Thanh tra chuyển 15 vụ tham nhũng, kinh tế sang Công an Lào Cai

Thứ sáu, 03/06/2022 13:01
(ThanhtraVietNam) - Phát sinh hàng loạt vụ việc có có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế nhưng công tác tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thanh tra ở Lào Cai lại không chỉ ra được. Đến khi tiến hành hoạt động thanh tra, 15 vụ việc đã được “phanh phui” và chuyển cơ quan điều tra thuộc Công an tỉnh Lào Cai, Công an các huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Bát Xát, Văn Bàn, Mường Khương, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai giải quyết.

Thanh tra chuyển điều tra 10 vụ có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế

Chuyển công an điều tra sai phạm trong mua sắm thiết bị dạy học ở Phú Yên

Thanh tra tỉnh chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Công an

Mới đây, Thanh tra tỉnh Lào Cai đã tổng hợp báo cáo kết quả tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực của ngành Thanh tra tỉnh giai đoạn 2011 - 2021 theo văn bản 559/TTCP-KHTH ngày 22/4/2022 của Thanh tra Chính phủ về báo cáo phục vụ kiểm tra của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Theo đó, kết quả phát hiện, chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết qua công tác tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thanh tra; qua công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành thanh tra; qua việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong các cơ quan, đơn vị thanh tra là: Không!

Trong 15 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua công tác thanh tra có 5 vụ do Thanh tra tỉnh phát hiện, 1 vụ do Thanh tra Sở Lao động, thương binh và xã hội phát hiện và 9 vụ do Thanh tra cấp huyện phát hiện chuyển cơ quan điều tra.

Số liệu tổng hợp của Thanh tra tỉnh cho thấy, giai đoạn 2011 - 2021, ngành Thanh tra địa phương này đã thực hiện 1.392 cuộc thanh tra; phát hiện sai phạm về kinh tế gần 682 tỷ đồng, về đất đai hơn 674.415.150 m2.

leftcenterrightdel
Dự án Tiểu khu đô thị số 11, khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 486 ngày 03/10/2003 có diện tích 9,3 ha. Dự án được chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 318 ngày 09/2/2004 của UBND tỉnh Lào Cai, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 573. Nguồn: Đài PTTH Lào Cai

Kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 322 tỷ đồng; giảm trừ, thu hồi về các đơn vị hơn 360 tỷ đồng; xử lý trách nhiệm 295 tập thể, 432 cá nhân có sai phạm.

5 VỤ VIỆC CÓ DẤU HIỆU TỘI PHẠM DO THANH TRA TỈNH PHÁT HIỆN

1. Vụ Công ty TNHH Khánh Minh (TP Lào Cai) có dấu hiệu buôn lậu, trốn thuế nhưng dây dưa không cung cấp đủ chứng từ cho Đoàn Thanh tra;

2. Vụ một cá nhân làm giả giấy tờ chuyển nhượng đất, lập hồ sơ bồi thường sai… tại kết luận thanh tra công tác bồi thường hỗ trợ khi thu hồi đất và xem xét phản ánh của công dân đối với Dự án mỏ đồng Sin Quyền - Cốc Mỳ;

3. Vụ việc sai phạm về kiểm tra công tác thu hồi đất, giao đất tái định cư Dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Nhà máy gạch tuynel (cũ) phường Kim Tân, TP Lào Cai;

4. Vụ vi phạm của Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng 573 tại Dự án tiểu khu đô thị số 11, Khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường;

5. Vụ đơn vị thuộc Sở Văn hóa thể thao và du lịch thanh toán khống kinh phí, để ngoài sổ sách 85 triệu đồng, không thực hiện kiến nghị của Kiểm toán… được phát hiện năm 2015.   

Theo Chánh Thanh tra tỉnh Lào Cai Nguyễn Thành Sinh, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tuy đã đạt được mục tiêu đề ra song vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức đặc biệt trong phát hiện các hành vi tham nhũng do “tính đặc thù của nó”, thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp; do hệ thống tiêu chuẩn, chế độ chưa đồng bộ; việc tham gia phát hiện tham nhũng của các tổ chức chính trị xã hội chưa nhiều, hiệu quả chưa đáp ứng với yêu cầu của nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

“Công tác phối hợp giữa các cơ quan Thanh tra, cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát tỉnh Lào Cai trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố đã được xử lý kịp thời, chính xác, khách quan”, Thanh tra tỉnh Lào Cai đánh giá.

Khởi tố, chưa khởi tố, không khởi tố… đều phải thông tin lại Thanh tra

Các quy định về việc chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự đã được quy định tại Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định 86/2011/NĐ-CP ngày 22/09/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra.

Sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được ban hành, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng xây dựng Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát, Cơ quan Thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và giải quyết kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra.

Khoản 1 Điều 44 Nghị định 86/2011/NĐ-CP: “Trong quá trình thanh tra hoặc khi kết thúc thanh tra, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày phát hiện dấu hiệu tội phạm, người ra quyết định thanh tra phải chuyển hồ sơ vụ việc và bản kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra để xem xét khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo ngay bằng văn bản cho Viện Kiểm sát có thẩm quyền biết”.

Điều 7, Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP quy định, Cơ quan điều tra có trách nhiệm giải quyết kiến nghị khởi tố do Cơ quan thanh tra chuyển đến và việc giải quyết kiến nghị khởi tố được thực hiện như sau:

Trường hợp có căn cứ không khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự và thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do đến Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố;

Trường hợp có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và thông báo bằng văn bản cho Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố biết;

Trường hợp chưa đủ căn cứ khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự thì Cơ quan điều tra tiến hành xác minh để thu thập, bổ sung chứng cứ và đề nghị Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố phối hợp thực hiện khi xét thấy cần thiết;

Trường hợp không khởi tố vụ án hình sự mà cần xử lý bằng biện pháp khác thì Cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự; chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo bằng văn bản cho Cơ quan thanh tra, Viện kiểm sát;

Và trường hợp có căn cứ tạm đình chỉ hoặc phục hồi việc giải quyết kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ hoặc phục hồi và gửi cho Cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố, Viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra