Bài 3:

Nâng cao năng lực công tác của trưởng đoàn thanh tra

Thứ năm, 24/11/2022 21:12
(ThanhtraVietNam) - Trưởng đoàn thanh tra là một chức danh nghiệp vụ cần hội tụ đủ những phẩm chất, tố chất của năng lực công tác trong hoạt động thanh tra. Khi lãnh đạo, điều hành, trưởng đoàn thanh tra cần lường trước được những thuận lợi, khó khăn tác động tới hoạt động của đoàn thanh tra. Quá trình thanh tra luôn đòi hỏi trưởng đoàn thanh tra phải xử lý công việc của đoàn với tinh thần khẩn trương, hiệu quả; dự trù được các tình huống phát sinh để có các phương án xử lý, kịp thời. Đây là năng lực công tác của trưởng đoàn thanh tra.

Theo Từ điển Tiếng Việt, năng lực là tập hợp toàn bộ các kỹ năng, kiến thức, khả năng, hành vi của một người có thể đáp ứng đối với một công việc nhất định nào đó; năng lực cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng của cá nhân để có thể hoàn thành một việc nào đó hiệu quả hơn so với người khác. 

Cũng theo Từ điển Tiếng Việt, công tác là công việc của cơ quan nhà nước, đoàn thể hoặc tổ chức mà một người phải thực hiện.

Như vậy, năng lực công tác là sự tổng hợp phẩm chất, tố chất cơ bản của một cá nhân cụ thể mang tính ổn định, lâu dài, cho phép người đó thực hiện một hoặc nhiều công việc của cơ quan nhà nước, đoàn thể hoặc tổ chức mà người đó phải thực hiện một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Trưởng đoàn thanh tra là một chức danh nghiệp vụ cần hội tụ đủ những phẩm chất, tố chất của năng lực công tác trong hoạt động thanh tra. Khi lãnh đạo, điều hành, trưởng đoàn thanh tra cần lường trước được những thuận lợi, khó khăn tác động tới hoạt động của đoàn thanh tra. Quá trình thanh tra luôn đòi hỏi trưởng đoàn thanh tra phải xử lý công việc của đoàn với tinh thần khẩn trương, hiệu quả; dự trù được các tình huống phát sinh để có các phương án xử lý, kịp thời. Đây là năng lực công tác của trưởng đoàn thanh tra.

Pháp luật thanh tra quy định rất chặt chẽ quy trình thanh tra trong hoạt động thanh tra. Đồng thời, đòi hỏi cán bộ thanh tra, đặc biệt là trưởng đoàn thanh tra phải luôn luôn phấn đấu, tự học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực công tác, để ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của quy trình thanh tra được cụ thể qua các bước sau đây:

1. Thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến việc chuẩn bị thanh tra

Sau khi thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra đề xuất, người ra quyết định thanh tra lựa chọn, người được dự kiến là trưởng đoàn thanh tra (sau đây gọi chung là trưởng đoàn thanh tra) bắt tay vào công việc khởi đầu của cuộc thanh tra đó là giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến việc chuẩn bị thanh tra trình người ra quyết định thanh tra xem xét, phê duyệt.

1.1. Xây dựng kế hoạch thu thập thông tin, tài liệu

Kế hoạch thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến việc chuẩn bị thanh tra có các nội dung sau:

- Mục đích, yêu cầu của mỗi cuộc thanh tra khác nhau nên khi thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến việc chuẩn bị thanh tra cũng có mục đích, yêu cầu khác nhau. Tuy nhiên, một điểm chung trong mục đích, yêu cầu khi xây dựng kế hoạch thu thập thông tin, tài liệu là:

+ Thu thập, phân tích những thông tin cơ bản việc chấp hành chính sách, pháp luật của đối tượng thanh tra và các đối tượng khác có liên quan về nội dung thanh tra để xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm.

+ Thông qua việc chấp hành chính sách pháp luật của đối tượng thanh tra để đánh giá việc quản lý nhà nước của các cơ quan có thẩm quyền.

+ Việc thu thập thông tin, tài liệu cần nhanh, gọn, đúng nội dung và đảm bảo thời gian theo quy định.

+ Quá trình thu thập thông tin, tài liệu phải tuân thủ chế độ thông tin, báo cáo; thông tin, tài liệu, số liệu trong quá trình thu thập thông tin, tài liệu phải được bảo mật theo quy định; chấp hành nghiêm túc kỷ luật phát ngôn, quy định về văn hóa ứng xử và các quy định khác của pháp luật về thanh tra.

-  Xây dựng đề cương yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu để yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra báo cáo về các nội dung sau:

+ Khái quát chung các văn bản pháp luật liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra; báo cáo khái quát về tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ và những vấn đề chính liên quan đến kết quả hoạt động trong thời kỳ dự kiến thanh tra; báo cáo đánh giá về kết quả đã đạt được, chưa đạt được trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra.

+ Báo cáo kết quả thực hiện kèm theo số liệu tổng hợp, nhận xét, đánh giá về các nhiệm vụ liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra.

+ Các kết luận, kiến nghị về thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán... của các cơ quan chức năng liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra; kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị đó đến thời điểm báo cáo.

+ Tự nhận xét, đánh giá ưu điểm, kết quả đạt được về nội dung được thanh tra; tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế; kiến nghị, đề xuất đối với công tác quản lý và việc sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách.

-  Xác định đối tượng, phạm vi, dự kiến thời gian, phương pháp và tổ chức việc thu thập thông tin, tài liệu

+  Đối tượng thu thập thông tin, tài liệu là đối tượng thanh tra; cấp trên của đối tượng thanh tra và một số đơn vị, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu là đối tượng có liên quan.

+ Xác định phạm vi thu thập thông tin, tài liệu, đó là khoảng thời gian có thông tin tài liệu cần thu thập.  

+ Dự kiến thời gian thu thập thông tin, tài liệu, là độ dài thời gian thực hiện thu thập thông tin, tài liệu.

+ Phương pháp thu thập thông tin, tài liệu, bao gồm: Gửi đề cương yêu cầu báo cáo đến đối tượng thanh tra; làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến là đối tượng thanh tra (khi được người ra quyết định thanh tra đồng ý bằng văn bản); làm việc với cơ quan chủ quản của đối tượng thanh tra và các cơ quan có liên quan; tập hợp thông tin trên báo chí, mạng xã hội; tập hợp đơn khiếu nại, tố cáo, các kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.

+ Tổ chức thực hiện, bao gồm: Xây dựng kế hoạch thực hiện; thời gian tiếp nhận và cơ chế tiếp nhận thông tin, tài liệu (hộp thư điện tử, đường công văn, báo cáo trực tiếp...); bảo mật thông tin tài liệu; dự kiến phương tiện đi lại, kinh phí.

- Nhân sự thực hiện thu thập thông tin, tài liệu: Thành lập tổ công tác có ít nhất là 02 người do trưởng đoàn thanh tra làm tổ trưởng để thực hiện việc thu thập thông tin, tài liệu.

Kế hoạch thu thập thông tin, tài liệu được thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra trình người ra quyết định thanh tra xem xét, phê duyệt để làm căn cứ thực hiện.

1.2. Hoạt động thu thập thông tin, tài liệu

Trưởng đoàn thanh tra soạn thảo văn bản kèm theo đề cương yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu do người ra quyết định thanh tra ký và gửi các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi thẩm quyền thanh tra báo cáo về các nội dung thanh tra.

Khi cần thiết và được người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra đồng ý bằng văn bản, trưởng đoàn thanh tra làm việc trực tiếp với cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến là đối tượng thanh tra.

1.3. Báo cáo kết quả thu thập thông tin, tài liệu, gồm các nội dung sau:

 - Khái quát về đặc điểm tình hình hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến được thanh tra có liên quan đến nội dung được dự kiến thanh tra.

- Thống kê các văn bản pháp luật có hiệu lực thi hành liên quan đến nội dung thanh tra trong thời kỳ thanh tra, bao gồm: Luật; nghị định của Chính phủ; quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thông tư hướng dẫn của các bộ; các văn bản hướng dẫn, giải thích pháp luật của các bộ và cơ quan có thẩm quyền quản lý (lưu ý các văn bản này tuy hướng dẫn pháp luật cho một đơn vị nhưng được áp dụng chung cho các đơn vị khác có cùng một nội dung vướng mắc; nếu văn bản hướng dẫn không đúng sẽ dẫn đến sai phạm trong toàn ngành về vấn đề được hướng dẫn).

-  Kết quả thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra:

+ Tình hình chấp hành chính sách, pháp luật, thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra.

+  Kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung dự kiến thanh tra (nếu có) và các thông tin khác có liên quan.

- Đề xuất nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra, thời kỳ thanh tra, thời gian thanh tra.

- Dự kiến nhân sự tham gia đoàn thanh tra.

Báo cáo kết quả thu thập thông tin, tài liệu được lập bằng văn bản do thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trưởng đoàn thanh tra ký và trình người ra quyết định thanh tra.

leftcenterrightdel

Một buổi tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành Giao thông

2.  Giúp người ra quyết định thanh tra ban hành quyết định thanh tra

Căn cứ báo cáo kết quả thu thập thông tin tài liệu, trưởng đoàn thanh tra giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý mình xây dựng dự thảo quyết định thanh tra trình người ra quyết định thanh tra ký và ban hành.

Dự thảo quyết định thanh tra chỉ được xây dựng sau khi trưởng đoàn thanh tra đã cân nhắc kỹ lưỡng về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra; nội dung thanh tra, phạm vi thanh tra, thời gian thanh tra; nhân sự phân công vào đoàn thanh tra; xử lý việc trùng lặp của quyết định thanh tra với các hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền và những hạn chế, khó khăn của đối tượng thanh tra khi tiếp thu quyết định thanh tra. Các vấn đề trên, trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo với thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý mình để trình người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm đề xuất, trình người ra quyết định thanh tra ký, ban hành quyết định thanh tra.

Một vấn đề cần hết sức lưu ý khi xây dựng quyết định thanh tra là nội dung thanh tra; đối tượng thanh tra, phạm vi thanh tra cần cụ thể, rõ ràng để tránh sự lợi dụng, nhũng nhiễu hoặc mở rộng tùy tiện dẫn đến lạm quyền, vi phạm pháp luật và ngược lại, nếu quyết định thanh tra cứng nhắc, vụn vặt dẫn đến quá trình thực hiện thường bị động, lúng túng, phải xin ý kiến chỉ đạo nhiều lần hoặc phải sửa đổi bổ sung, điều chỉnh.

Tóm lại, việc xây dựng, ban hành quyết định thanh tra là kết quả tổng hợp của quá trình chuẩn bị thanh tra. Quyết định thanh tra được ban hành trúng và đúng, phù hợp với mục đích, yêu cầu, nội dung của cuộc thanh tra thể hiện cái tâm, cái tầm của trưởng đoàn thanh tra; thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra và người ra quyết định thanh tra.

3.  Xây dựng, phê duyệt, phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra

3.1. Xây dựng, phê duyệt kế hoạch tiến hành một cuộc thanh tra

Đồng thời với việc tham mưu để ban hành quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra tiến hành xây dựng kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt. Kế hoạch tiến hành cuộc thanh tra bao gồm các nội dung sau đây:

- Mục đích, yêu cầu: Qua thanh tra để đánh giá việc chấp hành chính sách, pháp luật của đối tượng thanh tra về nội dung thanh tra; phát hiện những bất cập về cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật đối với nội dung thanh tra để kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục, hoàn thiện; xác định rõ các nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại, sai phạm được phát hiện qua thanh tra; kiến nghị xử lý về hành chính, kinh tế và về hình sự (nếu có) đối với các vi phạm phát hiện qua thanh tra.

Bên cạnh đó, việc thanh tra cần có trọng tâm, trọng điểm, nhanh, gọn, đúng nội dung và đảm bảo tiến độ quy định. Đoàn thanh tra phải chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về thanh tra; quá trình thanh tra đảm bảo chặt chẽ, khách quan và không làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, cá nhân được thanh tra. Tuân thủ chế độ thông tin, báo cáo, thống kê; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật. Thông tin, tài liệu, số liệu trong quá trình thanh tra phải được bảo mật theo quy định. Đồng thời, chấp hành nghiêm túc kỷ luật phát ngôn, quy định về văn hóa ứng xử và các quy định khác của pháp luật về công tác thanh tra.

- Nội dung thanh tra, đối tượng thanh tra, thời kỳ thanh tra, thời hạn thanh tra: Ghi theo quyết định thanh tra.

- Phương pháp tiến hành thanh tra: Đoàn thanh tra thực hiện trình tự các bước tiến hành thanh tra. Theo đó, tổ chức họp đoàn thanh tra để quán triệt nhiệm vụ, phổ biến nội dung quyết định thanh tra và kế hoạch thanh tra. Các thành viên đoàn thanh tra căn cứ vào nhiệm vụ được phân công nghiên cứu và tham gia vào nội dung báo cáo, biểu mẫu đính kèm (nếu có) để yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo.

Quyết định thanh tra được gửi kèm văn bản yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo theo đề cương. Sau đó, công bố quyết định thanh tra, tiến hành thanh trực tiếp tại đơn vị là đối tượng thanh tra và các đơn vị có liên quan. Lịch làm việc cụ thể sẽ được đoàn thanh tra thông báo tại buổi công bố quyết định thanh tra.

Đoàn thanh tra sẽ ban hành phiếu yêu cầu cung cấp hồ sơ tài liệu để đối tượng thanh tra thực hiện; hình thức cung cấp, địa điểm cung cấp hồ sơ tài liệu, lịch làm việc, tùy tình hình cụ thể, trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo để các thành viên đoàn thanh tra thực hiện.

Sau khi kết thúc thanh tra trực tiếp, trên cơ sở hồ sơ, tài liệu do trưởng đoàn thanh tra trực tiếp thu thập, kiểm tra, xác minh và báo cáo kết quả thanh tra của từng thành viên, trưởng đoàn thanh tra tổng hợp và xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thanh tra; tổ chức thảo luận trong đoàn thanh tra về dự thảo báo cáo; khi cần thiết có thể tiếp tục làm việc với các đối tượng thanh tra. Báo cáo kết quả thanh tra được trưởng đoàn trình người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

Căn cứ nội dung thanh tra, trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo việc thu thập hồ sơ, tài liệu có liên quan đến nội dung thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra chỉ đạo xem xét hồ sơ, tài liệu, đối chiếu với các quy định của pháp luật, tiến hành kiểm tra xác minh, thu thập chứng cứ và lập các biên bản cần thiết để củng cố kết quả thanh tra.

Các thành viên của đoàn thanh tra chủ động yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra, báo cáo với trưởng đoàn thanh tra cho ý kiến để ban hành. Khi làm việc với đối tượng thanh tra, các thành viên đoàn thanh tra phải lập biên bản làm việc, biên bản thanh tra theo quy định.

Đối với các nội dung đã được các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, đoàn thanh tra sẽ tiến hành xem xét, tham khảo và kế thừa những nội dung đã được làm rõ. Để tránh chồng chéo, đoàn chỉ tiến hành kiểm tra, xác minh những nội dung chưa được xem xét hoặc đã xem xét nhưng kết luận chưa rõ.

Trên cơ sở hồ sơ và những chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra, thành viên đoàn thanh tra có báo cáo kết quả thanh tra về những nội dung được thanh tra gửi trưởng đoàn thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra tổng hợp kết quả thanh tra trình người ra quyết định thanh tra xem xét, kết luận.

Việc ghi nhật ký đoàn thanh tra được thực hiện vào 16 giờ mỗi ngày làm việc, các thành viên báo cáo về tình hình hoạt động trong ngày và kế hoạch của ngày tiếp theo.

- Tổ chức thực hiện  

+  Tiến độ thực hiện cuộc thanh tra dự kiến chia làm 3 thời kỳ: Thời kỳ đầu (khoảng 1/3 thời hạn thanh tra), đoàn thanh tra tập trung thu thập hồ sơ, tài liệu và nghiên cứu, xem xét hồ sơ, tài liệu của đối tượng thanh tra. Thời kỳ thứ hai (khoảng 2/3 thời hạn thanh tra), đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra, xác minh tại đối tượng thanh tra. Tùy vào tình hình cụ thể và để tiết kiệm thời gian, nội dung làm việc của hai thời kỳ này có thể đan xen nhau. Trên cơ sở hồ sơ, những chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra, thành viên đoàn thanh tra lập biên bản làm việc, ghi nhận số liệu thanh tra với đối tượng thanh tra và báo cáo kết quả thanh tra về những nội dung thanh tra được phân công với trưởng đoàn thanh tra. Báo cáo kết quả thanh tra phải đối chiếu với các quy định của pháp luật, nêu rõ những tồn tại, sai phạm của đối tượng thanh tra. Thời kỳ cuối (khoảng 1/3 thời hạn thanh tra), củng cố chứng cứ và chuẩn bị kết thúc thanh tra trực tiếp.

Trưởng đoàn tổng hợp và xây dựng dự thảo báo cáo kết quả thanh tra, tổ chức thảo luận trong đoàn, hoàn chỉnh báo cáo gửi người ra quyết định thanh tra.  Đối với những nội dung cần trao đổi, làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến nội dung thanh tra, trưởng đoàn thanh tra chủ động thu thập thông tin, tài liệu và đề xuất với người ra quyết định thanh tra để có phương án làm việc phù hợp.

+ Khi được người ra quyết định thanh tra giao, trưởng đoàn thanh tra xây dựng kết luận thanh tra và thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến cuộc thanh tra do người ra quyết định thanh tra giao theo quy định của pháp luật.

+ Chế độ thông tin báo cáo: Hàng ngày, các thành viên đoàn thanh tra báo cáo tiến độ thực hiện nhiệm vụ được phân công với trưởng đoàn thanh tra. Định kỳ, trưởng đoàn thanh tra báo cáo tiến độ với thủ trưởng cơ quan quản lý trưởng đoàn thanh tra và người ra quyết định thanh tra.

Trong quá trình thanh tra, các thành viên đoàn thanh tra phải chủ động báo cáo trưởng đoàn những thuận lợi, khó khăn, những vấn đề phát sinh cần phải giải quyết. Những nội dung nào vượt quá thẩm quyền thì trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý.

+ Quá trình thực hiện nhiệm vụ, khi được trưởng đoàn thanh tra hoặc người ra quyết định thanh tra yêu cầu, thành viên đoàn thanh tra phải báo cáo kịp thời, đầy đủ những nội dung được yêu cầu về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công và các nội dung khác liên quan đến cuộc thanh tra.

 +  Về điều hành và phân công nhiệm vụ cho thành viên đoàn thanh tra: Căn cứ năng lực, sở trường, sở đoản của từng thành viên đoàn thanh tra, trưởng đoàn thanh tra phân công, giao nhiệm vụ thanh tra cho từng thành viên đoàn thanh tra bằng văn bản. Trong văn bản giao nhiệm vụ phải ghi rõ thời gian triển khai, thời hạn báo cáo tiến độ, thời hạn hoàn thành.

Các thành viên đoàn thanh tra, căn cứ phân công của trưởng đoàn thanh tra xây dựng kế hoạch của mình báo cáo trưởng đoàn thanh tra và tiến hành thanh tra theo kế hoạch.

Trong quá trình thanh tra, tùy tình hình cụ thể, trưởng đoàn thanh tra quyết định việc điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ của các thành viên đoàn thanh tra; nếu nội dung thanh tra của các thành viên đoàn thanh tra có liên quan đến cùng một đối tượng, hoặc có sự đan xen, trùng lặp nội dung thanh tra, các thành viên đoàn thanh tra phải báo cáo trưởng đoàn thanh tra để phân công lực lượng hợp lý, hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị là đối tượng thanh tra và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của đoàn thanh tra.

- Điều kiện vật chất đảm bảo thực hiện cuộc thanh tra: Do trưởng đoàn thanh tra đề xuất bao gồm: phương tiện và kinh phí hoạt động…; việc đề xuất phải theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước và của cơ quan quản lý trưởng đoàn thanh tra.

-  Những vấn đề khác (nếu có): Kế hoạch tiến hành thanh tra do trưởng đoàn thanh tra ký và trình người ra quyết định thanh tra phê duyệt để làm căn cứ thực hiện, được quản lý theo chế độ tài liệu “MẬT”.

3.2. Việc phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra

Sau khi kế hoạch tiến hành một cuộc thanh tra được phê duyệt, trưởng đoàn thanh tra tổ chức họp đoàn thanh tra để quán triệt quyết định thanh tra; phổ biến kế hoạch tiến hành thanh tra. Đồng thời, giao nhiệm vụ thanh tra, thời gian thực hiện, thời hạn báo cáo (bằng văn bản) cho các thành viên đoàn thanh tra.  Chỉ đạo để từng thành viên đoàn thanh tra, căn cứ nhiệm vụ được phân công, lập kế hoạch thanh tra của từng cá nhân; đây là căn cứ quan trọng để trưởng đoàn thanh tra theo dõi, quản lý, giám sát, chỉ đạo điều hành đối với từng thành viên đoàn thanh tra và tổ chức phối hợp giữa các thành viên đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra.

Trưởng đoàn thanh tra cũng có thể tập huấn nghiệp vụ về nội dung thanh tra đối với đoàn thanh tra. Những đoàn thanh tra có nội dung thanh tra đơn giản; đoàn thanh tra chuyên ngành; đoàn thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo không nhất thiết phải tập huấn nghiệp vụ. Tuy nhiên, với nội dung thanh tra phức tạp; thành phần đoàn thanh tra đến từ nhiều cơ quan khác nhau, việc tập huấn nghiệp vụ để quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung thanh tra, kỹ năng nghiệp vụ trong quá trình thanh tra nhằm thống nhất về nhận thức, phương pháp thanh tra là hết sức cần thiết.

Việc tập huấn nghiệp vụ trong đoàn thanh tra do trưởng đoàn thanh tra chủ trì, tập trung vào nghiên cứu một số nội dung trong báo cáo thu thập thông tin, tài liệu để chuẩn bị thanh tra, như: Phần đặc điểm, tình hình; báo cáo kết quả thực hiện về nội dung thanh tra hoạt động của đối tượng thanh tra; những đánh giá, kiến nghị của đối tượng thanh tra về nội dung được thanh tra; giới thiệu chính sách, pháp luật có liên quan đến nội dung thanh tra; các dạng sai phạm và phương pháp phát hiện sai phạm của đối tượng thanh tra và một số vấn đề khác có liên quan.

(Còn nữa)

TTVCC Đặng Văn Bình
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ II, TTCP
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra