Giải pháp "giảm nhiệt” khiếu kiện

Thứ bảy, 13/02/2021 07:00
(ThanhtraVietNam) - Một trong những cách làm hay, mô hình hiệu quả về "giảm nhiệt" khiếu kiện đó là hoạt động phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư Pháp. Ở đó, các luật sư tham gia tư vấn pháp luật miễn phí cho công dân, làm rõ nhiều nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh.

Mỗi ngày một luật sư tư vấn từ 1 đến 2 vụ việc cho công dân

Chương trình phối hợp số 02-CTPH/MTTQ-TTCP-BTP-HLG-LĐLS ngày 11/10/2018 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, Thanh tra Chính Phủ, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý của luật sư cho công dân khi thực hiện việc khiếu nại, tố cáo (KNTC), kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương.

Trong năm 2020, Ban Tiếp công dân Trung ương đã tổ chức cho 115 luật sư tư vấn pháp luật miễn phí tại Trụ sở thành phố Hà Nội với 217 vụ việc, qua đó giúp công dân hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ khi thực hiện quyền KNTC, kiến nghị, phản ánh, có nhiều vụ việc đã tồn đọng khiếu kiện kéo dài. Bình quân mỗi ngày 01 luật sư đã tư vấn 1- 2 vụ cho các công dân.

Qua hoạt động tư vấn pháp luật của luật sư giúp người dân hiểu được quyền và nghĩa vụ của người KNTC, thẩm quyền cũng như trình tự giải quyết quyết theo quy định của pháp luật. Từ đó, người dân hiểu rõ vụ việc của mình, gửi đơn đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tránh mất thời gian, công sức và chi phí mà vẫn bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Bên cạnh đó, khi người dân được luật sư tư vấn, giải thích cặn kẽ những băn khoăn, thắc mắc thì đều thấy thoải mái, từ đó người dân cởi mở hơn trong việc giãi bày những khó khăn, vướng mắc, thái độ tiếp nhận của người dân ít dè dặt và mạnh dạn hơn khi tiếp xúc với cơ quan Nhà nước, giảm thiểu những đơn thư KNTC không có căn cứ, đã giảm tải bức xúc người khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương. Việc tham gia tư vấn pháp luật miễn phí của luật sư đảm bảo được sự khách quan đã làm người dân tin tưởng, người dân hiểu được việc của mình phải làm và phải đi đến đâu để được giải quyết, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, thông qua việc tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân, các luật sư cũng đã phát hiện được một số vấn đề vướng mắc trong quá trình giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền chưa phù hợp với quy định của pháp luật; ngoài ra, khi tham gia trợ giúp pháp lý, chính các luật sư cũng có điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình và ý thức trách nhiệm của mình trong việc phục vụ cộng đồng.

Nhiều ý kiến đánh giá, qua Chương trình phối hợp của các cơ quan nêu trên, ở một mức độ nào đó hoạt động tư vấn miễn phí của luật sư cho người khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã đạt được những kết quả thiết thực, góp phần “hạ nhiệt”, “giảm sức nóng”, giảm mức độ gay gắt, bức xúc của công dân khiếu kiện tại các vụ việc đông người, phức tạp; đã góp phần ổn định tình hình, góp phần giữ vững an ninh - trật tự, an toàn xã hội trong suốt thời gian vừa qua, đảm bảo thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp tại địa phương và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

leftcenterrightdel
Hội nghị Tổng kết 05 năm các chương trình phối hợp giữa các cơ quan. Ảnh: Internet 


Cần nhân rộng mô hình, phát huy cách làm hiệu quả 

Là người trực tiếp tư vấn pháp lý cho các công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng, Giám đốc Công ty Luật HTC Việt Nam - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội chia sẻ, hiện nay, công tác trợ giúp pháp lý của luật sư cho người KNTC còn những khó khăn, hạn chế nhất định như: Đối tượng trợ giúp pháp lý thường là những cá nhân, công dân có những khiếu nại về quyền và lợi ích của họ mà đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết nhưng họ không đồng ý với những kết quả giải quyết đó; vụ việc thường được giải quyết qua nhiều cấp, thời gian kéo dài, tính chất vụ việc là phức tạp, không đơn thuần là một quan hệ pháp lý hành chính, dân sự, đất đai hay các quan hệ pháp lý nào đó, có thể một vụ việc có tới 2 hoặc 3 quan hệ pháp lý đan xen. Ngoài ra, vì không tiếp cận được hồ sơ từ trước nên việc tìm ra bản chất vụ việc và tìm ra các biện pháp tư vấn pháp lý của luật sư cũng là một việc khó, việc tư vấn hiệu quả đòi hỏi luật sư phải có kiến thức chuyên môn vững và có kinh nghiệm thực tiễn.

“Để đảm bảo khách quan và đảm bảo các luật sư không lợi dụng việc tư vấn miễn phí tại Trụ sở để tìm kiếm khách hàng, Liên đoàn Luật sư Việt Nam yêu cầu các luật sư không nhận hồ sơ của công dân, đây cũng là một khó khăn trong quá trình tư vấn, vì công dân cho rằng luật sư không tôn trọng họ, có thái độ gây bức xúc, làm ảnh hưởng đến uy tín của luật sư”, luật sư Nguyễn Doãn Hùng chia sẻ thêm.

Cũng từng tư vấn pháp lý cho công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Luật sư Trần Thị Thanh Thủy, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết, để hoạt động trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả hơn, thì cần một số giải pháp như: Cần nhân rộng mô hình luật sư tư vấn pháp luật miễn phí cho người khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân ở các địa phương; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa Trụ sở tiếp dân Trung ương và  Liên đoàn Luật sư trong việc thông tin về các vụ việc với mục đích để các luật sư nắm rõ tăng hiệu quả tư vấn. Dưới góc độ cá nhân của luật sư tham gia tư vấn pháp lý, thì phải có thái độ dứt khoát trong quá trình tiếp, hướng dẫn người dân. Nếu người dân đúng phải cương quyết bảo vệ. Còn nếu người dân sai, không đúng hoặc là hết thẩm quyền thì chúng ta cũng giải thích giải quyết dứt điểm, rõ ràng cho người dân để họ biết được rằng vụ việc của họ đã được giải quyết đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Trần Thị Thanh Thủy cho rằng, “để tham gia tư vấn miễn phí cho người dân tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương thì các luật sư cần phải có tâm, nắm rõ bản chất vụ việc, cần bình tĩnh trong quá trình tư vấn, tránh để xảy ra xung đột với người dân. Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng luật sư gợi ý, mời người khiếu nại về văn phòng luật sư của mình để hình thành hợp đồng tư vấn". Đối với các cơ quan quản lý, cần tăng cường quản lý, giáo dục đạo đức nghề nghiệp, phòng ngừa, hạn chế những trường hợp lợi dụng nghề nghiệp luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp làm cho việc giải quyết KNTC thêm phức tạp.

Theo lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương, bên cạnh nhiều giải pháp quan trọng khác thì hoạt động tư vấn pháp lý, giải đáp các quy định của pháp luật miễn phí cho người dân tại các Trụ sở tiếp công dân là một cách làm hữu hiệu để giúp "giảm nhiệt" khiếu kiện. Người dân có thể chưa hiểu hết quy định pháp luật mới khiếu kiện. Do vậy, luật sư tư vấn như những "trọng tài" trung gian làm "dịu" khiếu kiện bằng cách giải đáp, hướng dẫn để công dân KNTC, kiến nghị, phản ánh đúng quy định, trình tự, thủ tục. Thực tế, nhiều vụ việc được luật sư tư vấn, công dân đã hiểu rõ những vấn đề liên quan tới nội dung đơn thư và tự nguyện rút đơn. Như vậy, hiệu quả của hoạt động phối hợp giữa Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan được thấy rõ.

Lan Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra