Vĩnh Long: Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp

Thứ sáu, 23/02/2024 09:35
(ThanhtraVietNam) - Kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Theo UBND tỉnh, dự báo năm 2024, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Để cải thiện môi trường kinh doanh, củng cố niềm tin và tạo thêm động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục phục hồi và phát triển thì cần sự vào cuộc mạnh mẽ, thực chất và quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành và địa phương. UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành và địa phương xác định cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên; nỗ lực thực chất, quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, có trọng tâm để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn góp phần giải quyết kịp thời các khó khăn và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo.

Mục tiêu cải thiện thứ hạng Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 thuộc nhóm Tốt của cả nước. Tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, phấn đấu năm 2024 trên địa bàn tỉnh có 510 doanh nghiệp thành lập mới; giảm số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, phấn đấu đến cuối năm 2024 số doanh nghiệp giải thể tăng dưới 10% so với năm 2023. Cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính theo tinh thần kiến tạo, phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Phấn đấu thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới và đăng ký thay đổi không quá 1 ngày (rút ngắn 2 ngày so với quy định). Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ công; thực hiện tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Phấn đấu thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử trong năm 2024 đạt từ 80% hồ sơ trở lên. Đẩy mạnh thực hiện phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ứng dụng phương thức kinh doanh mới, thực hiện chuyển đổi số để phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.

leftcenterrightdel
UBND tỉnh Vĩnh Long họp trực tuyến về công tác cải cách hành chính năm 2023 (Ảnh: CTTĐT.VL) 

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan, đơn vị trong công tác chỉ đạo điều hành về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số thành phần chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) liên quan đến lĩnh vực đơn vị quản lý, nhất là cải thiện những mặt thực hiện chưa tốt và chậm so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Thủ trưởng các Sở, ngành có trách nhiệm chủ động cập nhật các hướng dẫn của các Bộ đầu mối để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ góp phần cải thiện các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của ngành, lĩnh vực phụ trách.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao chất lượng quy định thủ tục hành chính và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính nhà nước để phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số. Sử dụng hiệu quả nguồn lực, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ trong triển khai chuyển đổi số các ngành, các cấp. Thực hiện kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin điện tử thông suốt, đảm bảo an toàn hệ thống mạng và an ninh thông tin góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng tiện ích và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc đổi mới cơ chế Một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nâng cấp, hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh tích hợp, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đáp ứng các chỉ tiêu, yêu cầu đã đề ra.

UBND tỉnh cũng yêu cầu, tăng cường cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và kiểm tra, giám sát. Kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực gắn cải cách thủ tục hành chính với xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số. Tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh và công khai kết quả xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh.

Ngoài ra, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thực hiện đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng nhằm thực hiện mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thật sự trong sạch, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công tác; kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực./.

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra