Các nước giàu cần thể hiện vai trò lớn hơn trong tình trạng biến đổi khí hậu

Thứ ba, 12/09/2017 15:02
(ThanhtraVietNam) - Không nước nào trên thế giới có thể tránh được những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu và các nước công nghiệp phát triển cần phải hành động, thể hiện vai trò lớn hơn trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon - một trong những thủ phạm chính kiến Trái đất ấm lên. Đây là lời kêu gọi của Fiji, nước Chủ tịch Hội nghị lần thứ 23 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP23), dự kiến diễn ra thành phố Bonn (Bon) của Đức từ 6-17/11 tới.

Phát biểu trước Quốc hội ngày 11/9, Thủ tướng Fiji Voreqe Bainimarama nhấn mạnh không một nơi nào trên thế giới có thể "miễn nhiễm" với những ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu và hơn bao giờ hết, những người dễ bị tổn thương tại các vùng thiên tai, các vùng bị tác động cần tới sự hỗ trợ khẩn cấp và kịp thời của cộng đồng quốc tế. Ông khẳng định, để không tái diễn các đợt thiên tai kinh hoàng như siêu bão Harvey và Irma mới nhất tại Mỹ và các quốc đảo Caribe, các nước trên thế giới cần chung tay hợp lực, đặc biệt là các nước giàu cần có trách nhiệm lớn hơn trong giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Quan chức Fiji nhấn mạnh đây không phải là một cuộc đấu tranh vì một đảng phái hay cộng đồng nào mà là vì mọi quốc gia trên Trái đất.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Fiji Voreqe Bainimarama 

Thủ tướng Bainimarama cũng xác nhận cuối tháng 9, Fiji sẽ tổ chức ngày cuối tuần cầu nguyện vì Trái đất tại các thánh đường, nhà thờ và các ngôi chùa. Ông cũng sẽ tới Canada ngày 12/9 để tham dự một cuộc đối thoại cấp bộ trưởng về hành động chống biến đổi khí hậu và gặp giới lãnh đạo Canada để kêu gọi ủng hộ chương trình nghị sự của COP23. Dự kiến, Thủ tướng Bainimarama cũng sẽ tham dự khóa họp thường niên của Đại Hội đồng LHQ tại New York (Niu Y-oóc, Mỹ). Tại đây, ông sẽ tham dự Tuần lễ Khí hậu LHQ và gặp gỡ số nhà lãnh đạo các thành phố, chính phủ và các doanh nghiệp có uy tín, trao đổi về các cơ hội thúc đẩy một nền kinh tế sạch cũng như tham dự đối thoại của các nhà lãnh đạo về hành động chống biến đổi khí hậu.

Thái Bình Dương là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của biến đổi khí hậu. Trường Kinh tế London ước tính tới năm 2050, hơn 1,7 triệu người trong tổng số 10 triệu người đang sinh sống tại các đảo thuộc khu vực Thái Bình Dương sẽ phải di cư do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Điển hình như trường hợp của Fiji, quốc gia đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong triển khai chính sách của chính phủ do hạn chế về nhân lực, kỹ thuật và khả năng tài chính. Quốc đảo của 870.000 người dân nằm ở vị trí trung tâm khu vực Nam Thái Bình Dương đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu như khu vực bờ biển thường xuyên xuất hiện tình trạng nước biển dâng kèm theo lốc xoáy nhiệt đới và sóng biển động lớn do áp suất lớn tại khu vực biển sâu ngoài khơi gây lũ lụt tại các khu vực thấp ven biển. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), các mối đe dọa liên quan biến đổi khí hậu tới kinh tế, xã hội Fiji bao gồm tỷ lệ bệnh tật cao hơn khi nhiệt độ trung bình tăng, các cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp hơn khi các đại dương ấm lên và các hình thái thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nước mặn xâm nhập vùng đất canh tác... Chỉ riêng tại đảo lớn Viti Levu của Fiji, theo dự đoán, các yếu tố thời tiết và khí hậu nói trên sẽ gây thiệt hại khoảng 25 triệu USD mỗi năm./.

Dương Thái

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra