Một số giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động tự kiểm tra tài chính kế toán trong các đơn vị kế toán Nhà nước

Thứ ba, 08/06/2021 10:31
(ThanhtraVietNam) - Trong thời gian qua, hoạt động kiểm tra tài chính kế toán tại đơn vị kế toán Nhà nước(1) đã có những đóng góp quan trọng góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng hiệu quả. Song song với hoạt động kiểm tra từ bên ngoài do các cơ quan chức năng tiến hành (cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước, cơ quan tài chính…), hoạt động tự kiểm tra trong nội bộ đơn vị kế toán Nhà nước cũng rất cần thiết.

 

Hoạt động tự kiểm tra tài chính trong đơn vị kế toán Nhà nước là việc đơn vị tự xem xét tình hình chấp hành các quy định của pháp luật, việc ban hành và thực hiện quy chế của ngành, cơ quan, đơn vị về quản lý tài chính, tài sản nhằm phòng ngừa và xử lý sai phạm, khắc phục hạn chế yếu kém, góp phần quản lý tài chính, tài sản hiệu quả, tiết kiệm. Hoạt động tự kiểm tra tài chính kế toán còn bao gồm việc đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm tuân thủ pháp luật về kế toán, sự trung thực, chính xác của thông tin, số liệu kế toán.

Nếu hoạt động tự kiểm tra tài chính kế toán trong nội bộ đơn vị kế toán Nhà nước được coi trọng, sẽ tiết kiệm được chi phí kiểm soát từ bên ngoài (thanh tra, kiểm toán). Hoạt động tự kiểm tra được tiến hành thường xuyên sẽ bổ trợ và khắc phục được những hạn chế từ hoạt động kiểm soát từ bên ngoài. Bởi vì hoạt động này được tiến hành ngay trong quá trình của quản lý, được tiến hành thường xuyên, ít tốn kém, sâu sát thực tiễn hơn. Trong khi hoạt động kiểm tra từ bên ngoài thường được tiến hành sau quá trình quản lý, khi phát hiện các sai phạm thì những hành vi đó đã xảy ra từ lâu, đã gây hậu quả trong thời gian dài, việc khắc phục hoặc thu hồi tiền và tài sản rất khó khăn do những đối tượng vi phạm đã kịp tẩu tán tài sản, nhiều người đã chết hoặc bỏ trốn, nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển công tác, các cơ chế chính sách đã được thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn, việc xem xét các sai phạm tại thời điểm trong quá khứ rất khó khăn và việc đề xuất cơ chế chính sách quản lý Nhà nước không còn ý nghĩa. Đồng thời, hoạt động tự kiểm tra tài chính sẽ khắc phục được khó khăn về việc biên chế dành cho hoạt động kiểm tra từ bên ngoài cần được tinh giản.

Các quy định của pháp luật về tự kiểm tra tài chính kế toán

Hoạt động tự kiểm tra tài chính đã được quy định tại nhiều luật và các văn bản pháp quy như:

- Điều 34 Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015 quy định việc kiểm tra kế toán đối với các đơn vị trực thuộc (các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, các cơ quan cấp trên). Cũng tại Luật Kế toán, Điều 39 quy định về kiểm soát nội bộ(2) và kiểm toán nội bộ, yêu cầu các đơn vị kế toán phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ trong đơn vị để bảo đảm tài sản của đơn vị được an toàn, tránh sử dụng sai mục đích, không hiệu quả, đồng thời các nghiệp vụ được phê duyệt đúng thẩm quyền và được ghi chép đầy đủ làm cơ sở cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính trung thực, hợp lý.

- Ngày 22/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ. Theo đó, thông qua các hoạt động kiểm tra, đánh giá và tư vấn, kiểm toán nội bộ đưa ra các đảm bảo mang tính độc lập, khách quan và các khuyến nghị về các nội dung: Hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị đã được thiết lập và vận hành một cách phù hợp nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các rủi ro của đơn vị; các quy trình quản trị và quy trình quản lý rủi ro của đơn vị đảm bảo tính hiệu quả và có hiệu suất cao; các mục tiêu hoạt động và các mục tiêu chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ công tác mà đơn vị đạt được. Kiểm toán nội bộ bắt buộc được thành lập tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tại các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên có tổng quỹ tiền lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương của số người lao động hiện có (bao gồm: số biên chế có mặt, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ và lao động hợp đồng chuyên môn khác) trong một năm từ 20 tỷ đồng trở lên hoặc sử dụng từ 200 người lao động trở lên; tại các doanh nghiệp là công ty niêm yết, doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, doanh nghiệp Nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

- Khoản 1 Điều 10 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chi, kiểm toán Nhà nước “kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, bao gồm việc tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức; kiểm tra của cơ quan, tổ chức cấp trên với cơ quan, tổ chức cấp dưới và cá nhân có liên quan”.

- Điều 56 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định “người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý mà thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng; thường xuyên đôn đốc đơn vị trực thuộc kiểm tra người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Khi phát hiện có hành vi tham nhũng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”.

- Ngày 13/8/2004, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế số 67/2004/QĐ-BTC về tự kiểm tra tài chính, kế toán tại các đơn vị kế toán Nhà nước. Theo đó, quy chế quy định yêu cầu, phương pháp, trình tự, nội dung của hoạt động tự kiểm tra, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị kế toán và các đơn vị, cá nhân có liên quan.

- Điều 23 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp có quy định trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trong việc tổ chức thực hiện kiểm toán nội bộ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - Internet 

Thực trạng việc tuân thủ pháp luật về tự kiểm tra tài chính

Hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về tự kiểm tra, đã thành lập tổ chức kiểm toán nội bộ, đặc biệt là ở các doanh nghiệp. Riêng ở một số cơ quan Nhà nước có tổ chức ngành dọc như cơ quan thuế, hải quan, tài chính… đã có hoạt động kiểm toán nội bộ, kiểm tra chuyên ngành tài chính được tiến hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 của Luật Kế toán năm 2015.

Tuy nhiên, việc thành lập kiểm toán nội bộ theo quy định của Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ở một số cơ quan không có ngành dọc, ít biên chế, sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước không lớn như Thanh tra Chính phủ, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp khó khăn. Tuy vậy, hoạt động tự kiểm tra tài chính kế toán cũng đã được tiến hành theo các hình thức lồng ghép với hoạt động thẩm duyệt quyết toán thu chi ngân sách hàng năm.

Thực hiện pháp luật dân chủ tại cơ sở và cơ chế tự chủ tài chính của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, mặc dù ở các đơn vị kế toán Nhà nước chưa thành lập kiểm toán nội bộ, các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế dân chủ tại cơ sở, quy chế quản lý và sử dụng tài sản công, quy chế công khai tài chính, quy chế làm việc và các quy trình, thủ tục kiểm soát nội bộ khác, nhằm hạn chế các sai phạm trong quản lý tài chính, tài sản công, đồng thời tăng cường hoạt động tự kiểm tra, giám sát tại cơ quan, đơn vị. Các quy trình, quy chế nội bộ được tiến hành lấy ý kiến rộng rãi, dân chủ, công khai, minh bạch tại các đơn vị có sự tham gia của tổ chức công đoàn cơ sở, chủ động xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế quản lý và sử dụng tài sản công để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và lao động, thời gian lao động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Thông qua việc ban hành và tổ chức thực hiện các thủ tục, quy trình, quy chế, nhằm giáo dục tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật quản lý tài chính, tài sản, đồng thời nâng cao ý thức tự kiểm tra, giám sát của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Các thủ tục kiểm soát nội bộ có tác dụng đáng kể trong việc đơn vị tự phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm, áp dụng các biện pháp xử lý các sai phạm theo đúng thẩm quyền đã được phân cấp. Đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm, đánh giá những tồn tại, tìm ra nguyên nhân và đưa ra phương hướng, biện pháp khắc phục nhằm tăng cường công tác quản lý tài chính, kế toán tại đơn vị.

Tuy nhiên, hoạt động tự kiểm tra tài chính kế toán tại nhiều đơn vị còn chưa được coi trọng, hoặc được thực hiện nhưng chưa nghiêm túc, chưa khách quan, chưa thường xuyên, dẫn tới còn nhiều sai phạm về tài chính ngân sách xảy ra, đã được phát hiện qua kiểm tra từ bên ngoài. Cụ thể là, chỉ tính riêng năm 2020, kết quả phát hiện và xử lý sai phạm của các cơ quan thanh tra, kiểm toán(3) như sau:

- Về thanh tra: Năm 2020, toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế 119.528 tỷ đồng, 9.045 ha đất; kiến nghị thu hồi 44.582 tỷ đồng và trên 1.401 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 74.946 tỷ đồng, 7.644 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành 116.239 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7.631 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng.

- Về kiểm toán Nhà nước: Năm 2020, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 54.770,44 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; 02 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 101 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan theo yêu cầu của các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Đảng, cơ quan cảnh sát, an ninh điều tra các cấp và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.

- Về trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng: Qua báo cáo của các bộ, ngành địa phương, trong năm 2020 có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 69 người đã bị xử lý kỷ luật (tăng 39 người so với năm 2019) và 12 người bị xử lý hình sự.

Cũng theo Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ, việc kiểm tra nội bộ, tự phát hiện tham nhũng trong một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chủ yếu qua đơn thư tố cáo, báo chí phản ánh hoặc khi cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra mới phát hiện sai phạm; một số đơn vị thuộc một số bộ, ngành, địa phương xảy ra tham nhũng nhưng người đứng đầu chưa được xem xét, xử lý trách nhiệm kịp thời.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên do hiệu quả công tác tự kiểm tra chưa cao, hiện nay chưa có các quy định xử lý vi phạm về hoạt động chưa tuân thủ hoặc thực hiện chưa nghiêm quy định tự kiểm tra tài chính, kế toán.

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tự kiểm tra tài chính

Để hoạt động kiểm tra tài chính kế toán tại các đơn vị kế toán trong thời gian tới đạt hiệu quả tốt hơn, cần đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả của hoạt động tự kiểm tra tài chính kế toán trong đơn vị kế toán Nhà nước. Sau đây là một số giải pháp: 

Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ công chức, viên chức, người lao động về việc phát huy quyền dân chủ trong kiểm tra, giám sát việc quản lý tài chính, tài sản, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Nhiều người trong cơ quan, đơn vị còn coi công tác kiểm tra tài chính là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng như cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan tư pháp. Do đó, tuyên truyền ý thức tự kiểm tra của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị là một trong những biện pháp hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ để thay đổi quan điểm sai lầm nêu trên.

Thủ trưởng đơn vị kế toán Nhà nước phải luôn coi trọng hoạt động tự kiểm tra tại cơ quan, đơn vị mình, gương mẫu chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng. Đây là một trong những điều kiện không thể thiếu để xây dựng và duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả. Thủ trưởng đơn vị phải tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động thanh tra nhân dân; tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ, kiểm tra, thanh tra theo thẩm quyền; xử lý hoặc phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với người trong cơ quan, tổ chức mình có hành vi gây lãng phí; thực hiện công khai việc xử lý hành vi gây lãng phí trong cơ quan, tổ chức. Thực hiện tốt các quy định về quy chế dân chủ tại cơ sở, nâng cao vai trò của ban thanh tra nhân dân và mặt trận tổ quốc trong tập trung giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ công tác hằng năm của cơ quan, đơn vị và việc sử dụng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách Nhà nước, chấp hành chế độ quản lý tài chính, tài sản công, tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và những nội dung khác theo quy định của pháp luật…

Thứ hai, sửa đổi Luật Kế toán và Nghị định số 05/2019/NĐ-CP theo hướng tổ chức kiểm toán nội bộ phù hợp với từng cơ quan, đơn vị theo hướng tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, cho phép các cơ quan tài chính kiêm thực hiện kiểm toán nội bộ hoặc có quyền thuê kiểm toán độc lập để tiến hành kiểm toán nội bộ. Đồng thời bổ sung chế tài xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động tự kiểm tra tài chính kế toán của các đơn vị kế toán Nhà nước.

Thứ ba, đảm bảo mối quan hệ mật thiết giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng thanh tra, kiểm toán từ bên ngoài đơn vị kế toán với bộ phận được giao kiểm tra nội bộ bên trong đơn vị kế toán. Khi xây dựng được mối quan hệ với các cơ quan có chức năng kiểm tra từ bên ngoài với đơn vị, cá nhân được giao kiểm tra tài chính, kế toán nội bộ của đơn vị kế toán, sẽ góp phần tiết kiệm chi phí kiểm tra, nâng cao hiệu quả kiểm tra. Khi đó, sự kiểm tra từ bên ngoài sẽ chỉ tiến hành đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Hoạt động kiểm tra thường xuyên từ bên ngoài sẽ chỉ tập trung vào việc đánh giá hiệu lực, hiệu quả và chất lượng của hệ thống kiểm soát nội bộ và được thay đổi từ hình thức kiểm tra trực tiếp sang kiểm tra gián tiếp (giám sát) là chủ yếu.

Thứ ba, nâng cao vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông để thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật; kịp thời đưa tin kết quả công tác tự kiểm tra tài chính kế toán; biểu dương những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cuối cùng, giải pháp quan trọng nhất vẫn là coi trọng chất lượng cán bộ. Việc bổ nhiệm đề bạt người đứng đầu đơn vị cần xem xét kỹ đến tính gương mẫu, đạo đức của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, nâng cao trách nhiệm và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của người được giao công tác kiểm tra trong nội bộ đơn vị, kiểm toán viên nội bộ.

Hoạt động tự kiểm tra tài chính kế toán trong đơn vị kế toán cần được coi là nhiệm vụ thường xuyên, nhưng lại không nên gây sự gò ép trong từng cơ quan đơn vị, đảm bảo sự tham gia rộng rãi của từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, của cả các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, được đảm bảo thực hiện bằng các quy định pháp luật chặt chẽ, chắc chắn sẽ đạt hiệu quả tốt, khi đó, việc kiểm tra từ bên ngoài sẽ ít tốn kém nguồn lực của xã hội, thậm chí là không cần thiết./.

TS. Tăng Thị Thiệm

Thanh tra Chính phủ

 

Chú thích:

(1) Đơn vị kế toán Nhà nước là tổ chức có con dấu riêng, có tài khoản riêng, có tài sản độc lập, có tổ chức bộ máy kế toán, có lập báo cáo tài chính và được cấp toàn bộ hoặc một phần ngân sách Nhà nước.

(2) Kiểm soát nội bộ là việc thiết lập và tổ chức thực hiện trong nội bộ đơn vị kế toán các cơ chế, chính sách, quy trình, quy định nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo đảm phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro và đạt được yêu cầu đề ra (Luật Kế toán 2015).

(3) Báo cáo số 525/BC ngày 14/10/2020 của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020

 

Tài liệu tham khảo

- Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015

- Luật Kế toán năm 2015

- Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013

- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

-  Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính.

- Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ quy định về kiểm toán nội bộ.

- Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.

- Báo cáo tổng kết ngành Thanh tra năm 2020

- Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ.

- Quy chế số 67/2004/QĐ-BTC ngày 13/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành “Quy chế tự kiểm tra tài chính, kế toán tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước.

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra