Ai Cập và cuộc chiến chống tham nhũng: Thách thức lớn trong hệ thống pháp luật

Thứ năm, 29/08/2024 07:00
(ThanhtraVietNam) - Dù sở hữu một khung pháp lý vững chắc và tham gia nhiều công ước quốc tế, Ai Cập vẫn phải đối mặt với thách thức lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Tham nhũng ở Ai Cập: Những thách thức vượt biên giới

Công ước và sáng kiến quốc tế

Ai Cập đã phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Chống tham nhũng (UNCAC), công cụ quốc tế đầu tiên có tính ràng buộc pháp lý về chống tham nhũng, cung cấp khuôn khổ toàn diện để ngăn chặn tham nhũng, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tạo điều kiện thu hồi tài sản. Ai Cập đã ký kết UNCAC vào năm 2003 và phê chuẩn vào năm 2005. Tuy nhiên, từ sau cuộc cách mạng năm 2011, việc tuân thủ UNCAC đã trở nên không nhất quán.

Ai Cập cũng đã tham gia các công ước khác như Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (UNTOC) cùng các nghị định thư bổ sung, yêu cầu các quốc gia tội phạm hóa các hành vi như buôn người, buôn lậu di cư và sản xuất vũ khí trái phép. Ai Cập ký kết UNTOC vào năm 2000 và phê chuẩn vào năm 2004. Ai Cập cũng là thành viên của Công ước Chống tham nhũng Ả Rập, một sáng kiến khu vực của Liên đoàn Ả Rập nhằm đối phó với tham nhũng trong các quốc gia Ả Rập.

Bên cạnh đó, Ai Cập còn là thành viên của Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính Trung Đông và Bắc Phi (MENAFATF), một tổ chức khu vực trực thuộc Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), nhằm hài hòa các khung chống rửa tiền (AML) và tài trợ khủng bố (CTF) với các tiêu chuẩn của FATF. Dù được coi là tuân thủ các khuyến nghị của FATF, Ai Cập vẫn đối mặt với những rủi ro lớn về tham nhũng cũng như buôn bán ma túy và vũ khí.

leftcenterrightdel
 Cairo, thủ đô của Ai Cập (ảnh: cntraveler.com)

Khung pháp lý trong nước

Theo Cơ quan Kiểm soát hành chính Ai Cập (ACA), các quy định pháp lý quan trọng nhất trong việc chống tham nhũng bao gồm Bộ luật Hình sự (Luật số 58 năm 1937) với các chương riêng biệt về hối lộ, biển thủ công quỹ, tội phạm liên quan đến tiền công, và giả mạo; Luật Tố tụng Hình sự (Luật số 150 năm 1950), xác định vai trò và trách nhiệm của các cơ quan điều tra và công chức tư pháp; Luật Lợi nhuận Bất hợp pháp (Luật số 11 năm 1968), quy định về khái niệm và hình phạt đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp. Ngoài ra, Luật Cảnh sát (Luật số 109 năm 1971) cũng đề cập đến các tội phạm liên quan đến tiền công, như giả mạo, tham nhũng, biển thủ, rửa tiền.

Tuy nhiên, khung pháp lý về chống hối lộ được cho là thực thi không đồng đều. Các tội phạm liên quan đến tham nhũng khác được điều chỉnh bởi Luật Đấu thầu và đấu giá (đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong việc thực hiện cung cấp và ký kết hợp đồng của các cơ quan chính phủ); Luật Chống rửa tiền (Luật số 80 năm 2002), và Luật Xung đột lợi ích (hình sự hóa xung đột lợi ích giữa các quan chức chính phủ, yêu cầu họ từ bỏ các lợi ích xung đột hoặc từ chức).

Luật về Dịch vụ công (Luật số 81 năm 2016) quy định việc bổ nhiệm, phân loại công việc, đánh giá hiệu quả, thăng chức, kỷ luật công chức. Luật này cùng với Luật Kiểm toán Trung ương và Luật Hành chính Cải cách có vai trò quan trọng trong việc cải cách và nâng cao hiệu quả hành chính của chính phủ Ai Cập, góp phần ngăn chặn tham nhũng.

Khung thể chế chống tham nhũng

Khung thể chế chống tham nhũng của Ai Cập bao gồm hai cơ quan chính: Cơ quan Kiểm soát công và Cơ quan Kiểm soát ngoại vi. Cơ quan Kiểm soát công chủ yếu được đại diện bởi Cơ quan Kiểm soát hành chính (ACA). Được thành lập từ năm 1964, ACA là cơ quan giám sát độc lập của Ai Cập, thực hiện kiểm soát hành chính, tài chính và hình sự đối với các cơ quan công quyền. ACA đóng vai trò trung tâm trong việc chống tham nhũng bằng cách giải quyết các vấn đề cản trở công lý, đồng thời đề xuất và thực hiện các chiến lược quốc gia chống tham nhũng.

Cơ quan Kiểm soát ngoại vi gồm nhiều tổ chức như Cơ quan Kiểm toán trung ương, Bộ Tài chính, Cơ quan Tổ chức và quản lý trung ương, Cơ quan Tố tụng hành chính, Cơ quan Kiểm soát lợi nhuận bất hợp pháp, và nhiều tổ chức khác. Cơ quan Kiểm toán trung ương (CAA) được thành lập vào năm 1942 và có vai trò quan trọng trong việc giám sát tất cả các khoản thu và chi của chính phủ. Đầu mối của CAA được Tổng thống bổ nhiệm với nhiệm kỳ bốn năm, đảm bảo tính liên tục trong hoạt động của cơ quan này.

Bộ Tài chính Ai Cập cũng đóng vai trò quan trọng thông qua việc giám sát tài chính toàn diện và phát triển chính sách, đồng thời giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, ngăn chặn việc chiếm đoạt và sử dụng sai mục đích quỹ công. Ngoài ra, Bộ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hệ thống thuế để phù hợp với các mục tiêu kinh tế và xã hội của quốc gia.

Cơ quan Tổ chức và quản lý trung ương (CAOA) tại Ai Cập có nhiệm vụ cải cách và nâng cao hiệu quả của hành chính nhà nước, đảm bảo các cơ quan chính phủ thực hiện đúng trách nhiệm một cách công bằng và hiệu quả. Cơ quan này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đề xuất và thực hiện các quy định liên quan đến dịch vụ công.

Cơ quan Tố tụng hành chính (APA) là một phần quan trọng của khung pháp lý chống tham nhũng tại Ai Cập. APA chịu trách nhiệm giám sát và điều tra các tội phạm hành chính và tài chính trong đội ngũ công chức, đồng thời cung cấp cơ chế báo cáo nội bộ cho các quan chức công quyền về các vụ việc tham nhũng. Vai trò kép này giúp APA trở nên hiệu quả trong việc chống tham nhũng và duy trì tính liêm chính trong các lĩnh vực dịch vụ công.

Như vậy, Ai Cập đã thiết lập một khung pháp lý và thể chế chống tham nhũng khá toàn diện, tuy nhiên, hiệu quả thực thi vẫn còn nhiều vấn đề cần được cải thiện để đảm bảo sự liêm chính và minh bạch trong hệ thống công quyền.

Dương Nguyễn (Theo The U4 Anti-Corruption Resource Centre)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra