Một số nội dung góp ý đối với dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi

Chủ nhật, 18/04/2021 23:11
(ThanhtraVietNam) - Luật Thanh tra năm 2010 có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai thi hành, Luật Thanh tra năm 2010 cũng bộc lộ rất nhiều hạn chế, không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ. Do đó, việc sửa đổi Luật Thanh tra lần này là rất cần thiết.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo cho thấy đã có rất nhiều nội dung mới, thiết thực. Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn tác giả đề xuất một số vấn đề sau:

leftcenterrightdel
 Ngày 18/6, tại trụ sở Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh chủ trì hội thảo về định hướng sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010. Ảnh: PV
Thứ nhất, về tiêu chuẩn chung thanh tra viên

Thực tiễn khẳng định rằng, việc tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, thanh tra viên ngành Thanh tra là cần thiết để không ngừng xây dựng ngành Thanh tra vững mạnh, chuyên nghiệp, chính quy, hiện đại. Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến đội ngũ công chức, thanh tra viên ngành Thanh tra còn bất cập, hạn chế, chậm được khắc phục. Cán bộ làm công tác thanh tra có những đặc thù riêng, rất nhiều công chức giỏi ở các cơ quan, chuyên ngành khác nhưng khi về làm công tác thanh tra không phát huy được năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, hiện nay, một số tiêu chuẩn để được bổ nhiệm thanh tra viên quy định còn mang tính định tính, thiếu định lượng cụ thể, ranh giới chất lượng giữa thanh tra viên và thanh tra viên chính trên thực tế rất mờ nhạt, khó phân biệt, vẫn còn quan niệm việc nâng ngạch thanh tra viên là để giải quyết về chính sách, chế độ…

Để khắc phục tồn tại trên, nên chăng cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi quy định tiêu chuẩn được bổ nhiệm thanh tra viên phải trải qua thời gian (có thể là 05 năm) thanh tra viên dự bị (ngoài tiêu chuẩn chung được quy định tại Điều 44 dự thảo Luật). Sau thời gian dự bị sẽ được đánh giá, sàng lọc, tuyển chọn thông qua kỳ thi nâng ngạch lên thanh tra viên chính thức (Hội đồng thi nâng ngạch độc lập do Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ tổ chức). Trường hợp không đỗ vào ngạch thanh tra viên thì nhất thiết phải được bồi dưỡng, đào tạo lại hoặc cho chuyển công tác khác. Quy định như vậy, đòi hỏi bản thân công chức muốn công tác trong ngành Thanh tra phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng học tập nâng cao trình độ.

Thứ hai, về tiêu chuẩn thanh tra viên cao cấp

Về tiêu chuẩn nâng ngạch thanh tra viên cao cấp (TTVCC) đã được quy định trong Luật Thanh tra năm 2010 và được cụ thể hóa tại Điều 8 Nghị định 97/2011/NĐ-CP ngày 21/10/2011, theo đó: Thanh tra viên cao cấp là công chức chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan Thanh tra Chính phủ, thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ, thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện quyết định thanh tra và các nhiệm vụ khác của cơ quan thanh tra Nhà nước. Thanh tra viên cao cấp được giao trực tiếp chủ trì thanh tra các vụ việc có quy mô lớn, tình tiết rất phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực; khi tiến hành thanh tra phải tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này rất bất cập. Hiện nay đội ngũ công chức thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện, sở - ngành chỉ bổ nhiệm 02 ngạch thanh tra viên và thanh tra viên chính, hầu hết công chức là thanh tra viên chính của thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện, sở ngành trên cả nước không được tham gia thi nâng ngạch TTVCC, trong khi lực lượng này mới là người cần được nâng cao nghiệp vụ để tham mưu, tác nghiệp. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù là địa phương có số lượng thanh tra viên nhiều nhất cả nước, song toàn ngành chưa có TTVCC kể cả cấp lãnh đạo (lý do lãnh đạo thanh tra được chuyển về từ các ngành khác nên không đủ tiêu chuẩn về thời gian...). Do đó, cần thảo luận, nghiên cứu tiếp tục đưa vào dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi quy định đối tượng là thanh tra viên chính của cấp tỉnh giữ chức vụ từ phó trưởng phòng, phó chánh thanh tra cấp tỉnh trở lên được tham gia dự thi nâng ngạnh TTVCC thay vì chỉ có “chánh thanh tra tỉnh như quy định tại khoản 3, Điều 47 dự thảo Luật.

Thứ ba, về quy định sử dụng con dấu cơ quan đối với trưởng đoàn thanh tra

Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP quy định, trưởng đoàn thanh tra được sử dụng dấu của cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra khi ban hành văn bản nhằm thực hiện quyền thanh tra. Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này hiện nay còn lúng túng, không thống nhất. Riêng tại Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, trưởng đoàn thanh tra chỉ sử dụng dấu treo khi ban hành thông báo kết thúc thanh tra tại đơn vị. Một trong những nguyên nhân chính là do Nghị định số 86/2011/NĐ-CP quy định trưởng đoàn thanh tra được sử dụng dấu của cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra...., chính cụm từ đượclàm cho người ta nghĩ đến “quyền lợi” nhiều hơn là “trách nhiệm”, là ‘bắt buộc” dẫn đến một số văn bản thuộc trách nhiệm quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra nhưng vẫn trình lãnh đạo hoặc văn phòng ký ban hành. Hoặc đơn cử như báo cáo kết quả thanh tra, đây là văn bản, tài liệu rất quan trọng làm căn cứ để người ra quyết định thanh tra ban hành kết luận thanh tra nhưng trưởng đoàn thanh tra cũng chỉ ký tên mà không bắt buộc phải đóng dấu...

Để khắc phục tình trạng trên, tránh tùy tiện và đảm bảo tính pháp lý đầy đủ, thống nhất, góp phần nâng cao trách nhiệm của trưởng đoàn thanh tra khi ký ban hành văn bản thuộc thẩm quyền trách nhiệm quy định, chúng ta cần nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh khoản 3 Điều 58 dự thảo Luật Thanh tra theo hướng quy định mang tính pháp lý rõ hơn như sau: Trong quá trình thanh tra, trưởng đoàn thanh tra phải sử dụng dấu của cơ quan chủ trì tiến hành thanh tra khi ban hành những văn bản liên quan để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 Điều này; trưởng đoàn thanh tra phải chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

Thứ tư, về yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra:

Tại khoản 1, 2, Điều 83 dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi quy định:

1. Khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra Nhà nước hoặc của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước thì người ra quyết định thanh tra có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra.

2. Trong quá trình thanh tra, khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản thì trưởng đoàn thanh tra có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra.

Thực tiễn công tác thanh tra cho thấy quy định như trên là thiếu tính khả thi, vì để có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản là rất khó. Khi thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, trưởng đoàn thanh tra có đủ căn cứ để cho rằng đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản thì đối tượng thanh tra cũng đã tìm cách tẩu tán hết tài sản trước đó. Do đó, để chủ động trong việc ngăn chặn đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, chúng ta cần nghiên cứu bổ sung vào Điều 8 của dự thảo Luật về các hành vi bị nghiêm cấm: “Đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản dưới bất cứ hình thức nào, trì hoãn, hoặc không thực hiện việc quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra nhà nước hoặc của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước”. Đồng thời, cần điều chỉnh, bổ sung vào Điều 83 dự thảo Luật với nội dung như sau: Để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời việc đối tượng thanh tra tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra Nhà nước hoặc của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước thì trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản để phục vụ việc thanh tra (thay vì quy định như khoản 1 và khoản 2 Điều 83 của dự thảo Luật)./.

Ths. Trần Đức Hiệu,  

Phó Trưởng Phòng 6, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh  

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra