Bài 3:

Một số vấn đề lý luận về thủ tục hành chính trong điều kiện xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay

Thứ năm, 30/11/2023 16:00
(ThanhtraVietNam) - Đơn giản hóa TTHC, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp

Một số vấn đề lý luận về thủ tục hành chính trong điều kiện xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay

Một số vấn đề lý luận về thủ tục hành chính trong điều kiện xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay

(Tiếp theo Bài 2 và hết)

V. Thực trạng thực hiện thủ tục hành chính và các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính trong điều kiện xây dựng Chính phủ điện tử

5.1. Thực trạng thực hiện thủ tục hành chính:

Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 về kiểm soát TTHC là văn bản chuyên sâu quy định về kiểm soát việc quy định, thực hiện, rà soát, đánh giá TTHC và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. “Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC” là tập hợp thông tin về TTHC và các văn bản QPPL có quy định về TTHC được xây dựng, cập nhật và duy trì trên Trang thông tin điện tử về TTHC của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quản lý hành chính nhà nước, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân truy nhập và sử dụng thông tin chính thức về TTHC.

Tiếp tục thực hiện các Chương trình quốc gia về cải cách hành chính, ngày 23/4/2018 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các TTHC của tổ chức, cá nhân. Ngày 08/8/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kèm theo Quyết định 985/QĐ-TTg Kế hoạch thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông tư 01/2018/TT-VPCP hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Theo Thông tư, việc thực hiện tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa đối với các TTHC phải được công bố trong quyết định công bố TTHC, quyết định công bố danh mục TTHC và công khai theo quy định pháp luật về kiểm soát TTHC. Từ đó, các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh rà soát, gửi văn phòng bộ, cơ quan ngang bộ, văn phòng UBND cấp tỉnh tổng hợp, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định danh mục các TTHC thuộc phạm vi tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa các cấp, loại trừ các TTHC thuộc các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 14 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.

Danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Bộ phận Một cửa, phải thể hiện rõ ràng, cụ thể về trình tự thực hiện, cơ quan, đơn vị tiếp nhận và trả kết quả trong Quyết định công bố TTHC, về cơ quan, đơn vị tiếp nhận và trả kết quả trong cột địa điểm thực hiện của Quyết định công bố danh mục TTHC.

Trong trường hợp TTHC được thực hiện tiếp nhận và trả kết quả trực tuyến hoặc thông qua dịch vụ bưu chính công ích theo Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, bổ sung cột cách thức thực hiện trong danh mục TTHC Quyết định công bố danh mục TTHC để thể hiện rõ ràng, cụ thể các nội dung liên quan trong cách thức thực hiện.

Đến hết quý I/2023, Tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, cơ quan, địa phương là 6.472 TTHC (tại bộ, cơ quan: 3.868 TTHC, tại địa phương: 1.395 TTHC và 1.753 TTHC của cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương)(1).  Cả nước đã thành lập 11.700 Bộ phận Một cửa (BPMC) các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, có 58/63 địa phương tổ chức theo mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, 01 thành phố Đà Nẵng tổ chức BPMC tập trung và 04 địa phương vẫn duy trì mô hình BPMC tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Điện Biên; 62/63 địa phương, 10/21 bộ, ngành đã xây dựng, nâng cấp, hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh(2); từng bước cải thiện chất lượng giải quyết TTHC, tạo các địa chỉ mới, thay đổi phương thức trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ(3).

Việc đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Đến nay, trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp và cung cấp hơn 4.400 dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, địa phương(4)… Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có hơn 6 triệu tài khoản đăng ký(5); hơn 186 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái(6); hơn 12,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng(7); hơn 7,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4,8 nghìn tỷ đồng(8). Bên cạnh đó, Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã thực hiện 250/261 dịch vụ công trực tuyến của 13 bộ, ngành theo cơ chế một cửa với hơn 55 nghìn doanh nghiệp tham gia. Kết quả này có sự đóng góp, tổ chức triển khai tích cực, hiệu quả của nhiều bộ, ngành, địa phương(9).

Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để tạo lập các dữ liệu điện tử cũng đã được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng(10); 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết qủa(11). Một số bộ, địa phương đã triển khai tốt công tác này như: Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Bắc Giang, Quảng Trị, Lâm Đồng…

Các số liệu trực tuyến theo thời gian thực trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã hỗ trợ việc nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công đã được đưa vào vận hành chính thức từ ngày 01/8/2022. Một số địa phương đã tích cực khai thác Bộ chỉ số để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành tại địa phương mình như: Bình Định, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Hà Nam, Kon Tum, Yên Bái… Nhiều bộ, ngành, địa phương định kỳ hàng tháng công khai danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm muộn trong giải quyết TTHC, dịch vụ công(12).

Thời gian qua, Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai đã giúp tạo đột phá trong phát triển công dân số, phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đến nay đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử(13), kích hoạt trên 6 triệu tài khoản định danh điện tử (VNeID); hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của 13 bộ, ngành, 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương(14).

5.2. Các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính trong điều kiện xây dựng Chính phủ điện tử

Thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng(15):

“Hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; bảo đảm Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, cơ quan chấp hành của Quốc hội; phân cấp, phân quyền hợp lý giữa Trung ương và địa phương; cơ bản hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Đơn giản hóa TTHC, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trở cạnh tranh lành mạnh; áp dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; xây dựng nền kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.”

Ngày 15/7/2021, Chính phủ ký ban hành Nghị quyết số 76/NQ-CP ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021- 2030. Mục tiêu chung của Chương trình nhằm tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030.

Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 cũng tập trung vào 6 nội dung như giai đoạn 2011-2020, bao gồm: (1) Cải cách thể chế; (2) Cải cách thủ tục hành chính; (3) Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; (4) Cải cách chế độ công vụ; (5) Cải cách tài chính công; (6) Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. So với giai đoạn 2011-2020 thì có 02 nội dung được điều chỉnh về tên gọi đó là “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” được điều chỉnh thành “Cải cách chế độ công vụ” và “Hiện đại hóa hành chính” điều chỉnh thành “Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số”. Để bảo đảm cắt bỏ được các TTHC không cần thiết, đơn giản hóa và phân cấp phân quyền thì  bắt buộc phải sửa đổi văn bản QPPL, phải tái cấu trúc TTHC, phải xây dựng đội ngũ công chức thạo việc, thạo giải quyết TTHC, và phải cải cách chế độ công vụ cho sát dân, gần dân.

(i) Cải cách các TTHC phải đáp ứng được các yêu cầu sau:

- Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp, bảo đảm TTHC mới ban hành phải đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, trọng tâm là TTHC thuộc các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng, đầu tư, bảo hiểm, thuế, hải quan, công an,… và các TTHC thuộc các lĩnh vực khác có số lượng, tần suất giao dịch lớn.

- Rà soát, đơn giản hóa TTHC; đánh giá TTHC trong quá trình thực hiện; loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, loại bỏ các quy định không hợp pháp, không cần thiết, không hợp lý, bảo đảm thực chất; …

- Thường xuyên, kịp thời cập nhật, công khai TTHC dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức tìm hiểu và thực hiện. Vận hành và khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

- Hoàn thành đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quy định tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát Nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết, đảm bảo nguyên tắc quản lý ngành, lãnh thổ, không để tình trạng nhiều tầng nấc gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho Nhân dân.

(ii). Đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất giải pháp tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, TTHC, thông qua tăng cường đối thoại, lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ.

(iii). Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Nghiên cứu, đề xuất mô hình, cơ cấu tổ chức Chính phủ trong bối cảnh đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và chủ động tham gia, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; rà soát, xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan hành chính phải thực hiện, những công việc cần phân cấp cho địa phương, cấp dưới thực hiện; công việc cần chuyển giao cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; trên cơ sở đó thiết kế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính phù hợp ở Trung ương và địa phương; …

(iv). Tổ chức sắp xếp, kiện toàn các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước: tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính; tiếp tục thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ và dịch vụ hành chính công mà Nhà nước không nhất thiết phải thực hiện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đảm nhiệm; sắp xếp, giảm tối đa các ban quản lý dự án, các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách; …

(v). Nghiên cứu, triển khai các biện pháp đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc của cơ quan hành chính các cấp trên môi trường số, tổ chức họp, hội nghị bằng hình thức trực tuyến, không giấy tờ.

(vi). Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số trên cơ sở hoàn thiện môi trường pháp lý: Rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung, xây dựng khung pháp lý của bộ, ngành, địa phương hỗ trợ xây dựng, phát triển Chính phủ số và Chính quyền số các cấp; ban hành quy định về định danh và xác thực điện tử, hoàn thiện hành lang pháp lý để phổ cập danh tính số; Phát triển hạ tầng số quốc gia: Phát triển hạ tầng truyền dẫn đáp ứng nhu cầu triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương; Phát triển hệ thống dữ liệu phục vụ triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương; Phát triển nền tảng và hệ thống số quy mô quốc gia: Phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) theo Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài; Phát triển dữ liệu số quốc gia: Phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương; thực hiện chia sẻ hiệu quả dữ liệu chuyên ngành của các bộ, ngành với các địa phương; mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật; Phát triển ứng dụng, dịch vụ nội bộ: Phát triển hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục phát triển, hoàn thiện Trục liên thông văn bản quốc gia thành nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu số, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Phát triển ứng dụng, dịch vụ phục vụ người dân, doanh nghiệp: Phát triển, hoàn thiện cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của các bộ, ngành, địa phương để cung cấp dịch vụ công trực tuyến; hoàn thiện Cơ sở dữ liệu về các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và cổng tham vấn điện tử theo Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025./.

Chú thích:

(1) Số liệu trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tại thời điểm ngày 24/3/2023

(2) Theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP

(3) Báo cáo số 2832/BC-VPCP ngày 24/4/2023

(4) Số liệu cập nhật đến ngày 17/4/2023

(5) Tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022

(6) Tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022

(7) Tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022

(8) Tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022

(9) Như: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Phước, Bình Định, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh, Long An, Khánh Hòa, Kon Tum, Hải Dương, An Giang, Thái Nguyên,…

(10) Tăng 5 lần so với tháng 9/2022

(11) Tăng 4 lần so với tháng 9/2022

(12) 100% hồ sơ TTHC để chậm, muộn có báo cáo giải trình với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện xin lỗi người dân.

(13) Tăng gần 2,9 triệu thẻ so với năm 2022

(14) Tăng 01 doanh nghiệp và 29 địa phương so với tháng 12/2022

(15) Nghị quyết Số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 BCHTW Đảng Khóa XIII tại Hội nghị lần thứ 6 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ths. Nguyễn Tuyết Minh
Văn phòng Chính phủ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra