Trong đó, Người luôn chú ý, nhấn mạnh một cách sâu sắc, toàn diện đến vấn nạn “tham ô”, “tham nhũng”. Người cho rằng, “tham ô”, “tham nhũng” là một trong số những “bệnh”, là “thứ giặc ở trong lòng”, là “tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội” và là một dạng “sâu mọt” hết sức nguy hiểm cần phải tiêu diệt kịp thời trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Hồ Chí Minh cũng khẳng định rằng: “Tham ô là lấy của công làm của tư. Là gian lận, tham lam. Là không tôn trọng của công. Là không thương tiếc tiền gạo do mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra” (1). Nếu chưa xóa bỏ hết được thì cách mạng chưa thành công được, vì nó ngấm ngầm chống phá cách mạng, chống phá sự nghiệp dựng xây chế độ mới của ta. Do vậy, chống tham ô, tham nhũng là rất quan trọng, “phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên” (2), kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, phải được tất cả các cấp, các ngành quan tâm và tiến hành một cách thường xuyên, quyết liệt.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước” (3). Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến tháng 5/2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.370 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy có thẩm quyền xử lý kỷ luật hơn 90 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Cũng trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý gần 455 nghìn tỷ đồng và hơn 8.100 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 8.000 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 409 vụ việc sai phạm. (4)
Nhận thức sâu sắc mức độ nguy hiểm và những khó khăn, thách thức trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí, trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, quyết sách lớn. Đồng thời, trong các Văn kiện từ Đại hội VI đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ sự nguy hại của tham nhũng đến sự tồn vong của chế độ. Trong văn kiện Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh: “Xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và của toàn bộ hệ thống chính trị” (5).
Với vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, lực lượng Công an Nhân dân (CAND) đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao trọng trách “tổ chức hoạt động điều tra tội phạm tham nhũng” (6). Trong thời gian qua, công tác đấu tranh PCTN luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, “công tác PCTN, lãng phí, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế”, từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và đẩy lùi. Kết quả được thể hiện trên những nội dung cụ thể sau đây:
Một là, lực lượng CAND đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến công tác PCTN và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, thống nhất trên phạm vi cả nước; tham gia ý kiến vào dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật, những bất cập về cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến PCTN; ban hành các chủ trương, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng. Chủ động tham mưu, đề xuất kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy các cơ quan điều tra CAND đảm bảo thống nhất, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hai là, chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành trong việc nâng cao hiệu quả công tác PCTN; tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong xây dựng kế hoạch, chương trình đấu tranh PCTN; phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc tăng cường thanh tra, kiểm tra PCTN; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa xã hội đối với tội phạm tham nhũng.
Ba là, tổ chức phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, điều tra xử lý các vụ án tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Thời gian vừa qua, lực lượng CAND đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Chú trọng việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; các chỉ thị của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho Nhân dân cũng như việc ngăn ngừa PCTN, lãng phí.
Trong công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, lực lượng CAND đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác điều tra, xử lý tội phạm về kinh tế, tham nhũng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản của lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế; góp phần đảm bảo trật tự quản lý kinh tế và an sinh xã hội, được Nhân dân ủng hộ. Năm 2019, số vụ án, số bị can phát hiện khởi tố mới đều tăng so với năm 2018. Cơ quan điều tra trong CAND đã thụ lý điều tra 520 vụ án, 1.218 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 304 vụ, 724 bị can (tăng 6 vụ, 177 bị can so với cùng kỳ năm 2018). (7)
Bốn là, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm, triển khai thực hiện một cách quyết liệt và đi vào chiều sâu, góp phần kịp thời định hướng dư luận xã hội, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Các cơ quan báo chí trong CAND đã xây dựng kế hoạch viết bài, đưa tin tuyên truyền kết quả xử lý các vụ án tham nhũng, biểu dương kịp thời các gương người tốt, việc tốt, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác đấu tranh PCTN.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đấu tranh PCTN của lực lượng CAND vẫn còn một số hạn chế nhất định. Ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về thực hiện nhiệm vụ công tác PCTN chưa cao. Công tác phối hợp về PCTN, nhất là trong phát hiện, đấu tranh xử lý hành vi tham nhũng còn hạn chế, có vụ án để kéo dài. Việc tự kiểm tra, giám sát phát hiện tham nhũng, giải quyết tố cáo trong nội bộ chưa được quan tâm đúng mức, còn biểu hiện né tránh, ngại va chạm. Mặc dù lực lượng CAND đã có nhiều cố gắng, song tiến độ điều tra một số vụ án tham nhũng, đặc biệt là những vụ án lớn, phức tạp còn chậm so với mục tiêu, kế hoạch đề ra, chất lượng điều tra còn hạn chế, số lượng án tồn đọng vẫn tồn tại. Việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, chưa thường xuyên, đồng bộ, hiệu quả thấp, nhất là việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên. Việc huy động lực lượng đông đảo của Nhân dân cũng như sự tham gia của lực lượng báo chí vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng chưa được quan tâm đúng mức.
Trước tình hình đó, để góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, đồng thời, với quyết tâm trở thành lực lượng tiên phong, đi đầu trong đấu tranh PCTN, thời gian tới, lực lượng CAND cần tập trung làm tốt một số nội dung trọng tâm sau đây:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng CAND nói chung và công tác đấu tranh PCTN nói riêng. Do đó, lực lượng CAND cần phải luôn nhận thức sâu sắc, đầy đủ, toàn diện, quán triệt nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác đấu tranh PCTN. Tăng cường sự quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng trong CAND đối với công tác đấu tranh PCTN. Đồng thời, cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong, gương mẫu của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong việc chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ PCTN.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước về công tác đấu tranh PCTN. Thời gian tới, lực lượng CAND cần chú trọng tham mưu, đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế và những sơ hở trong thực hiện các cơ chế, chính sách đã có về quản lý kinh tế, xã hội, cải cách hành chính, trọng tâm là hệ thống pháp luật về PCTN, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm tham nhũng và tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng. Đây được xem là một nhiệm vụ chiến lược, “là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững” (8), góp phần quan trọng vào việc đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm phát huy vai trò của lực lượng CAND trong đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng.
Ba là, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa xã hội đối với tội phạm tham nhũng, đặc biệt là phối hợp trong việc nắm tình hình, điều tra cơ bản, phát hiện sớm các hành vi tham nhũng tiêu cực, tiếp nhận kịp thời tin báo, tin tố giác về tội phạm tham nhũng. Chú trọng xây dựng và thực hiện có hiệu quả quy chế phối hợp giữa lực lượng CAND với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, để thực hiện tốt các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc phòng ngừa và đấu tranh những vụ, việc tham nhũng.
Bốn là, nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động nắm chắc tình hình, nhất là tình hình thực hiện các chương trình, dự án xây dựng, khai thác khoáng sản, lâm sản, kinh tế ngân hàng, quản lý đất đai... Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nâng cao hiệu quả phát hiện, điều tra án tham nhũng với quyết tâm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “không còn hạ cánh an toàn”, “rõ đến đâu xử lý đến đó”, “rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn” trong đấu tranh chống tội phạm tham nhũng. Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng đã khởi tố, kịp thời tham mưu, đề xuất xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, hạn chế thấp nhất việc trả lại hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Năm là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-BCA ngày 28/9/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ CAND; tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, nơi có nhiều dư luận phản ánh, đơn thư tố cáo, có trọng tâm, trọng điểm.
Sáu là, phát huy vai trò của quần chúng Nhân dân trong đấu tranh PCTN. Đồng thời, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, giáo dục đến Nhân dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; giám sát, phát hiện, thông tin, phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng. Chủ động, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong Nhân dân trên cơ sở tôn trọng những quy định của pháp luật và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; khắc phục tình trạng mệnh lệnh hóa, hành chính hóa, quan liêu, xa rời quần chúng Nhân dân.
Bảy là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN vừa hồng, vừa chuyên, vừa có đức, vừa có tài, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ./.
Trung úy Hàn Anh Tuấn
Công an huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Chú thích:
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.7, tr.296-297; t.6, tr. 490;
(3), (5) Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.185; tr. 211;
(4) Phan Đình Trạc (2020), Một số vấn đề về PCTN thời gian qua, Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương. Https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202008/mot-so-van-de-ve-phong-chong-tham-nhung-thoi-gian-qua-308377;
(6) Khoản 3, Điều 84, Luật PCTN năm 2018;
(7) Http://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/Luc-luong-Cong-an-quyet-tam-thuc-hien-hieu-qua-nhiem-vu-phong-chong-tham-nhung-lang-phi-583586;
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam (2017), Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 27.