Kiểm tra, đôn đốc theo Kế hoạch 276/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ:

Các địa phương đã nỗ lực giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp

Thứ hai, 14/12/2020 14:41
(ThanhtraVietNam) - Liên quan tới việc triển khai Kế hoạch 276/KH-TTCP ngày 26/02/2020 về kiểm tra, đôn đốc công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần đảm bảo thành công Đại hội Đảng các cấp, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, thời gian qua, Ban Tiếp công dân Trung ương (TCDTW) đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc tại 12 tỉnh, thành phố theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Thanh tra Chính phủ.

Nhằm đánh giá kết quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở những địa phương đã tiến hành kiểm tra, Tạp chí Thanh tra đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương (TCDTW), Thanh tra Chính phủ về hoạt động của các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc theo Kế hoạch 276/KH-TTCP ngày 26/02/2020 của Thanh tra Chính phủ.

PV: Xin ông cho biết công tác triển khai của các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc theo Kế hoạch 276/KH-TTCP ngày 26/02/2020 của Thanh tra Chính phủ?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Thực hiện Kế hoạch 276/KH-TTCP ngày 26/02/2020 của Thanh tra Chính phủ (TTCP), Ban TCDTW đã có các phiếu trình Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh để thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tại một số địa phương. Sau khi được Phó Tổng TTCP phê duyệt, chỉ đạo, Ban TCDTW đã chủ trì phối hợp với các cơ quan tham gia tiếp công dân tại Trụ Sở TCDTW, và các Cục địa bàn của TTCP thành lập các Tổ công tác tiến hành kiểm tra, đôn đốc tại 12 tỉnh, thành phố gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Phước, Nam Định, Ninh Bình, Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình, Thái Bình, Hải Phòng; tỉnh An Giang đề nghị tạm hoãn kiểm tra để chuẩn bị Đại hội Đảng bộ.

Tổ công tác do Lãnh đạo Ban TCDTW làm Tổ trưởng, có sự tham gia của đại diện tiếp thường trực tiếp công dân của các cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện các phòng của Ban TCDTW, và đại diện Cục địa bàn TTCP.

Đồng thời, Ban TCDTW cũng đã xây dựng đề cương và gửi các địa phương để chuẩn bị báo cáo, phục vụ cho công tác kiểm tra, đôn đốc. Tại các buổi làm việc, Lãnh đạo các địa phương ghi nhận và đánh giá cao lãnh đạo TTCP, Tổ công tác liên ngành của TTCP đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình rà soát, giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp tại địa phương; đặc biệt là công tác phối hợp, thông tin về kết quả, quá trình giải quyết, xử lý các vụ việc đông người, phức tạp, ổn định tình hình, góp phần giữ vững an ninh - trật tự, an toàn xã hội trong suốt thời gian vừa qua, đảm bảo thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp tại địa phương.

PV: Ông đánh giá thế nào về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo ở những địa phương nằm trong kế hoạch kiểm tra, đôn đốc của Thanh tra Chính phủ?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Qua quá trình kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương cho thấy, từ năm 2014 đến nay, các tỉnh đã thành lập Ban tiếp công dân cấp tỉnh, ban hành quy chế làm việc, quy chế phối hợp cũng như nội quy, quy chế tiếp công dân tại trụ sở. Trưởng ban Tiếp công dân do 01 Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiêm nhiệm; có Phó Trưởng ban và các công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư. Việc bố trí công chức tiếp dân đảm bảo trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, phù hợp với điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định để thực hiện nhiệm vụ.

Đối với cấp huyện, 100% các huyện đều đã thành lập Ban Tiếp công dân huyện trực thuộc Văn phòng UBND huyện, đã xây dựng và ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân, lịch tiếp công dân; bố trí cán bộ có phẩm chất, năng lực làm công tác tiếp dân. Ban Tiếp công dân cấp huyện do một Phó Văn phòng UBND huyện làm Trưởng ban. Riêng tỉnh Lào Cai đang thực hiện chương trình thí điểm Ban Tiếp công dân huyện trực thuộc Thanh tra huyện.

Cũng qua kiểm tra cho thấy, về nội dung KNTC, kiến nghị, phản ánh của công dân chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đất đai liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB, cấp giấy CNQSD đất; tách thửa; giá dịch vụ; phản ánh về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai…; bồi thường, hỗ trợ do sự cố môi trường ở Lào Cai; ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai có nhiều dự án phát triển kinh tế, xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, dự án khu dân cư nên thời gian qua, trên địa bàn phát sinh rất nhiều trường hợp công dân KNTC về đất và chính sách bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Ngoài ra, một số đơn thư của công dân khiếu kiện, phản ánh về chế độ chính sách, xây dựng, môi trường, tố cáo về thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức… 

Ban Tiếp công dân các tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc tiến độ, kết quả giải quyết đơn thư KNTC, phản ánh, kiến nghị của các cơ quan liên quan; kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản đôn đốc, nhắc nhở các sở, ngành, và UBND cấp huyện trong việc chậm xử lý, giải quyết đơn.

Liên quan tới công tác giải quyết KNTC, về cơ bản các vụ việc KNTC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp hành chính đã được thụ lý giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời gian giải quyết cơ bản đáp ứng theo quy định, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, tỷ lệ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền khá cao, đạt trên 85% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Một số địa phương có tỷ lệ số vụ việc công dân tố cáo đúng, tố cáo đúng một phần (hoặc nội dung tố cáo có đúng, có sai) chiếm tỷ lệ cao như: Bình Phước, Đồng Tháp, Đồng Nai, Lào Cai và Hải Phòng. Thông qua việc giải thích, thuyết phục trong quá trình xác minh giải quyết KNTC, các cơ quan chức năng đã vận động công dân rút đơn, chấm dứt KNTC (Ninh Bình, Lào Cai là các tỉnh làm tốt).

Đối với những vụ việc khiếu kiện phức tạp kéo dài, lãnh đạo UBND các tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với tổ chức đoàn thể ở cơ sở, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đồng thời phối hợp với các cơ quan Trung ương để kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm vụ việc. Bên cạnh đó, cơ quan hành chính các cấp cũng đã kịp thời chỉ đạo kiểm tra, xem xét, trả lời đơn thư kiến nghị, phản ánh của công dân.

leftcenterrightdel
ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban TCDTW, Thanh tra Chính phủ. Ảnh: L.A

PV: Qua kiểm tra, đôn đốc, ông nhận thấy đâu là những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Theo tôi, khó khăn, vướng mắc đầu tiên phải kể tới là về chính sách, pháp luật. Các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện tiếp dân định kỳ của Chủ tịch UBND tỉnh, hiện nay, đa phần các Phó Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện tiếp dân định kỳ nên chưa đúng với quy định của Luật Tiếp công dân, vì luật hiện nay Luật Tiếp công dân chưa quy định việc ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân định kỳ.

Bên cạnh đó, Luật Tiếp công dân 2013 chưa quy định mối quan hệ theo “chiều dọc” giữa Ban Tiếp công dân các cấp dẫn đến những khó khăn, vướng mắc giữa các cơ quan này trong việc phối hợp, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, xây dựng báo cáo, nắm bắt thông tin,... hoạt động tiếp công dân. Ngoài ra, pháp luật nói chung, đặc biệt là pháp luật trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng, môi trường, chính sách người có công trải qua nhiều giai đoạn, thời kỳ và có nhiều thay đổi gây ra sự khó khăn trong việc áp dụng, vận dụng thống nhất giữa các quy định có liên quan.

Ngoài ra, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tại một số địa phương, lãnh đạo chưa thực sự quan tâm, thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết KNTC; chưa chấp hành nghiêm túc lịch tiếp dân định kỳ; chỉ đạo giải quyết nhiều vụ việc khiếu kiện còn chậm.

Chưa kể, hiện nay, lực lượng trực tiếp làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC, đặc biệt là đối với cấp huyện, cấp xã còn thiếu, chuyên môn hạn chế, nên chất lượng tham mưu giải quyết một số vụ việc chưa đạt yêu cầu dẫn đến chất lượng giải quyết lần đầu còn thấp. Nhận thức pháp luật của nhiều công dân còn hạn chế; nhiều trường hợp lợi dụng quyền KNTC để gây rối trật tự, làm mất ổn định tình hình, vụ lợi cá nhân; có những vụ việc đã giải quyết thấu tình, đạt lý, đã được đối thoại, giải thích, nhưng công dân cố tình đeo bám, tạo áp lực, gây khó khăn cho người tiếp công dân…

PV: Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc nêu trên, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và giải quyết KNTC, góp phần đảm bảo thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, theo ông các địa phương nói riêng, Thanh tra Chính phủ nói chung cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào? 

Ông Nguyễn Hồng Điệp: Dự kiến, tình tình KNTC của công dân có thể phát sinh và diễn biến phức tạp trong thời gian diễn ra các Kỳ họp Trung ương khóa XII, Quốc hội Khóa XIV, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII,...; tình hình khiếu nại đông người vẫn có thể xảy ra tại địa phương và công dân có thể đến các cơ quan Trung ương tại Hà Nội để khiếu kiện, gây sức ép yêu cầu các cơ quan Trung ương phải giải quyết, gây mất trật tự, an ninh, an toàn xã hội. Do đó, theo tôi, hời gian tới, UBND các tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC; Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương về nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp; tăng cường đối thoại, giải quyết tốt ngay từ cơ sở; nâng cao chất lượng giải quyết lần đầu, quan tâm giải quyết hết nội dung vụ việc thay vì giải quyết hết thẩm quyền.

Bên cạnh đó, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác tiếp công dân theo quy định của pháp luật; giải quyết kịp thời các vụ việc, mâu thuẫn mới phát sinh ngay tại cơ sở; nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc, trước mắt tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc công dân khiếu kiện vượt cấp ra Trung ương, các vụ việc do các cơ quan Trung ương, Ban TCDTW chuyển về tỉnh; phấn đấu không để phát sinh điểm “nóng” về KNTC.

Đồng thời, yêu cầu người đứng đầu các địa phương, đơn vị tăng cường chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện đợt cao điểm về giải quyết KNTC, trong đó xây dựng kế hoạch cụ thể để giải quyết dứt điểm từng vụ việc KNTC đông người, phức tạp trên địa bàn; thực hiện dứt điểm các phương án giải quyết đối với vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài đã được kiểm tra, rà soát theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP.

Đặc biệt, đối với các vụ việc đông người, phức tạp, có nguy cơ trở thành “điểm nóng” các địa phương cần chủ động phối hợp với Ban TCDTW để tiếp, đối thoại ngay tại cơ sở, hạn chế đến mức thấp nhất công dân kéo về Thủ đô Hà Nội để khiếu kiện.

Phối hợp với Trụ sở TCDTW trong việc cung cấp thông tin về kết quả giải quyết, quá trình giải quyết, tình hình các công dân KNTC đông người, phức tạp, bức xúc tại địa phương để Trụ sở TCDTW có phương án tiếp công dân; khi có yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, kịp thời cử Tổ công tác có đủ thẩm quyền để phối hợp với Trụ sở TCDTW tiếp, thuyết phục, vận động và tổ chức đưa công dân trở về địa phương.

Ngoài ra, các tỉnh cần nghiên cứu, triển khai thực hiện Quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Tòa án Nhân dân tỉnh trong việc tư vấn, giải quyết các vụ việc khiếu kiện hành chính; triển khai Chương trình phối hợp số 02/CTPH-BTTUBTWMTTQVN-TTCP-BTP-HLGVN-LĐLSVN ngày 11/10/2018 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Đối với Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ cần nghiên cứu đề xuất của địa phương về việc sửa đổi Luật Tiếp công dân năm 2013 liên quan đến một số vấn đề, như: ủy quyền trong một số trường hợp đối với việc tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch UBND các cấp, mối quan hệ giữa các Ban Tiếp công dân các cấp, về chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân; về việc ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết KNTC.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo giải quyết KNTC từ Trung ương đến địa phương, cơ sở.

Thanh tra Chính phủ cũng cần sớm có Văn bản chỉ đạo chung các địa phương về việc tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KNTC đông người, phức tạp, kéo dài theo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Tổ trưởng Tổ Công tác theo Quyết định số 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ, và các vụ việc theo Kế hoạch số 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ; chỉ đạo công tác phối hợp tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo Kế hoạch 1248/KH-TTCP.

Ngoài ra, để phục vụ tốt cho Kỳ họp Trung ương và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kiến nghị Tổng Thanh tra Chính phủ giao Ban Tiếp công dân Trung ương tiếp tục thực hiện kiểm tra, đôn đốc theo Kế hoạch số 276/KH-TTCP ngày 26/02/2020, nhấn mạnh kiểm tra việc phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ Đại hội Đảng theo Kế hoạch 1248/KH-TTCP đối với những địa phương còn lại theo Kế hoạch, đặc biệt kiểm tra việc thực hiện Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại các địa phương mà Tổ công tác theo Quyết định số 1849/QĐ-TTg đã làm việc nhưng công dân vẫn còn khiếu kiện gay gắt tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh./.

Lan Anh (thực hiện)


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra