Trước yêu cầu cần nâng cao chất lượng công tác QLTT trong điều kiện hội nhập sâu rộng kinh tế khu vực và thế giới với nguy cơ gia tăng tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục QLTT trực thuộc Bộ Công Thương (Quyết định 34/2018/QĐ-TTg). Tổng cục QLTT được tổ chức thành hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo nguyên tắc tập trung thống nhất. Cơ cấu, tổ chức của Tổng cục QLTT được kế thừa và phát triển từ tổ chức QLTT hiện có, bảo đảm thực hiện thống nhất trong quan hệ chỉ đạo, điều hành xuyên suốt; giữ ổn định, không phát sinh tăng đầu mối, biên chế, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống các vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để kịp thời thực hiện những nhiệm vụ theo mô hình mới được Chính phủ giao theo Quyết định 34/2018/QĐ-TTg, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 35/2018/TT/BCT (Thông tư 35) ngày 12/10/2018 quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT có kết cấu 7 chương, 42 điều khoản.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, lực lượng QLTT đã phát huy tốt nhiệm vụ được giao trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính bằng các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT theo Thông tư 35. Cụ thể: Trong 02 năm kể từ ngày chuyển đổi mô hình, lực lượng QLTT đã kiểm tra trên 21.885 vụ việc, phát hiện, xử lý 91.176 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước 444 tỉ đồng. Chuyển sang cơ quan tố tụng hình sự: 107 vụ việc, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý. Đáng chú ý, thời gian gần đây, lực lượng QLTT đã tổ chức kiểm tra, xử lý các điểm nóng về kinh doanh hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại chợ Bến Thành, trung tâm thương mại Sài Gòn Square; phát hiện dấu hiệu vi phạm về kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại hệ thống kinh doanh mỹ phẩm Ansan Cosmetics tại Thành phố Hồ Chí Minh; tấn công vào tổng kho hàng lậu hơn 10.000 m2 ở Lào Cai; công tác bình ổn thị trường của lực lượng QLTT góp phần phòng, chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19 được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và người dân ghi nhận, đánh giá cao...
Có thể khẳng định Thông tư 35 đã tạo thuận lợi cho lực lượng QLTT trong hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, góp phần đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đồng thời, quản lý được hoạt động kiểm tra, xử lý của công chức QLTT và ngăn ngừa sai phạm trong hoạt động công vụ. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, các nội dung trong Thông tư 35 đã dần bộc lộ một số điểm lạc hậu làm ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động phòng, chống và xử lý vi phạm pháp luật của lực lượng QLTT như:
Thứ nhất, hoạt động kiểm tra được quy định tại Thông tư 35 có nhiều thủ tục rườm rà, mang nặng tính hình thức, chưa đáp ứng yêu cầu về tính kịp thời, nhanh chóng phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm, việc gửi kế hoạch kiểm tra cho đối tượng kiểm tra chưa được quy định cụ thể, rõ ràng về cách thức thực hiện dẫn đến áp dụng không thống nhất giữa các địa phương.
Thứ hai, một số quy định về việc xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra chưa phù hợp với thực tế hoạt động; trình tự, thủ tục trong tiếp nhận, xử lý thông tin mang nặng tính hình thức chưa đáp ứng được tính kịp thời trong kiểm tra, xử lý.
Thứ ba, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan QLTT có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra, áp dụng các biện pháp ngăn chặn chưa được xác định rõ, nhất là trong quá trình thu thập, xử lý thông tin để xây dựng kế hoạch kiểm tra hoặc thiết lập căn cứ ban hành quyết định kiểm tra, áp dụng các biện pháp ngăn chặn.
Thứ tư, quy định về trình tự, thủ tục, phương pháp tiến hành một số biện pháp nghiệp vụ của QLTT chưa đầy đủ, rõ ràng, thiếu tính khả thi và thực tế gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện như biện pháp quản lý địa bàn, xây dựng cơ sở cung cấp thông tin, giám sát tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là trong bối cảnh việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý Nhà nước theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vào trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT mang tính bắt buộc.
Thực hiện chỉ đạo của Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT, Tổng cục QLTT đã tập trung triển khai đồng bộ hệ thống email và hệ thống quản lý công văn, chỉ đạo điều hành qua mạng điện tử (mail.dms.gov.vn và dms.gov.vn); làm mới Cổng thông tin điện tử của Tổng cục và 63 cổng thông tin điện tử của các cục QLTT địa phương để phục vụ công tác điều hành nội bộ và truyền thông hoạt động công vụ. Việc áp dụng hệ thống xử phạt vi phạm hành chính được coi là một bước đột phá trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ của lực lượng QLTT, tạo sự đồng bộ, thống nhất liên thông quản lý, điều hành, xử lý, lưu trữ hồ sơ trong toàn lực lượng, phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Rút ngắn thời gian tổng hợp, đánh giá, nhận định tình hình, mang lại hiệu quả trong việc thực thi nhiệm vụ.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ngoài ra, năm 2019, Tổng cục QLTT đã xây dựng và đưa vào áp dụng chính thức phần mềm quản lý tài chính cho toàn lực lượng QLTT tại địa chỉ http://fin.dms.gov.vn/ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành ngân sách; công khai, minh bạch trong sử dụng, thu, chi ngân sách Nhà nước theo quy định. Song song với đó là công tác hiện đại hóa hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo điều hành, xử lý, trao đổi văn bản điện tử; xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ thực thi công vụ; phát triển hạ tầng kỹ thuật và áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin trong hoạt động của Tổng cục thời gian qua. Theo đó, Tổng cục đã chuyển đổi, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động theo quy định.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn và đề xuất của Tổng cục QLTT, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ký ban hành Thông tư số 27/2020/TT-BCT ngày 30/9/2020 (Thông tư 27) quy định về nội dung, trình tự, thủ tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT thay thế Thông tư 35. Thông tư 27 kế thừa nguyên vẹn nội dung của 20/42 điều của Thông tư 35 và các chương, mục, điều, khoản được sắp xếp rất khoa học, hợp lý. Một số điểm mới, nổi bật của Thông tư 27 như sau:
Thứ nhất, tách hoạt động “thanh tra chuyên ngành” ra khỏi đối tượng áp dụng để tập trung chính vào hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT. Điều này thể hiện tính chuyên nghiệp trong công tác thanh tra và kiểm tra của lực lượng QLTT.
Thứ hai, bổ sung mới nội dung “Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT phải bảo đảm an ninh, an toàn, tiết kiệm và có hiệu quả theo quy định của pháp luật” (2) nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và sự quyết tâm của lực lượng QLTT nhằm thực hiện Chính phủ điện tử trong thời gian tới.
Thứ ba, bổ sung quy định định hướng chương trình kiểm tra (3). Cụ thể: Căn cứ tình hình thị trường, yêu cầu công tác QLTT hoặc theo sự chỉ đạo bằng văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương hoặc cấp trên có thẩm quyền, Tổng cục QLTT có trách nhiệm xây dựng định hướng chương trình kiểm tra của năm tiếp theo trình Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định phê duyệt trước ngày 15/11 hằng năm.
Thứ tư, để nâng cao tính chuyên nghiệp, Thông tư 27 đã bỏ quy định thành phần đoàn kiểm tra có “người tham gia giúp việc” trong trường hợp cần thiết, mà chỉ quy định thành phần đoàn kiểm tra của lực lượng QLTT là công chức QLTT đáp ứng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 23 Pháp lệnh QLTT năm 2016. Theo đó, thành phần đoàn kiểm tra gồm trưởng đoàn kiểm tra; công chức QLTT; người được cơ quan phối hợp cử tham gia đối với việc kiểm tra có nội dung liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ QLTT của nhiều ngành, lĩnh vực theo quy định.
Thứ năm, trường hợp hoạt động kiểm tra đối với cùng một đối tượng được kiểm tra phải thực hiện tại nhiều địa điểm khác nhau, người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra có thể ban hành một hoặc nhiều quyết định kiểm tra hoặc có văn bản chỉ đạo người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra cấp dưới của mình ban hành quyết định kiểm tra đối với đối tượng được kiểm tra tại từng địa điểm kiểm tra thuộc địa bàn hoặc lĩnh vực được phân công. (4)
Thứ sáu, đối với việc xử lý nội dung phát sinh, thông tư quy định, trường hợp kiểm tra phát hiện tổ chức, cá nhân được kiểm tra có dấu hiệu vi phạm pháp luật ngoài nội dung ghi trong quyết định kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra phải báo cáo, đề xuất người ban hành quyết định kiểm tra sửa đổi, bổ sung quyết định kiểm tra đã được ban hành. Đoàn kiểm tra chỉ được tiến hành kiểm tra đối với nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật sau khi có quyết định sửa đổi, bổ sung quyết định kiểm tra của người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra. (5)
Thứ bảy, đối với vụ việc vi phạm hành chính do QLTT kiểm tra phát hiện hoặc chủ trì kiểm tra phát hiện nhưng xét thấy có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan QLTT của người đã ban hành quyết định kiểm tra hoặc đang thụ lý vụ việc phải chuyển giao ngay hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. (6) Còn đối với thủ tục tiếp nhận, thụ lý vụ việc vi phạm hành chính do cơ quan Nhà nước khác chuyển giao cho cơ quan QLTT, cơ quan QLTT chỉ tiếp nhận, thụ lý trong trường hợp xét thấy phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền xử phạt của lực lượng QLTT.
Mặc dù có nhiều điểm mới, tiến bộ so với Thông tư 35, nhưng Thông tư 27 vẫn bộc lộ nhiều hạn chế trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng và ngành QLTT chưa có hệ thống pháp luật riêng. Để hoàn thiện pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT, theo tác giả cần có một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai có hiệu quả cổng thông tin điện tử; hệ thống quản lý văn bản điện tử; hệ thống thư điện tử công vụ; cơ sở dữ liệu và quản lý công tác tài chính; cơ sở dữ liệu và thống kê xử phạt hành chính, hệ thống hội nghị trực tuyến với 64 điểm cầu (Tổng cục và 63 cục địa phương),... xây dựng cơ sở dữ liệu về hàng giả, hàng nhái, buôn lậu, gian lận thương mại và vi phạm sở hữu trí tuệ, tra cứu chứng từ điện tử, quản lý cán bộ, thi đua khen thưởng,… góp phần giúp công tác chỉ đạo điều hành, công tác quản lý và hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT được chủ động, thông suốt, thống nhất, kịp thời và đạt hiệu quả cao.
Thứ hai, sớm xây dựng và triển khai Đề án “liêm chính quản lý thị trường”. Đây là đòi hỏi tất yếu trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Mục đích chính của Đề án là hoạch định được các kế hoạch chiến lược và đề ra các quyết sách đúng đắn trong phòng, chống tham nhũng, nâng cao đạo đức và liêm chính QLTT nhằm xây dựng lực lượng QLTT chuyên nghiệp, tinh nhuệ, chính quy, hiện đại.
Thứ ba, hiện nay trong công tác kiểm tra, lực lượng QLTT lấy Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 làm cơ sở chính để xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 là luật khung quy định các vấn đề chung liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính, trong đó có thẩm quyền xử phạt. Thẩm quyền xử phạt trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước cụ thể sẽ do Chính phủ quyết định. Vậy nên, lực lượng QLTT rất bị động do quy định xử lý vi phạm hành chính bị phân tán tại quá nhiều luật, nghị định khác nhau. Do đó, việc sớm hoàn thiện luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng QLTT trong điều kiện hội nhập quốc tế là rất cần thiết.
Thứ tư, sau ba năm hoạt động theo mô hình ngành dọc, lực lượng QLTT đã chứng minh được hiệu quả xuyên suốt trong công tác đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại; vị thế của lực lượng QLTT ngày càng lớn mạnh. Đây là thời điểm chín muồi để nâng cấp địa vị pháp lý của ngành QLTT. Do đó, việc sửa đổi, nâng cấp Pháp lệnh QLTT năm 2016 lên thành Luật QLTT là rất cần thiết.
Có thể nói, QLTT là một trong những lực lượng chủ công trong công tác bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Chính vì vậy, việc luật hóa địa vị, tổ chức, quyền hạn của QLTT hiện nay là yêu cầu tất yếu, khách quan, cấp bách để hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn và phù hợp với chủ trương của Đảng, Chính phủ là xây dựng lực lượng QLTT theo yêu cầu chính quy, tổ chức chặt chẽ, phù hợp với Nghị quyết số 12/NQ-TW ngày 03/01/1996 của Bộ Chính trị./.
ThS. Lê Quang Kiệm,
Cục QLTT tỉnh Đồng Nai
Chú thích:
(1) Điều 7 Pháp lệnh QLTT năm 2016;
(2), (3), (4), (5), (6) Khoản 4 Điều 3, Điều 4, Khoản 4 Điều 13, Điểm b Khoản 2 Điều 17, Khoản 2 Điều 22 Thông tư số 27/2020/TT-BCT ngày 30/9/2020.