Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã chủ động trong việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu nhằm đưa ra những luận cứ khoa học xác đáng cho quá trình đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động thanh tra.
Thực trạng công tác nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ
Kể từ khi tổ chức công tác nghiên cứu khoa học, đồng nhất với việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Thông tin Thanh tra năm 1992, Thanh tra Chính phủ đã triển khai nghiên cứu 05 đề tài khoa học cấp quốc gia, 124 đề tài khoa học trọng điểm cấp bộ và cấp bộ; 152 đề tài khoa học cấp cơ sở. Mặc dù còn hạn chế một số về nguồn lực, kinh phí nhưng với sự nỗ lực rất lớn của các ban chủ nhiệm đề tài cũng như đội ngũ cán bộ tham gia nghiên cứu và triển khai thực hiện, hầu hết các đề tài đều đảm bảo cả về tiến độ cũng như nội dung các công việc theo kế hoạch đề ra. Các đề tài, công trình nghiên cứu đã tập trung vào những vấn đề cấp thiết đang đặt ra đối với ngành Thanh tra. Cụ thể là:
Nghiên cứu về hoạt động thanh tra: Đã tập trung nghiên cứu khá toàn diện về công tác thanh tra, trong đó tập trung nghiên cứu những vấn đề phục vụ cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra: Vai trò của thanh tra trong xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển; thanh tra hành chính và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; các nguyên tắc hoạt động thanh tra, quyền trong hoạt động thanh tra; báo cáo kết quả thanh tra, kết luận thanh tra…
Nghiên cứu về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo: Nghiên cứu về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo vệ, khen thưởng người tố cáo; cơ sở khoa học hoàn thiện hệ thống quy định nghiệp vụ giải quyết khiếu nại; giải quyết khiếu nại trong các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước; vai trò của xã hội trong giải quyết khiếu nại hành chính…
Nghiên cứu về phòng, chống tham nhũng: Đã nghiên cứu làm rõ vai trò của cơ quan thanh tra trong phòng, chống tham nhũng; công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình nhằm phòng, chống tham nhũng; kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; quản lý Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng; tổ chức và hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng; giải pháp phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thanh tra…
Nghiên cứu về kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ ngành Thanh tra, công tác chỉ đạo, điều hành và các vấn đề khác liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra: Nghiên cứu về đổi mới công tác tổ chức - cán bộ của ngành Thanh tra; đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của Trường Cán bộ Thanh tra; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành Thanh tra theo yêu cầu của Chiến lược phát triển ngành Thanh tra; xây dựng và hoàn thiện văn hóa thanh tra; tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch thanh tra viên; tuyển dụng và quản lý, sử dụng công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ…
Nhìn chung, nội dung các đề tài khoa học của Thanh tra Chính phủ đã bước đầu tiếp cận khái quát hệ thống tri thức thực tiễn, làm cơ sở để tạo lập hệ thống tri thức khoa học về ngành Thanh tra. Kết quả đạt được trong nghiên cứu khoa học vừa góp phần nâng cao nhận thức về công tác thanh tra, vừa tạo lập luận cứ khoa học phục vụ cho việc hoạch định chính sách, xây dựng thể chế và công tác quản lý điều hành của ngành Thanh tra. Kết quả đó thể hiện Thanh tra Chính phủ đã tập trung các nguồn lực để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức, hoạt động của Thanh tra Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ còn một số hạn chế sau:
Thứ nhất, công tác nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ đôi khi chưa cung cấp kịp thời và đầy đủ cơ sở lý luận cho công tác xây dựng thể chế của Thanh tra Chính phủ và chưa gắn bó chặt chẽ với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thanh tra. Mặc dù nhiều đề tài, công trình nghiên cứu có chất lượng tốt nhưng các tri thức đó chưa được chuyển hoá nhiều thành nội dung đào tạo bồi dưỡng nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ thanh tra.
Thứ hai, các đề tài, công trình nghiên cứu hướng tới những cảnh báo, dự báo chưa được tập trung nhiều. Đặc biệt là nghiên cứu hướng tới cảnh báo, dự báo hoạt động thanh tra trong tương lai, làm cơ sở định hướng cho hoạt động lãnh đạo quản lý của Thanh tra Chính phủ trên cả 3 lĩnh vực là công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Thứ ba, nội dung nghiên cứu về các chủ thể liên quan đến hoạt động của ngành Thanh tra còn rất ít và cũng chỉ dừng lại ở đề tài cấp cơ sở hoặc chỉ được đề cập rất hạn chế trong nội dung nghiên cứu của một số đề tài cấp bộ, trọng điểm cấp bộ.
Thứ tư, nhiều đề tài, công trình nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu lý thuyết, chưa đi sâu vào tổng kết thực tiễn của ngành Thanh tra. Các phương pháp nghiên cứu khoa học được sử dụng chủ yếu là phương pháp nghiên cứu lý thuyết, còn hạn chế trong việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu thực tiễn.
Thứ năm, do xác định chưa rõ những nội dung nghiên cứu cụ thể trong thuyết minh hoặc do chủ nhiệm đề tài chưa quan tâm đúng mức trong việc xác định tên và đề cương chi tiết, yêu cầu cụ thể đối với các nội dung nghiên cứu của đề tài nên trong quá trình triển khai đề tài có một số nội dung chưa đạt được chất lượng như mong muốn, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng kết quả nghiên cứu đề tài.
Thứ sáu, kinh phí phân bổ cho các đề tài của Thanh tra Chính phủ nói chung thấp hơn khá nhiều so với mức kinh phí trung bình dành cho các đề tài cùng cấp hiện nay nên chưa thực sự lôi cuốn được đông đảo đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có uy tín và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc triển khai đặt bài viết nghiên cứu.
Đồng chí Phạm Thị Thu Hiền (đứng) tại buổi nghiệm thu đề tài của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra - Ảnh: Lan Anh
Yêu cầu cơ bản đối với công tác nghiên cứu khoa học thanh tra
Thứ nhất, thanh tra là hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước, nói rộng ra là hoạt động chính trị. Trong điều kiện của Việt Nam, tổ chức, hoạt động của ngành Thanh tra đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nên công tác nghiên cứu khoa học về thanh tra đòi hỏi phải được đặt trong tổng thể nghiên cứu đổi mới hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, thanh tra là chức năng quan trọng của quản lý Nhà nước nên nghiên cứu khoa học thanh tra không biệt lập với nghiên cứu tổ chức và hoạt động của nền hành chính nói chung. Chức năng thanh tra chủ yếu được thực hiện thông qua việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra trong trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Để hoạt động có hiệu quả, ngành Thanh tra cần xây dựng hệ thống lý luận làm cơ sở hoàn thiện thể chế, chính sách để khẳng định vị trí, vai trò của mình và xây dựng hệ thống quy trình, nghiệp vụ thực thi công vụ cũng như xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ của ngành Thanh tra. Vì chức năng thanh tra thuộc quản lý nên hệ thống các cơ quan thanh tra nằm trong hệ thống cơ quan hành chính, do đó, lý luận về tổ chức hoạt động của ngành Thanh tra không thể thoát khỏi sự liên hệ với tổ chức và hoạt động hành chính nói chung.
Thứ ba, hoạt động thanh tra tác động đối với nhiều chủ thể trong xã hội, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, các chủ thể trong xã hội là những cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thanh tra cũng là đối tượng nghiên cứu của khoa học thanh tra.
Thứ tư, khoa học là hệ thống các tri thức được kết tinh qua các giai đoạn lịch sử. Sự hình thành và phát triển của ngành Thanh tra có tính lịch sử, vì vậy, nghiên cứu khoa học thanh tra liên quan chặt chẽ với sự phát triển hệ thống tri thức về công tác của ngành Thanh tra được hình thành qua các giai đoạn phát triển.
Qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thanh tra đã xây dựng được hệ thống tri thức khá lớn về công tác thanh tra, bao gồm cả những tri thức mang tính kinh nghiệm và tri thức mang tính khoa học xung quanh các lĩnh vực công tác của ngành cũng như những lĩnh vực khác liên quan. Với những đặc trưng nêu trên đòi hỏi đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học thanh tra phải có kiến thức về lĩnh vực hoạt động của ngành Thanh tra và những lĩnh vực khác có liên quan, có trình độ cao về phương pháp luận khoa học và khả năng sử dụng thành thạo các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội.
Một số giải pháp đổi mới công tác nghiên cứu khoa học của Thanh tra Chính phủ trong thời gian tới
Thứ nhất, đổi mới nhận thức về công tác nghiên cứu khoa học đối với cán bộ, thanh tra viên. Công tác nghiên cứu khoa học không chỉ là nhiệm vụ của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra mà là nhiệm vụ chung của các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ, của từng cán bộ, công chức ngành Thanh tra. Chỉ trên cơ sở nhận thức đúng đắn về công tác nghiên cứu khoa học của từng ban chủ nhiệm đề tài, của từng cá nhân tham gia nghiên cứu mới từng bước nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học cũng như nâng cao hiệu quả công tác quản lý khoa học.
Thứ hai, phát huy tính tự giác, chủ động trong việc đề xuất các vấn đề cần nghiên cứu của các vụ, cục, đơn vị và cán bộ thuộc Thanh tra Chính phủ bởi vì suy cho cùng các vấn đề cần nghiên cứu đều xuất phát từ thực tiễn công tác thanh tra và phục vụ trực tiếp cho việc đổi mới tổ chức, hoạt động ngành Thanh tra, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra. Việc chủ động đề xuất nghiên cứu, triển khai nghiên cứu nghiêm túc, sản phẩm nghiên cứu có chất lượng… là những tiền đề quan trọng cho việc ứng dụng có hiệu quả các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn công tác của ngành.
Thứ ba, việc xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học dài hạn và ngắn hạn của Thanh tra Chính phủ cần huy động tối đa sự tham gia sâu của các thành viên Hội đồng khoa học Thanh tra Chính phủ, đại diện lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị, đồng thời, phải đảm bảo tính khoa học, gắn kết giữa nghiên cứu lý luận với hoạt động thực tiễn.
Muốn làm tốt được điều này, trước hết cần xác định các yêu cầu đối với chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học; phải xác định được nhu cầu nghiên cứu của ngành Thanh tra nói chung và của Thanh tra Chính phủ nói riêng trong từng giai đoạn, từ đó xác định được nội dung, phạm vi nghiên cứu trọng tâm của từng giai đoạn. Đối với kế hoạch nghiên cứu hàng năm phải bám sát hơn nữa vào nhiệm vụ chính trị của ngành; tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thiện những vấn đề lý luận và nghiệp vụ của công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, xây dựng thể chế của ngành và nâng cao nhận thức cho cán bộ, thanh tra viên. Trong đó, vấn đề trọng tâm, trọng điểm nghiên cứu phải được nhấn mạnh, đặc biệt chương trình nghiên cứu phải hết sức thiết thực, phù hợp với khả năng nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ.
Thứ tư, việc phân bổ kinh phí và giao thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu hàng năm phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ và phải phù hợp với khả năng nghiên cứu khoa học, chức năng, nhiệm vụ của cá nhân, tổ chức đăng ký. Các đề tài khoa học được giao cho các vụ, cục, đơn vị chủ trì nghiên cứu phải có nội dung nghiên cứu bám sát vào hoạt động của ngành Thanh tra, phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và phải phù hợp với khả năng nghiên cứu khoa học và chức năng, nhiệm vụ của cá nhân, tổ chức đăng ký.
Trong việc phân bổ kinh phí và giao thực hiện các đề tài khoa học, điều quan trọng là phải lựa chọn được tổ chức, cá nhân có uy tín khoa học, có năng lực tổ chức nghiên cứu. Trong quá trình tham mưu cho Hội đồng Khoa học và Tổng Thanh tra Chính phủ về việc giao nhiệm vụ nghiên cứu và phân bổ kinh phí đề tài cần phải có những tiêu chí nhất định về con người, về tài chính… để đảm bảo chất lượng nghiên cứu được tốt hơn.
Thứ năm, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra cần tăng cường vai trò hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, trong đó bao gồm cả các quy định về việc thực hiện kinh phí của đề tài. Kịp thời hướng dẫn, tư vấn và có cách thức giải quyết những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện tài chính của đề tài.
Thứ sáu, có các biện pháp thích hợp và khả thi trong việc tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu. Để việc tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu đạt kết quả tốt hơn, trong thời gian tới, cần tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo của lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, của Hội đồng Khoa học Thanh tra Chính phủ đối với công tác nghiên cứu khoa học nói chung và việc ứng dụng kết quả nghiên cứu nói riêng; đề cao hơn nữa trách nhiệm của lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ trong việc thực hiện, kiến nghị thực hiện việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn công tác cũng như hoàn thiện thể chế, quy trình nghiệp vụ.
Tiến hành tổng hợp, tóm tắt những kiến nghị xác thực, khả thi của các đề tài, đề xuất lãnh đạo Thanh tra Chính phủ áp dụng trong từng lĩnh vực, từng hoạt động cụ thể, qua đó góp phần thiết thực, hữu ích trong việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra. Bên cạnh đó, các kết quả nghiên cứu cần được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ, Tạp chí Thanh tra, Trang tin điện tử của Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra.
Mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia các hoạt động khoa học, có các hình thức, phương thức sinh hoạt khoa học đa dạng hơn để có thể thu hút đông đảo cán bộ trong và ngoài ngành tham gia vào hoạt động nghiên cứu. Tạo môi trường nâng cao nhận thức cho cán bộ, thanh tra viên, góp phần tìm ra những giải pháp để xây dựng thể chế và đổi mới ngành Thanh tra./.
Ths. Phạm Thị Thu Hiền
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra