|
|
An Giang tập trung giải quyết giải quyết kịp thời các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Ảnh minh họa: ITN |
Theo Thanh tra tỉnh An Giang, trong Quý I vừa qua, trong công tác tiếp công dân, toàn tỉnh đã tiếp 1.744 lượt/1.751 người với 1.044 vụ việc. Đã tiếp nhận và xử lý 644/648 đơn thư, số đủ điều kiện để xử lý 492 đơn/492 vụ việc, trong đó có 164 đơn thuộc thẩm quyền (khiếu nại: 118 đơn, tố cáo: 04 đơn, kiến nghị, phản ánh: 42 đơn). Đến nay, qua công tác giải quyết khiếu nại đã giải quyết cho cá nhân 252m2 đất (04 hộ được xét cấp nền tái định cư).
Qua phân tích đơn, có thể thấy do tỉnh An Giang vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế xã hội, nên nội dung khiếu nại của người dân chủ yếu vẫn là về chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc các dự án trên địa bàn, một số đơn liên quan đến chính sách xã hội, đơn tố cáo về lĩnh vực giáo dục…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hộ khiếu nại kéo dài, gay gắt mặc dù đã được tỉnh và các cơ quan Trung ương rà soát, giải quyết thấu tình, đạt lý, đã vận động, thuyết phục, tổ chức thực hiện thêm các giải pháp hỗ trợ về tiền, về chỗ ở, đất nông nghiệp để sản xuất... nhưng người khiếu nại vẫn không đồng thuận, tiếp tục đi khiếu nại, tập trung tại cơ quan Trung ương ở Hà Nội.
Lượng đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm giải quyết của các cơ quan, đơn vị giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 114 đơn), đã được các cơ quan chuyên môn tham mưu giải quyết kịp thời, đúng quy định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.
Thực hiện Kế hoạch 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ, trên địa bàn An Giang có 30 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Đến nay, sau khi thống nhất, UBND tỉnh đã ban hành 28/30 thông báo chấm dứt, kết thúc giải quyết khiếu nại, trong đó có 11 công dân thống nhất chủ trương giải quyết của tỉnh và cam kết chấm dứt khiếu nại, với tổng số tiền hỗ trợ là 8,996 tỷ đồng, 9,9ha đất nông nghiệp và 16 nền nhà.
Trong thời gian tới, Thanh tra tỉnh An Giang xác định để thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 35/-CT-TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, nhất là trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu theo quy định của pháp luật tiếp công dân, không ủy quyền cho cấp phó trực tiếp công dân định kỳ.
Ngoài ra, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị, thành phố cần trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan trực thuộc giải quyết kịp thời, đúng quy định các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan mình, với các hành động cụ cụ thể:
Thứ nhất, tích cực kiểm tra, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu đề xuất xử lý, báo cáo hoặc phối hợp kịp thời trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, hạn chế phát sinh điểm nóng, đông người, bức xúc, gay gắt làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Thứ hai, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý đơn kịp thời, đúng pháp luật, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thứ ba, quan tâm thực hiện đúng chính sách, chế độ theo quy định đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các quy định về pháp luật tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.
Thứ năm, đối với các vụ việc khi đã có kết luận, quyết định giải quyết phải tổ chức chỉ đạo thực hiện ngay để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của việc giải quyết (nhất là những vụ việc khiếu nại kéo dài), hạn chế việc chậm xử lý làm tăng thêm sự bức xúc, gay gắt từ phía người dân.
Thứ sáu, quan tâm nắm chắc tình hình người dân bị ảnh hưởng giải tỏa, thu hồi đất để thực hiện các dự án đang gặp khó khăn trong cuộc sống để kịp thời hỗ trợ, thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Thứ bảy, tổ chức đối thoại, tiếp công dân để vận động, giải thích, công bố kết quả kiểm tra, rà soát, ban hành quyết định, thông báo kết thúc (nếu các hộ đồng thuận) hoặc thông báo chấm dứt giải quyết.
Thứ tám, quan tâm giải quyết hỗ trợ chính sách xã hội nhưng phải bảo đảm nguyên tắc: “nếu người khiếu nại đồng thuận thì mới thực hiện, không được xem việc hỗ trợ là nguyên cớ phát sinh khiếu nại”. Kiên quyết trả lời dứt khoát, chấm dứt không xem xét giải quyết đối với các trường hợp đã nhận các chính sách giải quyết hỗ trợ của Nhà nước và cam kết chấm dứt khiếu nại, nay quay trở lại yêu cầu giải quyết thêm.
Ngoài ra, đối với một số vụ khiếu nại mặc dù đã được Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh thống nhất phương án giải quyết, nhưng quá trình giải quyết, nếu công dân khiếu nại có yêu cầu đối thoại, xét thấy cần thiết, UBND tỉnh sẽ tổ chức đối thoại để giải quyết dứt điểm./.