Sẽ thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

Thứ hai, 17/05/2021 14:08
(ThanhtraVietNam) – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) yêu cầu tổ chức thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2021 nhằm thực hiện đúng quy chế thi, các văn bản liên quan, góp phần bảo đảm cho Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng, đúng quy định.

8 nội dung được thanh tra, kiểm tra

Theo văn bản số 1952/BGDĐT-TTr ngày 13/5/2021 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bộ yêu cầu các Sở GDĐT, Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng tuân thủ quy định của pháp luật trong thanh tra, kiểm tra Kỳ thi; không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng thi (HĐT), không làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia Kỳ thi. Trong đó, Bộ có hướng dẫn cụ thể về nội dung thanh tra, kiểm tra.

Theo đó, công tác chuẩn bị tổ chức thi tập trung vào việc tuyên truyền về kỳ thi; phối hợp với các sở ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương để chuẩn bị các điều kiện cho Kỳ thi; thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành lập HĐT và các ban liên quan tại thời điểm thanh tra/kiểm tra. Chuẩn bị hồ sơ thi; cơ sở vật chất, phương án, phương tiện, thiết bị bảo đảm an ninh, an toàn tại nơi in sao đề thi, bảo quản đề thi, bài thi.

Công tác coi thi thực hiện quy định tại Điều 7 Thông tư số 23/2016/TT-BGDĐT; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Điều 8, 9, 10, 14, 19, 20 , 21, 22, 23, 54 quy chế thi và Phụ lục IV Hướng dẫn số 1318. Trong đó, tập trung vào việc tiếp nhận, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức coi thi; việc thành lập HĐT, ban coi thi, các điểm thi và các ban liên quan đến công tác coi thi tại thời điểm thanh tra, kiểm tra; thanh tra, kiểm tra công tác coi thi.

Tiếp nhận, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chấm bài thi tự luận; việc thành lập HĐT, Ban Chấm thi tự luận và các ban liên quan đến công tác chấm thi tự luận tại thời điểm thanh tra/kiểm tra; thanh tra, kiểm tra công tác chấm bài thi tự luận; việc bố trí khu vực làm phách, cơ sở vật chất, thiết bị, văn phòng phẩm để làm phách; bố trí khu vực chấm thi, phòng chấm thi, phòng chấm kiểm tra; việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Ban Chấm thi tự luận, các Ban của HĐT liên quan đến việc chấm bài thi tự luận – là những nội dung chính trong thanh tra, kiểm tra về công tác chấm bài thi tự luận.

Đối với công tác chấm bài thi trắc nghiệm, tập trung thanh tra, kiểm tra việc bố trí khu vực chấm thi, phòng chấm thi; chuẩn bị, kết nối hệ thống thiết bị; các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong việc chấm thi trắc nghiệm (máy chủ, máy trạm, máy quét...). Đặc biệt là việc bố trí, quản lý camera giám sát ghi hình tại phòng bảo quản bài thi, phòng chấm thi (không có kết nối Internet; phải có bộ lưu điện dự phòng, có dung lượng lưu trữ tối thiểu là 21 ngày; số lượng và vị trí lắp đặt camera); việc nhận đĩa kết quả chấm thi (được xuất từ Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm); việc sử dụng chức năng của Phần mềm Hỗ trợ chấm thi của Bộ GDĐT để nhập điểm từ đĩa kết quả chấm thi vào máy tính…

Một trong những nội dung được Bộ GDĐT yêu cầu thanh tra, kiểm tra tại Kỳ thi là việc xử lý các bài thi vi phạm Quy chế thi và cập nhật điểm thi vào Hệ thống. Cụ thể, đối chiếu biên bản xử lý kỷ luật, ký xác nhận danh sách thí sinh bị trừ điểm do vi phạm kỷ luật; việc cập nhật hình thức xử lý vi phạm vào Hệ thống quản lý thi trước khi xuất dữ liệu để hỗ trợ công tác chấm thi (tự luận, trắc nghiệm); việc xử lý đối với các bài thi của thí sinh vi phạm Quy chế thi.

Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu thanh tra, kiểm tra công tác: Phúc khảo bài thi tự luận; phúc khảo bài thi trắc nghiệm; xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Việc thanh tra, kiểm tra các nội dung nêu trên tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể bằng hình thức nghe, nhận báo cáo (bằng văn bản hoặc báo cáo trực tiếp) của đối tượng thanh tra/kiểm tra; thu nhận và kiểm tra các văn bản chỉ đạo, phối hợp, quyết định liên quan đến đối tượng thanh tra/kiểm tra; kiểm tra hồ sơ của đối tượng thanh tra/kiểm tra; kiểm tra thực tế.

leftcenterrightdel
 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ được thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu với 8 nội dung.(Ảnh minh họa, nguồn internet)

Phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi

Bộ GDĐT hướng dẫn rất cụ thể về thẩm quyền thanh tra, kiểm tra thi. Trong đó, Ban Chỉ đạo các cấp thành lập các đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra các khâu của kỳ thi. Chánh Thanh tra Bộ GDĐT quyết định thành lập các Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi và công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi tại các địa phương; trường hợp cần thiết, do Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định.

Chánh Thanh tra tỉnh cử người tham gia Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và cử người tham gia công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi tại địa phương theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Chánh Thanh tra sở GDĐT quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT của sở GDĐT; trường hợp cần thiết, do Giám đốc sở GDĐT quyết định.

Cục trưởng Cục Nhà trường xây dựng kế hoạch kiểm tra và ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT đối với cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý.

Đáng chú ý, Bộ nêu rất cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn người tham gia thanh tra, kiểm tra thi. Đó là những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; đã tham dự tập huấn và nắm vững Quy chế thi, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi và đạt yêu cầu bài kiểm tra đánh giá.

Cũng như các Kỳ thi trước, những người có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em một; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ dự thi trong năm tổ chức Kỳ thi không được tham gia công tác thanh tra/kiểm tra tại HĐT nơi có người thân dự thi.

Đặc biệt, không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi.

Đảm bảo không trùng lặp về phạm vi, đối tượng thanh tra, kiểm tra

Về tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra, Bộ GDĐT giao Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ và cơ sở giáo dục đại học, thành lập đoàn thanh tra/kiểm tra các khâu của kỳ thi tại các sở GDĐT, HĐT; chỉ đạo hoạt động các đoàn thanh tra/kiểm tra thi theo quy chế thi và các quy định của pháp luật về thanh tra/kiểm tra.

Bộ lưu ý, việc thành lập các đoàn thanh tra bảo đảm nguyên tắc: Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Thanh tra.

Trong khi đó, Thanh tra sở GDĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, thành lập đoàn thanh tra/kiểm tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT của Sở GDĐT. Người đã tham gia thanh tra chấm thi tự luận thì không được tham gia thanh tra phúc khảo bài thi tự luận; người đã tham gia thanh tra chấm thi trắc nghiệm thì không được tham gia thanh tra phúc khảo bài thi trắc nghiệm./.

Hoàng Minh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra