Tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả và từng bước phục hồi ngành du lịch

Thứ tư, 10/06/2020 17:23
(ThanhtraVietNam) - Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước với tỷ lệ đóng góp trực tiếp vào GDP là 9,2%; với hơn 40 ngàn doanh nghiệp du lịch, đã tạo ra khoảng 4,5 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu lao động phụ thuộc và liên quan khác. Trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, du lịch là ngành chịu tác động tiêu cực, nặng nề nhất.

leftcenterrightdel
Ảnh mang tính chất minh họa - Internet 

Để có thể đạt được mục tiêu kép là tiếp tục phòng chống dịch hiệu quả và từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh cho nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng; tại cuộc họp về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy du lịch hậu Covid-19 và cơ cấu lại thị trường du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm “kiên quyết ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài để giữ ổn định cho bên trong phát triển”, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng ngành du lịch vượt qua khó khăn bằng những giải pháp, hành động cụ thể, thiết thực và kịp thời.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và xử lý công việc hàng ngày; khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đã được Chính phủ quyết nghị thông qua tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29 tháng 5 năm 2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, đề xuất hoạch nghỉ lễ và kế hoạch nghỉ hè của học sinh cho phù hợp với mục tiêu kích cầu du lịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20 tháng 6 năm 2020.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan có văn bản đề nghị các địa phương chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp du lịch, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, với giải pháp thiết thực, kịp thời như cắt giảm các khoản phí, lệ phí, giá vé tham quan, du lịch trên địa bàn.

Đồng thời, xây dựng để kịp thời triển khai Chương trình Kích cầu du lịch nội địa; điều chỉnh giải pháp về truyền thông, quảng bá du lịch phù hợp với tình hình mới; chuẩn bị sẵn sàng để có thể mở cửa du lịch quốc tế ngay khi đủ điều kiện.

Ngoài ra, có kế hoạch tổ chức Hội nghị du lịch toàn quốc vào khoảng đầu tháng 8 năm 2020./.

Lan Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra