Uỷ ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) là cơ quan chống tham nhũng cao nhất của Malaysia. Chức năng của MACC được quy định tại Điều 7 Luật MACC. Cụ thể, tiếp nhận và xem xét bất cứ báo cáo, tố giác nào đến Uỷ ban về một số hành vi phạm tội được quy định tại Luật này và điều tra báo cáo, tố giác khi Chủ tịch hoặc cán bộ Uỷ ban coi đó là cơ sở thực; phát hiện và điều tra bất cứ hành vi nào có khả năng vi phạm, có khả năng phạm tội chưa đạt và bất cứ âm mưu nào nhằm vi phạm Luật này; xét các thông lệ, lề lối, cơ chế và thủ tục của các cơ quan công quyền nhằm thúc đẩy việc phát hiện các hành vi vi phạm Luật này và đảm bảo sửa đổi các thông lệ, lề lối, cơ chế, thủ tục có thể tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tham nhũng theo quan điểm của Chủ tịch Uỷ ban; chỉ đạo, cố vấn và giúp đỡ bất cứ người nào có yêu cầu về cách thức loại bỏ tham nhũng; cố vấn cho người đứng đầu các cơ quan công quyền về bất cứ thay đổi nào trong thông lệ, lề lối, cơ chế và thủ tục của cơ quan đó khi Chủ tịch Uỷ ban xem là cần thiết nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra tham nhũng; giáo dục người dân về phòng, chống tham nhũng; huy động và thúc đẩy người dân ủng hộ chống tham nhũng.
Đặc biệt, MACC có 13 văn phòng đặt tại thủ phủ của 13 bang tại Malaysia và có các chi nhánh tại các thành phố, thị trấn lớn. Ngoài ra, có Học viện Phòng, chống tham nhũng Malaysia (MACA) tại Thủ đô Kuala Lumpur.
MACC của Malaysia được triển khai theo chiến lược 3 mũi, gồm: Thực thi pháp luật (phát hiện và điều tra các hành vi phạm tham nhũng); phòng ngừa (phát hiện nguy cơ tham nhũng tại nơi làm việc, trong cơ chế, thủ tục, quy trình; đưa ra khuyến cáo về khả năng xảy ra tham nhũng); giáo dục (giáo dục người dân về ý thức chống tham nhũng; huy động và thúc đẩy sự ủng hộ của người dân về chống tham nhũng).
Trên cơ sở đó, Malaysia đề ra các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thông qua cố vấn; đơn vị phụ trách liêm chính; kế hoạch quản lý rủi ro. Trong đó, cố vấn là việc thực hiện hoạt động thanh tra và đưa ra khuyến cáo cho các cơ quan nhằm đảm bảo là chế tài được kiểm tra, các thủ tục được cải thiện với mục tiêu xoá bỏ cơ hội xảy ra tham nhũng, sai trái và lạm quyền. Các đơn vị phụ trách liêm chính có trách nhiệm lồng ghép tất cả các vấn đề liêm chính của mỗi đơn vị cụ thể một cách có kế hoạch trọng tâm vào 6 chức năng chính được quy định trong thông tư, gồm: Quản trị; tăng cường liêm chính; phát hiện và xác minh; xử lý khiếu nại; tố cáo; tuân thủ; kỷ luật. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức xây dựng Kế hoạch quản lý rủi ro/nguy cơ tham nhũng nhằm tăng cường quản trị tốt, trong đó có thể đề cập đến các điều kiện, cơ hội có thể xảy ra tham nhũng, lạm quyền trong tổ chức.
3 đối tượng phải kê khai tài sản
Tại Malaysia, cơ chế kê khai tài sản được chia theo 3 nhánh khác nhau, gồm: Công chức (hành pháp); thành viên Chính phủ hoặc Nghị sĩ (lập pháp) và thẩm phán (tư pháp). Đồng thời, quy định cụ thể ở cấp Liên bang và Bang.
Cụ thể, công chức phải kê khai tài sản bao gồm bất động sản và động sản của công chức, vợ/chồng, con cái của người đó, nắm giữ bởi một người khác thay mặt cho công chức, vợ/chồng, con cái của người đó. Việc kê khai được thực hiện 5 năm một lần hoặc trong vòng 30 ngày kể từ ngày được bổ nhiệm, theo yêu cầu của Chính phủ, khi tăng tài sản, khi giảm tài sản. Tuy nhiên, việc kê khai sẽ được bảo mật và nếu vi phạm, công chức sẽ bị xử lý theo hình thức cảnh cáo, phạt tiền, cắt lương, chậm tăng lương thường xuyên, giảm lương, hạ ngạch bậc hoặc sa thải. Cơ quan chịu trách nhiệm trong việc kê khai tài sản của công chức là Bộ/Cục/cơ quan chủ quản của công chức đó.
Đối với thành viên Chính phủ và Nghị sĩ, sẽ phải kê khai nghĩa vụ tài chính, động sản và bất động sản của mình và của vợ/chồng, con cái, người được thành viên Chính phủ và Nghị sĩ tín thác. Việc kê khai được thực hiện 2 năm một lần hoặc trong vòng 3 tháng kể từ khi nhậm chức, khi tăng tài sản, khi giảm tài sản. Những đối tượng này phải nộp bản kê khai lên cho Thủ tướng và gửi bản copy cho MACC, sau đó MACC công bố danh sách người kê khai và tài sản kê khai trên trang web https://mydeclaration.sprm.gov.my/. Nếu vi phạm, họ có thể bị truy tố theo Điều 199 và Điều 200 Bộ luật Hình sự, bị xử phạt vì đưa ra chứng cứ không đúng sự thật theo Điều 193 Bộ luật Hình sự, bị phạt tù có thời hạn đến ba năm và có thể bị phạt tiền.
Thẩm phán phải kê khai động sản và bất động sản của mình hoặc được nắm giữ bởi một người khác thay mặt cho Thẩm phán đó. Việc kê khai được thực hiện 3 năm một lần hoặc khi được bổ nhiệm, theo yêu cầu của Chánh án, khi tăng tài sản, khi giảm tài sản, Thẩm phán phải nộp bản kê khai cho Chánh án. Trường hợp vi phạm, Thẩm phán bị khiển trách, ghi vào hồ sơ Thẩm phán; đình chỉ chức vụ Thẩm phán trong thời gian không quá một năm.
Qua thực tiễn triển khai công tác kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, Malaysia rút ra một số kinh nghiệm trong công tác này. Đó là thành lập đơn vị kế toán pháp y (FAU), tuyển dụng chuyên gia từ khu vực tư nhân có chuyên môn về máy tính và phân tích kế toán. Mặt khác, nhận các Báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR) và Báo cáo hạn mức tiền mặt (CTR) từ đơn vị thông tin tài chính của Ngân hàng Negara Malaysia. Ngoài ra, Malaysia còn dựa vào lực lượng thực thi pháp luật chìm, trinh sát hoặc qua xử lý tố cáo, khiếu nại…/.
Hoàng Minh