Thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác cán bộ, Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết, Bộ Nội vụ đã có nhiều giải pháp để cụ thể hóa Quy định số 114-QĐ/TW.
|
|
Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương đã chia sẻ những giải pháp của Bộ Nội vụ nhằm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. (Ảnh: Dương Nguyễn) |
PV: Với vai trò là cơ quan tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác tổ chức cán bộ, thời gian qua Bộ Nội vụ đã triển khai thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 như thế nào, thưa ông?
Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương:
Tham nhũng, tiêu cực trong khu vực công được thực hiện bởi cá nhân hoặc một nhóm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước. Muốn thực hiện hành vi tham nhũng thì trước hết người, nhóm đó phải có quyền lực; nghĩa là trước hết người có hành vi tham nhũng phải được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm… vào làm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước. Như vậy, công tác tổ chức cán bộ là gốc rễ của quyền lực và có tác động toàn diện đến việc phát sinh hành vi tham nhũng, tiêu cực trong tất cả các ngành, lĩnh vực nhất là những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tổ chức cán bộ đối với việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; với vai trò là cơ quan tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác tổ chức cán bộ, trong những năm qua, nhất là từ khi Bộ Chính trị có Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (nay là Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023) Bộ Nội vụ luôn quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác cán bộ.
PV: Được biết ngày 27/7/2023, Ban Cán sự đảng Bộ Nội vụ đã có Công văn số 668-CV/BCSĐ về việc thực hiện Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác cán bộ, trong đó, nhóm giải pháp về hoàn thiện thể chế là rất quan trọng, Chánh Thanh tra có thể chia sẻ cụ thể hơn?
Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương:
Bộ Nội vụ thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong công tác cán bộ, cụ thể như sau:
Bộ Nội vụ đã chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ tổ chức quán triệt đến từng công chức, viên chức, người lao động Quy định số 205-QĐ/TW, Quy định số 114-QĐ/TW, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản khác có liên quan của Đảng và pháp luật. Đồng thời, đề nghị các cơ quan, đơn vị căn cứ tình hình thực tiễn, cụ thể hoá theo thẩm quyền để thực hiện nghiêm các văn bản này.
Giải pháp về hoàn thiện thể chế, Bộ Nội vụ thường xuyên rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền hoặc theo thẩm quyền bổ sung, sửa đổi và ban hành các văn bản pháp luật có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ:
Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 11/3/2022 ban hành chương trình hành động thực hiện kết luận số 21 của Hội nghị trung ương 4 khóa XIII; trong đó đã xác định nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về công tác cán bộ. Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó tiếp tục hoàn thiện pháp luật về sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm đồng bộ, liên thông với quy định của Đảng về công tác cán bộ.
Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định để sửa đổi, bổ sung những nội dung mới trong công tác tổ chức cán bộ nhất là trong công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức . Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 115/2020/NĐ-CP; Nghị định số 29/2024/NĐ-CP ngày 06/3/2024 về quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước.
Đồng thời, Bộ Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn chi tiết Luật, Nghị định có liên quan đến công tác cán bộ và phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể, Thông tư số 02/2021/TT-BNV ngày 11/6/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư; được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 06/2022/TT-BNV ngày 28/02/2022; Thông tư số 03/2021/TT-BNV ngày 29/6/2021 sửa đổi, bổ sung chế độ nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; Thông tư 06/2021/TT-BNV ngày 01/11/2021 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành; Thông tư số 03/2022/TT-BNV ngày 12/3/2022 quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực tổ chức cán bộ ở địa phương; Thông tư số 12/2023/TT-BNV ngày 08/08/2023 của Bộ Nội vụ bãi bỏ một số Thông tư do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập...
Trong đó, Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, kỳ vọng sẽ khắc phục, hạn chế tối đa các tiêu cực trong công tác tuyển dụng công chức; Nghị định số 29/2024/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước sẽ giúp khắc phục, hạn chế tối đa các tiêu cực trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm (tránh tình trạng quy hoạch, bổ nhiệm người không đủ điều kiện, tiêu chuẩn hoặc việc cố tính không ban hành văn bản quy định tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể các chức danh lãnh đạo, quản lý để dễ dàng bổ nhiệm những người có trình độ, tiêu chuẩn thấp, kém); Thông tư số 03/2022/TT-BNV danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác sẽ giúp các địa phương thực hiện tốt quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Quy định số 205-QĐ/TW, Quy định số 114-QĐ/TW về chuyển đổi vị trí để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Thông tư số 06/2022/TT-BNV ngày 28/02/2022 với việc bãi bỏ quy định về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ sẽ khắc phục tình trạng "chạy bằng cấp" hoặc việc sử dụng văn bằng không hợp pháp trong công tác cán bộ...
Bộ Nội vụ chỉ đạo Thanh tra Bộ định kỳ (hằng quý) qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tổng hợp, báo cáo những khó khăn, vướng mắc, bất cập của các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện các quy định về công tác tổ chức cán bộ; phát hiện những "lỗ hổng", những thiếu sót hoặc những vấn đề chưa được pháp luật điều chỉnh dễ bị lợi dụng để trục lợi, thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực, để đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, góp phần phòng, chống tham nhũng.
PV: Cùng với nhóm giải pháp trên thì các nhóm giải pháp về thanh tra công vụ, thanh tra, kiểm tra nội bộ và thực hiện việc kiểm soát quyền lực trong nội bộ của Bộ Nội vụ có gì khác biệt, thưa Chánh Thanh tra?
Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương:
Về giải pháp tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra công vụ:
Trong những năm qua, Bộ Nội vụ đã thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra công vụ. Lãnh đạo Bộ Nội vụ đã quan tâm, từng bước bổ sung thêm nhân lực cho Thanh tra Bộ Nội vụ để có nguồn nhân lực cần thiết tăng cường số lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ (trước năm 2019, biên chế được giao cho Thanh tra Bộ chỉ trên dưới 20 chỉ tiêu; đến năm 2022, Thanh tra Bộ đã được giao hơn 30 chỉ tiêu biên chế). Đồng thời, bộ máy, tổ chức của Thanh tra Bộ Nội vụ cũng đã được kiện toàn, cụ thể: Năm 2023, Thanh tra Bộ đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập thêm 01 phòng chuyên môn chuyên trách về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tội phạm (Phòng 04), nâng tổng số phòng chuyên môn của Thanh tra Bộ từ 03 phòng lên 04 phòng. Bên cạnh đó, Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng thường xuyên quan tâm, thực hiện công tác tuyển dụng công chức mới, tiếp nhận các công chức, viên chức có kinh nghiệm về công tác tại Thanh tra Bộ; thường xuyên cử các công chức của Thanh tra Bộ đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Những năm qua, Bộ Nội vụ đã tập trung thanh tra, kiểm tra đối với những lĩnh vực dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực như: tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng; bổ nhiệm, khen thưởng... Năm 2023, Bộ Nội vụ đã bổ sung, tập trung thanh tra về những việc công chức không được làm, trong đó có nội dung về chấp hành những việc công chức không được làm theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định pháp luật khác có liên quan; đồng thời, khi tiến hành thanh tra cũng sẽ thanh tra việc thực hiện các quy định tại Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 và Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023.
Về giải pháp thực hiện nghiêm việc kiểm soát quyền lực trong nội bộ của Bộ Nội vụ:
Để thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, những năm qua, Bộ Nội vụ đã ban hành các văn bản để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện như:
Quyết định số 638/QĐ-BNV ngày 24/5/2021 quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ.
Quyết định số 293/QĐ-BNV Ngày 18/4/2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động Đoàn thanh tra của Bộ Nội vụ; trong đó quy định 12 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra công vụ.
Kế hoạch số 50-KH/BCSĐ ngày 01/02/2024 của Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ về việc thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nội bộ tại Bộ Nội vụ.
Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Kế hoạch phòng, chống tội phạm hằng năm của Bộ Nội vụ; trong đó xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện các nội dung về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phòng, chống tội phạm liên quan đến chạy chức, chạy quyền.
Về giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ và cơ chế phối hợp trong công tác tổ chức cán bộ:
Hằng năm, Bộ Nội vụ đều chỉ đạo Thanh tra Bộ thực hiện ít nhất 01 cuộc thanh tra hành chính về công tác phòng, chống tham nhũng trong đó có nội dung về công tác tổ chức cán bộ.
Bộ Nội vụ luôn thận trọng, kỹ lưỡng trong công tác cán bộ. Khi chuẩn bị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ) đều đề nghị Thanh tra Bộ kiểm tra, rà soát tình hình đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến cá nhân được xem xét bổ nhiệm; thực hiện nghiêm việc đề nghị cấp thẩm quyền kết luận về tiêu chuẩn chính trị.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!