Thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại Ngân hàng Nhà nước

Thứ sáu, 15/11/2024 17:13
(ThanhtraVietNam) - So với trước khi có Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, công tác này của ngành Ngân hàng đã có những bước tiến quan trọng; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được thực hiện đồng bộ, nhất là công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị và kiểm soát tài sản, thu nhập.

Khó khăn trong thi hành pháp luật phòng, chống tham nhũng tại Bộ Tài chính

Thanh tra Chính phủ công bố thêm 3 kết luận thanh tra trách nhiệm công vụ

Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra hoạt động đầu tư trái phiếu của tổ chức tín dụng

Những lĩnh vực vào “tầm ngắm” của Thanh tra Chính phủ

Thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024, Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ do Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Đăng Vinh làm tổ trưởng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để kiểm tra, theo dõi việc thực hiện pháp luật về PCTN.

Theo NHNN, sau khi Luật PCTN năm 2018 có hiệu lực thi hành, cơ quan này đã  xây dựng, ban hành và duy trì thực hiện kế hoạch thực hiện Luật PCTN hàng năm để lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt đến từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trong 5 năm qua, các đơn vị trong ngành Ngân hàng đã ban hành mới 359 văn bản, 80 văn bản được sửa đổi, bổ sung và 20 văn bản được bãi bỏ để thực hiện Luật PCTN và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cũng trong giai đoạn này, đã triển khai 200 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về PCTN, có 137 cuộc đã ban hành kết luận.

Đồng thời, thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 47.141 người làm công tác tín dụng, kho quỹ, giao dịch viên, kế toán thanh toán.

Số liệu tổng hợp cho thấy, có 7.823 đơn vị ngân hàng thực hiện kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử. Qua đó, phát hiện, xử lý 1.729 cán bộ, nhân viên vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Thực hiện yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, NHNN cũng đã triển khai toàn hệ thống kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập (TSTN)  lần đầu và theo các phương thức khác (có 53.872 người đã kê khai).

Với vai trò là Cơ quan kiểm soát TSTN, NHNN đã quản lý, cập nhật bản kê khai, thông tin liên quan; xác minh, công khai kết luận xác minh TSTN; bảo vệ, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin về kiểm soát TSTN; xử lý người có hành vi vi phạm nghĩa vụ trung thực trong kê khai, giải trình nguồn gốc của TSTN tăng thêm...

NHNN khẳng định, với quyết tâm và ý thức trách nhiệm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong ngành Ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động trong công tác PCTN.

So với trước khi có Luật PCTN năm 2018, công tác này đã có bước tiến quan trọng. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được quan tâm thực hiện đồng bộ, nhất là công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tăng cường tổ chức triển khai thực hiện kiểm soát TSTN.

Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng, kinh doanh tiền tệ là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn các đối tượng tội phạm và dễ phát sinh rủi ro về đạo đức, có nhiều cạm bẫy đối với những cán bộ ngân hàng không có lập trường, tư tưởng vững vàng.

Bên cạnh đó, hoạt động ngân hàng phát triển nhanh về quy mô tổng tài sản, thị phần huy động vốn và cho vay, mạng lưới hoạt động, đa dạng về sản phẩm, dịch vụ, trong khi việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn quản lý đã làm nảy sinh những bất cập.

Các tổ chức tín dụng chạy theo mục tiêu lợi nhuận, tăng trưởng nóng, đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro vi phạm quy định an toàn hoạt động ngân hàng.

Tại một số đơn vị, lãnh đạo chưa thực sự quan tâm và triển khai quyết liệt những biện pháp PCTN, tội phạm, một số đối tượng phạm tội là cán bộ, nhân viên ngân hàng liên quan trực tiếp đến các giao dịch với khách hàng cố tình lừa đảo nên khó phát hiện...

Các thành viên Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ (lãnh đạo Cục Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp, Vụ Pháp chế) đã đề nghị NHNN làm rõ một số nội dung đã nêu trong báo cáo và chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN.

Một số quy định còn chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau nhưng chưa có văn bản hướng dẫn có thể dẫn đến áp dụng không đúng, những quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, những vướng mắc, bất cập...được đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, các Vụ Tổ chức cán bộ, Pháp chế, Tài chính kế toán thuộc NHNN trao đổi với Tổ công tác.

Trên cơ sở các tồn tại, hạn chế trong thực tiễn thi hành Luật PCTN, NHNN kiến nghị Tổ công tác của Thanh tra Chính phủ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, thay thế một số quy định pháp luật về PCTN để đảm bảo phù hợp, khả thi, hiệu lực, hiệu quả của Luật PCTN và sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống phát luật.

Một số hình ảnh tại buổi làm việc của Tổ công tác tại Ngân hàng Nhà nước:

leftcenterrightdel
 Tổ công tác gồm các thành viên từ Vụ Pháp chế, Cục 4, Vụ II. Ảnh: Thái Minh
leftcenterrightdel
 Quyền Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng Lại Hữu Phước báo cáo Tổ công tác. Ảnh: Thái Minh
leftcenterrightdel
 Đại diện NHNN báo cáo kết quả thi hành pháp luật PCTN. Ảnh: Thái Minh

Ngô Tân

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra