Thanh tra Bộ Công Thương là tổ chức thuộc Bộ Công Thương, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ; tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của Bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Ngay từ khi xây dựng kế hoạch thanh tra, Thanh tra Bộ luôn đặt ra yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng, chọn lọc, đề cao tính trọng tâm, hiệu quả, tránh sự dàn trải, thiếu tập trung. Thanh tra Bộ đã phối hợp cùng các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành trong Bộ sắp xếp và triển khai các cuộc thanh tra khoa học, nghiêm túc, phân chia đều vào các thời điểm trong năm, tập trung vào các lĩnh vực có tính nhạy cảm cao, dễ xảy ra các vi phạm như: Điện, than, dầu khí, hóa chất, năng lượng tái tạo, quản lý thị trường, xăng dầu, thương mại điện tử, xúc tiến thương mại…, qua đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Năm 2021, Bộ Công Thương đã thực hiện 135 cuộc thanh tra chuyên ngành, phát hiện 70 tổ chức, cá nhân vi phạm, tiến hành xử phạt số tiền 2.442.680.000 đồng. Năm 2022, theo Kế hoạch thanh tra, Bộ Công Thương sẽ tiến hành thực hiện 302 cuộc thanh tra chuyên ngành.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, song công tác thanh tra chuyên ngành Công thương thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Điều này, xuất phát một phần từ những bất cập trong quy định của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn.
Thứ nhất, trong thời kỳ phát triển khoa học công nghệ, các hành vi vi phạm của các đối tượng thanh tra ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Đặc biệt, trong công tác thanh tra chuyên ngành của lực lượng Quản lý thị trường, các đối tượng thanh tra thường xuyên sử dụng các cách thức, công cụ, phương tiện hiện đại để thực hiện các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra chuyên ngành chưa được trang bị đầy đủ những thiết bị hiện đại để kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra.
Thứ hai, lực lượng thanh tra chuyên ngành ngành Công Thương còn thiếu so với phạm vi địa bàn và lĩnh vực quản lý. Lực lượng thực thi công vụ bị dàn trải dẫn đến công tác thanh tra gặp nhiều khó khăn, tính hiệu quả công tác thanh tra chưa được đảm bảo.
Thứ ba, việc chồng chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra chuyên ngành Công Thương vẫn còn xuất hiện. Sự chồng chéo về đối tượng thanh tra đến từ công tác thanh tra giữa các Bộ. Ví dụ: Khi Thanh tra Bộ Công Thương tiến hành thanh tra đối với các Trường trực thuộc Bộ về công tác phòng chống tham nhũng tại Trường, đồng thời trong năm đó Thanh tra Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng tiến hành thanh tra công tác đào tạo, tuyển sinh tại Trường. Hoặc, Thanh tra Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra chuyên ngành tại Trường cũng bị chồng chéo với việc thực hiện thanh tra của Bộ.
Sự chồng chéo, trùng lắp về đối tượng thanh tra trong thực tiễn còn xuất phát giữa Bộ Công Thương và Kiểm toán Nhà nước; Cơ quan Quản lý thị trường và các Sở Công Thương địa phương; các Cục có chức năng Thanh tra chuyên ngành của Bộ Công Thương và Thanh tra tỉnh, Cơ quan Công an tỉnh.
Thứ tư, hoạt động thanh tra chuyên ngành có thể được thực hiện thông qua đoàn thanh tra hoặc thanh tra viên tiến hành thanh tra độc lập hoặc người được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện. Với đặc thù của hoạt động thanh tra chuyên ngành phải tiến hành nhanh chóng và đặc biệt là trong nhiều huống là xử lý ngay các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng thời gian qua việc tiến hành thanh tra độc lập và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật là chưa có.
Thứ năm, hoạt động thanh tra chuyên ngành phải được tiến hành thường xuyên, gắn với thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, nhưng hiện nay chưa có quy định cụ thể về thanh tra thường xuyên.
|
|
Việc chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực thương mại thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Để góp phần, hạn chế chồng chéo, trùng lắp, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra thanh tra chuyên ngành Công thương, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần cung cấp đầy đủ các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại cho lực lượng thanh tra chuyên ngành để đảm bảo hiệu quả công tác thanh tra, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Hai là, cần bổ sung biên chế cho lực lượng thanh tra chuyên ngành, đặc biệt là lực lượng Quản lý thị trường. Với tính chất phải di chuyển để tìm kiếm, phát hiện những vi phạm của các chủ thể thương mại nên với số lượng biên chế như hiện tại khiến việc tổ chức thực thi pháp luật của lực lượng Quản lý thị trường gặp rất nhiều khó khăn.
Ba là, định kỳ ngày 30 tháng 10 hằng năm, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng thanh tra năm kế tiếp. Trên cơ sở Định hướng thanh tra của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Bộ Công Thương xây dựng và trình Bộ trưởng phê duyệt Kế hoạch thanh tra năm tiếp theo chậm nhất vào ngày 15 tháng 11 hằng năm. Ngày 25 tháng 11, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch thanh tra. Trong quá trình xây dựng Kế hoạch thanh tra, Thanh tra Bộ Công Thương đã xem xét, rà soát kỹ lưỡng các cuộc Thanh tra chuyên ngành trong Bộ để hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp trong công tác thanh tra.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tăng cường sự phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương để thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành. Ví dụ: Ngày 15 tháng 02 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành các Quyết định số 188/QĐ-BCT, 189/QĐ-BCT, 192/QĐ-BCT về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu. Theo nội dung Quyết định, Đoàn thanh tra bao gồm một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Sở Công Thương các địa phương. Việc đề nghị Sở Công Thương cử công chức tham gia Đoàn thanh tra đã cho thấy sự phối hợp tích cực giữa Bộ Công Thương và các sở, ban, ngành địa phương.
Trong công tác thanh tra chuyên ngành hóa chất, Cục Kỹ thuật & An toàn môi trường Công nghiệp - Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và Cơ quan Công an các địa phương để tiến hành thanh tra chuyên ngành về vật liệu nổ công nghiệp đối với các đối tượng trên địa bàn các tỉnh.
Trong công tác thanh tra chuyên ngành về các hoạt động thương mại, Tổng cục Quản lý thị trường và các Cục Quản lý thị trường địa phương đã thường xuyên phối hợp cùng các Cơ quan Công an và Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại.
Bốn là, kiến nghị Thanh tra Chính phủ hằng năm tổ chức Giao ban giữa các khối Kinh tế ngành để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, hạn chế sự chồng chéo.
Năm là, kiến nghị Thanh tra Chính phủ cần nghiên cứu, ban hành Quy chế xây dựng Kế hoạch thanh tra, Kế hoạch kiểm tra giữa các Bộ, ngành, địa phương.
Sáu là, quan tâm nâng cao hơn nữa năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ thanh tra chuyên ngành, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhất là về kỹ năng tác nghiệp thanh tra, kỹ năng tham mưu kết luận và kiến nghị xử lý vi phạm được phát hiện qua thanh tra. Chú trọng việc giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ thanh tra; xây dựng người cán bộ thanh tra có đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Bảy là, đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra chuyên ngành, trong đó cần đánh giá, khảo sát, nghiên cứu sâu sắc các nhiệm vụ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội của các ngành, các cấp và tình hình dư luận, những vấn đề bức xúc trong xã hội đang nổi lên, từ đó xác định rõ vấn đề, nội dung phải thanh tra.
Tám là, tăng cường công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện thanh tra chuyên ngành làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc điều chỉnh, khắc phục hạn chế, thiếu sót, phát huy ưu điểm, nâng cao hiệu quả trong thanh tra chuyên ngành và kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra sau thanh tra./.