Công tác thanh tra hành chính góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại

Thứ ba, 02/07/2024 11:26
(ThanhtraVietNam) - Thanh tra hành chính trong Công an nhân dân (CAND) là hoạt động thanh tra của chủ thể có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc theo quy định về phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Công an trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đây là một hoạt động không thể thiếu trong hoạt động thanh tra hàng năm và được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt ngay trong chương trình công tác thanh tra hàng năm của lực lượng Thanh tra CAND.

1. Thanh tra hành chính trong lực lượng Công an nhân dân

Khoản 2, Điều 2, Luật Thanh tra năm 2022 xác định: “Thanh tra hành chính là thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước”. Hoạt động thanh tra hành chính xuất hiện trong công việc quản lý của cả cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền chung lẫn cơ quan có thẩm quyền chuyên môn. Vì thế, thanh tra hành chính được thực hiện bởi cả cơ quan thanh tra tổ chức theo cấp hành chính lẫn cơ quan thanh tra tổ chức theo ngành, lĩnh vực. Đối tượng của thanh tra hành chính là các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Ở đây, cụm từ “thuộc quyền quản lý trực tiếp” được hiểu là đối tượng của thanh tra hành chính có sự lệ thuộc về mặt tổ chức đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thực hiện thanh tra hành chính. Đây là điểm khác biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Các vấn đề liên quan đến hoạt động thanh tra hành chính là những vấn đề chung gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của cơ quan có thẩm quyền, như thực hiện vấn đề tổ chức quản lý nhân sự, quản lý cơ sở vật chất, quản lý tài chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý... Đây là những vấn đề liên quan đến công việc quản lý hành chính nhà nước của bất kỳ cơ quan quản lý nào.

leftcenterrightdel
Một buổi tiếp công dân định kỳ của Thanh tra tỉnh Thái Bình. Nguồn: thaibinh.gov.vn 

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, có thể hiểu, thanh tra hành chính trong Công an nhân dân (CAND) là hoạt động thanh tra của chủ thể có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc theo quy định về phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Công an trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đây là một hoạt động không thể thiếu trong hoạt động thanh tra hàng năm và được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt ngay trong chương trình công tác thanh tra hàng năm của lực lượng Thanh tra CAND.

Về thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính trong CAND hiện nay bao gồm thẩm quyền ra quyết định thanh tra theo kế hoạch và ra quyết định thanh tra đột xuất. Căn cứ kế hoạch thanh tra đã được Thủ trưởng Công an có thẩm quyền phê duyệt, Chánh Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Đối với những lĩnh vực, vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều đơn vị, địa phương, Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Đối với những lĩnh vực, vụ việc đặc biệt phức tạp liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cấp, nhiều ngành, trong đó trách nhiệm chủ yếu của Bộ Công an, căn cứ vào kế hoạch thanh tra, Bộ trưởng, Giám đốc Công an tỉnh quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra liên ngành để thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Đối tượng thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CAND bao gồm mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc lực lượng CAND. Đối tượng thanh tra cụ thể phụ thuộc vào phạm vi quản lý cơ quan Công an là chủ thể thanh tra. Đối tượng của hoạt động thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng CAND là tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc lực lượng CAND.

2. Thực tiễn công tác thanh tra hành chính của lực lượng Công an nhân dân

Thực tế thời gian qua cho thấy, thanh tra hành chính trong CAND ngày càng hoàn thiện về quy trình, phương pháp tiến hành thanh tra và đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng lực lượng CAND. Thanh tra hành chính được tiến hành hàng năm với quy mô ngày một lớn, trong đó, Thanh tra Bộ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan, tham mưu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiến hành thanh tra diện rộng bảo đảm hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, thống nhất. Nội dung công tác thanh tra hành chính trong CAND thường tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực công tác trọng tâm, trọng điểm, nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, sai phạm như: Mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, hàng hóa trong CAND; tiếp nhận, quản lý, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, xử lý tội phạm của lực lượng CAND; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế, buôn lậu; thực hiện dân chủ trong một số nội dung của công tác xây dựng lực lượng CAND; công tác tuyển sinh, đào tạo hệ sau đại học và hệ đại học vừa làm, vừa học tại một số học viện, trường CAND; việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác tuần tra, kiểm soát, điều tra, giải quyết tai nạn và quản lý, sử dụng kinh phí trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; thanh tra việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hình sự, ma túy, điều tra giải quyết tai nạn, va chạm giao thông...

Trước khi tổ chức thanh tra, Thanh tra Bộ Công an đã tiến hành thanh tra một số đơn vị, địa phương, rút kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch thanh tra sát với thực tế; tổ chức tập huấn cho Thanh tra Công an các đơn vị, địa phương, nêu rõ yêu cầu, nội dung, tiến độ, hướng dẫn đề cương báo cáo, phương pháp tiến hành... Trong quá trình thực hiện, Thanh tra Bộ đã kịp thời xử lý báo cáo kết quả thanh tra của Công an các đơn vị, địa phương, phát hiện những vấn đề mới, những vấn đề cấp bách cần xử lý ngay hoặc báo cáo lãnh đạo Bộ chỉ đạo trong toàn lực lượng. Kết thúc thanh tra, đã chú trọng tổng kết, đánh giá kết quả, báo cáo lãnh đạo Bộ, Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị những vấn đề cơ chế quản lý ở tầm vĩ mô, điển hình, như: Báo cáo Tổng kết thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong lực lượng CAND (chuyên đề diện rộng năm 2020); Báo cáo Tổng kết thanh tra một số mặt công tác của lực lượng Cảnh sát giao thông (chuyên đề diện rộng năm 2021)... Đặc biệt, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, toàn lực lượng Thanh tra CAND đã tiến hành 226 cuộc thanh tra hành chính đối với 1.139 đối tượng thanh tra, 1.812 lượt kiến nghị.

Thông qua hoạt động thanh tra hành chính đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT; kiểm soát quyền hành pháp; bảo đảm quyền con người, quyền công dân; nâng cao tính kỷ luật, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ; phòng ngừa, phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật; phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật. Thanh tra hành chính trong CAND đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả các mặt công tác công an và xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thanh tra hành chính trong CAND vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, có thể kể đến như: Thủ trưởng Công an một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa quyết liệt trong chỉ đạo công tác thanh tra. Do chưa nắm tình hình, tiến hành khảo sát đánh giá đầy đủ lĩnh vực công tác dự kiến tiến hành thanh tra hoặc do chỉ đạo đột xuất của cấp trên nên việc xây dựng các chương trình kế hoạch và tổ chức thực hiện thanh tra hành chính có lúc lúng túng, chưa thực sự chủ động trong quá trình triển khai thực hiện, hiệu quả công tác thanh tra chưa cao. Một số cuộc thanh tra còn chồng chéo nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời, ít nhiều làm ảnh hưởng đến hoạt động của các đơn vị là đối tượng thanh tra. Chất lượng một cuộc thanh tra chưa cao, nội dung đánh giá không toàn diện và sâu sắc. Việc áp dụng các hình thức thanh tra ở một số công an đơn vị, địa phương còn thiếu linh hoạt. Việc kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, xử lý sau thanh tra chưa thường xuyên; nhiều kết luận thanh tra còn chưa làm rõ trách nhiệm của các cá nhân (không cá thể hóa được trách nhiệm) nhất là trách nhiệm trong quản lý, điều hành. Quá trình phối hợp thanh tra với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng CAND trong một vài trường hợp cụ thể còn thiếu chặt chẽ, thống nhất. Một số vụ, việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng không được cơ quan thanh tra phát hiện, xử lý kịp thời. Một số cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra chưa phát huy hết trách nhiệm trong công việc, chưa tích cực làm rõ các khuyết điểm, sai phạm phát hiện qua thanh tra...

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh tra hành chính của lực lượng Công an nhân dân

Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra hành chính trong CAND, Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp trọng tâm sau đây:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ, cấp ủy, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương đối với công tác thanh tra nói chung và công tác thanh tra hành chính nói riêng. Đây là yếu tố quyết định, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra hành chính. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cần chú ý bám sát vào nhiệm vụ chính trị của Công an các đơn vị, địa phương trong từng thời điểm để xây dựng kế hoạch công tác thanh tra hằng năm. Bên cạnh đó, cần phải theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch công tác thanh tra của các đơn vị để có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác thanh tra nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức của thủ trưởng Công an các cấp về công tác thanh tra, qua đó nâng cao vai trò, vị thế của lực lượng Thanh tra CAND, kịp thời củng cố, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra tại cấp cơ sở.

Hai là, thường xuyên rà soát, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn về thanh tra hành chính và quản lý thanh tra hành chính trong CAND, bảo đảm hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ, đầy đủ, chi tiết, có tầm nhìn dài hạn, thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa được các chủ trương, nghị quyết của Đảng, tăng cường dân chủ, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chức năng trong CAND đối với thanh tra hành chính.

Ba là, nâng cao chất lượng các cuộc thanh tra hành chính, có tiêu chí đánh giá chất lượng cuộc thanh tra, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra hành chính; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Trong mọi hoàn cảnh, công tác thanh tra nói chung và công tác thanh tra hành chính nói riêng phải tuân theo pháp luật, nhưng không rập khuôn, máy móc; phải kiên quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật, thoái hóa về phẩm chất đạo đức để tăng cường kỷ luật của ngành. Tuy nhiên cũng cần phải thấy rõ đặc điểm của công tác thanh tra là nhằm tăng cường củng cố đoàn kết nội bộ, tăng cường sức chiến đấu của lực lượng. Do đó, trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác thanh tra hành chính, phải xác định công tác phòng ngừa, xây dựng lực lượng là chính; hiệu quả hoạt động thanh tra hành chính phải được đánh giá bằng sự ổn định nội bộ đơn vị, bằng chất lượng các mặt công tác của đơn vị và cán bộ, chiến sĩ sau thanh tra.

Bốn là, thường xuyên sơ kết, tổng kết các cuộc thanh tra, các chuyên đề thanh tra rút kinh nghiệm, tạo cơ sở, tiền đề cho việc tiến hành thanh tra hành chính các năm tiếp theo. Trước khi tiến hành thanh tra hành chính cần có kế hoạch khảo sát, nắm tình hình trên phạm vi rộng nhằm bảo đảm bao quát được đặc thù của các đơn vị, địa phương, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, hướng dẫn phù hợp với tình hình thực tế. Nội dung nắm tình hình tập trung vào các vấn đề (lĩnh vực, địa bàn, tổ chức, cá nhân...) có dấu hiệu sai phạm, vi phạm pháp luật, vi phạm quy định, quy trình công tác, dễ tiêu cực, tham nhũng, dư luận quan tâm, bức xúc, chú ý các lĩnh vực công tác điều tra, trinh sát, quản lý hành chính, cảnh sát giao thông, hậu cần, tài chính, mua sắm, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản công, công tác cán bộ...

Năm là, Thanh tra Bộ phải nêu cao vai trò chủ trì trong quá trình tổ chức triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng, tham mưu lãnh đạo Bộ xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn lực lượng Thanh tra CAND thực hiện thống nhất, đồng bộ; kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Công an các đơn vị, địa phương trong quá trình thanh tra chuyên để diện rộng. Lực lượng Thanh tra CAND phải phát huy vai trò nòng cốt, tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan thanh tra với các đơn vị chức năng trong hoạt động thanh tra hành chính.

Sáu là, tăng cường cán bộ làm công tác thanh tra nhất là tại cấp cơ sở, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra trong lực lượng CAND, bao gồm: nghiệp vụ thanh tra, nghiệp vụ chuyên sâu, kiến thức bổ trợ, kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp... Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra có tâm, có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, bản lĩnh nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có chế độ chính sách khuyến khích cán bộ làm công tác thanh tra tự học và sáng tạo nhằm phục vụ cho hoạt động thanh tra đạt hiệu quả cao. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổng kết các chuyên đề thanh tra, các cuộc hội thảo khoa học, từng bước xây dựng hệ thống nghiệp vụ thanh tra CAND; rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy trình công tác thanh tra CAND, trên cơ sở đó loại bỏ các yếu tố không còn phù hợp, từng bước xây dựng hệ thống lý luận nghiệp vụ về hoạt động thanh tra của CAND nói chung và thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của lực lượng CAND nói riêng./.

Đại úy Ths. Nguyễn Quốc Vương
Giảng viên Học viện Cảnh sát nhân dân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra