Là cơ quan có vị trí độc lập, ICAC có thẩm quyền điều tra mạnh mẽ và có uy tín trong xã hội Hồng Kông. Chiến lược PCTN của ICAC được đánh giá là toàn diện, bài bản, bao gồm: Điều tra hành vi tham nhũng; phòng ngừa tham nhũng và tuyên truyền, giáo dục về PCTN. Bên cạnh nhiệm vụ điều tra tham nhũng, ICAC cũng tăng cường thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và giáo dục cộng đồng để duy trì văn hóa liêm chính trong xã hội nhằm loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng.
Cơ cấu tổ chức của ICAC gồm 3 đơn vị: Vụ Điều tra; Vụ Phòng ngừa tham nhũng và Vụ Quan hệ cộng đồng.
Vụ Điều tra có thẩm quyền tiếp nhận, điều tra tố cáo tham nhũng; điều tra hành vi của cán bộ, công chức có liên quan đến tham nhũng; điều tra hành vi hăm dọa tống tiền của công chức; điều tra các hành vi của công chức có liên quan hoặc có thể suy đoán liên quan đến tham nhũng. Có ba đạo luật cơ bản được ban hành làm cơ sở cho công tác điều tra, gồm: Sắc lệnh phòng ngừa hối lộ; Sắc lệnh ICAC và Sắc lệnh bầu cử.
Vụ Phòng ngừa tham nhũng có nhiệm vụ: Kiểm tra, rà soát các quy trình, thủ tục thực hiện nhiệm vụ của các ban ngành để phát hiện ra các nguy cơ tham nhũng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tư vấn đối với các tổ chức khu vực tư để giúp các chủ thể này xây dựng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; tổ chức các khóa đào tạo cho doanh nghiệp trong khu vực tư về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Nhiệm vụ của Vụ Quan hệ cộng đồng là giáo dục đạo đức, huy động người dân tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Mục tiêu chính của Vụ là truyền tải thông điệp đến mọi người dân trong xã hội cùng tham gia vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Với từng nhóm đối tượng khác nhau, Vụ sẽ xây dựng nội dung chương trình, cách thức giáo dục, tuyên truyền phù hợp nhằm đảm bảo tính hiệu quả.
Trong phòng ngừa tham nhũng, mục tiêu mà ICAC hướng tới là phòng ngừa tham nhũng thông qua việc kiểm soát nội bộ và xây dựng Chính phủ liêm chính. Mục tiêu này được quy định trong Sắc lệnh ICAC, trong đó ICAC có nhiệm vụ: Kiểm tra quy trình, thủ tục của các cơ quan, đơn vị để phát hiện lỗ hổng có nguy cơ phát sinh tham nhũng; cải tiến phương pháp làm việc của các cơ quan, đơn vị; đưa ra tư vấn phòng ngừa tham nhũng cho các doanh nghiệp trong khu vực tư theo yêu cầu. Sắc lệnh ICAC quy định ICAC có thẩm quyền tiếp cận với bất kỳ cơ quan nào của Chính phủ, yêu cầu trả lời các câu hỏi có liên quan; tiếp cận tài liệu, chứng từ, sổ sách để phục vụ công tác điều tra. Trong cách tiếp cận về phòng ngừa tham nhũng, ICAC chú trọng đến cách tiếp cận đồng thời (trước khi cơ quan, doanh nghiệp thực hiện dự án, công trình cụ thể) để đưa ra các khuyến nghị kịp thời nhằm ngăn chặn nguy cơ tham nhũng phát sinh trong quá trình thực hiện.
Cách tiếp cận phòng ngừa tham nhũng của ICAC có nhiều điểm mới, đó là cách tiếp cận đồng thời, tiếp cận sớm từ ngay quá trình chuẩn bị triển khai dự án, chuẩn bị đấu thầu, ký hợp đồng mua sắm hàng hóa... ICAC đã tiếp cận hồ sơ, tài liệu, quy trình làm việc và đưa ra các khuyến nghị nhằm phòng ngừa tham nhũng. Để xây dựng các biện pháp phòng ngừa, ICAC tiến hành nghiên cứu và đưa ra các lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao; rà soát các quy trình có nguy cơ tham nhũng; thực hiện các nghiên cứu về phòng ngừa tham nhũng trong một dự án cụ thể để đưa ra các khuyến nghị; xác định lĩnh vực ưu tiên để thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; xây dựng báo cáo nghiên cứu nhằm đưa ra các khuyến nghị phòng ngừa tham nhũng. Khi báo cáo nghiên cứu được Hội đồng tư vấn của ICAC phê duyệt, các đơn vị, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện, báo cáo với ICAC định kỳ 03 tháng/lần về quá trình thực hiện các khuyến nghị trong báo cáo.
Cách tiếp cận phòng ngừa tham nhũng của ICAC sẽ giúp loại trừ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng ngay từ giai đoạn chuẩn bị thực hiện dự án. Ví dụ, trong việc mua sắm công, ICAC có nhiệm vụ rà soát, đánh giá quy trình mua sắm và đưa ra tư vấn cho các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện việc mua sắm công bảo đảm loại trừ cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng. Trong lĩnh vực xây dựng, các biện pháp phòng ngừa được ICAC áp dụng ngay từ quá trình triển khai dự án; các quy trình, thủ tục về đấu thầu, mua sắm hàng hóa, lựa chọn nhà thầu, bảo mật thông tin... được ICAC rà soát, đánh giá và đưa ra khuyến nghị cụ thể để chủ đầu tư thực hiện. Chẳng hạn, nếu chủ đầu tư đưa ra các điều kiện để lựa chọn nhà thầu theo ý chí chủ quan của mình thì ICAC có trách nhiệm phải rà soát, đánh giá xem các điều kiện đó có phù hợp không, có bảo đảm công bằng, khách quan không, có nhằm mục đích loại các nhà thầu khác để lựa chọn nhà thầu theo ý chí chủ quan của chủ đầu tư hay không. Ngoài ra, ICAC cũng tham gia vào một số công đoạn trong quá trình triển khai dự án như: Cử đại diện tham gia vào Ban xét thầu; giám sát việc thực hiện các gói thầu; việc thanh toán cho các nhà thầu.
Tại Việt Nam, thực tiễn cho thấy, phòng ngừa tham nhũng là trụ cột quan trọng được quy định trong Luật PCTN. Pháp luật về PCTN ở Việt Nam quy định khá đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng và phần lớn nội dung của Luật PCTN quy định các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Theo đó, Luật PCTN quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng và thực hiện chế độ định mức tiêu chuẩn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng chế độ liêm chính; kiểm soát xung đột lợi ích; chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn… Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN thì “các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao”(*).
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Các cơ quan thanh tra thực hiện thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về PCTN, trọng tâm là việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong bộ máy hành chính; thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thanh tra doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư… Hoạt động thanh tra thường được thực hiện sau khi một dự án được triển khai, sau khi thực hiện một chủ trương, nhiệm vụ cụ thể, sau đó đưa ra kiến nghị xử lý trách nhiệm và kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật. Với cách tiếp cận như hiện nay, việc thực hiện hoạt động thanh tra mang tính chất “hậu kiểm”, có nghĩa là các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ của mình, sau đó cơ quan thanh tra mới tiến hành thanh tra, kiểm tra. Chính vì vậy, mặc dù hàng năm các cơ quan thanh tra thực hiện hàng vạn cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và kiến nghị thu về cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, công chức, tuy nhiên tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản còn thấp, chưa kể hậu quả thực tế đã xảy ra khó khắc phục được.
Về phía Hồng Kông, cách tiếp cận đồng thời, tiếp cận sớm trong phòng ngừa tham nhũng của ICAC được đánh giá là thành công trong những năm qua. Nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã nghiên cứu các báo cáo phòng ngừa tham nhũng và cách tiếp cận phòng ngừa tham nhũng của ICAC và coi đây là kinh nghiệm tốt cần chia sẻ. Đối với Việt Nam, để thực hiện cách tiếp cận đồng thời, tiếp cận sớm trong phòng ngừa tham nhũng, các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra cần phải có sự thay đổi về phương thức tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những vấn đề sau:
Thứ nhất, từng bước thay đổi cách tiếp cận trong hoạt động thanh tra theo hướng chủ động đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm những dự án đầu tư ngay từ giai đoạn chuẩn bị dự án và một số công đoạn của giai đoạn thực hiện dự án. Khi tiến hành các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong giai đoạn này, các cơ quan thanh tra có điều kiện xem xét, đánh giá những nguy cơ tham nhũng có thể xảy ra khi chủ đầu tư thực hiện các công đoạn chuẩn bị dự án (lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dưng…) hay bắt đầu triển khai dự án (thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; lựa chọn nhà thầu...) và trên cơ sở các khuyến nghị cụ thể trong báo cáo kết quả thanh tra. Chủ đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện các khuyến nghị và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với cơ quan thanh tra. Trên thực tế, kết quả của hoạt động thanh tra trong thời gian qua cho thấy, có nhiều sai phạm được phát hiện trong các giai đoạn đầu triển khai dự án (vi phạm quy định về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; vi phạm quy định khi giao đất, cho thuê đất; kiến nghị xuất toán một số chi phí không phù hợp…). Việc loại bỏ điều kiện, cơ hội phát sinh tham nhũng, tiêu cực và kiến nghị hoàn thiện quy trình, thủ tục ngay từ giai đoạn đầu triển khai dự án phải là mục đích cần ưu tiên thực hiện trong hoạt động thanh tra, mà không phải là việc chú trọng phát hiện ra sai phạm, kiến nghị thu hồi tiền, tài sản và kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của các chủ thể trong hoạt động thanh tra về tính mục đích của hoạt động thanh tra. Như trên đã phân tích, kết quả cuối cùng của hoạt động thanh tra là loại bỏ các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng; kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật. Hiện nay, chúng ta vẫn thường quan niệm, kết quả của hoạt động thanh tra được đo lường bằng số tiền, tài sản được kiến nghị xử lý; kiến nghị xử lý kỷ luật cán bộ, công chức hoặc chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra... Chính vì lẽ đó, trong hoạt động thanh tra, những kiến nghị hoàn thiện về cơ chế, chính sách, pháp luật; việc tổng kết thực tiễn sau khi tiến hành thanh tra ít được quan tâm thực hiện. Mặc dù, hàng năm các cơ quan thanh tra, kiểm tra kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm ha đất, tuy nhiên thiệt hại đã xảy ra trên thực tế, khó có thể khắc phục được, trong khi chính sách, pháp luật chậm được sửa đổi, bổ sung nên vẫn là cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Do đó, cần phải thay đổi cách tiếp cận về tính mục đích của hoạt động thanh tra theo hướng tập trung rà soát, đánh giá quy trình làm việc, chính sách, pháp luật và đưa ra các khuyến nghị hoàn thiện. Kết quả của hoạt động thanh tra khi đó được đo lường bằng các khuyến nghị của cơ quan thanh tra đối với dự án được thực hiện ở mức độ nào; có thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình thực hiện dự án hay không; chính sách, pháp luật có được kiến nghị hoàn thiện không. Để thay đổi theo hướng này, cần phải có sự chỉ đạo quyết liệt từ người đứng đầu cơ quan thanh tra trong xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra hàng năm; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và các chủ thể khác có liên quan trong quá trình tiến hành thanh tra; thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về kết quả của cơ quan thanh tra, của Đoàn thanh tra cho phù hợp với cách tiếp cận mới về phòng ngừa tham nhũng.
Thứ ba, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư dự án trong việc phối hợp với các cơ quan thanh tra khi thực hiện cách tiếp cận đồng thời trong phòng ngừa tham nhũng. Thành công của ICAC cũng đến từ sự hợp tác giữa các cơ quan, doanh nghiệp với ICAC trong quá trình cơ quan này thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Đó là việc họ cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu về dự án cho ICAC; phối hợp cùng đi đến thống nhất về nội dung các khuyến nghị của ICAC mà họ cần phải thực hiện trong quá trình triển khai dự án; nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị của ICAC; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện các khuyến nghị với ICAC...
Vì vậy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan cần nâng cao trách nhiệm và chủ động phối hợp với cơ quan thanh tra trong việc cung cấp thông tin, tài liệu và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được các cơ quan thanh tra kiến nghị trong quá trình thực hiện dự án cũng như thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao./.
Ths. Lê Văn Đức
Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, TTCP
Chú thích:
(*) Báo cáo của Chính phủ về tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN.