Kịp thời phát hiện các dấu hiệu sai phạm
Theo đó, thời gian qua, chất lượng các cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp ủy Đảng, Thủ trưởng Công an các đơn vị trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên, kịp thời phát hiện các dấu hiệu sai phạm, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật. Điển hình như đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác thanh tra hằng năm, đã tiến hành 07 cuộc thanh tra, kiểm tra với 42 lượt đơn vị trong và ngoài ngành trên các lĩnh vực. Qua thanh tra, kiểm tra, phát hiện 01 trường hợp tham ô tài sản với số tiền trên 1,2 tỷ đồng và 01 trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 700 triệu đồng, đã khai trừ Đảng, Tước danh hiệu CAND và khởi tố, bắt tạm giam đối với 02 trường hợp.
Trong giữa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã khởi tố, điều tra và truy tố 05 vụ án, 10 bị can có liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực như vụ “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao Thành phố Trà Vinh (nay là Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao Thành phố Trà Vinh), vụ “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công an huyện Tiểu Cần, vụ “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh số 2 Trà Vinh, vụ “Tham ô tài sản”, xảy ra tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Trà Vinh, vụ “Tham ô tài sản”, xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư thương mại phát triển Nhất Tín chi nhánh Trà Vinh. Tổng tài sản thiệt hại hơn 1,9 tỷ đồng, đã thu hồi trên 1,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an tỉnh Trà Vinh luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp và Nhân dân tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, mục tiêu phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, từ đó tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững ổn định, kéo giảm hoạt động của các loại tội phạm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động công tác PCTN, TC trong lực lượng Công an tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế như: Công tác trưng cầu giám định tư pháp để giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan tội phạm tham nhũng, kinh tế gặp một số khó khăn do tổ chức, cá nhân thực hiện giám định chuyên môn theo lĩnh vực tại tỉnh còn thiếu, thời gian giám định kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết nguồn tin tội phạm và thời gian điều tra vụ án; công tác kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh của lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương đối với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ nói chung, liên quan đến việc phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng nói riêng có lúc, có nơi chưa sâu sát, kịp thời dẫn đến có vụ việc CBCS sai phạm phải bị xử lý…
Tiếp tục thực hiện tốt các phương châm đề ra
Thời gian tới, để thực hiện tốt nhiệm vụ đặt ra trong công tác xây dựng đảng, xây dựng lực lượng, nhất là công tác PCTN, TC, LP, Ban Thường vụ Đảng ủy - Lãnh đạo Công an tỉnh Trà Vinh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:
Một là, đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; nhận thức của đảng viên, CBCS về ý nghĩa, tầm quan trọng và quan điểm chỉ đạo của cấp trên về công tác PCTN, TC, từ đó tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động của từng đồng chí trong thực hiện nhiệm vụ, mỗi đồng chí đảng viên, CBCS phải xác định “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn CBCS tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 73.
Cấp ủy, Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động công vụ của đảng viên, CBCS thuộc quyền quản lý. Đồng thời, từng đồng chí cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm nêu gương, thật sự gương mẫu trong công tác, đạo đức, lối sống. Qua thực tế, nơi nào cấp ủy, Thủ trưởng đơn vị sâu sát, thì nơi đó chất lượng, hiệu quả công việc được nâng cao, không có CBCS sai phạm và ngược lại nơi nào công tác kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh chưa thật sự sâu sát thì hiệu quả công việc còn hạn chế, thiếu sót, CBCS dễ mắc những vi phạm nhỏ dẫn đến các sai phạm lớn phải bị xử lý kỷ luật của Đảng, của Ngành.
Hai là, thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch trong hoạt động của các đơn vị trong CAND, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động quản lý.
Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật và của Bộ Công an về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là công khai đầy đủ các quy định, quy trình, quy chế, trình tự, thủ tục giải quyết công việc có liên quan đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp biết, thực hiện, đồng thời thực hiện quyền giám sát của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của CBCS.
Ba là, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về PCTN, TC gắn với tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong CAND; phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN, TC.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, quy định của Ngành về PCTN, TC đến đảng viên, CBCS gắn với thực hiện Kế hoạch số 49-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Chương trình hành động số 33-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 118-KH/ĐUCA của Đảng ủy Công an Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”; quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của Đảng ủy Công an Trung ương về thực hiện kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; chuyên đề toàn khóa và hằng năm, các phong trào thi đua, cuộc vận động, phương châm hành động của lực lượng CAND. Kịp thời biểu dương những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong trong đấu tranh PCTN, TC, gương liêm khiết không nhận hối lộ của CBCS.
Tiếp tục duy trì hoạt động đường dây điện thoại nóng Công an tỉnh; niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng của Bộ Công an và Công an tỉnh, bố trí hòm thư góp ý tại các địa điểm tiếp công dân, tiếp nhận hồ sơ giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp để tiếp nhận, xử lý những phản ánh về hiện tượng tham nhũng, tiêu cực.
Bốn là, tập trung chỉ đạo hoàn thiện công tác tổ chức cán bộ để PCTN, TC gắn với rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, TC.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch số 138-KH/ĐUCA ngày 16/9/2015 của Đảng ủy Công an Trung ương triển khai, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức trong CAND và Kế hoạch số 186/KH-BCA của Bộ Công an triển khai thực hiện tinh giản biên chế trong CAND; Kế hoạch số 155-KH/ĐUCA, ngày 24/11/2019 của Đảng ủy Công an Trung ương về thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền”; Quy định số 08-QĐi/ĐUCA, ngày 11/5/2023 của Đảng ủy Công an Trung ương về kiểm soát quyền lực để PCTN, TC trong hoạt động của CAND.
Tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát CBCS trong quá trình thực hiện công vụ; việc bố trí, sắp xếp CBCS đảm nhiệm công việc ở những lĩnh vực, khâu công tác nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn quy định. Lựa chọn, bố trí cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để bố trí đảm nhiệm các vị trí nhạy cảm. Thực hiện nghiêm quy định về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác của CBCS Công an theo quy định; kiên quyết không bố trí những cán bộ có đơn thư, dư luận phản ánh về hành vi tiêu cực, tham nhũng.
Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu của CBCS Công an; thực hiện nghiêm quy định kiểm soát tài sản, thu nhập.
Chủ động nắm tình hình, có kế hoạch thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nơi có nhiều dư luận phản ánh, đơn thư tố cáo về hành vi tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp của CBCS; thực hiện xác minh đối với CBCS thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập hằng năm theo quy định. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực, tham nhũng, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; các trường hợp vi phạm quy định về kê khai, công khai tài sản, thu nhập.
Sáu là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra khám phá tội phạm tham nhũng. Cần nắm vững, nắm chắc các lĩnh vực hoạt động có nguy cơ xảy ra tham nhũng. Nắm bắt được các đối tượng có biểu hiện bất minh về tài sản, lối sống, hoạt động có nghi vấn tham nhũng để kịp thời có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.
Tiếp nhận, xử lý kịp thời các tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố về tội phạm tham nhũng; tập trung đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm, làm rõ xử lý đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí được phát hiện với nguyên tắc “Tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu, xử lý đến đó; bất kể người có hành vi tham nhũng, lãng phí là ai, đã có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra; đã kết luận có hành vi phạm tội thì đề nghị truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật”.
Thực hiện tốt công tác trưng cầu, giám định liên quan đến công tác điều tra, xác minh các vụ án tham nhũng. Áp dụng các biện pháp tạm thời như: Kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình điều tra án; vận động, tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích người sai phạm, phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực./.