Còn nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp ở Quảng Ninh

Thứ hai, 20/06/2022 16:06
(ThanhtraVietNam) – Môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ninh được cho là không ngừng cải thiện, nhưng việc kiểm soát kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ ở một số nơi, lĩnh vực chưa chặt chẽ; tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn xảy ra nhưng chưa được phát hiện, xử lý.

Đây là một trong những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phát hiện, chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm được Thanh tra tỉnh Quảng Ninh chỉ ra tại Báo cáo tình hình, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.

Báo cáo này được thực hiện theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ để phục vụ công tác kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tỉnh ủy Quảng Ninh đặc biệt quan tâm, chú trọng

Đánh giá về công tác phát hiện, chuyển giao vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho rằng, thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được Tỉnh ủy Quảng Ninh, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy đặc biệt quan tâm, chú trọng, đã thực hiện việc nêu gương để thể hiện vai trò, trách nhiệm tiên phong, gương mẫu thông qua lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức Đảng ban hành chỉ thị, kế hoạch, kết luận về công tác này.

Ngành Thanh tra tỉnh bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất thông qua đơn thư, tiếp công dân và quan tâm thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện.

Theo Thanh tra tỉnh Quảng Ninh, kết quả thanh tra, kiểm tra đã góp phần xây dựng nền hành chính hiệu quả, minh bạch; sử dụng hiệu quả ngân sách chi thường xuyên cơ cấu kinh tế tích cực theo hướng từ “nâu” sang “xanh”; môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện…

Quảng Ninh là địa phương nhiều năm dẫn đầu cả nước ở Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Quảng Ninh cũng nằm trong nhóm 10 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ đánh giá trong 2 năm gần đây.

Người đứng đầu một số đơn vị chưa gương mẫu

Tuy nhiên, một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị cơ sở có tình trạng người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm trong lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng.

Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng tại một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế.

Công tác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm kinh tế, tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị hiệu quả chưa cao; ít vụ việc do cơ quan, đơn vị hoặc người đứng đầu tự phát hiện.

Thống kê của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cho thấy, trong cả 10 năm (từ 2011 đến 2021), qua công tác tự kiểm tra nội bộ chỉ phát hiện được 2 vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực chuyển qua cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết. Đó là, vụ việc tại huyện Đầm Hà năm 2011 và vụ việc tại Sở Khoa học Công nghệ năm 2021.

Cũng trong khoảng thời gian này, Thanh tra tỉnh và thanh tra các sở, ngành, địa phương đã tiến hành thanh tra, kết luận 1.567 cuộc thanh tra hành chính, thanh tra trách nhiệm và thành lập 3.306 đoàn thanh tra chuyên ngành.

Kết luận 1.266 cuộc thanh tra kinh tế - xã hội đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 266 tỷ đồng, giảm trừ quyết toán hơn 232 tỷ đồng; thu hồi 190,5 ha đất, xử lý khác 8.364 ha đất, thu hồi 284 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xem xét kiểm điểm 1.467 cá nhân và 1.116 tập thể…

leftcenterrightdel
 Các lực lượng chức năng khám xét tại nhà ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cựu Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long bị khởi tố, bắt tạm giam vì có liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty cổ phần quản lý đường sông số 3 và Ban Quản lý vịnh Hạ Long. Ảnh: baodantoc.vn

Không phát hiện tội phạm qua phòng, chống tham nhũng

Qua thanh tra đã phát hiện 8 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, chuyển giao, kiến nghị điều tra, khởi tố.

“Không có các vụ việc sai phạm kết luận thanh tra có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực nhưng không kiến nghị khởi tố, không xử lý hoặc chuyển đến cơ quan khác không đúng thẩm quyền”, Thanh tra tỉnh Quảng Ninh khẳng định.

Mặc dù qua triển khai 301 cuộc thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng không phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu tội phạm, nhưng qua giải quyết 5.612 vụ khiếu nại, tố cáo đã phát hiện 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Thanh tra tỉnh cho rằng, do chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; do nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, người dân còn hạn chế; do tính chất phức tạp, hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian dài, đối tượng tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn, có kinh nghiệm là nguyên nhân gây khó khăn cho đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trên còn xuất phát từ mối quan hệ phối hợp giữa các cấp ngành, tổ chức đoàn thể trong phòng, chống tham nhũng chưa rõ nét, chưa tạo sức mạnh tổng hợp; quản lý nhà nước lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, quản lý tài chính, đầu tư xây dựng, đấu giá tài sản còn nhiều sơ hở, dễ xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Đáng chú ý, tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện làm việc của một số cơ quan, đơn vị chức năng phòng, chống tham nhũng còn hạn chế…

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra