Theo kết luận 49/KL-TTr của Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế, về công khai bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, các nguồn huy động khác, Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chưa đăng tải công khai dự toán ngân sách; số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán quý, 6 tháng, năm; quyết toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên Trang thông tin điện tử của đơn vị.
Ngoài ra, Trung tâm Bảo trợ Xã hội cũng chưa công khai kết quả tiếp nhận vận động, tài trợ hàng tháng, hàng quý để viên chức, người lao động và đối tượng theo dõi, giám sát; Văn phòng Sở, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công, Trung tâm Dịch vụ việc làm chưa thực hiện công khai việc quản lý, sử dụng tài sản công.
“Trách nhiệm của các thiếu sót nêu trên thuộc về Giám đốc Sở, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Kế toán trưởng Văn phòng Sở thời kỳ 2019-2021; Giám đốc và Phụ trách kế toán thời kỳ 2019-2021 của các đơn vị trực thuộc” - Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ rõ.
Về xây dựng định mức, tiêu chuẩn, chế độ, tại Văn phòng Sở, Quy chế chi tiêu nội bộ được ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-SLĐTBXH ngày 18/4/2019 của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội quy định hỗ trợ tham quan học tập khảo sát, thực tế 50% mức thu của cơ sở đào tạo là không bảo đảm theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 29/01/2013 của UBND tỉnh.
Tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, Trung tâm Dịch vụ việc làm; Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em còn áp dụng văn bản đã hết hiệu lực và văn bản không thuộc phạm vi điều chỉnh của đơn vị tại các quy chế chi tiêu nội bộ đã ban hành trong thời kỳ thanh tra; Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công; Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em chưa thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ cho phù hợp với quy định hiện hành.
Cùng với đó, Trung tâm Công tác xã hội và Qũy Bảo trợ trẻ em; Trung tâm Bảo trợ Xã hội chưa xây dựng quy chế quản lý và sử dụng nguồn kinh phí tài trợ tại đơn vị. Cả 4 đơn vị trực thuộc chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 144/2017/TT-BTC.
Trách nhiệm của các thiếu sót nêu trên thuộc về Giám đốc và Phụ trách kế toán thời kỳ 2019-2021 của các đơn vị sự nghiệp của Sở.
|
|
Công tác phòng, chống tham nhũng tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế tồn tại nhiều thiếu sót (ảnh https://thanhtra.thuathienhue.gov.vn/) |
Về thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, năm 2020, Văn phòng Sở đã thanh toán tiền làm thêm giờ trùng các ngày tham gia học tập và đi công tác tại các tỉnh và năm 2021 thanh toán tiền làm thêm giờ cho 15 công chức vượt 200 giờ; Văn phòng Sở đã quản lý và sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung thừa so với số lượng được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 12 Nghi định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ.
Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm không cân đối nguồn cải cách tiền lương năm 2018 chuyển sang, dẫn đến ngân sách Nhà nước cấp thừa số tiền hơn 36,18 triệu đồng.
Năm 2019, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em đã tiến hành mua sắm tài sản, thiết bị với số tiền 230 triệu đồng, nhưng không lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định tại Điều 9 Thông tư 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016.
Năm 2019 và năm 2020, Trung tâm thanh toán chi phí tư vấn thiết kế thi công xây dựng, chi phí tư vấn thẩm tra thiết kế, dự toán công trình bể tự hoại, chi phí tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình mái và nền sân phơi nhà đối tượng nam; chi phí tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, tư vấn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công, dự toán và chi phí quản lý, giám sát công trình hệ thông báo cháy vào nguồn kinh phí chi thường xuyên là không chấp hành đúng chế độ nguồn kinh phí.
Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở và Chánh Văn phòng Sở; Giám đốc và Phụ trách kế toán các đơn vị thời kỳ 2019- 2021.
Về chuyển đổi vị trí công tác, năm 2019 và năm 2020, Sở không ban hành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác và không thực hiện chuyển đổi vị trí công tác tại đơn vị; các đơn vị trực thuộc cũng đều không ban hành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác theo Điều 26 Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở và Chánh Văn phòng Sở năm 2019 và năm 2020; Giám đốc thời kỳ 2019 -2021 của các đơn vị trực thuộc.
Về tổ chức kê khai tài sản, thu nhập, Sở và các đơn vị trực thuộc khi tiếp nhận bản kê khai chưa kiểm tra tính đầy đủ của các nội dung phải kê khai nên vẫn còn một số bản kê khai tài sản, thu nhập chưa xác định được phương thức kê khai; kê khai thiếu thông tin về tên người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; hiểu sai cách kê khai tổng các khoản thu nhập chung; không kê khai tổng thu nhập giữa hai lần kê khai...
Trách nhiệm của các thiếu sót nêu trên thuộc về Giám đốc Sở, Chánh Thanh tra Sở, Giám đốc và cán bộ tham mưu công tác kê khai tài sản, thu nhập năm 2021 tại các đơn vị trực thuộc.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, đối chiếu với các quy định của pháp luật, Chánh Thanh tra tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, Sở LĐTB&XH và các đơn vị trực thuộc thực hiện công khai số liệu và thuyết minh tình hình dự toán quý, 6 tháng, năm theo đúng quy định.
Cùng với đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ hiện hành đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật; ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại.
Chấm dứt thanh toán tiền làm thêm giờ và thanh toán bằng tiền mặt không đúng quy định; rà soát tiêu chuẩn, định mức xe ô tô phục vụ công tác chung và xử lý ô tô dôi dư theo quy định tại Nghị định số 72/2023/NĐ- CP.
Tăng cường hướng dẫn công tác kê khai tài sản, thu nhập cho các đơn vị trực thuộc và người có nghĩa vụ kê khai tại khối Văn phòng Sở theo hướng dẫn được ban hành.
Đặc biệt, Trung tâm Bảo trợ Xã hội, Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em nghiêm túc thực hiện Kết luận thanh tra; có trách nhiệm tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, rút kinh nghiệm đối với các tồn tại, thiếu sót đã nêu…./.