Bộ Y tế Malaysia thông báo, nước này hôm 9/5 ghi nhận 26 ca tử vong vì virus corona chủng mới, mức cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát hồi năm ngoái. Những bệnh nhân tử vong nằm trong độ tuổi từ 36 - 90 tuổi và phần lớn đều mang sẵn các bệnh nền.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19 ở Shah Alam, Malaysia. Ảnh: Reuters
Tính đến sáng sớm 10/5, tổng số ca bệnh không qua khỏi ở Malaysia là 1.683 người. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á ghi nhận thêm 3.733 ca mắc, trong đó tới 3.727 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh trên toàn quốc lên 440.677 người.
Theo đài CNA, số ca nhiễm mới ở Malaysia tăng vọt trong vài ngày trở lại đây và lên tới 4.419 ca hôm 8/5, mức cao kỷ lục trong vòng 3 tháng qua. Bộ trưởng Y tế Noor Hisham Abdullah cảnh báo, nếu người dân tiếp tục lơ là, không tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, tình hình có thể trầm trọng hơn với số ca mắc mới theo ngày có thể tăng lên tới 7.000 ca vào cuối tháng 5.
Để ứng phó, Chính phủ Malaysia ra lệnh cấm đi lại giữa các quận trong các thành phố nếu không có giấy phép của cảnh sát trên phạm vi toàn quốc từ ngày 10/5 - 6/6, thay vì chỉ áp dụng Lệnh Hạn chế di chuyển (MCO) trong các khu vực. Nhà chức trách cũng quyết định cấm một số hoạt động xã hội, giáo dục và kinh tế có thể dẫn đến tụ tập đông người; các hoạt động chính thức và xã giao có tiếp xúc trực tiếp ở cấp chính quyền cũng như tư nhân.
Lào ghi nhận ca tử vong đầu tiên
Lào hôm 9/5 đã trở thành nước thành viên cuối cùng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có ca tử vong vì Covid-19 khi ghi nhận trường hợp bệnh nhân đầu tiên không qua khỏi.
Bộ Y tế Lào xác nhận, ca bệnh tử vong đầu tiên là một nữ công dân Việt Nam, sinh năm 1969, đã sang nước này làm việc từ năm 2020. Bệnh nhân nhập viện từ ngày 30/4 và có bệnh lý nền là viêm gan B cũng như tiểu đường. Sau hơn 1 tuần chữa trị, bệnh nhân đã tử vong vào lúc 1 giờ sáng ngày 9/5 tại bệnh viện ở thủ đô Viêng Chăn, dù trước đó đã nhận được sự hỗ trợ từ xa của các chuyên gia y tế Việt Nam.
Theo CNN, số ca nhiễm mới ở Lào đang tăng nhanh kể từ sau tết cổ truyền của nước này hồi giữa tháng 4. Tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á hiện là 1.302 người, tăng 69 trường hợp trong vòng 24 giờ qua.
Ấn Độ tiếp tục trải qua ngày đen tối
"Sóng thần" Covid-19 chưa có dấu hiệu ngưng càn quét Ấn Độ khi nước này hôm 9/5 ghi nhận thêm tới 403.738 ca nhiễm mới, bao gồm 4.092 trường hợp tử vong.
Tổng số ca mắc ở Ấn Độ hiện gần 22,7 triệu với 246.146 bệnh nhân không quả khỏi. Song, AP dẫn lời các chuyên gia nhận định, các số liệu công bố chính thức trên có thể thấp hơn nhiều so với thực tế.
Với hy vọng khống chế dịch bệnh, quốc gia đông dân thứ hai thế giới đã bắt đầu mở rộng chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa virus cho mọi công dân trưởng thành từ tháng 5. Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng đang bị chậm lại do các bang thiếu nguồn cung và chỉ còn lượng vắc-xin hạn chế.
Tại thủ đô New Delhi, trong vòng 24 giờ qua có thêm 13.336 người dương tính với virus và 273 bệnh nhân tử vong. Dù tỷ lệ nhiễm trung bình đầu tháng 5 trong thành phố đã giảm xuống còn 21,67% từ mức 35% vào tháng 4, nhưng Thủ hiến Arvind Kejriwal hôm 9/5 thông báo sẽ gia hạn lệnh phong tỏa chống dịch tại đây thêm một tuần, tới ngày 17/5.
Lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19/4 sau khi Ấn Độ đối mặt sự gia tăng đột biến số ca mắc mới. Chính quyền đã yêu cầu người dân làm việc tại nhà, đồng thời áp lệnh giới nghiêm vào ban đêm.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 10/5 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 158,9 triệu người, trên 3,3 triệu ca tử vong. Song, hơn 136,4 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục, tương đương tỷ lệ khỏi bệnh gần 86%.
- Mỹ hiện vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với xấp xỉ 33,5 triệu ca mắc, bao gồm cả 595.811 bệnh nhân không qua khỏi.
- Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, nước này sẽ thiết lập "đường phân cách" trên đỉnh núi Everest để ngăn chặn sự trộn lẫn giữa những người leo núi từ phía Nepal với những người leo núi từ phía Tây Tạng để ngăn ngừa việc lây chéo Covid-19. Khu vực cắm trại ở chân núi Everest bên phía Nepal đã bị dịch bệnh tấn công kể từ cuối tháng 4. Chính quyền sở tại vẫn chưa cho hủy các hoạt động leo núi theo mùa thường niên từ tháng 4 đến đầu tháng 6.
- Tại Nhật, hôm 9/5 là ngày thứ 3 liên tiếp nước này có số ca nhiễm mới trên 6.000 ca/ngày, trong đó số bệnh nhân trở nặng đã tăng lên tới 1.144 người, mức cao chưa từng có. Chính phủ Nhật đang có kế hoạch thiết lập các trung tâm tiêm chủng quy mô lớn tại thủ đô Tokyo và Osaka, hai "điểm nóng" về dịch để đẩy nhanh chương trình chủng ngừa cho người dân.
- Tây Ban Nha vừa chính thức dỡ bỏ sắc lệnh tình trạng khẩn cấp áp dụng trên toàn quốc kể từ tháng 10 năm ngoái để chống dịch, cho phép người dân đi lại giữa các khu vực lần đầu tiên sau nhiều tháng. Quốc gia này hiện ghi nhận tổng cộng gần 3,6 triệu ca mắc với xấp xỉ 79.000 trường hợp tử vong.
- Thierry Breton, Ủy viên phụ trách thị trường nội bộ châu Âu cho hay, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa có thêm đơn đặt hàng mới đối với vắc-xin do hãng dược liên doanh Anh - Thụy Điển AstraZeneca sản xuất sau tháng 6. Dù Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu đã khuyến nghị tiếp tục dùng vắc-xin của AstraZeneca do các lợi ích nhiều hơn rủi ro, nhưng ông Breton nói, EU sẽ tiếp tục theo dõi các vấn đề liên quan đến chế phẩm này, đặc biệt là mối liên hệ giữa việc tiêm phòng với chứng đông máu bất thường.
Theo Vietnamnet.vn