Kiểm soát hiệu quả quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng
Giới hạn quyền lực nhà nước, được hiểu là phạm vi, mức độ quyền lực nhà nước đã được xác định, không thể hoặc không được phép vượt qua phạm vi, mức độ quyền lực nhà nước đã được xác định đó. Xác định giới hạn quyền lực nhà nước tức là phân định, quy định phạm vi, mức độ của quyền lực nhà nước, đó là phạm vi, mức độ thể hiện vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức bộ máy quyền lực nhà nước nói chung, của từng loại cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước nói riêng trong cơ chế quyền lực nhà nước.
Nhìn nhận về giới hạn quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nội dung giới hạn quyền lực nhà nước được thể hiện ở hai phương diện: Giới hạn bên ngoài và Giới hạn bên trong.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, giới hạn bên ngoài của quyền lực nhà nước được hiểu là phạm vi, mức độ quyền lực nhà nước đã được xác định, được đặt trong mối quan hệ với các quyền lực bên ngoài khác mà khi tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước không thể hoặc không được phép vượt qua phạm vi, mức độ đó.
GS.TS Võ Khánh Vinh, Nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực nhà nước được giới hạn bởi chủ quyền nhân dân.
Điều này thể hiện rất rõ ở điểm, quyền lực nhà nước nằm trong phạm vi của quyền lực nhân dân, phục tùng quyền lực nhân dân, không được vượt ra ngoài quyền lực nhân dân, phái sinh từ quyền lực nhân dân, do Nhân dân giao quyền, ủy quyền có giới hạn và chịu sự giám sát, kiểm soát của Nhân dân. Quyền lực nhân dân quyết định mục tiêu, phạm vi, nội dung, cách thức sử dụng quyền lực nhà nước, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước.
Nhà nước ta không có mục tiêu gì khác ngoài phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc, đem đến tự do, ấm no, hạnh phúc, phồn vinh cho Nhân dân, đặt quyền lợi của Nhân dân lên trên hết, trước hết; toàn bộ thể chế nhà nước, các thiết chế và cơ chế thực thi quyền lực, các nguồn lực đang nắm giữ phải được vận hành, quản lý, sử dụng để đáp ứng nguyện vọng, ý chí và lợi ích của Nhân dân, của quốc gia - dân tộc.
|
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần có cơ chế kiểm soát quyền lực cho tốt, nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật. Ảnh: tccs.org.vn |
Đồng thời, quyền lực nhà nước được giới hạn bởi quyền lực chính trị, minh chứng cho khẳng định này, GS Võ Khánh Vinh cho biết, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đảm đương vai trò, sứ mệnh lãnh đạo, cầm quyền. Đảng lãnh đạo, cầm quyền cũng có nghĩa là lãnh đạo việc tổ chức và hoạt động của Nhà nước, tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước nói chung, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước nói riêng. Phân tích trên cho thấy cần phải phân định rõ sự lãnh đạo của Đảng, giới hạn lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và vai trò quản lý xã hội của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bên cạnh đó, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quyền lực xã hội và quyền lực nhà nước luôn luôn thống nhất với nhau về bản chất, mục tiêu, định hướng trong tổ chức và vận hành. Việc xác định giới hạn là tiền đề, điều kiện, căn cứ để quyền lực xã hội giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước vì bản chất, mục tiêu, định hướng chung của tổ chức và vận hành quyền lực trong xã hội là vì con người, quyền con người, quyền con người, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền.
Có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát hiệu quả quyền lực nhà nước
Một điểm quan trọng nữa được GS Vinh nhấn mạnh, đó là quyền lực nhà nước Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị giới hạn bởi quyền con người, quyền công dân. Nhà nước ta là Nhà nước vì con người, vì quyền con người, quyền công dân; con người, quyền con người, quyền công dân là giá trị cao cả của xã hội. Công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân vừa là bản chất, đặc trưng vừa là mục tiêu, nội dung, trách nhiệm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là lấy con người làm trung tâm, phát triển con người toàn diện; Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Giáo sư Võ Khánh Vinh nhấn mạnh, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam cần thiết phải phân định rõ giới hạn của quyền lực nhà nước với chủ quyền nhân dân, quyền lực chính trị, quyền lực xã hội, giới hạn can thiệp của quyền lực nhà nước vào lĩnh vực quyền con người, quyền công dân. Phải sử dụng quyền lực nhân dân, quyền lực chính trị, quyền lực xã hội, quyền con người, quyền công dân để kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhân dân, Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội chính là các chủ thể tiến hành kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước từ bên ngoài.
Ở phương diện giới hạn bên trong, quyền lực nhà nước được thể hiện ở các nội dung như: giới hạn của quyền lập hiến, quyền lập pháp; giới hạn của quyền hành pháp; giới hạn của quyền tư pháp; giới hạn quyền lực nhà nước giữa Trung ương và địa phương; giới hạn của các quyền lực nhà nước khác.
Sự phân định vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm mang tính quyền lực của các cơ quan đó phải rõ ràng, rành mạch, minh bạch. Việc phân định rõ phạm vi, giới hạn của từng loại quyền lực nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các loại quyền lực nhà nước, trong từng loại quyền lực nhà nước chính là các căn cứ để tiến hành kiểm tra, giám sát, kiểm soát hiệu quả quyền lực nhà nước.
Sự thống nhất của quyền lực nhà nước là nền tảng, thể hiện ở chỗ Nhân dân là chủ thể tối cao và duy nhất của quyền lực nhà nước; quyền lực nhà nước thống nhất ở Nhân dân, được hình thành trên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Sự thống nhất của quyền lực nhà nước được xác định bằng sự thống nhất về bản chất nhân dân của quyền lực nhà nước; sự thống nhất về mục tiêu và định hướng phát triển đất nước; sự thống nhất trên một nền tảng Hiến pháp và pháp luật, được đặt trong một quỹ đạo chung là lợi ích quốc gia, dân tộc.
Như vậy, có thể thấy, kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ có thể được tổ chức và thực hiện hiệu quả chỉ trên cơ sở có sự phân định rõ ràng, rành mạch, minh bạch phạm vi, mức độ của quyền lực nhà nước nói chung, các phạm vi, mức độ của các loại quyền lực nhà nước nói riêng. Do đó, quyền lực nhà nước được phân thành các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, quyền lực trung ương và quyền lực địa phương và các loại quyền lực nhà nước khác là tiền đề, điều kiện, căn cứ để tiến hành kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cùng với đó, chúng ta cần phải phân định rõ quyền lực nhà nước với quyền lực chính trị (quyền lực của Đảng), quyền lực xã hội. Đó cũng chính là tiền đề, điều kiện, căn cứ của việc tổ chức và thực hiện kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm phòng, chống tham nhũng, một nội dung vô cùng quan trọng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo, đã và đang đạt được nhiều kết quả rất tích cực trong thời gian vừa qua./.