Ông Trump trong một tuyên bố cho biết: "Với tư cách là Tổng thống, tôi phải hành động để bảo vệ an ninh và lợi ích của nước Mỹ và nhân dân Mỹ". Ông cũng nói thêm rằng các hạn chế sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi các chính phủ của các quốc gia bị giới hạn bởi lệnh cấm “giải quyết một cách thỏa đáng các bất cập đã được xác định”.
Phản đối lại lệnh cấm đó, Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho lên án những phát biểu mới của Tổng thống Trump rằng những đe dọa của ông chủ Nhà Trắng chính là tuyên bố chiến tranh chống lại Triều Tiên. Ngoại trưởng Triều Tiên cũng tuyên bố: "Cả thế giới cần nhớ rõ rằng chính Mỹ mới là bên tuyên chiến đầu tiên với đất nước chúng tôi. Kể từ khi Mỹ đã tuyên bố chiến tranh, Triều Tiên có tất cả mọi quyền tiến hành những hành động đáp trả, bao gồm bắn hạ máy bay ném bom của Mỹ ngay cả khi chúng không đi vào không phận của Triều Tiên"
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho
Bộ trưởng ngoại giao Triều Tiên đưa ra cảnh báo bắn máy bay Mỹ ngay trước khi rời thành phố New York, nơi ông vừa dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần trước.
Giới chức Mỹ mô tả lệnh cấm nhập cảnh mới như là một nỗ lực để nhằm đến nhiều mục tiêu hơn nữa so với kế hoạch trước đó của Tổng thống. Nhìn chung, tất cả các công dân của những nước bị cấm sẽ không thể di cư đến Mỹ sinh sống lâu dài, không được làm việc, học tập hay đi nghỉ ở Mỹ. Tuy nhiên, lệnh cấm nói trên vẫn được áp dụng linh hoạt cho từng quốc gia cụ thể.
Ví dụ như Iran vẫn có thể gửi công dân của mình tới Mỹ theo diện trao đổi sinh viên dù chắc chắn việc kiểm tra lý lịch sẽ bị thắt chặt hơn. Một số quan chức Chính phủ Venezuela và gia đình họ sẽ không được đến Mỹ. Người Somalia không còn được phép di cư sang Mỹ nhưng vẫn có thể được đến thăm viếng họ hàng và sẽ bị kiểm tra an ninh chặt chẽ.
Những hạn chế mới không áp dụng cho những người thường trú hợp pháp ở Mỹ và những du khách là công dân của các nước nằm trong danh sách cấm hiện đang có thị thực hợp lệ sẽ không bị thu hồi visa của họ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các học sinh là công dân của 8 quốc gia trong danh sách cấm vẫn có thể hoàn thành việc học tập của họ và những nhân viên của các doanh nghiệp Mỹ đến từ các nước này có thể ở lại cho đến khi thị thực hiện tại của họ hết hạn.
Nguyên nhân 8 nước bị cấm vào Mỹ:
Khác lệnh cấm nhập cảnh hồi tháng 1, chính quyền Mỹ cho biết đã làm việc trong nhiều tháng cùng các cơ quan và chính phủ khác nhau để đưa ra lệnh cấm mới với thời hạn không xác định.
Lệnh cấm của ông Trump mắc phải sự phản đối từ rất nhiều phía
Bộ An ninh Nội địa Mỹ đưa ra một số tiêu chuẩn như hộ chiếu điện tử với dữ liệu sinh trắc học, khả năng chia sẻ thông tin liên quan tới khủng bố và lịch sử tội phạm. Tiêu chuẩn này được gửi tới chính phủ các nước và họ có 50 ngày để đáp ứng các tiêu chí. Một số quốc gia ban đầu thiếu các tiêu chuẩn do Mỹ đặt ra nhưng đã đồng ý thực hiện những thay đổi để tránh việc bị hạn chế đi lại tới Mỹ.
Tuy nhiên, một số quốc gia hoặc không đạt được các tiêu chuẩn này hoặc từ chối hợp tác. Đây chính là cơ sở để các quan chức an ninh nội địa Mỹ đề xuất bản danh sách 8 quốc gia bị đưa vào diện cấm. Bản khuyến nghị chi tiết dài 15 trang sau đó đã được Tổng thống Trump chấp thuận.
Các quan chức Mỹ cho biết, hầu hết công dân Libya, Yemen, Chad sẽ không được phép đến Mỹ vì các quốc gia này không đủ khả năng kỹ thuật để sàng lọc khách du lịch trong bối cảnh các mạng lưới khủng bố hoành hành ở nước sở tại.
Somalia dù đã có cố gắng để cải thiện tình hình nhưng vẫn chưa thể đạt được các tiêu chuẩn an ninh do Mỹ đặt ra, vì thế vẫn nằm trong danh sách cấm. Trong khi đó, dù các quan chức Iran nói rằng họ sẽ không hợp tác với phía Mỹ nhưng ông Trump vẫn để cho Tehran ngoại lệ đối với thị thực sinh viên và thị thực trao đổi.
Với trường hợp của Venezuela, ông Trump chỉ giới hạn việc nhập cảnh Mỹ với các quan chức Chính phủ nước này và gia định họ với lý do nhóm này phải chịu trách nhiệm về “những bất cập đã được xác định” trong việc chia sẻ thông tin về du khách tới Mỹ.
Theo các quan chức An ninh Nội địa Mỹ, nếu như các lệnh cấm được ban hành trước đây là để cho phép việc xem xét các biện pháp an ninh thì hạn chế nhập cảnh mới sẽ được áp dụng vô thời hạn. Mỹ sẽ chỉ xem xét việc dỡ bỏ những hạn chế đối với các quốc gia trong “danh sách đen” khi những nước này đáp ứng được các tiêu chuẩn an ninh tối thiểu mới do phía Mỹ đặt ra.
Giới quan sát cho rằng, sắc lệnh cấm nhập cảnh mới sẽ có tác động mạnh mẽ đến các thách thức pháp lý với lệnh cấm nhập cảnh trước đó, vốn đang được Tòa án tối cao xem xét sau khi chính quyền kháng cáo các phán quyết tòa án rằng lệnh cấm là vi hiến và rằng Tổng thống đã lạm quyền.
Một số ý kiến thậm chí cho rằng, sắc lệnh cấm nhập cảnh mới của Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự các lệnh cấm trước đó khi vấp phải sự phản đối kịch liệt không chỉ từ các quốc gia liên quan mà chính từ trong nội bộ nước Mỹ./.
PV