Còn bộc lộ nhiều hạn chế
Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Văn Minh cho biết, qua gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Thanh tra đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và công tác phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, Luật Thanh tra cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, qua việc tổng kết việc thi hành Luật Thanh tra của các bộ ngành, địa phương cũng bộc lộ nhiều hạn chế như, tổ chức bộ máy các cơ quan thanh tra nhà nước hiện nay hết sức dàn trải, phân tán và thiếu tính thống nhất. Mặc dù được tổ chức rộng khắp từ Trung ương đến địa phương nhưng hoạt động thanh tra thiếu một sự chỉ đạo điều hành thông suốt trong toàn ngành. Các cơ quan thanh tra ở bộ ngành, địa phương gần như hoàn toàn lệ thuộc vào cơ quan quản lý cùng cấp.
"Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, hiệu lực của công tác thanh tra; đội ngũ thanh tra luôn biến động, việc xây dựng và phát triển ngành hoàn toàn bị động bởi không thể kế hoạch hóa việc đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ thanh tra giỏi nghề nghiệp và tâm huyết gắn bó với ngành", ông Minh chia sẻ.
Theo ông Minh, các cơ quan thanh tra có chức năng quản lý nhà nước và trực tiếp thực hiện trách nhiệm, thẩm quyền trên ba lĩnh vực: thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng có nhiều bất cập như sự phân định về phạm vi thanh tra không rõ ràng; sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước là vấn đề đã và đang tồn tại rất khó khắc phục. "Các cố gắng phối hợp trong quá trình xây dựng kế hoạch cũng như thực tiễn hoạt động chỉ là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ cho vấn đề này" ông Minh nói.
Ngoài ra, những hạn chế, bất cập trong quy định về thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, cộng tác viên thanh tra. Theo quy định, công chức được thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành không được xếp ngạch thanh tra và hướng phụ cấp trách nhiệm thanh tra viên mà chỉ được hưởng chế độ bồi dưỡng trong thời gian thực hiện nhiệm vụ nên chưa đó viên được đó ngũ này. Việc quy định người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tài khoản 3, Điều 3 và 34 của Luật Thanh tra là chưa phù hợp với một số ngành mà lực lượng chủ yếu và viên chức hoặc sĩ quan quân đội và công an...
Hiện nay, tình trạng không hoàn thành kế hoạch thanh tra diễn ra khá phổ biến, do nhiều nguyên nhân như do cơ quan thanh tra phải thực hiện nhiều cuộc thanh tra ngoài kế hoạch. Với lực lượng mỏng và không có sự tinh nhuệ về chất lượng, khi có các cuộc thanh tra này thì đương nhiên cơ quan thanh tra phải tạm hoãn hoặc đẩy lùi các cuộc thanh tra theo kế hoạch. Phần lớn các cuộc thanh tra ngoài kế hoạch đều liên quan đến những vụ việc phức tạp, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, đòi hỏi tập trung nhiều thời gian, nhận lực. Bên cạnh đó, các cuộc thanh tra quá thời hạn cũng khá phổ biến.
Hoạt động thanh tra chuyên ngành hiện nay thực chất là hoạt động kiểm tra thường xuyên đã bị "thanh tra hóa". Thanh tra chuyên ngành chủ yếu là phát hiện và xử lý vi phạm với đối tượng là cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Trong khi đó, thanh tra hành chính hướng vào việc chấn chỉnh cơ chế quản lý và bảo đảm thực hiện công vụ, sự chấp hành pháp luật trong các cơ quan nhà nước và đội ngũ cán bộ công chức nhà nước. Ngoài ra, Luật Thanh tra cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập trong quy trình về giám sát hoạt động đoàn thanh tra và thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, quy định về theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra lại...
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh chủ trì hội thảo. Ảnh: L.A
Cần phải có cơ chế phân định rõ ràng
Cũng tại hội thảo, ông Đỗ Đức Toàn, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Thanh tra Chính phủ nhất trí với quan điểm của Ban soạn thảo dự án Luật Thanh tra sửa đổi, đồng thời ông Toàn cho rằng, chúng ta cần nghiên cứu để xử lý vấn đề sát nhập cơ quan thanh tra vào cơ quan kiểm tra Đảng như thế nào, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến không chỉ công tác tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, chế độ chính sách, thi đua khen thưởng. Dẫn chứng, ông Toàn lấy ví dụ: Trước đây, do ngành Thanh tra và Kiểm tra đều có phụ cấp ngành và thâm niên ngành, trang phục... nhưng nếu tới đây áp dụng chế độ lương mới sẽ không còn những chế độ như vậy, trong khi cơ quan Kiểm tra nếu vẫn có thì áp dụng thế nào...? ông Toàn đặt câu hỏi.
"Đương nhiên là Luật Thanh tra sẽ không thể điều chỉnh những vấn đề về Kiểm tra, nhưng nếu sự sát nhập này tiếp tục diễn ra thì chúng ta cần phải nghiên cứu để có phương án giải quyết", ông Toàn nói. Về vấn đề phân biệt thanh tra chuyên ngành và thanh tra hành chính, theo ông Toàn cần phải có một cơ chế phân định rõ, chúng ta chỉ thực hiện quản lý đối với thanh tra hành chính, tách lực lượng thanh tra chuyên ngành riêng...
Cũng nói về một số hạn chế, Chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí chỉ ra, qua thực tiễn hoạt động thanh tra như: tổ chức cơ quan thanh tra nhà nước dàn trải, phân tán và thiếu tính hệ thống; hoạt động thanh tra thiếu sự điều hành thông suốt trong toàn ngành từ Thanh tra Chính phủ đến địa phương; một số quyền quy định trong Luật hầu như chưa sử dụng về mặt quản lý nhà nước như quyền báo cáo Thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp trên đối với những vấn đề mà thủ trưởng cùng cấp không giải quyết liên quan đến công tác thanh tra mà nguyên nhân là tâm lý e ngại, ngại va chạm, nể nang.... Ông Trí cũng nêu rõ, Luật Thanh tra 2010 hoạt động thanh tra phụ thuộc nhiều vào Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp nên quyền hạn và hiệu lực thanh tra còn hạn chế. Cơ quan thanh tra mới chỉ dừng lại ở quyền kiến nghị nên tính hiệu quả thường không cao và phụ thuộc vào thái độ hợp tác của đối tượng thanh tra...
Ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu tại hội thảo. Ảnh: L.A
Cần xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra tập trung, thống nhất
Chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Trí cũng đưa ra giải pháp hoàn thiện Luật Thanh tra như hoàn thiện mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của cơ quan thanh tra theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra tập trung, thống nhất nhằm tránh sự phụ thuộc vào thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Bên cạnh đó, sửa đổi điểm a Khoản 2 Điều 21 theo hướng: Thanh tra tỉnh không chỉ có thẩm quyền thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập mà còn có thẩm quyền thanh tra đối với tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch thanh tra đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; giao cơ quan thanh tra được quyền khởi tố, điều tra ban đầu nhằm tăng cường tính chủ động của cơ quan thanh tra, hạn chế tình trạng phụ thuộc cơ quan điều tra khi phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu phạm tội.
Đồng thời quy định cơ quan thanh tra là thành viên hội đồng xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm phát hiện qua thanh tra; cần xác định rõ thanh tra bộ ngành chủ yếu thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; xác định rõ nội dung cụ thể, trọng tâm trong việc giám sát đoàn thanh tra. "Hướng vào giám sát hành vi và các biểu hiện tiêu cực, sách nhiễu của thành viên đoàn thanh tra; quy định trách nhiệm của người giám sát khi người cán bộ thanh tra thuộc đoàn thanh tra do mình giám sát có hành vi tiêu cực, gây khó khăn, phiên hà cho đối tượng thanh tra" ông Trí nói
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh nhấn mạnh, chủ đề của hội thảo hôm nay hết sức quan trọng, thiết thực trực tiếp phục vụ cho việc xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách về thanh tra. Hiện nay, hoạt động của các cơ quan có chức năng thanh tra đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thể thể chế, chính sách, pháp luật; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Kết quả có được trong hoạt động thanh tra những năm gần đây đã được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội ghi nhận, đã có những đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ trật tự, kỷ cương xã hội và phát triển đất nước.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: L.A
“Trong bối cảnh hiện nay, trước yêu cầu đẩy mạnh thực thi nguyên tắc về kiểm soát quyền lực nhà nước theo tinh thần Hiến pháp 2013; thực hiện chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, chủ trương xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển phục vụ nhân dân và đặc biệt là yêu cầu rất cao của công cuộc PCTN, ngành Thanh tra cần phải được kiện toàn mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trong bối cảnh lịch sử mới”, Phó Tổng thanh tra khẳng định.
Với chủ đề “Định hướng sửa đổi Luật Thanh tra”, các đại biểu đã tập trung vào 04 nhóm vấn đề liên quan tới bối cảnh, tiến trình, yêu cầu và trọng tâm sửa đổi Luật Thanh tra 2020 – những thuận lợi, khó khăn, thách thức; những thành công, hạn chế, bất cập của Luật thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành được phát hiện từ thực tiễn công tác thanh tra, quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng và nhu cầu về sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra và các văn bản pháp luật có liên quan; cơ sở xây dựng định hướng sửa đổi Luật Thanh tra, bao gồm: Hiến pháp; đường lối, chính sách của Đảng; Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các lý thuyết và mô hình, kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt, các đại biểu đã đề xuất lộ trình, các bước tiến hành và nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra 2010./.
Lan Anh