Đối thoại trong giải quyết khiếu nại

Thứ tư, 02/03/2022 16:10
(ThanhtraVietNam) - Thời gian qua, công tác giải quyết khiếu nại được các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương chú trọng thực hiện, cơ bản đáp ứng các yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của xã hội.

Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, đường lối chỉ đạo đúng đắn, kịp thời, trong đó có sự quan tâm, chú trọng đến công tác đối thoại trong giải quyết khiếu nại, nhất là Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Chỉ thị số 35/CT-TW đã xác định: “Người đứng đầu tổ chức Đảng, Chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tình hình khiếu nại, tố cáo và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, gắn việc tiếp công dân với xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Chủ động đối thoại, vận động, thuyết phục công dân để giải quyết, tháo gỡ triệt để khiếu kiện, bức xúc của công dân”.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. PV

Có thể thấy, đối thoại có vị trí quan trọng trong giải quyết khiếu nại, tạo sự công khai, dân chủ, khách quan trong giải quyết khiếu nại. Hoạt động đối thoại đã và đang là một trong các biện pháp góp phần giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại. Hiện nay, theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011, Nghị định số 124/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại thì việc đối thoại bắt buộc phải thực hiện trong những trường hợp sau:

- Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại.

- Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại phải tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại.

- Trong quá trình giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, người giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai phải tổ chức đối thoại.

Như vậy, việc tiến hành đối thoại trong giải quyết khiếu nại nhằm các mục đích sau:

Một là, làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Có thể thấy đây là mục đích quan trọng nhất của việc tổ chức đối thoại, thông qua đối thoại nhằm làm rõ những nội dung liên quan đến vụ việc, làm sáng tỏ sự thật khách quan, làm căn cứ để định hướng giải quyết khiếu nại một cách đúng đắn.

Hai là, tăng cường tính công khai, dân chủ, bảo đảm tính khách quan trong giải quyết khiếu nại, giúp cho việc giải quyết khiếu nại hiệu quả, nhanh chóng,“thấu tình, đạt lý”. Qua đối thoại, các bên có điều kiện, cơ hội trình bày quan điểm, vướng mắc và những yêu cầu, đề nghị của mình cũng như cung cấp thêm những thông tin, tài liệu phục vụ cho việc giải quyết khiếu nại. Bên cạnh đó, thông qua đối thoại, các vấn đề vướng mắc có thể được làm sáng tỏ khi các bên nhìn nhận lại từng nội dung khiếu nại, nhất là người khiếu nại được giải thích cặn kẽ, thuyết thục nên có thể rút lại những yêu cầu “vô lý” của mình hoặc người bị khiếu nại thấy được sai sót của mình để kịp thời khắc phục, sửa chữa. Mặt khác, việc tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại và các cơ quan, tổ chức có liên quan sẽ tìm được tiếng nói chung giữa các bên, giúp cho việc giải quyết khiếu nại được thực hiện một cách hiệu quả, nhanh chóng, “thấu tình, đạt lý”.

Bên cạnh đó, để đảm bảo cho việc tổ chức đối thoại trong quá trình giải quyết khiếu nại được thực hiện một cách thống nhất, hiệu quả, Luật Khiếu nại năm 2011 và Nghị định số 124/2020/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về hoạt động này. Theo đó, trước khi tổ chức đối thoại, người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức có liên quan biết thời gian, địa điểm, nội dung việc đối thoại.

Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình. Việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ, phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký, điểm chỉ xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ vụ việc khiếu nại. Các quy định cụ thể này đã xác định rõ trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại và quyền của các bên tham gia đối thoại. Qua đó, đảm bảo cho việc tổ chức đối thoại nói riêng, việc giải quyết khiếu nại nói chung được thực hiện với tinh thần khách quan, dân chủ; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong việc giải quyết khiếu nại.

Pháp luật coi việc tổ chức đối thoại như là một phương thức nhằm làm rõ nội dung khiếu nại, nắm bắt yêu cầu và quan điểm của các bên có liên quan đối với việc giải quyết khiếu nại. Từ đó làm căn cứ để người giải quyết khiếu nại có định hướng giải quyết vụ việc, đảm bảo quyền lợi chính đáng của công dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều vụ việc giải quyết khiếu nại còn có sai sót, chưa triệt để, gây bức xúc trong Nhân dân; kết quả các cuộc đối thoại chưa đi đúng trọng tâm, trọng điểm, không đạt được những mục đích như đã phân tích ở trên.

Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, góp gần giải quyết dứt điểm những khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài cần phải chú trọng vào chất lượng của việc tổ chức đối thoại, tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về khiếu nại đối với người dân, cán bộ, công chức nhằm nâng cao nhận thức về công tác giải quyết khiếu nại nói chung và ý nghĩa của đối thoại trong giải quyết khiếu nại nói riêng. Bên cạnh đó, cần phải thực hiện tốt công tác tiếp công dân ngay tại cơ sở; nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, có sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bố trí đủ cán bộ có năng lực, trình độ, kỹ năng làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo./.

Vũ Thị Minh Ngân

Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra