Phòng, chống tiêu cực trong tố tụng hình sự của Công an nhân dân

Thứ năm, 20/07/2023 14:18
(ThanhtraVietNam) - Công tác phòng, chống tiêu cực trong lực lượng Công an nhân dân (CAND) luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an quan tâm chỉ đạo. Tuy nhiên, hoạt động tố tụng hình sự của CAND ở một số nơi, một số thời điểm đã xuất hiện dấu hiệu tiêu cực. Để khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả của hoạt động này rất cần những nghiên cứu chuyên sâu để đề ra những giải pháp phù hợp.

Thời gian qua, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về mục tiêu đến năm 2030 hoàn thiện công tác tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Hoạt động tố tụng hình sự của lực lượng CAND đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, chất lượng công tác tố tụng hình sự từng bước được nâng cao.

Lực lượng CAND đã phối hợp với các ngành chức năng cải tiến và từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Công tác phòng, chống tiêu cực trong lực lượng CAND được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn chú trọng, thường xuyên quan tâm.

Cụ thể, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung trong đó có phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp; nhiều vụ việc tiêu cực đã được phát hiện kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, có tác dụng tích cực trong việc đề cao tinh thần trách nhiệm trong chấp hành pháp luật, răn đe, giáo dục chung.

Tuy nhiên, tình hình tiêu cực trong hoạt động tố tụng hình sự của CAND vẫn còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở các cấp, các lĩnh vực; tiêu cực có nơi, có lúc nghiêm trọng, bức xúc, chậm được phát hiện xử lý làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tố tụng hình sự, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với lực lượng.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Cải cách Trung ương, để chủ động, tích cực phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tố tụng hình sự của CAND nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tội phạm; nâng cao đạo đức công vụ cho cán bộ Công an hoạt động trong lĩnh vực tố tụng hình sự, góp phần tiến tới xây dựng nền tư pháp Việt Nam công khai, minh bạch theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, việc tăng cường công tác phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tố tụng hình sự của lực lượng CAND là rất quan trọng và cần thiết.

Bên cạnh những mặt tích cực trong hoạt động tố tụng hình sự, còn có những biểu hiệu vi phạm pháp luật, quy trình, quy chế công tác, lợi dụng kẽ hở trong các quy định của pháp luật, quy trình, quy chế công tác có dấu hiệu vì động cơ vụ lợi, nhưng chưa đủ cơ sở kết luận có tiêu cực.

leftcenterrightdel
Công an tiếp nhận khiếu nại của người dân. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an 

Việc đánh giá phương thức, thủ đoạn, tính chất những biểu hiện này có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng ngừa tiêu cực.

Qua tổng hợp, nghiên cứu, phân tích, có thể chỉ ra một số biểu hiện như:

(1) Vi phạm quy trình, quy định thời hạn trong xử lý tin báo, tố giác tội phạm.

(2) Trong quá trình điều tra vụ án, Điều tra viên, cán bộ điều tra đã vi phạm nguyên tắc công tác của Ngành. Biểu hiện chủ yếu là tiếp xúc trái quy định với đối tượng trong vụ án; có dấu hiệu mớm cung hướng cho bị can khai để hưởng tình tiết giảm nhẹ hoặc giúp cho bị can được tại ngoại. Tự ý cung cấp thông tin, làm lộ công việc đang điều tra cho người không có trách nhiệm.

(3) Vi phạm nguyên tắc, quy trình quản lý, thu giữ, niêm phong tiền, vật chứng.

(4) Vi phạm thời hạn điều tra, điều tra bổ sung: Không áp dụng biện pháp ngăn chặn để đối tượng bỏ trốn; tự ý thay đổi biện pháp ngăn chặn, sai quy trình tố tụng; vi phạm những việc Điều tra viên không được làm.

Những vi phạm trên có thể bắt nguồn từ cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan sau:

Thứ nhất, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động không nhỏ đến tư tưởng cán bộ, chiến sĩ hoạt động tư pháp làm xuất hiện lối sống thực dụng, cá nhân chủ nghĩa, trong khi đó chế độ chính sách, tiền lương đối với lực lượng Công an nói chung, cán bộ tư pháp trong lực lượng Công an nói riêng tuy đã được cải thiện và đổi mới theo hướng được cải thiện và đổi mới theo hướng được quan tâm hơn, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống thực tế của cán bộ, nhất là đối với cán bộ, chiến sĩ trẻ, có cấp hàm thấp, nên khi có điều kiện dễ phát sinh tiêu cực.

Thứ hai, hệ thống pháp luật và các quy định của Bộ Công an về cơ bản đã đầy đủ, tuy nhiên vẫn còn nhiều kẽ hở để cán bộ lợi dụng thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng nhất là vi phạm các quy định về giải quyết tin báo, tố giác tội phạm để tiêu cực. Nhiều vấn đề quy định và giải thích chưa rõ ràng dẫn đến tình trạng “cố ý nhầm lẫn” giữa hình sự với dân sự, hành chính, tranh chấp hợp đồng kinh tế; các quy định pháp luật về: Hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, kinh tế… thường xuyên thay đổi, bổ sung, trong khi đó việc đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ còn hạn chế, thiếu giải thích, hướng dẫn cụ thể, vừa khó khăn trong thực hiện vừa tạo kẽ hở để cán bộ tiêu cực và khó cá thể hóa trách nhiệm, kết luận hành vi sai trái của cán bộ thừa hành pháp luật.

Thứ ba, môi trường, điều kiện làm việc của người có chức danh tư pháp và cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp thường dễ có điều kiện phát sinh tiêu cực, nhất là môi trường tương đối độc lập của Điều tra viên và Giám định viên; bên cạnh đó người vi phạm pháp luật và người thân của họ thường tìm mọi cách tác động để đạt được mục đích có lợi cho mình và người thân.

Thứ tư, mối quan hệ quen thuộc, quan hệ gia đình, sự tác động của người có chức vụ, quyền hạn đã tác động không nhỏ tới cán bộ điều tra khi thực thi nhiệm vụ. Tình hình tội phạm trong thời gian qua, có những diễn biến hết sức phức tạp với nhiều âm mưu, phương thức mới, có nhiều thủ đoạn tinh vi để lôi kéo, mua chuộc cán bộ, thậm chí đe dọa cán bộ điều tra buộc cán bộ điều tra phải lựa chọn tiêu cực.

Từ những phân tích và nhận định trên, tác giả để xuất một số gợi ý có thể tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để trở thành giải pháp như sau:

Một là, cần bảo đảm tính minh bạch của quá trình tố tụng và đặc biệt là tính khách quan, vô tư của người tiến hành tố tụng hình sự. Kinh nghiệm của các nước cho thấy một trong những biện pháp hữu hiệu để đạt mục tiêu này là khẳng định đề cao vai trò của luật sư trong tất cả giai đoạn tố tụng.

Luật sư phải được thừa nhận là người bảo vệ đối với người bị tình nghi phạm tội trước các nỗ lực cáo buộc chống lại người này và phải được tạo điều kiện thể hiện vai trò của mình ngay từ đầu, từ lúc thân chủ của mình chính thức bị đặt vào diện tình nghi và chịu sự áp dụng của các biện pháp tố tụng hình sự.

Ở các nước, người được thẩm vấn trong khuôn khổ hoạt động tố tụng hình sự có quyền yêu cầu mời luật sư hỗ trợ và cuộc thẩm vấn chỉ được tiến hành một khi có mặt của luật sư bên cạnh thân chủ. Sự hiện diện của luật sư khiến không gian giao tiếp giữa nghi can và đại diện công lực trong quá trình tố tụng không còn bị khép kín.

Điều này được cho là có tác dụng tích cực trong việc ngăn chặn các biện pháp tác nghiệp trái pháp luật của người trong cuộc và dẫn đến tiêu cực trong hoạt động tố tụng hình sự.

Hai là, đề xuất bắt buộc ghi âm và ghi hình trong khi hỏi cung bị can (tài liệu này có thể được sử dụng trong một số trường hợp cần thiết). Nhưng nếu quy định thì nên kết hợp cả ghi âm và ghi hình. Đây là một xu hướng hiện đại, tiến bộ, cần phải triển khai. Quy định thiết thực này nhằm chống tiêu cực trong hoạt động tố tụng hình sự.

Ba là, về căn cứ và thời hạn tạm giam: Đề xuất chỉ áp dụng tạm giam khi có căn cứ xác định nghi can đó cản trở điều tra, truy tố, xét xử; tiếp tục phạm tội; bỏ trốn hoặc không có nơi cư trú rõ ràng nhằm khắc phục việc lạm dụng tạm giam. Cần phải được quy định chặt chẽ, phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tố tụng hình sự.

Bốn là, cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật, nhằm phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tố tụng hình sự.

Năm là, giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ hoạt động tố tụng hình sự trong lực lượng CAND. Đạo đức nghề nghiệp của người Công an không gì khác là lòng yêu ngành, yêu nghề, hết lòng phục vụ Nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, công minh - chính trực, chí công vô tư, không vì vụ lợi cá nhân. Bên cạnh đó, cần phải chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên: Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng; đào tạo bồi dưỡng pháp luật cho cán bộ hoạt động tố tụng hình sự một cách kỹ lưỡng, thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật; đào tạo bồi dưỡng đạo đức cách mạng, phẩm chất tư cách cán bộ hoạt hoạt động tố tụng hình sự trong lực lượng CAND.

Sáu là, tăng cường vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát của Cấp ủy Đảng và Thủ trưởng các cấp; chú trọng công tác khen thưởng và kỷ luật đối với cán bộ làm công tác trong lĩnh vực tố tụng hình sự; quan tâm đến chế độ chính sách đối với cán bộ làm công tác trong lĩnh vực tố tụng hình sự…/.

Đỗ Anh Tuấn - Thanh tra Bộ Công an

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra