Quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về việc công tác thanh tra
Đảng, Nhà nước xác định thanh tra là công tác quan trọng, có tính chất thường xuyên của các cơ quan lãnh đạo, quản lý. Thanh tra là chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý, phục vụ thiết thực sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, bảo đảm cho các chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước được thi hành nghiêm chỉnh.
Nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của công tác thanh tra đối với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước. Năm 1970 Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 176/CT-TW về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo, trong đó nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh tra là góp phần “bảo đảm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh; bảo vệ sự đoàn kết thống nhất, dân chủ và kỷ luật trong Đảng, trong cơ quan của Nhà nước; tăng cường mối liên hệ giữa Đảng, chính quyền và quần chúng”.
Chỉ thị số 38/CT-TW ngày 20/2/1984 của Ban Bí thư Trung ương Đảng xác định: Mục đích của thanh tra là đánh giá chính xác những mặt làm đúng, những mặt làm sai trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch của Nhà nước”. Chỉ thị này cũng yêu cầu “lãnh đạo các cấp ủy Đảng, các đồng chí lãnh đạo chính quyền các cấp cần nhận rõ các tổ chức thanh tra là công cụ đắc lực của Đảng, của chính quyền trong việc kiểm tra, thanh tra sự chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch của Nhà nước. Qua đó, nắm sát tình hình, đánh giá đúng phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ, Đảng viên của Đảng, cán bộ, nhân viên Nhà nước”
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ thanh tra là “tai mắt của trên, là người bạn của dưới”. Tư tưởng, quan điểm này của Người đã được thể hiện rõ ràng và sinh động trong nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước. Chỉ thị 50/CT-TW ngày 4/7/1962 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Chính phủ đã khẳng định: Tổ chức thanh tra chuyên nghiệp là tai mắt của cơ quan lãnh đạo các cấp, nó có trách nhiệm giữ gìn dân chủ kỷ luật nhà nước, bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền bắc năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Các Ban thanh tra phải chú ý kiểm tra chống lãng phí, tham ô, chẳng những cần báo cáo với Trung ương và Chính phủ giải quyết mà còn phải giúp các cấp lãnh đạo địa phương tìm ra được những biện pháp để tích cực chống lãng phí, tham ô”.
Thanh tra Bộ Công an. Ảnh: PV&BT
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX cũng đã nêu rõ một trong những biện pháp đẩy mạnh chống tham nhũng là “thanh tra, kiểm tra, kiểm kê, kiểm soát bảo đảm tính minh bạch trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, tài chính Đảng, đoàn thể, tài chính các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ do nhân dân đóng góp và do nước ngoài tài trợ”
Theo quan điểm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải thanh tra, kiểm tra và lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra. Quán triệt và thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước khi đề cập công tác thanh tra, đã luôn xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp đối với lĩnh vực công tác quan trọng này.
Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ rõ “tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí; kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng, xử lý nghiêm những cán nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Từng bước mở rộng phạm vi phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, chống tham nhũng”.
Dự báo những yếu tố tác động đến công tác thanh tra chuyên ngành
Căn cứ vào thực hiện Luật Thanh tra 2010; Căn cứ vào thực hiện Nghị định 41/2014/NĐ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an Nhân dân; Căn cứ vào Thông tư 06/2015/TT-BCA ngày 14/1/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy trình tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành của lực lượng Công an Nhân dân.
Căn cứ vào thực tế thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành từ 2015 đến nay, Cơ quan Thanh tra Bộ Công an đã triển khai 59 cuộc thanh tra chuyên ngành, thuộc các lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước; thi hành án hình sự; quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Công an xã; nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài; phòng chống ma túy; phòng cháy chữa cháy; quản lý cư trú;…đồng thời kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm khắc phục những khuyết điểm, sơ hở trong công tác quản lý, góp phần phát triển kinh tế và lập lại trật tự, kỷ cương xã hội.
Thực tế kết quả thanh tra chuyên nghành trong những năm qua được đánh giá là đạt nhiều kết quả tích cực nói trên, nhưng công tác thanh tra vẫn còn những hạn chế: số vụ, việc chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự không có; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản qua thanh tra vẫn còn thấp; việc xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật còn hạn chế. Căn cứ vào các quy định của Pháp luật nói trên và kết quả thực tiễn thanh tra chuyên ngành, dự báo khó khăn:
Thứ nhất: Đối tượng của hoạt động thanh tra chuyên ngành rất rộng bao gồm cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân…Do vậy, trong quan hệ phối hợp giữa các lực lượng tham gia gặp không ít khó khăn về thống nhất thời điểm, thời gian, phương pháp tiến hành.
Thứ hai: Hoạt động thanh tra chuyên nghành có thể được thực hiện thông qua đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên tiến hành thanh tra độc lập hoặc người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện. Với đặc thù của hoạt động thanh tra chuyên ngành phải tiến hành nhanh chóng và đặc biệt là trong nhiều huống là xử lý ngay các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng thời gian qua việc tiến hành thanh tra độc lập và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật là chưa có.
Thứ ba: Hoạt động thanh tra chuyên ngành phải được tiến hành thường xuyên, gắn với thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể về thanh tra thường xuyên.
Thứ tư: Quá trình thanh tra chuyên ngành (đoàn liên nghành) vẫn còn phụ thuộc quá lớn vào các ngành chuyên môn kỹ thuật, trong khi đó lực lượng thanh tra chuyên ngành Công an Nhân dân vẫn còn mỏng, chưa có nhiều kinh nghiệm, kiến thức về các lĩnh vực tài chính, chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Thứ năm: Số đối tượng thanh tra chuyên ngành nhiều nhưng công tác thanh tra của các tỉnh thành còn ít; thanh tra công an các tỉnh vẫn còn chưa chủ động trong việc tiến hành thanh tra, còn trông chờ vào kế hoạch của Bộ Công an hàng năm; điều này làm mất đi tính chủ động và tự chịu trách nhiệm đối với công tác thanh tra; nhiều lĩnh vực thanh tra chuyên ngành chưa được thanh tra.
Thứ sáu: Theo khoản 1 Điều 19 Thông tư 06/2015/TT-BCA ngày 14/1/2015 “trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra hoàn chỉnh báo cáo kết quả thanh tra và gửi người ra quyết định thanh tra…”. Tuy nhiên, nội dung báo cáo thường dàn trải, chưa nêu bật được tính chất, mức độ sai phạm và trách nhiệm của cá nhân có liên quan.
Thứ bẩy: Về ban hành kết luận thanh tra theo khoản 1 Điều 20 Thông tư 06/2015/TT-BCA “trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả thanh tra và dự thảo kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra phải ban hành kết luận thanh tra”. Đa số dự thảo kết luận thanh tra do Trưởng đoàn thanh tra xây dựng không khác nhiều so với báo cáo kết quả thanh tra; việc kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong một số trường hợp vẫn chưa rõ ràng, cụ thể, làm ảnh hưởng đến hiệu lực thanh tra.
Một Hội thảo về công tác thanh tra chuyên ngành lực lượng Công an. Ảnh: CAND
Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành
Thứ nhất: Thường xuyên quan tâm, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra trên các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng việc nâng cao nhận thức về công tác thanh tra đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật về thanh tra.
Thứ hai: Cần tạo điều kiện và quan tâm chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ làm công tác thanh tra, để học tập nâng cao trình độ…đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước về công tác thanh tra, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an Nhân dân trong sạch, vững mạnh. Việc bố trí cán bộ làm công tác thanh tra phải ổn định, lâu dài, tránh thường xuyên thay đổi. Chú trọng việc thực hiện kinh phí hoạt động thường xuyên, chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác thanh tra chuyên trách và kiêm nhiệm.
Thứ ba: Nội dung thanh tra phải có trọng tâm, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, dễ xảy ra các hiện tượng tiêu cực, vi phạm, như quản lý an ninh kinh tế, quản lý xuất nhập cảnh; quản lý và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan đến an ninh trật tự... Bên cạnh việc thanh tra theo kế hoạch phải chủ động nắm tình hình dư luận phản ánh để nghiên cứu, đề xuất và tiến hành các cuộc thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, từ đó kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật, tham nhũng.
Thứ tư: Nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra đảm bảo tính chính xác, đúng quy định pháp luật và khách quan, kịp thời, nghiêm minh, nhưng cũng phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi; khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc ban hành kết luận thanh tra. Thực tế cho thấy, kết luận thanh tra có đảm bảo các yếu tố nói trên thì việc theo dõi, đôn đốc mới có nhiều thuận lợi. Trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra mới hạn chế được các khó khăn, vướng mắc gặp phải cũng như những phản hồi tiêu cực như khiếu nại, khiếu kiện từ phía các đối tượng thanh tra cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì phải kịp thời phối hợp với cơ quan Công an và Viện kiểm sát Nhân dân để đánh giá, làm thủ tục chuyển hồ sơ ngay cho cơ quan Công an điều tra làm rõ.
Thứ năm: Quan tâm nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ thanh tra chuyên ngành, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhất là về kỹ năng tác nghiệp thanh tra, kỹ năng tham mưu kết luận và kiến nghị xử lý vi phạm được phát hiện qua thanh tra. Chú trọng việc giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ thanh tra; xây dựng người cán bộ thanh tra có đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Khi phát hiện cán bộ thanh tra có biểu hiện vi phạm nguyên tắc trong hoạt động thanh tra thì phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, nếu vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm.
Thứ sáu: Đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra chuyên ngành, trong đó cần đánh giá, khảo sát, nghiên cứu sâu sắc các nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và tình hình dư luận, những vấn đề bức xúc trong xã hội đang nổi lên, từ đó xác định rõ vấn đề, nội dung phải thanh tra.
Thứ bẩy: Bổ sung điều chỉnh kịp thời các nội dung chưa cụ thể như quy định về thẩm quyền xử phạt hành chính của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh chuyên ngành Công an Nhân dân trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng chống bạo lực gia đình.
Thứ tám: Tăng cường công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện thanh tra chuyên ngành làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc điều chỉnh, khắc phục hạn chế, thiếu sót, phát huy ưu điểm, nâng cao hiệu quả trong thanh tra chuyên ngành và kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra sau thanh tra./.
Trung tá Lê Mạnh Cường