Luật PCTN đã chỉ rõ các hành vi bị coi là tham nhũng; quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước trong PCTN, mặt khác cũng đã đưa ra các giải pháp phòng ngừa và phát hiện tham nhũng, theo đó có 6 giải pháp lớn, quy định: Công khai, minh bạch về tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị; xây dựng, ban hành và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức đơn vị. Về phát hiện tham nhũng, Luật PCTN cũng đưa ra 3 giải pháp cụ thể, đó là: Quy định về công tác kiểm tra, tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức đơn vị; quy định về phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán; quy định về phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng của các cá nhân, tổ chức. Trong các biện pháp phát hiện tham nhũng, có những biện pháp phát hiện thông qua các hoạt động mang tính chuyên môn của các cơ quan chức năng, như hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra... hoặc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử mang tính nguyên tắc thì còn có biện pháp phát hiện tham nhũng mang tính xã hội nhưng rất hiệu quả, đó là thông qua phản ánh, tố cáo, tố giác về hành vi tham nhũng của Nhân dân và công luận. Trong đó Nhân dân bao gồm người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thông qua việc thực hiện quyền tố cáo của công dân được quy định trong Hiến pháp và các văn bản pháp luật của Nhà nước (Luật Tố cáo năm 2018).
Theo đó, quyền tố cáo của cá nhân, công dân được quy định như sau: Nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi tham nhũng, mọi cá nhân, công dân có quyền phản ánh, tố cáo, tố giác báo tin cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; Nhân dân cũng có quyền kiến nghị với cơ quan Nhà nước hoàn thiện pháp luật và giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN. Khi thực hiện quyền tố cáo, người dân không chỉ nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình mà còn bảo vệ lợi ích của Nhà nước; quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức và cá nhân khác bị hành vi phạm pháp luật nói chung và hành vi tham nhũng nói riêng xâm hại đến. Trong công cuộc đấu tranh PCTN đầy khó khăn, phức tạp này nếu Nhân dân nhận thức được chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”(*) từ đó họ có tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng thì đây sẽ lực lượng to lớn nhất, giúp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc phát hiện, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả đối với các hành vi tham nhũng.
Thực tế công tác đấu tranh PCTN những năm qua cho thấy phần nhiều các vụ việc tham nhũng, hành vi tham nhũng được phát hiện, phanh phui, từ những đơn thư phản ánh, tố cáo, tố giác của Nhân dân và những nguồn tin phản ánh trên các phương tiện thông đại chúng và mạng xã hội. Sau khi Luật PCTN 2018 được ban hành đến nay (thay thế Luật PCTN 2005), các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã tiếp nhận hàng chục ngàn đơn của Nhân dân và nguồn tin của báo chí phản ánh, tố cáo, tố giác về tham nhũng; nội dung đơn thư phản ánh, tố cáo, tố giác của Nhân dân về hành vi tham nhũng, tập trung ở một số các lĩnh vực: quản lý sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công, mua sắm vật tư thiết bị; buôn lậu và gian lận thương mại...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một buổi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ ngày 15/10/2019
Do tính chất phức tạp của hành vi tham nhũng, phần lớn là những người có chức vụ, quyền hạn bằng những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt “thiên biến, vạn hóa” lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi nên rất khó phát hiện nếu không có sự tố cáo, tố giác của Nhân dân, phản ánh của báo chí thì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng rất khó khăn trong việc phát hiện đấu tranh xử lý. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ về công tác PCTN, năm 2020 các cơ quan hành chính Nhà nước đã tiếp nhận gần 30.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo của Nhân dân về hành vi tham nhũng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã thụ lý giải quyết 24.275 vụ việc đạt 83,5%, kết quả giải quyết đã thu hồi cho Nhà nước và các tập thể, cá nhân 42,1tỷ đồng và 72,7 ha đất, kiến nghị xử lý 541 người, đã chuyển cơ quan điều tra 12 vụ và 13 đối tượng có dấu hiệu phạm tội tham nhũng. Về xử lý tội phạm tham nhũng, riêng lực lượng công an nhân dân đã khởi tố điều tra 508 vụ, 1.186 bị can tội tham nhũng (tăng 15 vụ, 58 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Đáng chú ý, trong số các đối tượng có hành vi tham nhũng bị xử lý về hành chính và hình sự có nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố trước pháp luật trong đó có những người là cán bộ cao cấp, giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng, Nhà nước và sỹ quan cao cấp lực lượng vũ trang.
Tuy những phản ánh, tố cáo, tố giác của Nhân dân và công luận đã giúp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện xử lý hàng nghìn vụ việc tham nhũng như đã nêu trên góp phần ngăn chặn, hạn chế, từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng đang diễn ra hiện nay nhưng việc tố cáo, tố giác của Nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy mạnh mẽ được vai trò tích cực của Nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh PCTN, nhất là việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Mặc dù nội dung này được quy định rất cụ thể trong Luật Tố cáo nhưng trên thực tế thì nội dung tố cáo tham nhũng do người tố cáo gửi đến các cơ quan Nhà nước vẫn bị lộ lọt, thậm chí thông tin về người tố cáo cũng bị tiết lộ, để đối tượng bị tố cáo biết được danh tính người tố cáo, nội dung tố cáo mình từ đó đối phó bằng nhiều hình thức khác nhau như mua chuộc người tố cáo, trù dập, trả thù, thuê xã hội đen xử lý. Mặt khác một số người trong cơ quan có thẩm quyền đấu tranh PCTN vì nhiều lý do khác nhau còn nể nang, e dè, nên khi nhận được đơn thư tố cáo, tố giác của Nhân dân chưa khẩn trương kiểm tra xác minh, xử lý để đối tượng bị tố cáo tham nhũng có thời gian tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, xóa dấu vết, hợp thức hóa hành vi tham nhũng nên nhiều vụ việc khi kiểm tra, xác minh thì kết luận tố cáo không có căn cứ hoặc tố cáo sai làm cho người tố cáo thất vọng, chán nản. Ngoài ra có trường hợp kết luận tố cáo đúng nhưng khi xử lý thì bao che, không nghiêm minh, không công khai làm mất niềm tin của Nhân dân, bên cạnh đó, việc khen thưởng đối với người tố cáo cũng mới chỉ là hình thức, chưa có mức khen thưởng bằng vật chất một cách thỏa đáng nên cũng chưa động viên được sự tham gia tích cực của Nhân dân vào cuộc đấu tranh PCTN.
Để phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác đấu tranh PCTN thông qua thực hiện quyền tố cáo, thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong đấu tranh PCTN cần làm tốt một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, những cá nhân, cơ quan có thẩm quyền trong đấu tranh PCTN phải đề cao trách nhiệm và có những biện pháp thiết thực bảo vệ người tố cáo, tố giác tham nhũng theo quy định của Luật Tố cáo để tránh việc trù dập, trả thù của người bị tố cáo. Theo đó Nhà nước cũng cần nghiên cứu quy định cụ thể về nguồn kinh phí và những cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động bảo vệ người tố cáo trong trường hợp cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan khác có liên quan;
Thứ hai, để thuận lợi cho Nhân dân thực hiện quyền tố cáo, tố giác, cung cấp kịp thời thông tin về tham nhũng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, ngoài hai hình thức tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp theo quy định của Luật Tố cáo, cần phải mở rộng thêm các hình thức phản ánh, tố cáo bằng điện thoại thông qua đường dây nóng hoặc trên mạng xã hội. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong đấu tranh PCTN phải công khai các hộp thư, số điện thoại của mình và thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, xác minh ngay những thông tin về tham nhũng do Nhân dân cung cấp. Nếu các thông tin do Nhân dân cung cấp qua kiểm tra xác định tố cáo đúng thì phải công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng để mang tính răn đe, giáo dục.
Thứ ba, cần công khai họ tên, chức vụ, vị trí công tác của cán bộ cơ quan Nhà nước, nhất là những người giữ cương vị lãnh đạo quản lý hoặc công tác ở lĩnh vực, môi trường dễ phát sinh tham nhũng để Nhân dân nơi họ sinh sống biết và giám sát việc chấp hành pháp luật của những cán bộ trên tại khu dân cư nơi cư trú. Đồng thời, công khai về tài sản, thu nhập của cá nhân người đang giữ chức vụ hoặc đang dự kiến bổ nhiệm vào chức vụ từ phó giám đốc sở thuộc tỉnh và phó cục trưởng cơ quan thuộc bộ hoặc từ trưởng phòng nhưng công tác trong các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm ở cơ quan và nơi người đó cư trú. Có như vậy thì Nhân dân mới có cơ sở thực hiện việc giám sát, phát hiện nếu có bất minh về kinh tế, tài sản.
Thứ tư, cần có những hình thức khen thưởng xứng đáng cả về vật chất và tinh thần cho những người có công trong việc tố cáo tham nhũng. Hiện nay việc khen thưởng đối với người có thành tích trong tố cáo phát hiện tham nhũng chủ yếu về mặt tinh thần, về vật chất không đáng kể. Vì vậy để khuyến khích người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng, thì đối với vụ việc tham nhũng về vật chất nên trích theo tỷ lệ % tài sản, tiền thu được từ các vụ việc tham nhũng do người tố cáo cung cấp để thưởng cho họ.
Thứ năm, khi tiếp nhận tố cáo, tin báo tố giác của Nhân dân về tham nhũng cơ quan có thẩm quyền phải phân loại xem xét đánh giá. Những đơn tố cáo, tố giác có cơ sở để xác minh, kết luận thì khẩn trương kiểm tra, xác minh theo quy định của Luật Tố cáo và Luật PCTN. Những đơn không đủ cơ sở thì dứt khoát không xem xét xử lý, vì không phải tất cả đơn tố cáo, tố giác gửi đến cơ quan Nhà nước đều cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi tham nhũng, nhiều khi người tố cáo chỉ nghe hoặc biết qua những thông tin không đầy đủ, không chính xác hoặc tố cáo vì một đông cơ nào. Có như vậy mới tránh được tình trạng kiểm tra xác minh đơn tố cáo, tố giác tham nhũng một cách tràn lan, tốn nhiều thời gian, không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác đấu tranh PCTN mà còn ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bị tố cáo.
Trong cuộc đấu tranh PCTN của Đảng, Nhà nước ta nếu phát huy được vai trò tham gia tích cực của Nhân dân thông qua thực hiện quyền tố cáo và quyền giám sát của họ một cách đúng nghĩa thì đó sẽ là lực lượng to lớn, cung cấp nguồn thông tin phong phú để giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phát hiện xử lý có hiệu quả đối với tình trạng tham nhũng đang diễn ra hiện nay.
Tiến sĩ Phạm Lê Xuất
Nguyên Phó Chánh thanh tra Bộ Công an
Chú thích:
(*) Lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020