1. Nhận thức về thanh tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập nhằm cung cấp các dịch vụ công mà Nhà nước có lợi thế hoặc Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện cung cấp cho xã hội. Đối với những lĩnh vực mà khu vực ngoài Nhà nước không tham gia cung cấp thì các đơn vị sự nghiệp công của Nhà nước sẽ thực hiện, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với xã hội. Bản thân các đơn vị sự nghiệp công lập có hướng tới tự chủ về chi đầu tư và chi thường xuyên, tức là bảo đảm có đủ lợi nhuận để phát triển, tuy nhiên đây không phải là mục đích tối thượng của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trải qua một quá trình dài, các đơn vị sự nghiệp gắn liền với các cơ quan hành chính Nhà nước, không có sự phân biệt tách bạch giữa tổ chức, hoạt động, cơ chế tài chính, chế độ, chính sách đối với người lao động… Quá trình thực hiện Chương trình cải cách hành chính đã thúc đẩy việc phân định hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, còn đơn vị sự nghiệp thực hiện cung cấp dịch vụ công. Điều này đã phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu của xã hội.
Các đơn vị sự nghiệp công lập không có chức năng quản lý Nhà nước, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng quản lý trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ sự nghiệp của của đơn vị mình. Trong quá trình cung cấp dịch vụ công, phục vụ nhu cầu xã hội và quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập ban hành quyết định quản lý và tổ chức thực hiện trong nội bộ đơn vị mình. Việc ban hành và quá trình tổ chức thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đòi hỏi người đứng đầu đơn vị sự nghiệp phải đánh giá tính hiệu quả của hoạt động hoặc tìm ra những sơ hở, hạn chế, bất cập để kịp thời khắc phục nhằm đạt được mục tiêu quản lý của mình. Chính vì vậy, cần có hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là những đơn vị có quy mô lớn, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng do các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền giao. Việc tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập phụ thuộc vào quy mô, tính chất của đối tượng cần kiểm tra, thanh tra, có thể thành lập một bộ phận chuyên trách hoặc giao kiêm nhiệm cho một bộ phận hoặc cá nhân thực hiện.
Hoạt động thanh tra của đơn vị sự nghiệp công lập mang tính nội bộ và là hoạt động của tổ chức thanh tra hay của người được phân công làm công tác này thực hiện. Việc thanh tra được thực hiện theo những nguyên tắc chung của pháp luật về thanh tra và theo những quy định cụ thể do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quy định hoặc do cơ quan chủ quản của đơn vị sự nghiệp ban hành. Hoạt động thanh tra, kiểm tra gắn liền với cơ chế kiểm soát nội bộ của đơn vị, thực hiện xem xét, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ được giao đối với các đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các quy định về cung cấp dịch vụ, thu chi, quản lý tài chính, tài sản; bảo đảm tuân thủ và giảm bớt các rủi ro trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, cung ứng dịch vụ công và quyết định quản lý, đồng thời phát hiện những cơ chế, chính sách đã bất cập, không còn phù hợp, cản trở sự phát triển và hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công lập. Phạm vi hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập mang tính nội bộ, chủ yếu đối với các tổ chức, cá nhân trực thuộc mà không hướng ra ngoài xã hội, mang tính đặc thù của thanh tra, kiểm tra của thủ trưởng, có sự khác biệt cơ bản với thanh tra Nhà nước. Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra giúp kiểm soát nội bộ hiệu quả, góp phần tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập trước cơ quan chủ quản và pháp luật, qua đó tạo dựng uy tín, năng lực của đơn vị.
Với xu hướng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp hiện nay, hướng tới tự chủ trong tổ chức và hoạt động, việc kiểm soát hoạt động ngày càng đặt ra với yêu cầu cao hơn. Quá trình đổi mới hướng tới tự chủ hoàn toàn, bao gồm tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư đòi hỏi không những kiểm soát từ phía các cơ quan chủ quản, mà bản thân các đơn vị sự nghiệp công lập cũng cần kiểm soát toàn diện, hiệu quả việc triển khai các quyết định quản lý của mình. Khi tự chủ hoàn toàn về tài chính, nhiều các rủi ro trong hoạt động có thể dẫn đến mất kiểm soát, thất thoát tiền, tài sản của đơn vị, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công và các nhiệm vụ khác được giao. Kiểm soát thông qua hoạt động kiểm tra thường xuyên và thanh tra giúp kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm và khắc phục những hạn chế, bất cập trong chu trình quản lý.
2. Khái quát quy định và bất cập trong thực tiễn
Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra Nhà nước. Bên cạnh các quy định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra Nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Luật Thanh tra cũng có những quy định về hoạt động thanh tra trong các cơ quan khác của Nhà nước. Khoản 1 Điều 76 của Luật Thanh tra quy định, căn cứ vào quy định của Luật Thanh tra và các quy định của pháp luật khác có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan khác của Nhà nước tổ chức và chỉ đạo hoạt động thanh tra trong ngành, cơ quan mình. Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22/9/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra đã quy định cụ thể hơn về vấn đề này. Điều 78 của Nghị định quy định: “Cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh không được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước thành lập tổ chức thanh tra nội bộ hoặc bố trí cán bộ làm công tác thanh tra nội bộ để giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong phạm vi quản lý của mình. Căn cứ vào quy định của Luật Thanh tra và Nghị định này, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo hoạt động thanh tra trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mình”. Các quy định này xác lập nguyên tắc cơ bản cho tổ chức và hoạt động thanh tra trong các cơ quan Nhà nước khác, trong đó bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu...
Đơn vị sự nghiệp công lập có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Với quy mô và phạm vi hoạt động rộng, nội dung đặc thù, các đơn vị sự nghiệp phải bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chính trị mà các cơ quan chủ quản giao (ngoài nhiệm vụ chính trị còn có các hoạt động sự nghiệp). Để bảo đảm hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt các quyết định quản lý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, cần thiết có các thiết chế giúp kiểm tra, giám sát và kiểm soát quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác. Tuy nhiên, với quy định mang tính tùy nghi, việc tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập đã bộc lộ những bất cập, hạn chế nhất định, làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các đơn vị này, khái quát như sau:
Thứ nhất, cơ cấu tổ chức thanh tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập được tổ chức không thống nhất. Thực tiễn cho thấy, các đơn vị sự nghiệp công lập có quy mô lớn do Chính phủ thành lập như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam… có nhu cầu tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra để giúp người đứng đầu xem xét, đánh giá được các quyết định quản lý của mình. Với quy mô thực hiện dịch vụ công lớn và phục vụ quản lý Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập này đều thiết lập các tổ chức thanh tra với quy mô khác nhau. Việc không có các quy định hướng dẫn cụ thể về thiết chế thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập đã dẫn đến sự không thống nhất trong tổ chức, từ tên gọi đến quy mô, cơ cấu. Đây thực sự là một bất cập cần được nhận diện để có những quy định trực tiếp hoặc dẫn chiếu, tạo cơ sở cho người đứng đầu các đơn vị này tổ chức thiết chế thanh tra, kiểm tra trong hệ thống tổ chức của mình.
Thứ hai, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù hơn so với các cơ quan Nhà nước khác nhưng lại không có cơ chế áp dụng đặc thù, chỉ theo những quy định về trình tự, thủ tục chung mà không có quy định hướng dẫn cụ thể, trực tiếp về vấn đề này. Việc tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra thiếu đi sự chủ động, độc lập vì không có cơ sở pháp lý trực tiếp ở tầm luật hay nghị định. Bên cạnh đó, việc thiếu các hướng dẫn về hoạt động đã tạo ra sự không thống nhất trong áp dụng pháp luật thanh tra, không kiểm soát được chất lượng cuộc thanh tra, kiểm tra cũng như giám sát, phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra tại đơn vị. Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra và uy tín của tổ chức thanh tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ ba, thực tiễn hoạt động thanh tra, kiểm tra tại một số đơn vị sự nghiệp công lập lớn chưa được thực hiện thường xuyên; nội dung, phạm vi thanh tra, kiểm tra còn hạn chế; các cuộc thanh tra, kiểm tra toàn diện số lượng còn ít, chủ yếu tập trung vào các cuộc thanh tra, kiểm tra mang tính vụ việc, nhằm xem xét các vi phạm xảy ra trong đơn vị. Hoạt động thanh tra, kiểm tra ở nhiều đơn vị chưa đi vào chiều sâu, tính chuyên nghiệp chưa cao, phần lớn là các hoạt động kiểm tra theo yêu cầu của người đứng đầu. Bên cạnh đó, còn có những tồn tại, hạn chế về việc bố trí viên chức làm công tác thanh tra, kiểm tra không phù hợp, không được bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra hay cập nhật, chuyên môn, pháp luật.
Thứ tư, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và Nghị quyết 08/NQ-CP năm 2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra những định hướng, nhiệm vụ giải pháp cho việc tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó có việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện thanh tra, kiểm toán, giám sát về tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Các định hướng lớn này cũng đặt ra các yêu cầu cần hoàn thiện về cơ chế thanh tra, kiểm tra, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới.
3. Nhu cầu và định hướng hoàn thiện
Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập gắn liền với việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra. Điều này được xác định là một trong những giải pháp quan trọng trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Xuất phát từ yêu cầu của công tác quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cần có một thiết chế nhằm kiểm soát nội bộ, kiểm soát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của các tổ chức, cá nhân trong đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở các quyết định quản lý, các chương trình, kế hoạch công tác, việc triển khai cần được xem xét, đánh giá để bảo đảm đội ngũ viên chức, người lao động tuân thủ các quy định pháp luật, nội quy, quy chế của đơn vị và thực hiện đúng đắn các chức trách, nhiệm vụ được giao. Thanh tra, kiểm tra thường xuyên cũng thúc đẩy việc ngăn ngừa, hạn chế các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Ngoài các mục đích trên, hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập cũng giúp phát hiện các chính sách, các quy định và các chương trình, kế hoạch hoạt động của đơn vị không còn phù hợp, không khả thi để báo cáo kịp thời với người đứng đầu có các điều chỉnh, thay đổi. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với các đơn vị công lập cung ứng các dịch vụ như giáo dục, y tế… và các đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.
Nhằm hoàn thiện khuôn khổ thể chế, chính sách và hiệu quả hoạt động của tổ chức thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập thời gian tới, đáp ứng các yêu cầu của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, cần thiết thực hiện một số các giải pháp sau:
Một là, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, cụ thể cho tổ chức và hoạt động thanh tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Trước nhu cầu và thực tiễn các quy định hiện nay, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Thanh tra đã có tiếp cận và quy định đầy đủ hơn cho vấn đề này. Theo đó, ngoài việc quy định cụ thể hơn về tổ chức, hoạt động thanh tra của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, dự thảo Luật cũng quy định nguyên tắc trong việc thành lập cơ quan thanh tra tại một số đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục và giao Chính phủ quy định chi tiết về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, để có cơ sở pháp lý đầy đủ, thể hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về thanh tra, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, dự thảo Luật cũng quy định thêm một điều mang tính nguyên tắc trong tổ chức, hoạt động thanh tra nội bộ của đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nói chung. Tùy quy mô và tính chất hoạt động cụ thể của mình, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp tổ chức hoạt động thanh tra để giúp người đứng đầu thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện các hoạt động phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về hoạt động thanh tra trong đơn vị sự nghiệp; hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề hướng dẫn các doanh nghiệp thành viên, hội viên thực hiện kiểm soát nội bộ doanh nghiệp mình.
Hai là, cần nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý trực tiếp đơn vị sự nghiệp công lập, của người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập về vị trí, vai trò của hoạt động thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Từ nhận thức về sự cần thiết và trên cơ sở các quy định pháp luật sẽ thúc đẩy việc xây dựng cơ quan thanh tra và quy định về hoạt động của thiết chế này trong các đơn vị sự nghiệp công lập; tạo các điều kiện cần thiết về con người, cơ sở vật chất cho tổ chức và hoạt động thanh tra, kiểm tra trong đơn vị.
Ba là, cần xác định rõ vị trí, chức năng của tổ chức thanh tra, kiểm tra. Tổ chức thanh tra, kiểm tra là một đơn vị chuyên môn, giúp việc cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Tùy theo quy mô của đơn vị sự nghiệp mà tổ chức thanh tra, kiểm tra được thành lập riêng hay giao cho một số viên chức thực hiện. Tuy nhiên, về cơ bản, với các đơn vị sự nghiệp có quy mô lớn như Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh… thì cần thiết thành lập tổ chức thanh tra, kiểm tra độc lập. Tổ chức thanh tra, kiểm tra chịu sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp; thể hiện là công cụ quản lý của người lãnh đạo.
Các tổ chức thanh tra, kiểm tra giúp người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện thanh tra, kiểm tra nội bộ với các tổ chức, cá nhân trực thuộc đơn vị sự nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện tham mưu trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong đơn vị. Tuy nhiên, có thể tùy vào từng đơn vị mà giao thực hiện thêm một số chức năng như xây dựng văn bản nội bộ, bảo đảm tính pháp lý cho các quyết định, văn bản của người có thẩm quyền trong đơn vị sự nghiệp công lập… Các hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ có tính chất như thanh tra hành chính của các cơ quan Nhà nước vì đối tượng là những tổ chức, cá nhân trực thuộc người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Trong một số trường hợp đặc thù thì có hoạt động như thanh tra chuyên ngành (như Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam).
Bốn là, cần xác định và trao cho tổ chức thanh tra, kiểm tra những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, khả thi và phù hợp với tính chất, đặc điểm của hoạt động thanh tra, kiểm tra nói chung. Về cơ bản, tổ chức thanh tra, kiểm tra nói chung đều thực hiện các nhiệm vụ về thanh tra như xây dựng kế hoạch, tiến hành thanh tra, kiểm tra và theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra. Vì vậy, cần xác định rõ các nhiệm vụ này và các yêu cầu cụ thể của mỗi nhiệm vụ, gắn liền với các quyền hạn cụ thể để các viên chức thực hiện thanh tra có đủ thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra của mình. Bên cạnh đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra cũng phải thực hiện các nhiệm vụ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Đối với các cơ quan thanh tra Nhà nước, các quyền trong hoạt động thanh tra được Luật quy định cụ thể, và cả các biện pháp kiểm soát việc thực hiện quyền, nhằm tránh việc lạm quyền, lộng quyền. Trong các đơn vị sự nghiệp công lập, bản thân các viên chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra không phải là thanh tra viên, không phải là hoạt động công vụ nên về thẩm quyền sẽ có nhiều sự khác biệt. Về cơ bản, thẩm quyền thanh tra, kiểm tra trong nội bộ đơn vị là thẩm quyền của thủ trưởng đơn vị sự nghiệp. Các quyền cơ bản xuất phát từ yêu cầu quản lý như kiểm tra, xác minh làm rõ… và kiến nghị như các quyền trong hoạt động thanh tra hành chính. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc thù, có thể được trao các quyền khác như của thanh tra chuyên ngành (ví dụ thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam).
Năm là, cần đào tạo, nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra cho đội ngũ viên chức làm công tác thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc lựa chọn người làm công tác thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập cần phải đáp ứng được các yêu cầu của công tác thanh tra, có năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm, có bản lĩnh, công tâm, khách quan trong thực hiện nhiệm vụ… Để làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra cần phải được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra, được cập nhật các thông tin về chính sách, pháp luật khi có sự thay đổi hoặc ban hành mới.
Thanh tra, kiểm tra trong các đơn vị sự nghiệp công lập là một vấn đề không mới, đã được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Thanh tra 2010. Tuy nhiên, với sự ra đời của các chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng thúc đẩy sự chủ động, tự chịu trách nhiệm về hoạt động đã làm hoạt động này phụ thuộc hoàn toàn vào người đứng đầu đơn vị sự nghiệp. Luật Thanh tra với chỉ một quy định mang tính nguyên tắc đã làm cho thực tế tổ chức và hoạt động này trong các đơn vị sự nghiệp công lập gặp nhiều lúng túng, vướng mắc. Có nơi tổ chức với những quy mô khác nhau, có nơi không thành lập, có nơi hoạt động hiệu quả, có nơi chỉ mang tính hình thức…
Hoàn thiện pháp luật về vấn đề này, cần có những quy định hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn từ phía các cơ quan Nhà nước nhằm tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ cho hoạt động thanh tra tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó cần nâng cao tinh thần, ý thức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị về sự cần thiết, về vai trò và hiệu quả của các hoạt động này trong kiểm soát nội bộ, góp phần đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian tới, theo các chủ trương, định hướng về đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập mà Đảng, Nhà nước đang đặt ra./.
TS. Trần Văn Long
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ