngành lao động-thương binh và xã hội, doanh nghiệp cũng như toàn xã hội cùng nhau hành động vì an toàn, hạnh phúc của người lao động.
Năm 2024 là lần thứ 13, Tháng Công nhân được tổ chức theo Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Qua mỗi năm, hoạt động của Tháng Công nhân ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và thiết thực hơn.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Năm 2024 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, năm thứ ba triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”.
Tháng 5 này, càng đặc biệt hơn khi Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 5/2024 sẽ xem xét, thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và cho ý kiến vào Luật Công đoàn (sửa đổi). Đây là những luật liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm của đoàn viên, người lao động và hoạt động công đoàn.
Chính vì vậy, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định Tháng Công nhân có chủ đề “Đoàn kết công nhân-Triển khai nghị quyết”, với 5 hoạt động chủ yếu: Chương trình “Đưa nghị quyết Đại hội vào cuộc sống”; “Đối thoại tháng 5”; “Tiếp xúc chuyên đề với cử tri công nhân”; “Cảm ơn người lao động”
Tháng Công nhân năm 2024 cũng được xác định là tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và triển khai hoạt động tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu. Từ tháng 4, nhiều liên đoàn lao động địa phương đã thể hiện tinh thần chủ động và bước đầu đạt được kết quả đáng khích lệ.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định lần đầu tiên bố trí cán bộ chuyên trách phát triển đoàn viên tới huyện, ngành. Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Định Hà Duy Trung cho biết: Theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Công đoàn Bình Định và chỉ tiêu giao tăng thêm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến hết nhiệm kỳ 2023-2028, toàn tỉnh phấn đấu có 188 nghìn đoàn viên công đoàn. Theo đó, phấn đấu thực tăng 20 nghìn đoàn viên trong năm 2024, nâng tổng số đoàn viên công đoàn toàn tỉnh lên gần 107,5 nghìn người; trong đó có 1.000 đoàn viên mới là lao động khu vực phi chính thức.
Việc bố trí, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ được chú trọng là hành động cụ thể để có thể hoàn thành chỉ tiêu. Ông Hà Duy Trung cho biết: Lần đầu tiên, chúng tôi sẽ tăng cường ở cấp tỉnh từ 1 đến 2 nhân sự; cấp huyện, ngành 1 nhân sự chuyên trách công tác phát triển đoàn viên. Đội ngũ này được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, tập huấn nội dung, phương pháp, kỹ năng phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố chưa thành lập tổ chức công đoàn để trao đổi về tình hình lao động và ổn định sản xuất, kinh doanh cũng như sớm hoàn thiện thủ tục thành lập tổ chức công đoàn trong tháng 5 nhân dịp Tháng Công nhân và dịp Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng năm 2024.
Tại cuộc gặp gỡ, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên đã khẳng định: Việc thành lập tổ chức công đoàn chỉ giúp cho doanh nghiệp phát triển ổn định hơn, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người lao động, để từ đó có những chính sách, quyết định nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như những khúc mắc trong quá trình làm việc. Tổ chức công đoàn sẽ là cầu nối để doanh nghiệp và người lao động hiểu nhau thêm, cùng tạo ra môi trường làm việc tốt, xây dựng mối quan hệ hài hòa, cùng phát triển.
Một trong những điểm mới của Tháng Công nhân năm 2024 là công tác chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc phân cấp các hoạt động, tạo điều kiện để các cấp công đoàn lựa chọn triển khai thực hiện, bảo đảm phù hợp với cơ sở, với nhu cầu của đoàn viên, người lao động; từ đó, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp ủy đảng, chính quyền, người sử dụng lao động, tập trung nhiều nguồn lực để chăm lo toàn diện tới công nhân, lao động.
Ở cấp trung ương diễn ra các hoạt động trọng tâm như Lễ phát động Tháng Công nhân-Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024; trong tháng 5 này, phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản tổ chức tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo của hệ thống chính trị các cấp trưởng thành từ công nhân, công đoàn”; đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, chia sẻ, lắng nghe, đối thoại với công nhân, lao động năm 2024.
Với những hoạt động hướng về cơ sở, hướng về đoàn viên, người lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỳ vọng sẽ vượt chỉ tiêu đề ra là có 50% trở lên công đoàn cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp tổ chức ít nhất 1 hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân; hơn 30% công đoàn cơ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp tổ chức hoạt động phù hợp hưởng ứng Tháng Công nhân.
Một hoạt động trọng tâm của Tháng Công nhân năm 2024 đó là tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân, lao động. Đây là diễn đàn để đại biểu Quốc hội tiếp xúc, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri là công nhân, lao động; đồng thời khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và tổ chức công đoàn đối với công nhân, lao động.
Tổng Liên đoàn đề nghị liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố tổ chức ít nhất 1 buổi tiếp xúc cử tri, và khuyến khích tổ chức nhiều buổi tiếp xúc chuyên đề. Công nhân sẽ tập trung góp ý với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động, trọng tâm là Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn (sửa đổi); vấn đề tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của công nhân, lao động; vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần và tình trạng tín dụng đen trong công nhân.
Lần đầu tiên, 53 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố phối hợp đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề giữa đại biểu Quốc hội với công nhân, lao động, thu hút gần 1 nghìn lượt ý kiến, kiến nghị, tạo tiền đề để Tổng Liên đoàn đề xuất Chủ tịch Quốc hội chủ trì diễn đàn người lao động lần đầu tiên với chủ đề “Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn”./.