Một số giải pháp xử lý đối với hành vi "nhũng nhiễu", "tham nhũng vặt" từ thực tiễn tại tỉnh Đồng Nai

Thứ tư, 09/12/2020 16:46
(ThanhtraVietNam) - Sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Do đó, việc thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Chính phủ là rất cấp thiết. Từ thực tiễn đánh giá về hành vi nhũng nhiễu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, tác giả tập trung phân tích về cách nhận diện và một số giải pháp để xử lý đối với hành vi “nhũng nhiễu” và “tham nhũng vặt”.

Nhận diện về hành vi “nhũng nhiễu” và “tham nhũng vặt”

Theo Khoản 6 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, “nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ”. Hành vi nhũng nhiễu thường xảy ra trong hoạt động của một số cơ quan công quyền, nhất là tại các cơ quan hành chính, nơi trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Đặc điểm nhận dạng đó là: Một số cán bộ, công chức hoặc người có chức vụ quyền hạn(1) không thực hiện trách nhiệm với thái độ công tâm và tinh thần phục vụ mà ngược lại, thường tìm cách lợi dụng những sơ hở hoặc không rõ ràng của các thủ tục, thậm chí tự ý đặt ra các điều kiện gây thêm khó khăn cho công dân và doanh nghiệp, để buộc người dân và doanh nghiệp phải biếu xén quà cáp cho mình. Thực chất của hành vi này là sự ép buộc đưa hối lộ được che đậy dưới hình thức tinh vi, rất khó có căn cứ để xử lý. Cũng có thể coi hành vi nhũng nhiễu là hành vi “đòi hối lộ” một cách gián tiếp hoặc ở mức độ chưa thật nghiêm trọng và có thể dùng biện pháp xử lý hành chính.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc với cử tri các quận Ba Đình, Tây Hồ (Hà Nội) sáng ngày 24/11/2018 đã khẳng định tệ tham nhũng vặt không phải chuyện nhỏ. Bên cạnh các vụ án lớn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng phải tập trung chống tham nhũng vặt vì “nó như ghẻ ruồi rất khó chịu”. Sáng 23/11/2018, tại quận Lê Chân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng tiếp xúc cử tri thành phố sau kỳ họp Quốc hội lần thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tại buổi tiếp xúc cử tri Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Tình trạng tham nhũng lớn đang bị nghiêm trị thành công, nhiều cán bộ liên quan đang được xử lý nghiêm. Tuy nhiên, tham nhũng vặt là vấn đề nhân dân rất kêu ca. Đây là thói xấu cần phải lên án, phải vận động, giám sát, không để xảy ra tình trạng đến bệnh viện, trường học, đi xin việc hay việc này việc khác phải phong bì, phong bao không lành mạnh (2).

leftcenterrightdel

Một số nguyên nhân điển hình có thể dẫn đến việc tồn tại của hành vi “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt”, đó là:

Thứ nhất, vẫn còn trường hợp lãnh đạo ở một số nơi còn xem nhẹ hành vi nhũng nhiễu, “tham nhũng vặt”, còn suy nghĩ, thậm chí tư tưởng cho rằng bồi dưỡng ít tiền để anh em làm việc thuận lợi hơn, có động lực hơn; việc phát hiện cán bộ, công chức, viên chức vi phạm chưa kịp thời và khi xử lý thì còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết. Bên cạnh đó, còn thiếu cơ chế để thu hút nhân tài; những người được tuyển dụng, đề bạt do lo lót thường có tâm lý khi vào được vị trí công tác, phải bằng mọi cách, mọi thủ đoạn để nhũng nhiễu, vơ vét của Nhà nước và nhân dân, “tham nhũng vặt” của người dân để thu hồi “cả vốn lẫn lời”.

Thứ hai, việc xác định, xây dựng và triển khai thực hiện vị trí việc làm để khắc phục ngay những sơ hở, bất cập, thiếu sót đối với những vị trí việc làm mà công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp có cơ hội vụ lợi đã không được nhiều cơ quan thực hiện nghiêm túc và khoa học. Rất nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo đúng vị trí, việc làm và có sở trường công tác lại không được bố trí đúng vị trí công tác để phát huy sở trường. Bên cạnh đó, vẫn còn cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, suy thoái về đạo đức nhưng không bị thay thế, lại đảm nhận những vị trí liên quan đến những lĩnh vực nhạy cảm sẽ rất dễ phạm phải sai lầm dẫn đến nhũng nhiễu và “tham nhũng vặt”.

Thứ ba, do việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát không nghiêm, mang tính hình thức nên không ngăn ngừa, hạn chế được tệ “tham nhũng vặt”. Mặt khác, biểu hiện dễ dãi, được chăng hay chớ vẫn đang tồn tại. Một số cán bộ, đảng viên, từ trong suy nghĩ cho rằng dù kém về năng lực, vi phạm quy định, đạo đức chưa chắc đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí vẫn thăng tiến đều, nếu có “ô dù” che chắn, nâng đỡ.

Thực trạng việc thực hiện pháp luật về xử lý đối với hành vi nhũng nhiễu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Thứ nhất, UBND tỉnh Đồng Nai đã thực hiện sắp xếp, giảm được 44 đầu mối phòng, ban chuyên môn (39 phòng chuyên môn nghiệp vụ, 05 chi cục và tương đương), 23 phòng thuộc Chi cục/Ban trực thuộc Sở; giảm tối thiểu được 109 chức danh lãnh đạo cấp phòng (34 Trường phòng và 50 Phó phòng thuộc Sở; 17 Trưởng phòng và 8 Phó phòng thuộc Chi cục trực thuộc Sở). Đối với đơn vị sự nghiệp, giảm được 36 đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh với 98 đầu mối phòng trực thuộc, giảm 03 đơn vị sự nghiệp thuộc chi cục thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; giảm 38 đơn vị sự nghiệp thuộc huyện; giảm 78 nhân sự lãnh đạo đơn vị sự nghiệp, 135 chức danh Trưởng, Phó trưởng phòng thuộc đơn vị sự nghiệp.

Thứ hai, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách pháp luật thuộc phạm vi quản lý; rà soát, đơn giản hoá, cắt giảm các thành phần hồ sơ giấy tờ không cần thiết của các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư - sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; qua đó, khắc phục những sơ hở, bất cập có thể gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường công khai minh bạch các chính sách, quy định, thủ tục hành chính, quá trình giải quyết và trách nhiệm cơ quan Nhà nước trong quá trình giải quyết hồ sơ cho người dân, doanh nghiệp.

UBND tỉnh Đồng Nai đã thành lập Tổng đài Dịch vụ công (DVC) 1022 trên cơ sở thống nhất các đầu mối điện thoại đường dây nóng của các đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh. Tổng đài DVC 1022 là đầu mối tiếp nhận các thắc mắc, phản ánh, kiến nghị liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, các lĩnh vực người dân quan tâm, đăng ký sử dụng dịch vụ bưu chính... chỉ tính từ tháng 4/2019 đến hết tháng 02/2020, Tổng đài DVC 1022 đã tiếp nhận hơn 1.351 lượt liên hệ của người dân, doanh nghiệp yêu cầu hướng dẫn và gửi phản ánh liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, có 3 phản ánh liên quan đến thái độ công chức, viên chức khi giao tiếp với công dân, không có phản ánh về công chức nhũng nhiễu; trung bình 98% các phản ánh đều được xử lý trong thời hạn quy định.

Thứ ba, thực hiện ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào đổi mới quá trình quản lý. Nhất là trong công tác giải quyết thủ tục hành chính và quá trình tiếp nhận xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; đảm bảo xác định chính xác, giám sát chặt chẽ trách nhiệm công vụ của từng cán bộ, công chức; thuận lợi và minh bạch cho người dân trong việc gửi phản ánh về tình trạng giải quyết hồ sơ và thái độ của cán bộ, công chức. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp được công khai đầy đủ trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh và huyện và cho phép người dân, doanh nghiệp tra cứu kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Trong năm, tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn cho người dân đạt trung bình trên 95%.

Thứ tư, việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp được chú trọng triển khai thường xuyên, mở rộng đối tượng khảo sát; đặc biệt ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả thu thập và khai thác nội dung ý kiến đánh giá của người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2019, tỉnh triển khai khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đối với 17 sở, ban ngành; 11 UBND cấp huyện, 170 UBND cấp xã và 03 nhóm cơ quan ngành dọc: Thuế, công an, bảo hiểm xã hội. Kết quả, tỉnh đã thực hiện khảo sát 15.851 đối tượng; qua đó, ghi nhận mức độ hài lòng chung của 3 cấp đạt trên 90%, tỷ lệ công chức có thái độ phục vụ không đúng đắn với người dân dưới 1.5%. Kết quả khảo sát được thông báo tới các đơn vị, địa phương nhằm kịp thời rà soát, chấn chỉnh các trường hợp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp không đúng quy định.

Thứ năm, việc xử lý vi phạm và trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp. Xác định trách nhiệm người đứng đầu là hạt nhân xây dựng, giữ gìn khối đoàn kết, thống nhất trong cơ quan, đơn vị, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chủ động, gương mẫu chấp hành các quy định liên quan về đạo đức, văn hoá giao tiếp và làm gương cho cán bộ, công chức, viên chức cấp dưới noi theo. Trong năm 2019, có 16 trường hợp xử lý vi phạm và trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp vi phạm các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính, sai phạm trong lĩnh vực phụ trách quản lý.

Thứ sáu, công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính được thực hiện thường xuyên, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Đài Phát Thanh - Truyền hình tỉnh Đồng Nai, Báo Đồng Nai tiến hành các cuộc kiểm tra kết quả triển khai thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2019 đến hết tháng 02/2020, Đoàn kiểm tra đã tổ chức 27 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải cách hành chính tại các sở, ban, ngành; UBND cấp huyện, xã và tổ chức 19 cuộc kiểm tra cải cách hành chính tại UBND các xã, huyện, tham mưu ban hành thông báo kết quả kiểm tra và đề nghị các đơn vị địa phương báo cáo kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu, xử lý kỷ luật và kỷ cương hành chính. Kết quả kiểm tra đã phát hiện và đề nghị xử lý kiểm điểm, phê bình đối với 70 cá nhân, 02 tập thể thực hiện chưa đúng hoặc chậm tiến độ so với quy định, đồng thời, chấn chỉnh những sai sót nhằm triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính tại các đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, Tổ kiểm tra do Thủ trưởng các đơn vị, địa phương quyết định thành lập đã tiến hành kiểm tra 747 đợt, kết quả kiểm tra đã xử lý kỷ luật đối với 130 trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn còn một số hạn chế và khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, cụ thể:

Một là, công tác quán triệt, chỉ đạo của một số ít đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt, chưa kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Việc theo dõi, kiểm tra giám sát ở một số đơn vị chưa được thường xuyên và chặt chẽ, còn mang tính hình thức, qua loa, ngại va chạm, né tránh trách nhiệm, do đó tính hiệu quả công việc chưa được cao. Một số cán bộ, công chức, viên chức có ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong thi hành nhiệm vụ chưa cao, chưa tự giác ý thức trách nhiệm trong thi hành nhiệm vụ công vụ, có hành vi vi phạm chuẩn mực trong các mối quan hệ, thậm chí có trường hợp vi phạm nhiều lần.

Hai là, một số thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư - xây dựng - đất đai còn phức tạp, phải lấy ý kiến liên ngành, liên cấp do đó còn dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chưa hài lòng, còn phiền hà. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước còn gặp một số khó khăn vướng mắc như hệ thống đường truyền, phần mềm chưa hoạt động ổn định dẫn đến khó khăn cho đội ngũ công chức trong tiếp nhận hồ sơ. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của một số công chức cấp xã còn hạn chế, dẫn đến chưa phát huy hết hiệu quả hệ thống quản lý một cửa điện tử.

Ba là, về công tác khảo sát ý kiến người dân còn trường hợp người dân e dè, chưa đưa ra ý kiến đánh giá cụ thể liên quan đến các nội dung lấy ý kiến về thái độ phục vụ của công chức, viên chức. Do đó, kết quả khảo sát có thể chưa phản ánh đầy đủ, khách quan nhất chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, thái độ phục vụ của công chức viên chức trên địa bàn tỉnh.

Bốn là, hiện nay, Tổng đài DVC 1022 chỉ thực hiện tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến thủ tục hành chính. Ngày 12/02/2020, Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 223/TT-NV3 gửi Thanh tra Chính phủ báo cáo, xin ý kiến về tổ chức đường dây nóng và hộp thư điện tử để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, khiếu nại, tố cáo về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp để được hướng dẫn. Tuy nhiên đến nay, tỉnh chưa nhận được ý kiến của Thanh tra Chính phủ.

Một số giải pháp nhằm xử lý đối với hành vi “nhũng nhiễu” và “tham nhũng vặt” ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành quy định, hướng dẫn, quy định cụ thể về về cơ chế quản lý kiểm soát, đặc biệt là cơ chế kiểm soát đối tượng có hành vi tham nhũng, có nguy cơ tham nhũng và kiểm soát ngay tại các cơ quan Nhà nước và những người thực tiễn thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tham nhũng làm cơ sở cho việc xử lý đối với hành vi “nhũng nhiễu” và “tham nhũng vặt” hiện nay. Đồng thời, tiếp tục triển khai chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc tại các Bộ, ngành, địa phương.

Thứ hai, các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sớm ban hành quy định cụ thể danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực tại địa phương theo danh mục vị trí phải chuyển đổi được quy định tại Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 (thay thế Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007) tạo điều kiện cho địa phương triển khai chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định nhằm góp phần công tác phòng, chống tham nhũng. Sớm ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn việc tổ chức thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 và Luật Viên chức số 58/2010/QH12; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 37/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện cho phù hợp với tình hình thực tiễn của các địa phương và chủ trương của Đảng.

Thứ ba, các cơ quan thẩm quyền của Trung ương cần đẩy mạnh việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, giảm thiểu các giấy tờ không cần thiết, tăng cường việc liên thông trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm hạn chế các khâu trung gian có thể gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp theo kiến nghị của các địa phương. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp lần thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 15/01/2020, đó là: Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm những khâu còn yếu, những việc làm dở; những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa công tác PCTN ở địa phương, cơ sở; ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc “tham nhũng vặt”.

Thứ tư, đẩy mạnh phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật. Thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, quy trình chuyên môn, nghiệp vụ.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải ban hành quy chế làm việc quy định rõ trách nhiệm, minh bạch, cụ thể và có cơ chế kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, nhất là đối với các lĩnh vực như thi hành án, hải quan, thuế, quản lý thị trường, thanh tra, kiểm toán, điều tra… Phải đảm bảo ngăn chặn tình trạng sách nhiễu, “vòi vĩnh”, đòi “chung chi” để phục vụ động cơ cá nhân, vụ lợi trong thực thi công vụ; thường xuyên có bộ phận theo dõi, giám sát các hoạt động này và có hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài hòng của người dân khi tiếp xúc giải quyết công việc; đặc biệt, đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến góp phần hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện công vụ./.

Ths. Lê Quang Kiệm

Cục QLTT tỉnh Đồng Nai

Tài liệu tham khảo:

(1) Theo Khoản 2 Điều 3 của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018;

(2)https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-tham-nhung-lon-dang-bi-nghiem-tri-tham-nhung-vat-dan-rat-keu-842472.vov.

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra