Điều chỉnh để nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng

Chủ nhật, 28/04/2024 09:00
(ThanhtraVietNam) - Hoàn thiện báo cáo, tập trung vào những vấn đề mà pháp luật Việt Nam cần phải điều chỉnh để nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội sẽ tăng hiệu quả phòng, chống tham nhũng

Chiều ngày 25/4, hội thảo khoa học góp ý hoàn thiện “Báo cáo nghiên cứu các tuyên bố bảo lưu của Việt Nam khi ký kết, phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) và khả năng điều chỉnh nhằm nâng cao mức độ tuân thủ UNCAC của Việt Nam” đã được Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) tổ chức.

Trình bày dự thảo Báo cáo nghiên cứu các tuyên bố bảo lưu khi ký kết, phê chuẩn UNCAC và khả năng điều chỉnh nhằm nâng cao mức độ tuân thủ UNCAC của Việt Nam tại Hội thảo, TS Nguyễn Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT cho biết, ngày 10/12/2003, Việt Nam đã ký Công ước UNCAC.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: P.V

Theo đó, Việt Nam bảo lưu 4 điều khoản khi ký Công ước, bao gồm Điều 20 Làm giàu bất hợp pháp, Điều 26 Trách nhiệm của pháp nhân, Điều 44 Dẫn độ và khoản 2 Điều 66 Giải quyết tranh chấp với lý do quy định tại Điều 20, 26, 44 và Khoản 2 Điều 66 chưa phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Mặt khác, pháp luật Việt Nam chưa bảo đảm được các trình tự, thủ tục trong hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến các điều khoản bảo lưu.

Từ phân tích kinh nghiệm quốc tế khi bảo lưu, nhấn mạnh một số khuyến nghị, trong đó liên quan đến Điều 20, TS Nguyễn Huy Hoàng cho rằng cần hoàn thiện các pháp luật liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng không qua kết tội phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội.

Tại hội thảo này, các đại biểu đã nhấn mạnh những nỗ lực của Việt Nam nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi các quy định về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo do Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tổ chức chiều ngày 25/4. Ảnh: P.V

Các đại biểu cũng đã góp ý để hoàn thiện báo cáo, tập trung vào về những vấn đề mà pháp luật Việt Nam cần phải điều chỉnh để nâng cao mức độ tuân thủ UNCAC, lộ trình để Việt Nam thực hiện rút bảo lưu, những vấn đề mà pháp luật Việt Nam cần điều chỉnh để có thể rút bảo lưu…

Sửa đổi các quy định để phát hiện việc làm giàu bất hợp pháp

Theo bà Sabina Stein, Trợ lý Đại diện thường trú, Trưởng phòng Quản trị và tham gia, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam khẳng định, kể từ khi phê chuẩn Công ước UNCAC, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong công tác PCTN, Việt Nam đã thực hiện những cải cách pháp lý sâu rộng và tăng cường thực thi pháp luật về PCTN nhằm củng cố lòng tin của người dân, doanh nghiệp cũng như của các nhà đầu tư nước ngoài vào quản trị công.

Bà Stein nêu bật một số cột mốc quan trọng trong quá trình này như việc ban hành Luật PCTN; các Chiến lược quốc gia về PCTN, tiêu cực; sửa đổi Bộ luật Hình sự và các luật liên quan để xử lý tội phạm tham nhũng hiệu quả hơn; thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực…

leftcenterrightdel
 TS Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra. Ảnh: P.V

Ông Alan Doig - chuyên gia quốc tế của UNDP cho biết, hiện nay, gần 100 quốc gia có nội luật hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp, ông này cho rằng Việt Nam không cần thiết phải ban hành luật cụ thể liên quan đến Điều 20 của Công ước UNCAC nhưng phải sửa đổi các luật và quy định hiện hành để phát hiện sự thay đổi tài sản không giải trình được và việc làm giàu bất hợp pháp.

Ông Đỗ Trung Kiên, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ, đề nghị bổ sung vào Báo cáo những nỗ lực của Việt Nam nhằm đưa ra các quy định phù hợp để xử lý hành vi làm giàu bất hợp pháp hoặc ít nhất là để xử lý tài sản do tham nhũng hay do phạm tội mà có. Ví dụ như Chính phủ đã yêu cầu các Bộ nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội; rà soát, sửa đổi cơ chế thiết lập quy trình quản lý, xử lý tài sản phạm tội và tài sản liên quan đến tham nhũng, kinh tế, rửa tiền, tài trợ khủng bố.

TS Nguyễn Linh Giang, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh lý do đối với việc bảo lưu quy định tại điều 20 về "làm giàu bất hợp pháp" và điều 26 về "trách nhiệm hình sự của pháp nhân" được phân tích khá kỹ càng và sâu sắc.

leftcenterrightdel
 TS Tạ Thu Thủy, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra. Ảnh: P.V

Tuy nhiên, phân tích với lý do bảo lưu quy định về dẫn độ chưa thực sự rõ ràng vì phần này các tác giả chỉ thống kê cho thấy việc Việt Nam bảo lưu quy định dẫn độ của UNCAC không phải là một ngoại lệ mà là một "lựa chọn" mà Việt Nam vẫn thường áp dụng giống như với một số Công ước khác, nhưng lý do thật sự thì không rõ ràng.

Còn ý kiến PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đây là báo cáo có có tính chuyên môn sâu, đòi hỏi có sự tiếp cận pháp luật so sánh và cần đánh giá trực tiếp một số  quy định của công ước quốc tế. Theo đó,  báo cáo đã có phần phân tích về tính tương thích, thực trạng thực thi và khả năng điều chỉnh pháp luật Việt Nam phù hợp với các điều khoản đang được bảo lưu. Trên cơ sở đó đưa ra được một số giải pháp một số khuyến nghị tương đối phù hợp./.

Lan Anh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra