Vai trò của cơ quan thanh tra trong điều kiện xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển

Thứ sáu, 19/06/2020 14:17
(ThanhtraVietNam) - Đây là đề tài khoa học cấp Bộ do TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế làm Chủ nhiệm được Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ tổ chức nghiệm thu chiều ngày 18/6, tại Hà Nội.

Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, Chính phủ tinh gọn với nguyên tắc Chính phủ kiến tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Chính phủ kiến tạo đã là một xu hướng và ngày càng được nhắc đến nhiều ở Việt Nam, nhưng cho đến nay, nội hàm của nó vẫn chưa hiểu được một cách rõ ràng, thống nhất.

leftcenterrightdel
 

Toàn cảnh buổi nghiệm thu. Ảnh: L.A


Dẫn lời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chủ nhiệm đề tài cho rằng, Chính phủ kiến tạo chủ động thiết kế chính sách và pháp luật để đất nước ta phát triển, không thể rơi vào thế bị động. Nhà nước không làm thay thị trường, cái gì làm tốt thì để nhân dân và xã hội làm; Chính phủ kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao chất lượng an sinh xã hội để phục vụ người dân tốt nhất. Chính phủ kiến tạo là Chính phủ hành động nói đi đôi với làm, đề cao trách nhiệm cá nhân, kỷ luật, kỷ cương và đặc biệt phải thay ngay những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu.

Cũng theo Ban Chủ nhiệm đề tài, việc chuyển từ mô hình Chính phủ quản lý sang mô hình kiến tạo đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có hệ thống cơ quan thanh tra.

"Thanh tra là tai mắt của người quản lý, là công cụ hữu hiệu của quản lý, thanh tra là phương thức tăng cường pháp chế, thanh tra là cái bóng của quản lý, thanh tra và quản lý là một chứ không phải là hai... Tất cả những nhận định đó nói lên sự gắn bó không thể tách rời giữa thanh tra và quản lý và khi quản lý đã thay đổi thì tất yếu thanh tra phải có sự chuyển mình, đổi mới để đáp ứng với yêu cầu mới của quản lý", Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 

Chủ nhiệm đề tài, TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: L.A 


Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, trên thực tế, cả trong nhận thức và quy định pháp luật vẫn còn không ít bất cập, gây khó khăn cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu một cách toàn diện về vai trò cũng như tổ chức và hoạt động thanh tra nhằm nâng cao hiệu quả hiệu lực của công tác thanh tra trong điều kiện xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động quyết liệt phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, vai trò của cơ quan thanh tra trong xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển đó là đảm bảo việc thi hành thống nhất, hiệu quả, phát hiện và khuyến nghị sửa đổi cơ chế, chính xác, pháp luật; kiểm soát quyền lực nhà nước trên cơ sở phòng ngừa, phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm của các chủ thể quản lý.

"Một Chính phủ tốt và minh bạch được đặt trong các cơ chế kiểm soát chặt chẽ góp phần làm trong sạch bộ máy, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ có, hỗ trợ ngày một tốt hơn, nhanh chóng và linh hoạt hơn cho nhu cầu của người dân và doanh nghiệp", TS Đinh Văn Minh chia sẻ.

Tại hội nghị, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao đề tài nghiên cứu và khẳng định tính cấp thiết của đề tài. Hội đồng nghiệm thu ghi nhận, đề tài đã nghiên cứu, làm sáng tỏ, giải quyết được một số vấn đề về Chính phủ kiến tạo và vai trò của cơ quan thanh tra trong hoạt động quản lý điều hành Chính phủ.

"Thành công của Ban Chủ nhiệm đề tài còn thể hiện làm rõ vai trò của cơ quan thanh tra trong công tác quản lý nhà nước nói chung và trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính nói riêng thông qua phân tích các phương diện hoạt động của cơ quan thanh tra với vai trò là phương thức kiểm tra, giám sát thực thi quyền hành pháp", Chủ tịch Hội đồng khẳng định.

Có thể nói, đề tài đã nêu được thực trạng vai trò của cơ quan thanh tra trong xây dựng Chính phủ kiến tạo thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra các tổ chức cá nhân trong việc chấp hành pháp luật và hoạt động giám sát hành chính...

Tuy nhiên, Hội đồng nghiệm thu cũng đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài cơ cấu lại số trang giữa các Chương; bổ sung thêm công tác phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan liên quan như: kiểm toán, điều tra, kiểm tra Đảng...

Đồng thời, cũng cần cơ cấu lại các trụ cột đánh giá vai trò của cơ quan thanh tra, bảo đảm lôgic với lý thuyết tại Chương 1 và đề xuất tại Chương 3...

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng khẳng định: Nội dung phù hợp với yêu cầu nghiên cứu; kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao nhận thức vào hoạt động thanh tra trong tình hình mới. Đặc biệt là trước yêu cầu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của Chính phủ; các quan điểm và giải pháp đưa ra là phù hợp, có tính khả thi; kiến nghị đưa ra thiết thực...

Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cũng đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài cần cơ cấu, chỉnh sửa các chương cho cân bằng theo ý kiến của các thành viên Hội đồng.

Hội đồng nghiệm thu cho điểm độc lâp, tổng kết, đánh giá đề tài xếp loại xuất sắc./.

Lan Anh

 


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra