Theo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê nin, Nhà nước là một phạm trù lịch sử, xuất hiện và tồn tại trong một giai đoạn nhất định của lịch sử xã hội - giai đoạn xã hội có sự phân chia giai cấp. Theo phân loại các Nhà nước trong lịch sử, xét ở khía cạnh phương thức tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước thì hình thức nhà nước được phân chia theo 3 phương diện: Hình thức cầm quyền, hình thức cấu trúc lãnh thổ và chế độ chính trị. Xét ở 03 phương diện này, Nhà nước ta hiện nay là Nhà nước đơn nhất, chính thể cộng hòa và là Nhà nước theo chế độ dân chủ.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tiếp thu có chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại về Nhà nước pháp quyền nhằm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, tiếp đến là trong các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Mỗi bản Hiến pháp là một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước ta.
1. Bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Nhà nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được Đảng ta khẳng định là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. (1)
Nhà nước pháp quyền là một giá trị của nhân loại về một mô hình Nhà nước tiến bộ trong lịch sử xã hội loài người. Mô hình Nhà nước pháp quyền hội tụ những giá trị phổ quát, được kết tinh, chọn lọc từ ý tưởng của những triết gia, nhà tư tưởng nổi tiếng từ cổ chí kim, từ Tây sang Đông qua các giai đoạn phát triển của lịch sử tư tưởng nhân loại (2). Để thể hiện và thực hiện đầy đủ bản chất quyền lực của mình, Nhà nước xã hội chủ nghĩa phải tồn tại dưới hình thức chế độ dân chủ, hơn nữa phải là chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, chế độ dân chủ cao nhất, triệt để nhất và rộng rãi nhất.
Nhà nước pháp quyền là một hình thức Nhà nước chứa đựng những giá trị quý báu của nền dân chủ tiến bộ và được xem như là một yếu tố của nền văn minh nhân loại với những đặc trưng phổ biến như: Cội nguồn quyền lực nhà nước là ở Nhân dân; là Nhà nước bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống xã hội; Nhà nước thực hiện và bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân; Nhà nước đảm bảo tính trách nhiệm của mình trước công dân và xã hội,... Cho đến nay, Nhà nước pháp quyền được đánh giá là hình thức nhà nước có khả năng thực hiện dân chủ tốt nhất. Chủ trương đổi mới Nhà nước theo mô hình Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình đổi mới và xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
2. Vai trò của các cơ quan thanh tra trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
Về vị trí pháp lý, cơ quan thanh tra nhà nước các cấp thực hiện chức năng giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, thanh tra là một trong những cơ quan bảo vệ pháp luật, góp phần đảm bảo cho pháp luật được tuân thủ đúng đắn. Việc thực hiện những chức năng này gắn bó chặt chẽ và góp phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoạt động của các cơ quan thanh tra giúp kiểm soát quyền lực nhà nước: Cụ thể, thông qua hoạt động tiến hành thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng giúp kiểm soát quyền hành pháp. Quyền hành pháp bao gồm quyền lập quy (đề xuất xây dựng chính sách, ban hành các văn bản hướng dẫn luật, ban hành các văn bản theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành) và quyền hành chính (tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội). “Quyền hành chính luôn có “khoảng trống” cho sự chủ động, sáng tạo của mình, vì vậy nên có xu hướng bị lạm quyền. Quyền hành chính không chỉ bị kiểm soát bởi các thiết chế thuộc các cơ quan lập pháp và tư pháp mà trong lý thuyết về tổ chức bộ máy nhà nước còn hình thành các thiết chế giúp tự kiểm soát ngay bên trong hệ thống các cơ quan thực hiện quyền này như kiểm tra của cơ quan cấp trên với cấp dưới, kiểm tra của thủ trưởng với các tổ chức, cá nhân trực thuộc, và việc kiểm soát của các cơ quan thanh tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp.” (3)
Thanh tra nhà nước vốn là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có
|
|
Trụ sở Thanh tra Chính phủ (Ảnh: Minh Nguyệt) |
thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Trong đó: Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó. Thông qua những hoạt động này, cơ quan thanh tra giúp kiểm soát việc thực thi nhiệm vụ của các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước, cũng đồng thời là kiểm soát quyền hành pháp.
Thứ hai, hoạt động của các cơ quan thanh tra giúp bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Điều này thể hiện rõ nhất thông qua hoạt động thanh tra.
Mục đích hoạt động thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo kết quả Báo cáo công tác theo dõi thi hành pháp luật năm 2020 của Thanh tra Chính phủ, từ 01/01/2015 đến 30/6/2020, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 37.664 cuộc thanh tra hành chính và 1.254.414 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 462.979 tỷ đồng, 97.995 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 232.976 tỷ đồng và 15.333 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 230.003 tỷ đồng, 82.663 ha đất; đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 8.704 tập thể và nhiều cá nhân; ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức và cá nhân với số tiền 28.564 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 502 vụ, 722 đối tượng. Đặc biệt, đã tập trung ban hành kết luận một số cuộc thanh tra được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như: Thanh tra toàn diện Dự án mở rộng và cải tạo sản xuất giai đoạn 2 - Công ty Gang thép Thái Nguyên; thanh tra việc quản lý, sử dụng đối với 2.200 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trả nợ cho Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy và số tiền 4.190 tỷ đồng Chính phủ tạm ứng cho tập đoàn Công nghiệp tàu thủy thực hiện tái cơ cấu; thanh tra về quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh; thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng trên bán đảo Sơn Trà... Bên cạnh việc kiến nghị thu hồi tiền, tài sản vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan thì cơ quan thanh tra các cấp còn đưa ra những kiến nghị để chấn chỉnh cơ chế quản lý, kiến nghị khắc phục sơ hở, thiếu sót của cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước.
Vì vậy, hoạt động thanh tra góp phần đảm bảo cho pháp luật được tuân thủ đúng đắn, đảm bảo cho pháp luật giữ vị trí tối thượng - đây là một trong những đòi hỏi căn bản của Nhà nước pháp quyền.
Thứ ba, hoạt động của các cơ quan thanh tra giúp phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng
Việc xây dựng Nhà nước gắn liền với cuộc đấu tranh phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng. Quan liêu là những người, những cơ quan lãnh đạo từ trên xuống dưới, xa rời thực tế, việc gì cũng không sâu, chỉ đại khái. Đối với công việc thì trọng hình thức, chỉ biết khai hội, xem báo cáo trên giấy, không kiểm tra đến nơi đến chốn. (4) Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi (khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018). Tham nhũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng: Gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đất nước, làm suy thoái đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Tham nhũng còn làm cho bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả, thậm chí đe dọa sự tồn vong của đất nước, của chế độ. Tham nhũng gây mất niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa không dung hòa với bệnh quan liêu, tham nhũng. Quan liêu làm tha hóa bản chất quyền lực nhà nước, làm suy yếu chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi quan liêu, tham nhũng là kẻ thù của Nhân dân, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, là một thứ “giặc trong lòng”, “giặc nội xâm”. Chính vì vậy phải loại trừ bệnh quan liêu, tham nhũng ra khỏi bộ máy nhà nước.
Thông qua hoạt động thanh tra, phòng, chống tham nhũng của các cơ quan thanh tra, nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện và xử lý (tham ô, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, chạy chức chạy quyền...). Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ cho biết: Qua hoạt động thanh tra đã phát hiện 670 vụ với 1.815 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền, tài sản liên quan là 1.022 tỷ đồng, 73,6 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ, 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Qua giải quyết 86.463 vụ việc tố cáo về tham nhũng thuộc thẩm quyền đã chuyển cơ quan điều tra 653 vụ việc với 1.172 người có dấu hiệu tội phạm tham nhũng. Từ năm 2006 – 2015, có 879 cán bộ, công chức nộp lại quà tặng với tổng giá trị 3,3 tỷ đồng; có 10 trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý.
Kết quả nêu trên cho thấy hoạt động thanh tra, phòng, chống tham nhũng đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo cho pháp luật được tuân thủ đúng đắn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí - nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ và cũng là một trong những thách thức lớn đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay.
Quan điểm của Đảng tại Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh vấn đề phòng, chống tham nhũng, với nhiều biện pháp như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp” (5). “Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát thanh tra, kiểm tra, làm tốt chức năng hỗ trợ thúc đẩy phát triển” (6). Việc thực hiện những giải pháp phòng, chống tham nhũng này đều gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra các cấp.
Thứ tư, hoạt động của các cơ quan thanh tra giúp bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Điều này thể hiện rõ nhất thông qua việc các cơ quan thanh tra thực hiện chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Khiếu nại, tố cáo vốn là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận và được cụ thể hóa tại Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành. Khiếu nại, tố cáo vừa là phương thức thể hiện quyền dân chủ của Nhân dân, vừa là phương thức thực hiện quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước.
Theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 thì khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật Tố cáo (năm 2018) báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. (khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018). Thông qua việc các cơ quan thanh tra tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân giúp cho việc thực thi các quyền của công dân một cách đúng đắn.
Tóm lại, mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một lựa chọn đúng đắn, là tất yếu khách quan, phù hợp với xu thế chung của thời đại mà toàn Đảng, toàn dân ta lựa chọn. Trong tiến trình này, các cơ quan thanh tra, với vị trí và chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ góp phần tích cực vào việc hiện thực hóa mục tiêu đó./.
Chú thích:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, HN.2011, tr.85;
(2) Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông (Đồng chủ biên), Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 50 - 51;
(3) TS.Trần Văn Long, Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Vai trò của các cơ quan thanh tra đối với kiểm soát việc thực hiện quyền lực trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước: Http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/210702/Vai-tro-cua-co-quan-thanh-tra-doi-voi-kiem-soat-viec-thuc-hien-quyen-luc-trong-hoat-dong-cua-co-quan-hanh-chinh-nha-nuoc.html;
(4) PGS.TS. Nguyễn Khánh Bật - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Cán bộ nhà ta, quan liêu đến thế thật là quan liêu: Https://phutho.gov.vn/vi/can-bo-nha-ta-quan-lieu-den-la-quan-lieu;
(5), (6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011 (tập 2), tr.146; (tập I), tr.193, 200.
Tài liệu tham khảo:
(1) Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Triết học Mác - Lê nin (dùng cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận Chính trị), Nxb Lý luận Chính trị, 2021;
(2) Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông (Đồng chủ biên): Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 50 - 51);
(3) Văn kiện Đai hội Đảng qua các thời kỳ.
Ths. Nguyễn Thị Bích Hường
Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ