Theo đó, mục đích của Kế hoạch nhằm bám sát các chủ trương, định hướng, chính sách của Đảng và Chính phủ về phát triển dịch vụ tài chính, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với nội dung chỉ đạo, hướng dẫn và lộ trình thực hiện của các bộ, ngành có liên quan áp dụng trên địa bàn.
Phát huy vai trò chủ động, tích cực của các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1813/QĐ-TTg, ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện TTKDTM thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn; giảm chi phí liên quan đến tiền mặt. Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ TTKDTM, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước; minh bạch hoá các giao dịch thanh toán, góp phần tích cực cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.
    |
 |
Chủ tịch UBND tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những đơn vị vi phạm (Ảnh: CTTĐ tỉnh Vĩnh Long) |
Chủ tịch UBND tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức có liên quan triển khai, theo dõi thực hiện các giải pháp trong Kế hoạch. Đồng thời, chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện cung ứng các sản phẩm TTKDTM trên địa bàn theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Hội sở chính Ngân hàng cấp trên; đảm bảo hiệu quả, chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng. Khuyến khích các tổ chức tín dụng trên địa bàn phát triển mạng lưới điểm cung ứng dịch vụ tài chính, mạng lưới ATM, POS về khu vực nông thôn; tạo điều kiện cho các tổ chức không phải ngân hàng có mạng lưới rộng khắp hoặc có địa bàn hoạt động tại khu vực nông thôn (như quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, bưu điện, trạm xăng,…) triển khai hoạt động đại lý thanh toán (sau khi có quy định về mô hình đại lý thanh toán).
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM; triển khai công tác truyền thông, giáo dục về các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong TTKDTM, thanh toán điện tử đối với khách hàng; phối hợp giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
UBND tỉnh giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Vĩnh Long làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán trên địa bàn; phối hợp để tiếp nhận, xử lý thông tin người dân, doanh nghiệp cung cấp, phản ánh về các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử, trung gian thanh toán.
Kế hoạch cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025: Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 20 lần GRDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; đồng thời, từ 70-80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm, các điểm cung cấp hàng hóa, dịch vụ lớn có các điểm chấp nhận TTKDTM; tăng số lượng chấp nhận TTKDTM lên trên 3.000 điểm; mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM, thanh toán điện tử có tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán đạt 20-30%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Mục tiêu TTKDTM đối với dịch vụ công: Từ 90-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức TTKDTM. Từ 90-100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức TTKDTM, 60% trở lên số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bản đô thị được chi trả thông qua các phương thức TTKDTM.