Thanh tra, kiểm toán là công cụ hữu hiệu phát hiện sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý vốn đầu tư công (tiếp theo và hết)

Thứ tư, 21/12/2022 14:09
(ThanhtraVietNam) - Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc ban hành và thực hiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công trong thời gian qua còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Cụ thể là: Hoạt động thanh tra trong thời gian qua chưa tập trung chú trọng đến việc tìm ra những sơ hở, hạn chế, bất cập của pháp luật quản lý vốn đầu tư công, mà chỉ chú trọng đến việc tìm ra sai phạm để xử lý. Tình trạng thiếu sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với các cơ quan có trách nhiệm trong hoàn thiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công đã dẫn tới tình trạng các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phát hiện nhiều sơ hở của chính sách pháp luật, đề xuất kiến nghị sửa đổi nhiều văn bản, nhưng các cơ quan khi làm luật ít quan tâm đến các đề xuất đó. Các kiến nghị cũng không được tổng hợp, đánh giá thường xuyên thành hệ thống để các nhà làm luật kế thừa, tiếp thu các kiến nghị này. Bên cạnh đó, vẫn còn chồng chéo, trùng lặp giữa thanh tra và kiểm toán chấp hành pháp luật quản lý vốn đầu tư công. Việc xử lý kết quả sau thanh tra, kiểm toán quản lý vốn đầu tư công còn hạn chế, bất cập, đặc biệt là xử lý các kiến nghị về sửa đổi cơ chế chính sách, trong đó có pháp luật quản lý vốn đầu tư công. Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước thì thời gian vừa qua, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 17% (136/786 văn bản). Ngoài ra, trách nhiệm, trình độ năng lực của một số công chức tiến hành thanh tra, kiểm toán và tham gia vào quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công còn hạn chế.

Những tồn tại, hạn chế nói trên là một trong những nguyên nhân dẫn đến một lượng vốn đầu tư công lớn bị sử dụng lãng phí, thất thoát, nhiều dự án đầu tư không phát huy được hiệu quả. Do vậy, hoàn thiện pháp luật, tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, trong đó thanh tra, kiểm toán là một trong những công cụ hữu hiệu phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý vốn đầu tư công, để kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, khắc phục.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa, nguồn internet 

Nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật, tăng cường quản lý vốn đầu tư công qua thanh tra, kiểm toán, đồng thời để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm toán đối với hoạt động quản lý vốn đầu tư công, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện nội dung pháp luật về quản lý vốn đầu tư công theo kiến nghị của thanh tra, kiểm toán

Về giải pháp trước mắt, tiếp tục bổ sung, điều chỉnh các quy định pháp luật để dần giải quyết những điểm nghẽn của hệ thống các quy định pháp luật về quản lý vốn đầu tư công tại Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017… mà hoạt động thanh tra, kiểm toán đã chỉ ra. Cụ thể: Hoàn thiện pháp luật về huy động các nguồn vốn tham gia thực hiện dự án đầu tư công; hoàn thiện pháp luật quy định về chương trình, kế hoạch vốn đầu tư công; hoàn thiện quy định của pháp luật về thẩm quyền quyết định đầu tư và thực hiện bố trí, phân bổ vốn đầu tư công; hoàn thiện quy định của pháp luật về lựa chọn nhà thầu, quản lý tiến độ thực hiện, giải ngân, nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án, việc thanh quyết toán vốn đầu tư công; hoàn thiện, bổ sung quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Hai là, hoàn thiện pháp luật về thanh tra, kiểm toán

Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về thanh tra, kiểm toán nhằm nâng cao vị trí, vai trò của cơ quan thanh tra, kiểm toán trong theo dõi, kiểm tra, đánh giá, kiến nghị xử lý việc tuân thủ pháp luật nói chung và pháp luật về quản lý vốn đầu tư công nói riêng của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nghiên cứu xác định địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra độc lập hơn với những đề xuất, kiến nghị thuộc trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao nói chung, trong đó có trách nhiệm chuyên môn về quản lý đầu tư công nói riêng; sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước cho phù hợp bản chất của Kiểm toán Nhà nước là công cụ kiểm tra tài chính công quan trọng của Nhà nước, cần xem xét sửa đổi theo hướng quy định rõ Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán dự toán ngân sách nhà nước, các dự án, công trình quan trọng quốc gia phục vụ cho việc xem xét quyết định của Quốc hội.

Nghiên cứu, bổ sung quy định rõ hình thức thanh tra, kiểm toán phù hợp với đặc thù của hoạt động thanh tra, kiểm toán về đầu tư công: Cần quy định rõ hình thức thanh tra liên ngành, thanh tra chuyên đề diện rộng trong Luật Thanh tra năm 2010 làm cơ sở pháp lý rõ ràng phù hợp với đặc thù của hoạt động thanh tra về quản lý vốn đầu tư công; cần quy định cụ thể hơn hình thức kiểm toán hoạt động, kiểm toán dự toán ngân sách nhà nước cũng như tiến hành tiền kiểm hoặc thẩm định cho ý kiến về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia và dự án quan trọng quốc gia.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn về thực hiện các quyền trong hoạt động thanh tra, kiểm toán phục vụ thanh tra, kiểm toán quản lý vốn đầu tư công hiệu quả như: Sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền trưng cầu giám định, trong các văn bản pháp luật liên quan tạo cơ sở pháp lý thực hiện các quyền trong thanh tra quản lý vốn đầu tư công; nghiên cứu bổ sung quy định quyền xử phạt của Kiểm toán Nhà nước đối với hành vi vi phạm pháp luật Kiểm toán Nhà nước của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan, ngoài quy định mang tính nguyên tắc tại Điều 71, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán nhà nước thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật”, trong khi Luật Kiểm toán Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về xử lý các hành vi vi phạm của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nghiên cứu chuẩn hóa về trình tự, thủ tục, quy định cụ thể về thẩm quyền thanh tra việc quản lý sử dụng vốn đầu tư công.

Các nội dung cơ bản về thẩm quyền, trình tự, thủ tục của hoạt động thanh tra quản lý vốn đầu tư công chưa có quy định cụ thể, chi tiết ngoài những quy định chung mang tính nguyên tắc tại Luật Thanh tra năm 2010 và các văn bản hướng dẫn. Hoàn thiện pháp luật về thanh tra trong thời gian tới cần thực hiện theo hướng chuẩn hóa về trình tự, thủ tục, quy định cụ thể về thẩm quyền thanh tra việc quản lý sử dụng vốn đầu tư công trong các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.

Đối với pháp luật kiểm toán, đối tượng kiểm toán đã được Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, Hiến pháp năm 2013 quy định rõ ràng nhưng đơn vị được kiểm toán tại Điều 55 lại chưa quy định bao quát hết các cơ quan, tổ chức, đơn vị có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vì vậy, trong thời gian tới, cần hoàn thiện pháp luật kiểm toán nhà nước theo hướng quy định cụ thể đơn vị được kiểm toán để bảo đảm bao quát và phù hợp với đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước theo Hiến pháp, đặc biệt là việc kiểm toán vốn đầu tư công bao gồm cả đất đai, tài nguyên khoáng sản, nhất là đất đai được đưa vào các dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), dự án xây dựng - chuyển giao (BT)... là đối tượng được kiểm toán. Có như vậy mới khắc phục triệt để tình trạng Kiểm toán Nhà nước mới chỉ kiểm toán được một phần vốn đầu tư công.

Sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2019 theo hướng kết quả phát hiện sơ hở và kiến nghị hoàn thiện cơ chế chính sách của thanh tra, kiểm toán là cơ sở để các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật. Theo đó, các cuộc thanh tra, kiểm toán cần phải tiếp tục nhấn mạnh mục tiêu đưa ra kiến nghị cụ thể về hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn đầu tư công; nội dung về kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật phải được đặt làm trọng tâm trong kết luận thanh tra, báo cáo kết quả kiểm toán. Cần phải có sự tổng kết, báo cáo đánh giá kết quả các kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán đã được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, sửa đổi hay số lượng văn bản pháp luật mới về quản lý vốn đầu tư công được ban hành trên cơ sở kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán hiện nay để đánh giá được vai trò này của cơ quan thanh tra, kiểm toán.

Ba là, giải pháp tổ chức hoàn thiện pháp luật và thực thi pháp luật về quản lý vốn đầu tư công qua thanh tra, kiểm toán

Trong đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc hoàn thiện pháp luật quản lý vốn đầu tư công qua công tác thanh tra, kiểm toán; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý vốn đầu tư công để kịp thời phát hiện sơ hở, kiến nghị hoàn thiện pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện thanh tra, kiểm toán, có năng lực phát hiện những sơ hở trong cơ chế, chính sách và kỹ năng phát hiện những sai phạm trong thực hiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công; tăng cường hơn nữa năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật về đầu tư công, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác thể chế trong xây dựng, hoàn thiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công; tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm huy động tối đa các nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công.

Thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và quản lý đầu tư theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng các danh mục dự án đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên đầu tư vốn công; thực hiện nghiêm túc việc quản lý vốn đầu tư công theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công; góp phần chấm dứt tình trạng đầu tư không đồng bộ, không hiệu quả. Đảm bảo chất lượng công tác thanh quyết toán vốn đầu tư công; cải cách thủ tục hành chính trong quyết toán vốn đầu tư để rút ngắn thời gian quyết toán, ngăn ngừa thất thoát lãng phí.

Có thể nói, thanh tra, kiểm toán là công cụ sắc bén của Nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Kết quả thanh tra, kiểm toán là kênh thông tin hữu hiệu cho công tác quản lý đầu tư công, đảm bảo và nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả nguồn vốn nhà nước, đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tác dụng ngăn ngừa, xử lý các sai phạm, phát hiện sơ hở, sai sót, yếu kém trong quản lý vốn đầu tư công, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công. Đồng thời, thanh tra, kiểm toán là công cụ đánh giá, kết luận, kiến nghị về những tồn tại, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật và trách nhiệm đối với công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, đánh giá nguyên nhân và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật quản lý vốn đầu tư công.

Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công qua thanh tra, kiểm toán nếu được thực hiện sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoàn thiện pháp luật về quản lý vốn đầu tư công qua thanh tra, kiểm toán nói riêng, quản lý đầu tư công nói chung, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội của đất nước giai đoạn hiện nay./.

TS. Tăng Thị Thiệm
Thanh tra Chính phủ
Ths. Lại Kim Dung
Tạp chí Thanh tra
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra