Đôi điều rút ra qua thực hiện chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng ở Đồng Nai

Thứ tư, 28/07/2010 16:15
(Thanhtravietnam.vn) - Chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng là một biện pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nhằm ngăn chặn hiện tượng kéo bè, kết cánh, hình thành ê kíp, bắt tay nhau tham  nhũng cũng như hạn chế khả năng, điều kiện thực hiện hành vi tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua đó, gián tiếp làm giảm mạnh tình trạng tham nhũng đang còn diễn biến phức tạp hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, Chương trình hành động số 23-CTr/TU ngày 29/12/2006 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa X), Kế hoạch số 106/KH-TU ngày 21/5/2009 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa X); các kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống tham nhũng. Tỉnh ủy UBND tỉnh luôn xác định việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng là một biện pháp quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nhằm ngăn chặn hiện tượng kéo bè, kết cánh, hình thành ê kíp, bắt tay nhau tham  nhũng cũng như hạn chế khả năng, điều kiện thực hiện hành vi tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua đó, gián tiếp làm giảm mạnh tình trạng tham nhũng đang còn diễn biến phức tạp hiện nay.

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cũng cho thấy đây là một biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng rất hiệu quả. Tuy nhiên, vì chuyển đổi vị trí công tác là vấn đề mới mẽ và phức tạp, cho nên nếu không thận trọng rất dễ bị  lợi dụng để vụ lợi “chạy chức, chạy quyền” hoặc thực hiện mục đích không trong sáng; như: trả thù, trù dập người mà mình không ưa, không thích ... Qua đó, không những không hạn chế được tham nhũng mà còn làm nảy sinh thêm hành vi tham nhũng mới. Do đó việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức cần phải được thực hiện trên tinh thần công tâm và đúng theo quy định của pháp luật. Chỉ có như vậy, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức mới đạt được mục tiêu mà Luật Phòng, chống tham nhũng đã đề ra đó là chủ động phòng, ngừa tham nhũng.

Xuất phát từ những đặc điểm trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 24/8/2007 của Chính phủ “Quy định danh mục các vị trí công tác, thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức” cho trên 120 cán bộ, chủ chốt các địa phương, đơn vị, cơ quan. Qua quán triệt lãnh đạo các địa phương, đơn vị, cơ quan đều nhận thức được những quy định cụ thể của Nghị định 158/2007/NĐ-CP và những nguyên tắc thực hiện việc quy trình chuyển đổi công tác để tổ chức cho đơn vị, địa phương mình thực hiện tốt.

Sở Nội vụ đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch số 7093/KH-UBND ngày 29/8/2008 về việc chuyển đổi vị trí công tác theo tinh thần Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn, đôn đốc, triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó các địa phương đều xây dựng kế hoạch thực hiện, danh sách cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện chuyển đổi sau khi được thực hiện tại đơn vị (thông thường do Văn phòng hay Phòng Tổ chức - Hành chính- hoặc Phòng Tổ chức - Cán bộ thực hiện rà soát hồ sơ, lên danh sách, trình lãnh đạo, thủ trưởng đơn vị xem xét, họp xét trong đơn vị, làm văn bản hồ sơ gửi về Sở Nội vụ).
 
Qua đó, Sở Nội vụ xem xét lại, điều chỉnh cho phù hợp quy định, thống nhất với các đơn vị, địa phương và ban hành quyết định chấp thuận chuyển đổi; các đơn vị, địa phương sẽ ra quyết định chuyển đổi cho từng cán bộ công chức, viên chức trên văn bản phê duyệt của Sở Nội vụ. Quá trình thực hiện triển khai đồng bộ, khách quan, minh bạch. Các đơn vị, địa phương báo cáo tình hình và kết quả thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức về Sở Nội vụ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm để Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Nội vụ theo quy định.

* Kết quả thực hiện việc chuyển đổi, vị trí công tác:

Cầu Nghềnh vắt ngang qua thành phố Biên Hoà - Đồng Nai. Ảnh có tính minh họa.


Qua hơn 02 năm thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ công chức, viên chức, Đồng Nai đạt được một số kết quả tương đối khả quan, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, phòng ngừa từ đầu nạn tham nhũng, tiêu cực; đồng thời nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.

Đến nay, các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, các doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, các đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh đã quán triệt rõ mục tiêu, tầm quan trọng về chuyển đổi vị trí công tác, đồng thời rà soát vị trí, chức danh công việc trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch cho đơn vị. Trong giai đoạn 1 (từ tháng 8/2008 - tháng 8/2009), nhiều đơn vị chỉ thực hiện chuyển đổi cho cán bộ công chức, viên chức trong nội bộ cơ quan, phòng, ban. Một số lĩnh vực mang tính nhạy cảm, được dư luận quan tâm như cấp phép xây dựng, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường...vẫn chưa thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ, chỉ mới dừng lại ở khâu chuyển đổi công việc cho nhau trong phạm vi hẹp (cùng một phòng ban). Trong giai đoạn 2 (tháng 8/2009 đến nay), có nhiều đơn vị đã mạnh dạn, tiên phong chuyển đổi cho cán bộ công chức, viên chức ra ngoài đơn vị, đến các đơn vị, địa bàn khác nhau trong phạm vi quản lý.

Tính từ khi triển khai thực hiện (tháng 8/2008) đến nay, đã có 473 cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi trên địa bàn toàn tỉnh; trong đó, có những đơn vị điển hình thực hiện đạt hiệu quả như Sở Công thương (Thực hiện việc chuyển đổi tại Chi cục quản lý thị trường), Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Thực hiện chuyển đổi cho cán bộ thuộc Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Thú y), Ủy ban nhân dân huyện Trảng Bom (Bước đầu triển khai chuyển đổi xuống cấp xã). Tại các cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh như: Cục Hải Quan, hệ thống Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đồng Nai, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục thuế tỉnh Đồng Nai đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cho 1.685 cán bộ. Hiện nay, triển khai thực hiện công tác này đã trở thành thông lệ, quen thuộc, thường kỳ, không còn xa lạ trong ý thức của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

* Ưu điểm:

- Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các địa phương, đơn vị đều nhận thức việc chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định số 158/2007/NĐ-CP là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, là một biện pháp phòng, ngừa tham nhũng hiện nay.

- Trong công tác tổ chức, triển khai thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP của Chính phủ, các cấp các ngành đều bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả, đúng pháp luật nhằm nâng cao trình độ nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng đáp ứng được nhu cầu phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

- Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức qua quán triệt đều nhận thức việc thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ “Quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức” được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng thực hiện cải cách hành chính; nâng cao vai trò của các cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng tổ chức cơ sở trong sạch vững mạnh, ngăn chặn nạn tham nhũng xảy ra trong các cơ quan đơn vị Nhà nước, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Kết quả bước đầu cho thấy, đây là một chủ trương đúng, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ, tích cực đẩy lùi biểu hiện, hành vi có nguy cơ phát sinh tham nhũng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức đều có ý thức cao, chấp hành quyết định chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc của người có thẩm quyền ban hành.

- Đa số cán bộ, công chức, viên chức khi được chuyển đổi vị trí công tác đều an tâm công tác, cố gắng phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều người có bước trưởng thành, tiếp cận nhanh với điều kiện công tác, tạo được phong trào và cách làm mới, được cấp uỷ, đơn vị đánh giá cao.

- Tạo sự chuyển biến tích cực đối với đội ngũ cán bộ kế cận theo quy hoạch, tạo nguồn cán bộ có chất lượng tốt, khắc phục dần tình trạng bị động trong công tác cán bộ, là cơ sở bồi dưỡng, rèn luyện, tạo nguồn cán bộ lâu dài.

* Khó khăn, tồn tại:

- Các đơn vị, địa phương phải kiện toàn tổ chức, bộ máy theo Nghị định số 13/2008/NĐ-CP 04/12/2008 và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04/12/2008 của Chính phủ. Vì vậy, trong thời gian ngắn, tiếp tục thực hiện Nghị định số 158/2007/NĐ-CP quy định việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ công chức, viên chức, các đơn, vị cơ quan gặp lúng túng, khó khăn khi sắp xếp, rà soát lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức một lần nữa.

- Việc quán triệt, triển khai Nghị định 158/2007/NĐ-CP ở một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh chưa đảm bảo, nên nhận thức của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác còn chưa đầy đủ.

- Sau khi chuyển đổi, một số vị trí công tác ở những lĩnh vực cần trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và bề dày kinh nghiệm thực tiễn công tác, vì vậy khi chuyển đổi mất rất nhiều thời gian để tiếp cận công việc (Ví dụ: khi chuyển đổi một số vị trí cán bộ tại cấp xã sẽ gặp khó khăn đó là cán bộ Địa chính - nhà đất, cán bộ Tư pháp, Kế toán..i).

- Có trường hợp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ giữa các cán bộ công chức, viên chức được chuyển đổi không đồng đều, phương tiện, điều kiện làm việc chưa đảm bảo nên khó khăn khi tiếp nhận và giải quyết công việc.

- Bên cạnh, vẫn còn xuất hiện những hiện tượng nhỏ lẻ, chuyển đổi mang tính chất đối phó chiếu lệ, vẫn còn có những cán bộ công chức, viên chức thoái thác, tìm cách đối phó với việc chuyển đổi.

- Một số ngành chưa nhận thức đầy đủ về công tác chuyển đổi vị trí công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc các ngành nghề quy định danh mục chuyển đổi nên việc chỉ đạo và thực hiện chưa kịp thời, chưa sát với thực tế, thiếu kiểm tra, đôn đốc, khoán hẳn cho cơ sở; vì vậy, dù văn bản quy phạm pháp luật tuy đã ban hành nhưng trên thực tế chưa thực hiện nghiêm túc.

- Một số cấp uỷ đảng, lãnh đạo đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức nhận thức chưa đầy đủ mục đích, ý nghĩa của việc chuyển đổi vị trí công tác, chưa phân biệt rõ giữa chuyển đổi vị trí công tác theo quy định với luân chuyển, điều động, bố trí, sắp xếp theo quy hoạch, yêu cầu nhiệm vụ trước mắt.

* Một số giải pháp trong thời gian tới:

Để tiếp tục thực hiện tốt việc chuyển đổi vị trí công tác, cán bộ, công chức ,viên chức trong thời gian tới, Đồng Nai đề ra một số giải pháp sau:

- Thực hiện tốt việc tuyên truyền, giáo dục, quán triệt tầm quan trọng về chuyển đổi vị trí công tác để cán bộ, công chức, viên chức nắm vững các quy định của Nghị định 158/2007/NĐ-CP của Chỉnh phủ để xác định tốt thực hiện nhiệm vụ; kịp thời rà soát đối tượng, chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo thực hiện tại đơn vị, địa phương.

- Khi xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác, cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của các cấp phải tiến hành đồng bộ cả cách làm và bước đi; chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị đầy đủ cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện chuyển đổi vị trí công tác phải thông suốt về tư tưởng, khả năng hiểu biết về tình hình nơi được chuyển đến để tiếp cận điều kiện, môi trường công tác mới (như các ngành thanh tra giao thông, quản lý thị trường, thuế, ngân hàng, hải quan, các vị trí chuyển đổi ở cấp xã..).

- Thường xuyên theo dõi, giúp cán bộ, công chức, viên chức chuyển đổi kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác; xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ, công chức, viên chức chuyển đổi an tâm công tác, phát huy tốt nhất khả năng, năng lực chuyên môn để hoàn thành nhiệm vụ.

- Đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo cán bộ, đào tạo dài hạn, thực hiện theo quy chế và đảm bảo đúng quy trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng gắn với việc bố trí sử dụng cán bộ. Cần ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ để cán bộ có thể phục vụ lâu dài và làm việc hiệu quả hơn.

- Xây dựng chính sách khuyến khích cán bộ chuyển đổi vị trí công tác như: phụ cấp đi xa, nhà ở công vụ, phương tiện đi lại, hỗ trợ cho gia đình người thân trong trường hợp cán bộ công chức, viên chức gặp hoàn cảnh khó khăn, neo đơn.

- Cải thiện chế độ tiền lương và sinh hoạt phí cho cán bộ công chức, viên chức trong nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ cán bộ công chức, viên chức giúp đỡ kinh tế gia đình, để họ yên tâm chuyển đổi công tác đúng quy định.

* Kiến nghị:

Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Nghị định 158/2007/NĐ-CP, xác định cụ thể hơn việc chuyển đổi vị trí công tác đối với một số vị trí cán bộ, công chức, viên chức sát hợp với điều kiện thực tế của từng ngành, từng cấp, thời hạn chuyển đổi vị trí công tác nên quy định linh hoạt cho phù hợp với tính chất nghành nghề, vị trí công tác đòi hỏi chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm ... và ngược lại có những vị trí công tác cũng không nên để thời hạn 03 năm do đặc thù công việc nhạy cảm dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng./.

Đặng Văn Huệ
VP BCĐ phòng, chống tham nhũng tỉnh Đồng Nai

letiendat
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra