Vai trò, ý nghĩa của truyền thông nhà nước và công tác truyền thông của TTCP

Thứ năm, 02/11/2017 14:39
(ThanhtraVietNam) – Quan niệm về truyền thông nhà nước; vai trò, ý nghĩa của truyền thông nhà nước nói chung và công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ (TTCP) nói riêng; phương thức thực hiện của truyền thông nhà nước; bối cảnh, yêu cầu mới đặt ra cho công tác truyền thông của cơ quan TTCP… là những vấn đề được đưa ra tại Tọa đàm sinh hoạt khoa học “Công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ” do Viện Khoa học Thanh tra tổ chức sáng nay 02/11.

Tại buổi Tọa đàm, nội dung về thực tế quy định và thực hiện công tác truyền thông của cơ quan Thanh tra Chính phủ thời gian qua; bài học kinh nghiệm từ công tác truyền thông của một số cơ quan nhà nước hay một số giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới công tác truyền thông của cơ quan TTCP trong thời gian tới cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Cần chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông

Nhà báo Hoàng Nghĩa Nhân, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay công tác truyền thông rất quan trọng, tuy nhiên, tùy thuộc vào tầm nhìn của lãnh đạo các đơn vị đối với công tác tuyên truyền, nếu coi trọng công tác này thì sẽ giảm những hiểu lầm, hỗ trợ trong công tác chính sách, cơ chế. Đặc biệt, đối với ngành thanh tra, qua công tác truyền thông sẽ giảm thiểu được những hiểu lầm trong quá trình thanh tra xử lý, giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo…

Về truyền thông nhà nước, nhà báo Hoàng Nghĩa Nhân chia sẻ, đặc thù thể chế là nhà nước chi phối đến đời sống người dân, tuy nhiên, nhà nước đang bị động và bị số đông dân chúng gây áp lực. Giữa cơ quan ngành giáo dục, y tế hay thanh tra rất khác nhau, y tế là gắn với người dân, gắn với cuộc sống hàng ngày; ngành thanh tra hay công an thì thường gắn với sức mạnh, thanh tra, kiểm tra, vi phạm và xử lý vi phạm… Khi nhà nước yếu thế thì cần chủ động hơn nữa trong công tác truyền thông; cần phân loại đối tượng: nội bộ và đối tác. Theo đó, đối tác là các cơ quan nhà nước, trong công việc hàng ngày của ngành thanh tra nói riêng, ngoài thực hiện quy định pháp luật, ngay trong công việc giao tiếp hàng ngày cũng gắn với công tác truyền thông. Khi TTCP đi làm việc với đối tượng thanh tra, không đơn giản là làm việc với đối tượng thanh tra mà cũng có nghĩa làm việc với đối tượng truyền thông, đối tượng là người dân (bạn đọc, người gặp mặt hàng ngày…). Đối tượng báo chí là công cụ, một kênh để lan tỏa, để kiểm chứng, người dân có xu hướng tin báo chí hơn. Từ những đối tượng phân tích ở trên để xác dịnh nội dung và phương pháp, cách thức làm truyền thông.

“Chức năng, nhiệm vụ của ngành thanh tra là thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Như vậy, cần xác định nội dung truyền thông phù hợp với từng đối tượng, gắn với chuyên môn, nghiệp vụ, gắn với sinh hoạt nội bộ ở cơ quan. Làm sao để những người trong nội bộ nắm được, đối tượng thanh tra hiểu được hoạt động của ngành thanh tra; đối với người dân thì giải đáp được nhu cầu tìm hiểu của họ. Theo đó, nội dung truyền thông của mỗi đối tượng mỗi khác hay xử lý sự cố truyền thông thì nội dung truyền thông cũng phải khác. Giải quyết truyền thông cần phù hợp với từng vụ việc”, nhà báo Hoàng Nghĩa Nhân khẳng định.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Tọa đàm 

Chủ động hợp tác với báo chí và truyền thông trên mạng xã hội

Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế chia sẻ, từ thực tế công tác truyền thông tại Bộ Y tế, cần phải đưa ra một hệ thống văn bản chỉ đạo rõ ràng để các cơ quan cấp dưới dựa vào đó để làm truyền thông. Bên cạnh đó, phải chỉ đạo về mặt điều hành, giám đốc các bệnh viện cần phải trực tiếp làm truyền thông. Sau đó, xây dựng bộ máy nhân sự Vụ Truyền thông, từ trung ương đến địa phương, thậm chí cả các trung tâm y tế tuyến huyện cũng có người làm truyền thông. Bộ Y tế xây dựng năng lực cho tuyến dưới bằng nhiều buổi tập huấn cho người phát ngôn, diễn thuyết trước công chúng như thế nào, kỹ năng viết thông tin, kỹ năng quan hệ với báo chí, kỹ năng tự truyền thông qua các phương tiện truyền thông (qua faceboook). Có thể nói, công nghệ truyền thông thay đổi hàng ngày. VÌ vậy, hàng năm, Bộ Y tế đã phải cập nhật những thay đổi của truyền thông, chủ động truyền thông, chủ động hợp tác với báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện cho báo chí hành nghề và đặc biệt cần phải gỡ bỏ tâm lý sợ truyền thông.

Cụ thể, Bộ Y tế đã chủ động truyền thông trên mạng xã hội (facebook, youtube…), tiến hành tới tất cả các cơ sở y tế, từ trung ương đến địa phương. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là người đầu tiên tiên phong làm điều đó nhằm cung cấp rất nhiều thông tin khác nhau để mọi người hiểu rõ ngành y tế… Thậm chí, Bộ Y tế còn có những hoạt động tập huấn cho nhà báo để họ hiểu ngành Y tế đang làm những vấn đề gì, hoạt động ra sao.

Để ngành Y thực sự hoạt động tốt, Bộ Y tế đã xây dựng bộ tiêu chí để tất các bệnh viện trong toàn tuyến áp dụng, hay phát động phong trào bắt buộc là tất cả các nhân viên tại các bệnh viện áp dụng là thái độ của y bác sĩ phải tích cực, dịch vụ y tế tốt, môi trường bệnh viện cần xanh - sạch - đẹp… Qua sự chia sẻ thực tế công tác truyền thông tại Bộ Y tế, ông Vũ Mạnh Cường mong rằng, ngành Thanh tra ngày càng chủ động cung cấp thông tin và minh bạch hóa…

Truyền thông phải nhanh và đặc biệt không né tránh

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Tổng Thư ký Tòa soạn Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ cho biết, công tác truyền thông hiện nay phải nhanh và đặc biệt không né tránh. Hiện, các cơ quan báo chí chính thống cũng đang chịu những áp lực nặng nề. Đơn cử cơ quan truyền thông tại cơ quan Thanh tra Chính phủ nếu không nhanh hơn mạng xã hội cũng sẽ bị chỉ trích. Chủ động ở đây cũng phải gắn liền với trách nhiệm, hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ và cơ quan báo chí, hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với nhau. Trong thời buổi công nghệ như hiện nay, cần ứng dụng công nghệ vào truyền thông. Chính phủ cũng có facebook, cũng livestream ngay trên facebook…

Tại Tọa đàm, đại diện Tạp chí Thanh tra cũng chia sẻ, từ những kinh nghiệm làm việc thực tế nhận thấy, truyền thông theo khái niệm rộng không đơn thuần là cung cấp thông tin, mà nhằm thỏa mãn yêu cầu hành động và suy nghĩ của mình. Các cơ quan nhà nước mới chỉ coi truyền thông là phương tiện cung cấp thông tin mà chưa phát huy được các hiệu quả khác của công tác truyền thông. Có nhiều ý nghĩa của công tác truyền thông, ngoài việc tuyên truyền, công tác truyền thông còn giúp cơ quan nhà nước nhận ra được các thiếu sót, hạn chế hay công chúng thông qua truyền thông để tố giác, góp ý… Để xây dựng chính sách truyền thông hiệu quả, mỗi cơ quan đơn vị dựa vào chức năng của mình, gắn liền với các đối tượng truyền thông, thông qua công tác truyền thông để tuyên truyền về hoạt động, kế hoạch của ngành; nêu gương điển hình tiên tiến trong công tác hay giải trình trước công chúng trong trường hợp có sai phạm hoặc định hướng dư luận về hoạt động của ngành./.

Lan Anh

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra