Theo quy định của Luật Tố cáo năm 2011: “Tố cáo là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức”.
Khoản 7, Điều 2, Luật Tố cáo năm 2011 cũng định nghĩa: “Giải quyết tố cáo là việc tiếp nhận, xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo”. Như vậy, giải quyết tố cáo là hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhằm làm rõ các thông tin về những hành vi tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân do các chủ thể cung cấp theo trình tự, thủ tục luật định.
Tố cáo trong phòng, chống tham nhũng được hiểu là việc công dân thực hiện quyền của mình và bằng các hình thức tố cáo theo quy định, báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống tham nhũng nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Tố cáo trong phòng, chống tham nhũng có những đặc điểm như sau:
- Về hình thức tố cáo: Tố cáo trực tiếp hoặc qua đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. (Tới đây ngày 01/01/2019, Luật Tố cáo năm 2018 có hiệu lực, theo quy định của Luật, việc tố cáo chỉ được thực hiện bằng đơn hoặc trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền)
- Về nội dung tố cáo: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống tham nhũng.
Giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo, đưa ra kết luật về nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý; trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Tố cáo và giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng có vai trò rất lớn giúp cho việc phát hiện nhanh chóng, kịp thời các hành vi tham nhũng. Cụ thể:
Một là, tố cáo trong phòng, chống tham nhũng là phương thức thực hiện quyền tố cáo của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Tố cáo trong phòng, chống tham nhũng tạo điều kiện thuận lợi để công dân bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm bởi hành vi tham nhũng. Đây cũng là một trong những phương thức huy động sự tham gia của người dân trong quản lý nhà nước, phát huy tính tích cực của công dân đối với việc giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước.
Hai là, tố cáo và giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng là một trong các phương thức giúp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nắm bắt được thông tin về hành vi tham nhũng. Từ đó, tiến hành các biện pháp nhằm xác minh, làm rõ các thông tin tố cáo để đưa ra kết luận. Giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng giúp cho cơ quan cấp trên kiểm tra, đánh giá hoạt động của cấp dưới. Để từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém và xử lý hành vi vi phạm pháp luật để xây dựng một nền công vụ trong sạch, chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Ba là, tố cáo và giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật từ phía cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước; tăng cường lòng tin của người dân.
Trong thời gian qua, công tác giải quyết tố cáo đã được các cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền đặc biệt quan tâm. Kết quả 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, đã có 86.463 vụ việc tố cáo về tham nhũng được cơ quan chức năng giải quyết, trong đó đã chuyển cơ quan điều tra 653 vụ việc với 1.172 người có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Các quy định pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho công dân thực hiện quyền tố cáo cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo. Cũng qua giải quyết tố cáo, các cơ quan có thẩm quyền phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, đã xử lý và thu hồi tài sản do hành vi tham nhũng chiếm đoạt, củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào bộ máy Nhà nước.
Bên cạnh đó, thời gian qua, thủ tục giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng đã được hoàn thiện hơn; sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc giải quyết tố cáo tham nhũng cũng được tăng cường. Qua đó, việc xác minh thông tin tố cáo hành vi tham nhũng diễn ra một cách nhanh chóng, chính xác. Việc cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo trong phòng, chống tham nhũng ngày càng được quy định cụ thể, chặt chẽ đã tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tố cáo, nâng cao hơn trách nhiệm của xã hội và người dân vào giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, đấu tranh phòng, chống lại các hành vi tham nhũng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được thì việc tố cáo và giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là việc quá trình xử lý thông tin tố cáo hành vi tham nhũng của công dân có trường hợp còn chậm, kéo dài thời gian. Trong giải quyết tố cáo còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, một số quyết định giải quyết tố cáo còn chưa khách quan, chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục xác minh nội dung tố cáo. Việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết tố cáo tuy đã được tăng cường nhưng vẫn còn chưa chặt chẽ, nhiều vụ tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cán bộ nhưng kết luận của cơ quan có thẩm quyền có trường hợp còn chung chung, chưa đặt vấn đề xử lý đối với những chủ thể lợi dụng tố cáo hành vi tham nhũng để vu khống, xuyên tạc. Ngoài ra, việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng còn có nhiều hạn chế. Do đối tượng tố cáo ở đây là những chủ thể có chức vụ, quyền hạn nên người tố cáo có thể bị trả thù, trù dập. Theo tổng kết 05 năm thực hiện Luật Tố cáo, các cơ quan có thẩm quyền đã tiếp nhận 699 đơn yêu cầu bảo vệ của người tố cáo. Trong đó có 99 đơn yêu cầu bảo vệ trong các vụ việc tham nhũng và chỉ có 1/3 số yêu cầu được tiến hành (32%), trong đó có 21 trường hợp được áp dụng các biện pháp bảo vệ. Công tác phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ của các cơ quan có thẩm quyền còn lúng túng.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng thời gian tới, tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng thông qua việc tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng thành các quy định của pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, nâng cao vai trò của các cấp ủy Đảng, đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung và giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng theo hướng:
- Quy định về cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố cáo hành vi tham nhũng: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần quy định rõ, cụ thể cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận thông tin tố cáo của công dân thay vì quy định chung chung như trước. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước ta thì các cơ quan sau có trách nhiệm tiếp nhận thông tin tố cáo của công dân đó là: Cơ quan Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân,… Ngoài ra, để thống nhất với pháp luật tố cáo thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền khác cũng có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý thông tin tố cáo của công dân.
- Quy định về tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo hành vi tham nhũng. Khi nhận được thông tin tố cáo tham nhũng bằng các hình thức trực tiếp, tố cáo qua đơn, qua điện thoại, qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật thì bộ phận tiếp nhận tố cáo (theo sự phân công của người có thẩm quyền) phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo, làm việc trực tiếp với người tố cáo để làm rõ nội dung mà người tố cáo đã tố cáo, các thông tin, tài liệu, bằng chứng về hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp nội dung tố cáo có căn cứ thì bộ phận tiếp nhận đơn tố cáo trình người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý giải quyết tố cáo.
- Quy định về công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi tham nhũng bị tố cáo. Khoản 2, Điều 56, Nghị định số 59/2013/NĐ-CP quy định: “Kết luận về nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải được công bố công khai và được gửi cho cơ quan Công an, cơ quan Thanh tra nhà nước cùng cấp và gửi cho người tố cáo khi có yêu cầu”. Theo đó, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần quy định chi tiết các hình thức công khai kết luận nội dung tố cáo tham nhũng, quyết định xử lý hành vi tham nhũng bị tố cáo để tăng cường sự kiểm tra, giám sát đối với hoạt động giải quyết tố cáo tham nhũng, đồng thời góp phần bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong hoạt động giải quyết tố cáo tham nhũng và để phục vụ việc kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Việc quy định cụ thể, chi tiết về công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi tham nhũng bị tố cáo có tác động tích cực đến người tố cáo, người bị tố cáo và toàn xã hội.
- Quy định về bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả việc tố cáo và giải quyết tố cáo tham nhũng của công dân. Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần có những quy định cụ thể bảo vệ người tố cáo, đặc biệt là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng, theo hướng: (1) Quy định một cơ quan có trách nhiệm chủ trì trong việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng và việc phối hợp của các cơ quan trong công tác này; (2) Cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết yêu cầu bảo vệ của người tố cáo; thẩm tra, xác minh yêu cầu của người tố cáo, đánh giá tình hình và giải quyết yêu cầu của người tố cáo. Trình tự, thủ tục phải đơn giản, phù hợp với thực tiễn, tùy thuộc vào tính chất, nội dung bảo vệ và từng giai đoạn giải quyết tố cáo của cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi cho công dân thực hiện quyền được bảo vệ. (3) Quy định chi tiết, cụ thể về các biện pháp bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng để tạo thuận lợi trong việc áp dụng trong thực tiễn.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng đối với cán bộ, công chức và nhân dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo bằng các hình thức thích hợp, phù hợp với hoạt động của từng địa phương, lĩnh vực. Chú trọng đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo, chú ý nội dung, hình thức theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp các tầng lớp nhân dân sinh sống trên địa bàn. Có kế hoạch biên soạn, in ấn, phát hành sách và các tài liệu liên quan về quyền, trách nhiệm trong tố cáo, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tuyên truyền đến từng cụm dân cư và hộ gia đình.
Tăng cường công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền pháp luật và nghiệp vụ tiếp dân, giải quyết tố cáo cho các cán bộ làm công tác tiếp dân, giải quyết tố cáo; bảo đảm cho cán bộ hiểu biết sâu các quy định của pháp luật về tố cáo và các quy định pháp luật khác, có năng lực, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng.
Thanh tra, kiểm tra là một khâu quan trọng, không thể thiếu trong quản lý nhà nước để chủ thể quản lý không chỉ nắm được tình hình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, quyết định, chỉ thị của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới; phát hiện những vi phạm, khuyết điểm của đối tượng thanh tra, kiểm tra mà còn nêu gương những người tốt, việc tốt để nhân rộng điển hình. Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên theo dõi, tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo trong phòng, chống tham nhũng nhằm phát hiện những sai phạm để có những biện pháp xử lý kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan./.
Ths. Nguyễn Thị Dung
Viện Nghiên cứu lập pháp
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo số 180/BC-TH ngày 28/9/2015 của Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ.
2. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012).
3. Nghị định 59/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/06/2013 về quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng.
4. Báo cáo số 330/ BC-CP của Chính phủ ngày 22/9/2016 về tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng.
5. Tờ trình số 364/ TTr-CP ngày 31/8/2017 về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
6. ThS. Đinh Thị Hà - Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng,
Truy nhập trang web ngày 06/04/2018:
http://tcnn.vn/Plus.aspx/vi/News/125/0/1010067/0/37181/Co_che_bao_ve_nguoi_to_cao_tham_nhung
7. ThS. Nguyễn Văn Sỹ, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, Một số kiến nghị tăng cường các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng,
Truy nhập trang web ngày 06/04/2018:
http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=300
8. Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Nguồn:http://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/201701/dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-theo-tinh-than-nghi-quyet-dai-hoi-xii-cua-dang-301836/