Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thanh tra trong giai đoạn hiện nay

Thứ hai, 20/05/2024 16:20
(ThanhtraVietNam) - Ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 131-QĐ/TW về “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán”. Đối với công tác thanh tra, đây là Quy định quan trọng, là bước tiếp tục hoàn thiện thể chế, đồng bộ các quy định của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước trong công tác thanh tra.

Trên cơ sở nghiên cứu những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra, bài viết này chỉ ra sự vận dụng tư tưởng của Người trong giai đoạn hiện nay nhằm thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra hiện nay.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thanh tra

Nghiên cứu thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam và những di sản lý luận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, có thể thấy rõ Người rất quan tâm đến công tác thanh tra. Từ những ngày đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã ký Sắc lệnh số 64-SL, ngày 23/11/1945, về việc thành lập và quy định quyền hạn Ban Thanh tra đặc biệt và Toà án đặc biệt, tiếp đó là hàng loạt các lệnh, sắc lệnh quan trọng đặt nền móng cho ngành Thanh tra và các hoạt động của công tác thanh tra như: Sắc lệnh số 80 (31/12/1945) về Ban thanh tra đặc biệt; Sắc lệnh số 57 (03/5/1946) quy định mỗi Bộ của Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng và Thứ trưởng có một Văn phòng, có các Nha và có thể có một cơ quan thanh tra và một Ban cố vấn; Sắc lệnh số 87 (30/5/1946) về thanh tra của Bộ Canh nông; Sắc lệnh số 225 (28/11/1946) về Tổng thanh tra Trung ương; Sắc lệnh số 229-SL/M (18/7/1947) về Thanh tra quân đội của Bộ Tổng chỉ huy; Sắc lệnh số 234-SL/M (4/8/1947) về bổ nhiệm đồng chí Tôn Đức Thắng giữ chức Thanh tra đặc biệt toàn quốc; Sắc lệnh số 159-SL (14/4/1948) quy định quyền hạn, nhiệm vụ của Nha Tổng thanh tra tài chính; Sắc lệnh số 261-SL (28/3/1956) về thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ… Rõ ràng, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, công tác thanh tra có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn với chính quyền, nổi bật trên một số nội dung sau:

Một là, về vai trò, tầm quan trọng của công tác thanh tra

Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thanh tra là một nhiệm vụ vẻ vang và quan trọng; nó theo dõi, xem xét việc chấp hành đúng đắn đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ”(1). Khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của công tác thanh tra, Người nhấn mạnh “Vì công tác thanh tra là một công tác quan trọng, Đảng và Chính phủ có tin cậy mới giao cho làm nhiệm vụ ấy, cán bộ thanh tra là tai, mắt của Đảng và Chính phủ, tai mắt có sáng suốt thì người mới sáng suốt”(2).

Hai là, về nhiệm vụ của công tác thanh tra

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, thanh tra là “tai, mắt” của Đảng, của Chính phủ. Người chỉ rõ: “Nếu Trung ương Đảng, Chính phủ có Nghị quyết, Chỉ thị về các ngành, các địa phương kết quả thế nào không có thanh tra khó mà biết được địa phương nào làm tốt, làm vừa, làm xấu, có làm hay không làm trên không biết; địa phương nhiều khi tự mình cũng không biết. Trên không thấu dưới, dưới không thấu trên. Thanh tra là để theo dõi xem các kế hoạch, Chỉ thị, chính sách đó các địa phương đã chấp hành thế nào”(3). Từ nhiệm vụ quan trọng đó, Người nêu nhiệm vụ cụ thể của cán bộ thanh tra là “cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai, hoặc làm chậm”(4). Hơn nữa, trong quan điểm của Hồ Chí Minh, công tác thanh tra không chỉ là đi xem địa phương thực hiện nghị quyết, chỉ thị mà còn giúp đỡ họ làm cho đúng với chủ trương của Đảng. Với tinh thần triệt để trong công việc, Người nhấn mạnh “Thanh tra cũng không phải điều tra, nghiên cứu việc chấp hành Nghị quyết, Chỉ thị đã được đến đâu mà phải theo dõi cho đến khi công việc được làm xong, làm tốt”(5). Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh công tác thanh tra còn đóng góp vào sự đoàn kết của đơn vị, củng cố sự lãnh đạo của Đảng, đẩy lùi các tiêu cực xuất hiện trong công sở như quan liêu, lãng phí, tham ô.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ III, năm 1960. Ảnh: Tư liệu 

Ba là, mục tiêu cao nhất của công tác thanh tra phục vụ Nhân dân

Với tinh thần lấy dân làm gốc, thực hiện quyền dân chủ của Nhân dân, ngay từ những ngày đầu của cách mạng, khi thành lập Ban Thanh tra đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác thanh tra là “nhận các đơn khiếu nại của Nhân dân”(6). Việc giải quyết các khiếu nại của Nhân dân từ những ngày đầu thể hiện tinh thần của dân, do dân, vì dân của chính phủ mới. Trong bài nói chuyện với Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc (05/3/1960), Người nhấn mạnh: “Về công tác xét các việc khiếu nại, tố giác, nhiệm vụ các ban thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, cho kịp thời, làm sớm chừng nào hay chừng ấy. Đồng bào có oan ức, có thắc mắc mới khiếu nại. Ta giải quyết tốt các việc khiếu nại, đồng bào thấy Đảng và Chính phủ quan tâm, lo lắng đến họ, do đó mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với Đảng và Chính phủ được củng cố tốt hơn”(7)

Bốn là, về phương pháp, hình thức tiến hành thanh tra

Tuy không luận giải nhiều về phương pháp, hình thức tiến hành công tác thanh tra nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công luận giải về phương pháp và hình thức kiểm tra, kiểm soát. Trong quan điểm của Người, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát phải đáp ứng hai yêu cầu là có hệ thống và và người đi kiểm tra, giám sát phải có uy tín. Năm 1945, Ban Thanh tra đặc biệt được thành lập chỉ với hai thành viên là cụ Bùi Bằng Đoàn và đồng chí Cù Huy Cận (khi đó mới 26 tuổi). Khi Hồ Chủ tịch gặp gỡ và giao nhiệm vụ cho cụ Bùi Bằng Đoàn và đồng chí Cù Huy Cận, Người căn dặn: “Ban Thanh tra không cần nhiều người, lúc này 2 người là đủ. Một vị cao tuổi và là vị quan có tiếng liêm khiết của triều đình cũ, là cụ Bùi; một người thanh niên hăng hái mà cả nước ai cũng biết là chú. Người già, người trẻ dựa vào nhau mà làm việc, nhất định việc thanh tra sẽ làm tốt và cần làm ngay”(8). Trong quan điểm của Hồ Chí Minh, thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới, do vậy rất cần người có uy tín thực hiện. Đồng thời, hình thức tiến hành thanh tra có thể được thực hiện từ trên xuống và từ dưới lên, trong đó Người nhấn mạnh phương pháp kiểm tra, giám sát, thanh tra phải khoa học, có hệ thống và phải “khéo kiểm soát”.

Năm là, về kiểm soát quyền lực trong công tác thanh tra

Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu phải kiểm soát tốt hoạt động của các cơ quan Chính phủ và cán bộ, đảng viên trong việc thực thi quyền lực nhà nước. Người nhấn mạnh nhiều lần, quyền lực nhà nước xuất phát từ Nhân dân, Nhà nước thừa hành quyền lực đó. Do vậy, phải kiểm soát tốt quyền lực tránh cho quyền lực bị tha hóa. Trong thực tiễn chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần luận giải và đưa ra những phương pháp cụ thể trong việc kiểm soát quyền lực. Những nội dung đó bao gồm: Sử dụng pháp luật để thực hiện việc kiểm soát, pháp luật càng chặt chẽ, quyền lực được kiểm soát càng tốt; phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng trong kiểm soát quyền lực; việc phân công, phân nhiệm của các cơ quan thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước; huy động sức mạnh và trí tuệ của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực.

Sáu là, về đạo đức cách mạng của người cán bộ thanh tra

Đạo đức cách mạng là nội dung lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đối với cán bộ thanh tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không soi được. Vì thế cán bộ thanh tra phải rèn luyện đạo đức cách mạng”(9). Trong bài nói chuyện với Hội nghị cán bộ thanh tra, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Phẩm chất của người cán bộ thanh tra là phải tự mình nghiêm chỉnh, phải có đạo đức cách mạng, phải hiểu nhân tình thế cố đã đành, nhưng tự mình còn phải gương mẫu cho người khác”(10). Đạo đức cách mạng trong tư tưởng của Người bao gồm những chuẩn mực: Trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; yêu thương con người, sống có tình nghĩa; giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí. Theo Người, đạo đức cách mạng là vũ khí mạnh mẽ nhất để đánh thắng và tiêu diệt chủ nghĩa cá nhân – thứ kẻ thù được Người ví là “kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”(11). Trong bài nói chuyện với cán bộ thanh tra năm 1960, Người thẳng thắn phê bình một số cán bộ chưa yên tâm công tác, cho làm công tác thanh tra không tiến bộ, thắc mắc về tiền đồ, đứng núi này trông núi nọ, muốn xin đi công tác khác, như vậy là còn cá nhân chủ nghĩa. Trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, rèn luyện đạo đức cách mạng là biện pháp hữu hiệu chống lại chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, người cán bộ thanh tra cần phải cố gắng học tập kinh nghiệm lẫn nhau, “học những điều hay và tránh những điều dở”(12).

Thanh tra là công tác phải tiếp xúc với nhiều người, đụng đến nhiều việc, do đó không tránh khỏi sẽ có sự va chạm. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận rõ vấn đề này và yêu cầu rất nghiêm ngặt đối với bản lĩnh và đạo đức của người cán bộ thanh tra. Người chỉ rõ hạn chế: “Một số cán bộ thanh tra còn rụt rè, nể nang đối với một số cán bộ cao cấp của các cơ quan được kiểm tra, buông trôi việc theo dõi các cơ quan sửa chữa khuyết điểm sau khi được kiểm tra, cách làm việc còn chậm chạp, không kịp thời giải quyết một số thư khiếu nại của nhân dân… ”(13). Bởi vậy, yêu cầu quan trọng trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ thanh tra là phải liêm khiết, chính trực, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, áp lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Như trong buổi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam, Người đã nhấn mạnh phẩm chất cần có của người cán bộ, đảng viên:

“Kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và Nhân dân. Những người mà:

- Giàu sang không thể quyến rũ,

- Nghèo khó không thể chuyển lay,

- Uy lực không thể khuất phục.”(14)

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác thanh tra hiện nay

Trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII vừa qua, toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Xét riêng về công tác thanh tra, Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ đã luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, trong đó có công tác thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật. Trong đó, phải kể đến: Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ ngày 22/7/2022 về “Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ”; Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ ngày 06/6/2023 về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra”. Việc quyết liệt thực hiện các Nghị quyết trên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong toàn ngành Thanh tra, hướng tới chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế của công tác thanh tra; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hoạt động thanh tra được đổi mới; chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được nâng cao rõ rệt; nhiều sai phạm, thiếu sót trong hoạt động thanh tra được chủ động phòng ngừa, phát hiện từ sớm; công tác phòng chống tham nhũng được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, tạo thành “xu thế không thể đảo ngược”, nhận được sự ủng hộ từ trong và ngoài Ngành.

Minh chứng rõ rệt nhất được thể hiện trong năm 2023, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.689 cuộc thanh tra hành chính và 193.744 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 257,7 nghìn tỷ đồng, 616 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi hơn 188,6 tỷ và 166 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét và xử lý hơn 69 nghìn tỷ đồng, 451 ha đất; ban hành 126.158 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 6,4 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 7.524 tập thể và 7.944 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 497 vụ, 490 đối tượng. Trong công tác tiếp công dân, giải quyết, khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp, thúc đẩy rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cao còn tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Trong năm, có 362.883 lượt người đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, với tổng số người được tiếp là 396.590 người (tăng 3,7% so với năm 2022) về 300.297 vụ việc (tăng 5,4% so với năm 2022), có 3.532 đoàn đông người (tăng 16,5% so với năm 2022). Trong công tác phòng, chống tham nhũng, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đã tổ chức 68,283 lớp cho 4.775.385 lượt cán bộ, Nhân dân tham gia; xuất bản 775.750 đầu sách, tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng; ban hành mới 18.420 văn bản để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng ban hành năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành; sửa đổi, bổ sung 390 văn bản, bãi bỏ là 153 văn bản không phù hợp(15).

Những kết quả trên đã nói lên nỗ lực của công tác thanh tra trong năm vừa qua. Đây là sự phản ánh rõ rệt cố gắng của toàn lực lượng trong phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Nhất là trong bối cảnh Quy định 131-QĐ/TW về “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán” vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 27/10/2023. Có thể nói, đây là Quy định quan trọng định hướng chỉ đạo cho hoạt động phòng, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, trong đó có lực lượng thanh tra. Theo báo cáo thống kê, từ tháng 01/2015 đến tháng 10/2022 các tổ chức đảng đã xử lý 336 cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán(16). Thực tế này nói lên việc kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt đông thanh tra là yêu cầu quan trọng, cấp thiết hiện nay.

leftcenterrightdel
Sinh hoạt dưới cờ mẩu chuyện "Bác Hồ với công tác thanh tra" tại tỉnh Cà Mau. Ảnh dudcd.camau.dcs.vn 

Với thực trạng kể trên, rất cần nghiên cứu những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về công tác thanh tra, trên cơ sở đó vận dụng nhằm thực hiện tốt Quy định 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Muốn vậy, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường học tập, nghiên cứu, nâng cao nhận thức cho cán bộ làm công tác thanh tra về tư tưởng Hồ Chí Minh và các Nghị quyết, Quy định của Đảng, Bộ Chính trị về công tác thanh tra. Trong đó, cần chú trọng Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị Khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW; Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”, cần có sự vận dụng cụ thể vào công tác chuyên môn của hoạt động thanh tra. Đồng thời, cần chú trọng việc phổ biến, học tập các Nghị quyết cụ thể của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ như: Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ ngày 22/7/2022 về “Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ”; Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ ngày 06/6/2023 về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra”; Chỉ thị số 345/CT-TTCP  ngày 22/3/2012 của Tổng Thanh tra Chính phủ về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ, đảng viên, công chức thanh tra, nhất là các quy định của Luật Thanh tra năm 2022 và mới đây nhất là Quy định 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán” vừa được Bộ Chính trị ban hành.

Đề cao trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị thanh tra trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức làm công tác thanh tra từ lãnh đạo đến nhân viên phải thật sự gương mẫu, chấp hành nghiêm túc pháp luật. Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, Trưởng đoàn thanh tra cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trong công tác, trong lãnh đạo, quản lý, không ngừng nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, tích cực học tập để tự mình nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu pháp luật.

Hai là, quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực trong thực hiện công tác thanh tra. Việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra cần đảm bảo hai yếu tố: Kiểm soát có hệ thống và người kiểm soát phải có uy tín. Đồng thời, “khéo kiểm soát” là yêu cầu quan trọng, bởi kiểm soát quyền lực không chỉ có mục đích đảm bảo quyền lực được thừa hành và thực thi đúng mà còn xem xét, phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, làm cho quyền lực của Nhân dân được thực thi đúng đắn hơn. Trên tinh thần đó, để thực hiện tốt Quy định 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị, cán bộ thanh tra cần kiên định thực hiện nguyên tắc: Kiểm soát quyền lực phải bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Ðảng đối với công tác của các cơ quan nhà nước trong hoạt động thanh tra; đảm bảo hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân; có cơ chế để phòng ngừa và bảo đảm mọi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ, quyền hạn phải gắn với trách nhiệm; bảo đảm tính độc lập, khách quan, thực hiện đầy đủ, chấp hành nghiêm quy chế làm việc, quy định, quy trình thanh tra. Trong đó, đáng quan tâm nhất là phát huy vai trò của Nhân dân với tư cách chủ thể chính của quyền lực. Từng bước hiện thực hóa đầy đủ các quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp của Nhân dân trong hoạt động thanh tra, chú trọng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

Ba là, cụ thể hóa các cơ chế đảm bảo việc thực thi Quy định 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị; thực hiện nêu gương từ Trung ương đến các cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong công tác thanh tra. Việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra cần dựa trên cơ sở kết hợp “xây” và “chống”, xây dựng đạo đức cách mạng kết hợp với chống chủ nghĩa cá nhân, lấy “xây” là chính, “chống” phải kiên quyết, nghiêm minh và lấy “chống” để “xây”. Do đó, cần có các cơ chế cụ thể đảm bảo việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra. Cụ thể, cần chú trọng các quy định về nguyên tắc, hành vi, biện pháp phòng ngừa, chế tài xử lý răn đe, làm cơ sở để xác định trách nhiệm, thủ tục tiến hành. Quán triệt và thực hiện đầy đủ chủ trương, quan điểm, nguyên tắc của Ðảng trong các nghị quyết của Trung ương về hoạt động thanh tra; các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phù hợp chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan.

Thực hiện tốt điều này cần nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thủ trưởng đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra trong thực hiện nhiệm vụ thanh tra, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra; chuyển thông tin vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên phát hiện qua hoạt động thanh tra sang Ủy ban kiểm tra của Đảng.

Bốn là, chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng, xây dựng hình ảnh người cán bộ thanh tra liêm khiết, trong sạch, “chí công vô tư” theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Xét đến cùng, mọi giải pháp đều phải phụ thuộc vào yếu tố con người. Sẽ chẳng có giải pháp nào triệt để nếu bản thân mỗi cán bộ, đảng viên không tự giác tu dưỡng, rèn luyện. Đối với mỗi cán bộ thanh tra, phải nghiêm túc rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng theo chuẩn mực đạo đức cách mạng đã nêu ở trên, trong đó chú trọng 05 chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Thanh tra được nêu ở Quyết định số 1821-QĐ/BCS ngày 30/12/2011. Người cán bộ thanh tra chỉ có thể thực hiện đúng, đủ chức trách, nhiệm vụ khi có bản lĩnh chính trị vững vàng, có niềm tin yêu và sự trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với nghề nghiệp của mình. Trước khó khăn, gian khó, người cán bộ thanh tra không được dao động, nao núng; phải vững vàng tìm cách vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng kiên quyết làm đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Có như vậy, người cán bộ thanh tra mới có bản lĩnh chính trị vững vàng, không mơ hồ, không dao động trước những khó khăn, thử thách.

Công tác thanh tra luôn được coi là lĩnh vực nhạy cảm, nếu người cán bộ thanh tra không rèn luyện để giữ mình được liêm khiết, trong sạch, vững mạnh thì không thể tránh khỏi “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa”, việc xây dựng người cán bộ thanh tra liêm khiết, trong sạch, vững mạnh theo tư tưởng Hồ Chí Minh là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống tham nhũng, xây dựng và phát triển đất nước./.

Tài liệu tham khảo:

Đoàn Hồng Phong (2023), Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra, Báo Thanh tra điện tử, truy cập ngày: 28/2/2024, nguồn truy cập: https://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-cong-tac-thanh-tra-va-viec-phat-hien-xu-ly-vi-pham-qua-thanh-tra-212249.html.

Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 1-15, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

Lê Văn Cường (2015), Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, thanh tra, Tạp chí Tổ chức nhà nước điện tử, truy cập ngày: 28/2/2024, nguồn truy cập: https://tcnn.vn/news/detail/7981/Tu_tuong_Ho_Chi_Minh_ve_cong_tac_kiem_tra_thanh_traall.html.

Nghị quyết số 45-NQ/BCSĐ ngày 22/7/2022 về “Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng và tiến độ ban hành Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ”.

Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ ngày 06/6/2023 về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra”.

Nguyễn Thị Báo (2017), Xây dựng người cán bộ thanh tra theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, truy cập ngày: 28/2/2024, nguồn truy cập: http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/1945-xay-dung-nguoi-can-bo-thanh-tra-theo-tu-tuong-ho-chi-minh.html.

Quy định 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 về “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán”.

Quyết định số 1821-QĐ/BCS ngày 30/12/2011 của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ quy định chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành Thanh tra.

Chú thích:

(1), (11), (13)  Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.13, tr.35; tr.90.

(2), (10) Ủy ban Thanh tra của Chính phủ (1977): Một số văn kiện chủ yếu của Đảng và Chính phủ về công tác thanh tra, tr. 7-15.

(3), (4), (5), (9)  Bài nói chuyện tại Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc ngày 19/4/1957.

(6) Sắc lệnh số 64-SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 23/11/1945 thành lập Ban Thanh tra đặc biệt.

(7), (12)  Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.12, tr.503, tr.504.

(8) Xem: Chuyện cụ Bùi Bằng Đoàn: Trưởng Ban thanh tra đặc biệt. Nguồn: https://tienphong.vn/chuyen-cu-bui-bang-doan-truong-ban-thanh-tra-dac-biet-post1140791.tpo.

(14) Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.7, tr.50.

(15) Xem: Ngành Thanh tra tổng kết công tác năm 2023. Nguồn: https://thanhtra.gov.vn/xem-chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/Content/nganh-thanh-tra-tong-ket-cong-tac-nam-2023?6583175.

(16) Xem: Kiểm soát quyền lực trong hoạt động của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Nguồn: https://nhandan.vn/kiem-soat-quyen-luc-trong-hoat-dong-cua-cac-co-quan-kiem-tra-thanh-tra-kiem-toan-post784954.html.

Nguyễn Đức Mạnh
B2VBMK1 – Học viện An ninh nhân dân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra