Giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong quản lý, sử dụng đất nhằm phòng, chống tham nhũng

Thứ sáu, 14/06/2024 11:40
(ThanhtraVietNam) - Việc nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong quản lý, sử dụng đất đai nhằm phòng, chống tham nhũng (PCTN) cần có giải pháp hoàn thiện cơ chế, công cụ, phương tiện để kiểm soát quyền lực. Bài viết, tác giả đề xuất giải pháp có tính định hướng góp phần làm cho quyền lực nhà nước được tổ chức và vận hành ổn định, chính đáng, mạnh mẽ và hiệu quả hơn, hạn chế lạm dụng kiểm soát trong vận hành quyền lực nhà nước.

Quan điểm, chủ trương, chính sách pháp luật về PCTN và kiểm soát quyền lực

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) từ trực thuộc Chính phủ chuyển sang trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban đã giúp việc kiểm soát quyền lực, nhất là lộng quyền, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi có hiệu quả hơn. 

Thể chế hóa và cụ thể hóa Cương lĩnh chính trị, vấn đề phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước đã có bước phát triển về chất, được thể hiện đầy đủ, rõ ràng trong Hiến pháp năm 2013 [1]. Các Điều: 69, 94 và 102 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục ghi nhận nguyên tắc phân công, phối hợp quyền lực nhà nước, đồng thời quy định rõ các chủ thể thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp”; “Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp”; “Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp”. Đặc biệt, nguyên tắc “kiểm soát” được bổ sung: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” (Điều 2). Quy định này đã thể hiện sự phát triển về lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Trong thể chế chính trị Việt Nam, Nhân dân ủy quyền cho các thiết chế trong hệ thống chính trị để sử dụng quyền lực đó phục vụ Nhân dân, phục vụ xã hội. Điều này được hiến định trong Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, và được Đảng, Nhà nước ban hành thành các quy định, văn bản cụ thể nhằm lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Điều 2, Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”, đã nêu rõ quan điểm của Đảng. Tiếp đó, quy định này được thay thế bằng Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTN, tiêu cực (TC) trong công tác cán bộ.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh một trong 10 nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”; “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng nhằm xây dựng, phát triển một cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lạm quyền, lộng quyền, “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực [2].

 Xuất phát từ những yêu cầu lớn chủ trương của Đảng, Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW đối với việc hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ. Qua đó, thể chế hoá chủ trương mới của Đảng về quản lý và sử dụng đất sẽ tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và thống nhất, bảo đảm cho Nhà nước có đầy đủ công cụ pháp lý để thực hiện quyền và nghĩa vụ đại diện chủ sở hữu, chủ thể sử dụng đất; hạn chế được tiêu cực, lạm dụng, lạm quyền, lộng quyền [3].

Một số giải pháp kiểm soát quyền lực trong quản lý, sử dụng đất nhằm phòng, chống tham nhũng

Bên cạnh nhóm giải pháp kiểm soát về cơ chế chính sách và nhóm giải pháp kiểm soát từ bên ngoài, một số giải pháp cụ thể đáng chú ý gồm:

Thứ nhất, cần có quy định về nguyên tắc kiểm soát quản lý; chủ thể, đối tượng trong quan hệ kiểm soát quyền lực; nội dung, hình thức và trình tự thủ tục kiểm soát; các biện pháp và hậu quả pháp lý của hoạt động kiểm soát quyền lực.

Thứ hai, kiểm soát quyền lực về lĩnh vực đất đai thông qua việc xác định rõ trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, lãnh đạo, quản lý, điều hành trong thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai với phương châm “Đúng vai, thuộc bài” trên cơ sở xây dựng những tiêu chí mang tính khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tế và chiến lược công tác cán bộ của Đảng trong việc đánh giá cán bộ về cả phẩm chất, đạo đức lẫn năng lực, trách nhiệm, hiệu quả công tác; phải công khai, minh bạch tất cả các hoạt động công vụ.

Thứ ba, kiểm soát quyền lực thông qua việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng, cấp phó khi để xảy ra các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lạm quyền về các thủ tục hành chính đất đai.

Trong nền công vụ của nước ta hiện nay, việc xác định vị trí việc làm, kết quả, sản phẩm của từng vị trí việc làm, nhất là trách nhiệm của từng vị trí việc làm là chưa rõ, chưa mình bạch, việc phân cấp về thẩm quyền quản lý, trách nhiệm cũng chỉ dừng lại ở những quy định mang tính nguyên tắc chung nên trên thực tế trong không ít trường hợp đã bỏ lọt trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu liên quan đến trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhưng cũng có những trường hợp xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu chưa được "tâm phục, khẩu phục", chưa mang lại sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội, quan điểm xử lý giữa các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, kể cả tổ chức đảng còn khác nhau...

Thứ tư, kiểm soát quyền lực thông qua thiết chế công khai, minh bạch trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; công tác quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai và giá đất.

Thứ năm, kiểm soát quyền lực thông qua việc tự kiểm tra, giám sát bằng các hình thức thu thập thông tin (hòm thư góp ý, đường dây nóng); giao cơ quan khác kiểm tra nội bộ về tuân thủ các quy trình thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

Hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra nhằm mục đích theo dõi, nhìn nhận, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm công vụ, kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống phát sinh, các vi phạm, tồn tại, hạn chế; tìm ra những nguyên nhân, động cơ, điều kiện dẫn đến những vi phạm, hạn chế của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, nhất là những người có chức vụ, quyền hạn; chỉ ra được những yếu kém, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, công tác cán bộ qua đó để đưa ra được những biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

Thứ sáu, kiểm soát quyền lực thông qua việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong thời gian qua, quá trình kiểm tra, xác minh đơn thư của công dân phát hiện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, như; sử dụng đất sai mục đích, lấn, chiếm đất, giao đất trái thẩm quyền; xử lý vi phạm, chuyển mục đích sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất.

Thứ bẩy, kiểm soát quyền lực đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý, công chức thực thi nhiệm về thực hiện các nhiệm vụ thủ tục hành chính về đất đai. Bởi vì, cơ chế kiểm soát quyền lực trong quản lý và sử dụng đất đai thể hiện rõ nét là các chế tài xử lý nghiêm minh những tổ chức, những cá nhân lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì mục đích vì lợi ích cá nhân, vì “lợi ích nhóm”. Để kiểm soát quyền lực thực sự có hiệu quả đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền phải tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu để trở thành người thực sự có “tâm”, có “tầm”, vượt lên chính mình, vượt lên ma lực cám dỗ của quyền lực, của đồng tiền.

Theo đó, việc kiểm soát quyền lực trước tiên thuộc về cơ chế tự kiểm soát của mỗi cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Họ phải tự thấy rõ đó là quyền lực của Nhân dân, Nhân dân trao cho họ, ủy quyền cho họ thực hiện vì mục đích chung, vì lợi ích của Nhân dân; không phải là quyền lực riêng của họ, nên họ phải thực hiện đúng, đủ quyền lực, thực hiện đúng, hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được trao, không được lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực vì lợi ích cá nhân.

Có thể thấy, hành vi lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực nhà nước của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong quá trình vận hành quyền lực nhà nước khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai chính là biểu hiện mặt trái, mặt tiêu cực của quyền lực nhà nước. Khi xảy ra lộng quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực được giao sẽ ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực thi đường lối, chính sách, pháp luật, tạo cơ hội, điều kiện vi phạm pháp luật, tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Đồng thời, gây mất đoàn kết trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương, bộ, ngành, tổ chức, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị của đất nước.

Do đó, cần phải tăng cường và nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước trong quá trình quản lý và sử dụng đất đai, bảo đảm pháp luật được ban hành và thực thi có hiệu lực, hiệu quả, chất lượng nhất với các công cụ hữu hiệu từ các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân. Đó là đòi hỏi cấp bách của quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với quyết tâm cao nhất, sự nghiêm minh, nghiêm túc trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức đang được đẩy mạnh hiện nay; sự quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, trước hết là từ Trung ương và hành động mạnh mẽ, có hiệu quả cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân, chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng, tình trạng tham nhũng đất đai gây bức xúc xã hội hiện nay nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi./.   

Chú thích:

[1]. Hiến pháp năm 2013;

[2].Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt nam;

[3]. Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23-9-2019, của Bộ Chính trị, “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.

 

TS. Đoàn Văn Tạo
Thanh tra thành phố Hải Phòng

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra