Dự án Luật Thỏa thuận quốc tế được trình Quốc hội xem xét lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Việc xây dựng dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý và nâng cao hiệu lực pháp lý các quy định điều chỉnh việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế, góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; đồng thời khắc phục các quy định bất cập, hạn chế của Pháp lệnh về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.
Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này gồm 7 chương, 53 điều quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện và tổ chức thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Quang cảnh một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Một số vấn đề tiếp tục xin ý kiến các đại biểu Quốc hội tập trung vào những nội dung chủ yếu về phạm vi điều chỉnh; khái niệm thỏa thuận quốc tế; bên ký kết Việt Nam; bên ký kết nước ngoài; nguyên tắc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; về việc ký kết thỏa thuận quốc tế; chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Cân nhắc một số chủ thể ký kết
Thảo luận nội dung dự án Luật, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chủ trương mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế về phía Việt Nam để phù hợp hơn với chủ trương hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới.
Đáng chú ý, việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế về phía ký kết Việt Nam (khoản 2, Điều 2) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến cụ thể.
Thẩm tra dự Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, nhiều ý kiến cho rằng việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã cần được cân nhắc thận trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội giải thích, hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh; đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định, do đó không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được trao quyền ký kết thỏa thuận quốc tế.
Liên quan đến vấn đề trên, trong phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến nêu quan điểm, thời gian qua, tại các tỉnh biên giới, việc kết nghĩa đồn, trạm biên phòng, kết nghĩa thôn, bản đã củng cố, nâng cao quan hệ Việt Nam với nước láng giềng. Tuy nhiên, quy định cấp nào được ký thỏa thuận quốc tế thì cần xem xét thêm.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nêu rõ chính quyền cấp xã không có bộ máy giúp việc, đặc biệt các xã miền núi, khó khăn, năng lực cán bộ còn hạn chế. Do đó, Chủ tịch Hà Ngọc Chiến đề nghị, chỉ Ủy ban Nhân dân cấp huyện trở lên mới được ký thỏa thuận quốc tế.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận định, nếu mở rộng chủ thể ký thỏa thuận quốc tế đến cấp xã thì quá “dễ dãi.” Phó Chủ tịch Quốc hội giải thích, quan hệ quốc tế rất nhạy cảm, vì thế văn bản, câu chữ phải chặt chẽ. Trong khi đó, cấp xã không có cơ quan chức năng có đầy đủ năng lực, kiến thức, trình độ tham mưu cho lãnh đạo trong công tác đối ngoại.
“Ngay cả cấp huyện nếu ký thỏa thuận quốc tế phải báo cáo xin ý kiến cấp tỉnh và tỉnh phải là cơ quan chịu trách nhiệm nếu cấp huyện làm sai,” Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng không nên phân cấp cho nhiều chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, vì việc này dễ dẫn đến sự thiếu thống nhất giữa các địa phương, nhất là giữa các địa phương có chung đường biên giới với cùng một quốc gia như ở Việt Nam.
Đề nghị bổ sung chủ thể ký kết
Bên cạnh việc cân nhắc một số chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế, nhiều ý kiến nêu rõ, dự thảo Luật quy định chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế chỉ là cơ quan của Quốc hội.
Tại phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, quy định như vậy chưa bao quát hết các chủ thể có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế về phía Quốc hội.
Cụ thể là chưa quy định các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội có thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý Tờ trình của Chính phủ có nêu, từ năm 2007-2019 có hơn 3.000 văn bản hợp tác quốc tế, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh các đơn vị trực thuộc, trong đó có đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, dự thảo Luật không thể hiện đối tượng chủ thể này, vì thế cần xem xét bổ sung trong dự thảo Luật. Do đó, các đại biểu đề nghị bổ sung chủ thể ký kết là Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Nhóm Nghị sĩ hữu nghị.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần quy định đầy đủ, chặt chẽ về đối tượng cơ quan trung ương và cơ quan cấp tỉnh của các tổ chức chính trị-xã hội, chính trị-xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp do những chủ thể này chưa bao quát hết các loại hình tổ chức ngoài nhà nước (như quỹ xã hội, quỹ từ thiện; tổ chức phi chính phủ, các tổ chức khoa học-công nghệ ngoài công lập...), các tổ chức nêu trên có hoặc không có cấp tỉnh, hoặc có cấp tỉnh song không nhất thiết là “cơ quan cấp tỉnh” của các tổ chức đó.
Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, các đơn vị sự nghiệp công lập như các cơ sở nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, giáo dục, y tế… đã ký kết nhiều thỏa thuận quốc tế; trên thực tế vẫn có nhu cầu ký kết thỏa thuận quốc tế. Do đó, các ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung chủ thể này vào dự thảo Luật. Một số ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu tổng kết việc ký kết thỏa thuận quốc tế của các tổ chức tôn giáo để có quy định phù hợp./.
Theo Diệp Trương (TTXVN/Vietnam+)