Với thông điệp Tổng kết Nghị quyết số 18 của Bộ Chính trị khi nghiên cứu định hướng sắp xếp các cơ quan từ trung ương đến địa phương trong toàn bộ hệ thống chính trị, PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh Trưởng khoa Nhà nước - Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia nhận định một số vấn đề đặt ra từ góc độ quản trị và phòng chống tham nhũng như sau:
Thứ nhất, muốn quản trị được hiệu quả cần phải tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Chính phủ cần được tái cơ cấu tổ chức tinh gọn hơn trên cơ sở tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng sắp xếp, giảm đầu mối các bộ, mở rộng phạm vi liên ngành, lĩnh vực của mỗi bộ, tinh gọn hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh giản biên chế.
Cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ phụ thuộc trực tiếp vào quy mô, tính chất, đặc điểm của chức năng, nhiệm vụ của chính phủ. Số lượng, cơ cấu, quy mô của các bộ phận cấu thành của Chính phủ (bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ) phải đảm bảo thực hiện đầy đủ, chính xác, kịp thời, có kết quả các chức năng, nhiệm vụ của mình trong từng thời kỳ nhất định.
Như vậy, cơ cấu tổ chức Chính phủ tinh gọn không có nghĩa là giảm bớt các đầu mối bên trong một cách tùy tiện, mà phải phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm, cũng như phù hợp với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Chính phủ trong việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; tinh gọn phải đặt trong mối quan hệ với tính hiệu lực, hiệu quả.
Cắt giảm số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ xuống mức phù hợp thông qua việc tái cơ cấu lại các bộ, cơ quan ngang bộ, sáp nhập các bộ có nhiệm vụ, chức năng gần nhau để vừa giảm số lượng, vừa khắc phục tình trạng trùng, lấn nhiệm vụ, chức năng giữa một số bộ, đúng theo nguyên tắc bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
|
|
Chia sẻ của PGS.TS Trần Thị Diệu Oanh, Trưởng khoa Nhà nước - Pháp luật, Học viện Hành chính Quốc gia đã được thông tin tại Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc” được tổ chức sáng ngày 6/12/2024. Ảnh: K. Dung |
Thứ hai, phòng, chống tham nhũng thông qua tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường hoàn thiện thể chế giữ vai trò kiến tạo, tinh gọn bộ máy tổ chức gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ; rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua.
Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước; tạo đồng thuận, thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân để chủ trương của Đảng nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống.
Tinh gọn hiệu qua cơ cấu tổ chức bên trong bộ, cơ quan ngang bộ khắc phục tình trạng nhiều tầng nấc trung gian, vừa tham mưu chính sách vừa tổ chức thi hành dễ dẫn đến lợi ích cục bộ, tham nhũng trong chính sách.
Chức năng nhiệm vụ mô hình tổ chức chính quyền địa phương được xác định và kiện toàn theo Hiến pháp và pháp luật. Cần phải xác định rõ cụ thể, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của mỗi cấp chính quyền nhằm thực hiện phân quyền, phân cấp hợp lí, phân định rõ tổ chức chính quyền đô thị, nông thôn, hải đảo và đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt.
Tư duy xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật cần phải được đổi mới, theo kịp yêu cầu và đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Việc phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực để nâng cao hiệu quá, hiệu lực, quản lý đối với ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo sự đồng thuận của xã hội trong xây dựng và thực thi.
Việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18 là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, hệ trọng và cấp bách; được nhấn mạnh là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy nên không chờ đợi, không nhất thiết tiến hành tuần tự từ trên xuống dưới hay từ dưới lên trên mà tiến hành đồng loạt, cùng lúc.
Việc triển khai thực hiện vừa khẩn trương nhưng cũng cần thận trọng, đề cao sự dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm việc chạy chọt, phe cánh, lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong sắp xếp tổ chức bộ máy.
Có thể khẳng định: Việc đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị bảo đảm phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp tăng cường bảo đảm quyền làm chủ của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của đổi mới và phát triển. Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích của Nhà nước, tập thể, cá nhân, quan tâm giải quyết chế độ, chính sách, phù hợp đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là những người trực tiếp bị ảnh hưởng khi sắp xếp tinh gọn tổ chức./.
M. Phương (tổng hợp)